Mẹ Tuyết

Thứ ba - 10/04/2018 01:23  1793
Cưới nhau cũng đã được mười năm thế mà chưa bao giờ hai vợ chồng chị Tuyết lại hạnh phúc như ngày hôm nay. Bởi chưng suốt thời gian đó, hai vợ chồng chị sống trong cảnh tủi hờn khi không thể có cho mình một đứa con. Dù rằng hai vợ chồng đã làm mọi cách để mong có được hy vọng. Nào là thuốc đông thuốc tây. Nào là kiêng khem điều này điều kia. Nào là chạy đến nơi này nơi nọ để khấn cầu... Nói chung chưa có sự gì trên đời mà hai vợ chồng chưa làm. Ấy vậy nên khi hay tin gia đình đang có thành viên mới, hai vợ chồng chị Tuyết đã vui sướng vỡ oà trong nước mắt. Cuối cùng niềm hy vọng bấy lâu nay của anh chị cũng đã thành hiện thực.

Niềm vui ấy được thể hiện rõ trên khuôn mặt và hành động của anh Mạnh, chồng chị Tuyết. Quả thật, kể từ khi biết tin vợ mang thai, anh Mạnh suốt ngày líu lo ca hát. Anh hết chạy ra rồi chạy vào, lăng xăng như một em bé đón mẹ đi chợ về. Khuôn mặt cau có của anh ngày nào cũng tan biến nhường chỗ cho sự rạng ngời và niềm vui tươi. Gặp ai hay đến nơi đâu anh cũng khoe cho bằng được với điệp khúc “vợ tôi có thai rồi”. Có những lúc dường như miệng anh chỉ biết phát ra câu đó mà thôi. Thế nên đôi khi anh bị cho là “khùng”. Tuy nhiên, điều làm anh khoái chí nhất là những gã hàng xóm giờ đây không còn dám mở miệng ra giễu cợt anh được nữa. Và anh cũng đã có thể ngẩng cao đầu mỗi khi đi qua họ.

Còn với chị Tuyết, bao nhiêu tủi nhục với chồng, với gia đình chồng giờ cũng đã được xoá nhoà. Mọi người không còn nhìn chị với ánh mắt khinh thường nữa. Thay vào đó là một sự quan tâm, yêu thương mà chị chưa bao giờ có được. Chồng chị, anh Mạnh nâng niu chị từng tí. Anh không cho chị đụng tay vào bất cứ việc gì. Ngay cả việc giặt đồ anh cũng làm thay chị. Anh nói với chị: “Nhiệm vụ bây giờ của em là ngồi đó chăm sóc thằng cu trong bụng cho anh, cả thế giới này để anh lo.” Bố mẹ chồng và các em chồng cũng không kém. Họ quan tâm và chăm sóc chị một cách đặc biệt. Có thức gì ngon, bổ dưỡng họ đều dành cho chị. Sự quan tâm đặc biệt đó làm chị nghi ngại. Chị không biết họ thực sự yêu thương chị hay chỉ vì đứa cháu đứt tôn trong bụng mà họ lại quan tâm chị như vậy. Nhưng dù sao chị cũng cảm thấy hạnh phúc. Nhiều lần ôm bụng bầu chị nhủ thầm “Con ơi, con đã làm thay đổi cuộc đời mẹ. Con đã mang đến cho mẹ biết bao là cảm xúc và hạnh phúc. Mẹ cảm ơn con đã đến bên cuộc đời mẹ. Mẹ yêu con và mẹ mong được gặp con từng giờ từng phút. Mẹ yêu con nhiều.”

Cùng với mọi người, chị Tuyết mong ngóng, đợi chờ ngày đứa con chào đời. Trong khoảng thời gian này chị cảm nghiệm rõ thực sự thế nào là hạnh phúc. Và chị cũng hiểu rõ giá trị cao quý mà người với người mang lại cho nhau, ngay cả từ một sinh linh bé nhỏ chưa chào đời. Do đó chị trân quý những gì mình đón nhận được từ mọi người. Và chị càng quý trọng yêu thương mọi người hơn. Cảm nghiệm được những điều cao quý mà đứa con trong bụng mang lại, chị Tuyết không khỏi xót xa mỗi khi nghe tin có người trong xóm phá thai. Chị thầm nghĩ: “Người mong mà không được, người được mà không giữ. Chắc mấy người đó bị thần kinh”. Ắt hẳn chỉ những người trong hoàn cảnh của chị Tuyết mới hiểu được giá trị của thiên chức làm mẹ.

Thế là ngày “mãn nguyệt khai hoa” của chị Tuyết cũng đã tới. Trong ngày đó, dường như tất cả các anh chị em của hai vợ chồng anh chị đều tập trung tại bệnh viện. Ai ai cũng lo lắng, cầu nguyện cho hai mẹ con được bình an. Cuối cùng, mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm, vui sướng khi được bác sĩ cho hay mẹ tròn con vuông và thằng cu được gần 4 kg. Riêng anh Mạnh khi hay tin ấy xong anh khóc oà. Thật, anh khóc vì quá sung sướng. Anh khóc vì giây phút anh hằng trông ngóng đợi chờ bấy lâu nay cũng đã đến. Anh khóc vì điều ước được làm bố không còn là điều ước nữa mà nay đã thành hiện thực. Mọi người đều chúc mừng cho anh chị. Và không ai bảo ai mọi người đều đến bắt tay chúc mừng nhau. Như thế, niềm vui giờ đây không còn dành riêng của hai vợ chồng anh Mạnh chị Tuyết nữa nhưng nó đã trở thành niềm vui chung của hai bên nội ngoại.

Từ ngày có thằng cu, gia đình anh chị có thêm tiếng nói, thêm người và thêm niềm vui. Ông bà nội, ông bà ngoại suốt ngày túc trực bên nhà anh chị để chăm sóc hai mẹ con. Các bác, các cô, các dì hễ rảnh rang là sang chơi với cháu. Trước tình cảm mọi người dành cho con mình, anh Mạnh chị Tuyết quyết định đặt tên cho đứa bé là Thành Nhân, với mong muốn con mình sẽ nên người để không phụ lòng yêu thương của ông bà và các bác, các cô, các dì.

Thành Nhân bụ bẫm, lớn dần theo năm tháng khiến ai cũng thích thú ngắm nhìn. Riêng anh Mạnh suốt ngày chơi với con. Có hôm đang đi làm nhớ con quá, anh liền trốn về. Thấy chồng hạnh phúc bên con trai, chị Tuyết cũng vui lây. Kể cũng lạ, từ ngày có Thành Nhân anh Mạnh như một con người mới. Anh không còn hay cáu gắt và bực tức nữa. Thay vào đó anh hiền lành, dễ chịu với mọi người. Anh cũng yêu thương vợ nhiều hơn. Có lần anh thầm thì bên tai vợ: “Cám ơn vợ đã sinh Thành Nhân cho anh, đã cho anh được làm bố, và đặc biệt hơn đã làm anh thay đổi cuộc đời. Anh biết rằng trước đây anh đã không tốt với em. Anh đã để em cô đơn trong những đêm vắng. Anh đã chạy theo chúng bạn để em lo lắng, buồn phiền. Em hãy tha thứ những lỗi lầm trước đây cho anh nhé. Anh hứa từ giờ về sau anh sẽ dành hết cuộc đời này để yêu thương, chăm sóc em và con.” Những lời đó của anh Mạnh làm chị Tuyết không khỏi xúc động và hạnh phúc biết dường nào. Chị thầm hứa sẽ cố gắng làm cho gia đình ngày càng hạnh phúc hơn nữa.

Lúc Thành Nhân được gần một tuổi, trong làng có chương trình tiêm chủng cho trẻ em. Nhận thấy việc tiêm chủng là điều cần thiết cho sức khoẻ của Thành Nhân, ông bà nội ngoại và các bác, các cô, các dì thúc dục chị Tuyết đi lên trạm y tế xã đăng ký cho con. Chần chừ mãi chị Tuyết cũng lên đăng ký cho con. Thế nhưng đến ngày tiêm chủng chị lại có cảm giác băn khoăn, lo lắng trong lòng. Thế nên chị muốn đến đợt sau sẽ tiêm chủng cho con. Mặc dù vậy mọi người, nhất là anh Mạnh lại một mực bắt chị tiêm chủng cho Thành Nhân trong đợt này. Mọi người muốn sức khoẻ Thành Nhân phải được bảo đảm từng giờ, từng phút. Thế là chiều ngày hôm đó, chị Tuyết đưa con lên trạm y tế để tiêm chủng cho Thành Nhân. Vừa đến nơi cô y tá đã cho chị một bài: “Gớm! sao hai mẹ con không để ngày mai đến luôn một thể. Chúng tôi không phải là những đứa hầu người hạ chờ đợi hai mẹ con chị đâu nhá. Chị xem chỉ còn hai mẹ con chị nữa thôi, thế mà chúng tôi phải đợi cả tiếng đồng hồ.” Chị Tuyết thanh minh: “Em tưởng vẫn đang trong giờ làm việc nên em đưa cháu đến giờ này. Với lại hôm nay em có chút việc không đến sớm hơn được, mong chị thông cảm cho vậy.” Cô ý tá đáp lại chị Tuyết bằng một ánh mắt lườm nguýt làm chị Tuyết cảm thấy sợ hãi. Lúc cô ý tá vừa cầm xi-lanh lên để tiêm cho Thành Nhân, chị Tuyết cất lời: “Chị ơi, nhẹ tay cháu nó với!” Vẻ mặt bực tức, cô y tá đáp lại: “Tôi đâu giết con chị đâu, đưa tay nó đây.” Sau phát tiêm đó, thằng bé khóc thét lên như cái gì đó vừa táng xuống thân thể nó. Chị Tuyết thấy vậy cũng xót. Chị cố dỗ để con nín nhưng chị không thể làm sao cho thằng bé nín được. Thấy thế cô ý tá được dịp: “Thằng này khóc gì mà khóc khiếp vậy. Chắc sau này cũng không phải dạng vừa đâu.” Chị Tuyết im lặng không thèm nói lại.

Sau ngày tiêm chủng, Thành Nhân trở nên khó ăn, khó ở hơn. Nó khóc nhiều đến nỗi có lúc anh Mạnh phải bực tức, quát lớn. Nó trông cũng gầy hơn so với lúc trước. Thấy những dấu hiệu khác thường như thế, anh Mạnh chị Tuyết quyết định đưa con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán Thành Nhân bị sốc phản vệ do việc tiêm chủng. Hai vợ chồng nghe thấy thế lo lắng đến tột cùng. Anh chị cố chạy khắp mọi nơi để chữa trị cho con, thế nhưng tới đâu anh chị cũng đều nhận được cái lắc đầu. Bệnh tình của Thành Nhân không những không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn nặng hơn. Chân tay của Thành Nhân teo quắp lại. Nhìn thấy đứa con bé bỏng tội nghiệp đang vật lộn với đau đớn, hai vợ chồng và mọi người không khỏi xót xa. Chị Tuyết cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng chứ chị không thể làm được gì hơn để giúp con. Ngồi bên đứa con tội nghiệp, chị nói trong nước mắt: “Con ơi! Mẹ có lỗi với con quá. Mẹ không thể làm gì để giúp con vơi đi nỗi đau trong giờ này. Mẹ ước gì mẹ có thể gánh hết tất cả bệnh tật, nỗi đau cho con.” Cũng từ ngày Thành Nhân bị bệnh, anh Mạnh trở nên buồn chán. Suốt ngày anh chỉ biết thở ra rồi lại thở vào nhìn con. Gia đình chị Tuyết giờ đây trở nên ngột ngạt, ảm đảm và buồn chán.

Mấy tháng trời trôi qua, bệnh tình của Thành Nhân vẫn vậy. Chân tay vẫn cứ co quắp. Và dường như mọi người bên nội không còn hay sang thăm Thành Nhân như xưa nữa. Ông bà nội đôi khi cũng thở than: “Được thằng cháu đứt tôn, thế mà…haiza.” Các cô thì không thèm nhìn mặt chị Tuyết, cứ như Thành Nhân đến nông nỗi này là do chị hết. Biết vậy nhưng chị Tuyết cũng không nói gì. Chị âm thầm chăm sóc con. Với anh Mạnh, những lời nói xưa mà anh dành cho chị giờ đây cũng tan thành mây khói. Anh không những không đỡ đần chị trong việc chăm sóc con cái và gia đình mà anh còn nhậu nhẹt, say sưa suốt ngày. Có nhiều lúc anh bỏ nhà đi suốt mấy ngày liền. Dường như anh Mạnh đang cảm thấy chán nản, thất vọng với những gì đang xảy ra trong gia đình mình. Chị Tuyết không dám nặng lời với anh. Chị nhẹ nhàng khuyên anh, mong anh quan tâm gia đình nhiều hơn. Anh đáp lại chị bằng một sự phũ phàng: “Tôi đã chán ngấy cảnh này lắm rồi. Tôi thực sự không muốn chứng kiến cảnh này nữa. Cô thử nghĩ xem làm sao tôi có thể nói chuyện với bạn bè, làm sao tôi trả hiếu cho bố mẹ tôi đây!”

“Anh nói gì kỳ vậy. Dù thế nào đi nữa thì Thành Nhân vẫn là con của anh mà.” Chị trả lời.
“Đúng, Thành Nhân là con của tôi. Nhưng tôi muốn một đứa con lành mạnh. Cô cho tôi được không?”

Chị Tuyết chỉ biết khóc khi nghe những lời đó của chồng.

Anh Mạnh nói tiếp: “Nếu cô không thể sinh cho tôi một đứa con thì tốt nhất chúng ta nên chia tay. Cô nên đi khỏi đây.”

Chị Tuyết nghẹn ngào trước những lời đó của anh Mạnh: “Anh Mạnh, sao anh lại nói thế với em. Anh nói sẽ yêu thương em và con, anh hứa sẽ bảo vệ mẹ con em mà. Tại sao gia đình mới chỉ trải qua giông bão một tí mà anh đã bỏ rơi hai mẹ con em!”

“Tôi không muốn nghe điều gì nữa hết.” Anh Mạnh phũ phàng nói.

Chị Tuyết không ngờ trong giờ phút này anh ấy vẫn có thể nói được những lời đó. Chị khóc. Chị khóc cho số phận bạc bẽo của mình. Chị khóc cho số phận tội nghiệp của đứa con. Chị đem những lời của chồng nói cho các cô, em của chồng nghe để mong nhận được sự cảm thông. Tuy nhiên, sự cảm thông chị không nhận được, chị lại còn bị các cô a dua vào mắng nhiếc thậm tệ. Họ bắt chị và Thành Nhân phải đi nơi khác, chứ không được sống trong ngôi nhà đó. Chị như đổ sụp khi nghe những điều đó. Chị không ngờ những người trước đây vẫn từng yêu thương, quan tâm chị giờ lại là những người giơ gót đạp chị.

Trước những áp lực mà chồng và gia đình chồng tạo ra, chị Tuyết cũng đành phải ra đi. Ngày rời khỏi căn nhà đó chị ôm con thẫn thờ một hồi lâu. Chị không ngờ cuộc đời lại bạc bẽo đến thế. Chị cũng không ngờ hai mẹ con chị lại phải ra đi trong hoàn cảnh này.

Nơi nương náu an toàn nhất cho hai mẹ con chị Tuyết trong giờ phút này không đâu khác chính là nhà bố mẹ ruột của chị. Thế nhưng hai mẹ con chị cũng chỉ ở đó được mấy ngày. Chị không muốn làm phiền và làm buồn lòng bố mẹ trong tuổi già. Hơn nữa, chị cũng không muốn nhìn thấy mặt những kẻ đã đuổi hai mẹ con chị. Thế là chị Tuyết quyết định cùng con mình lên Biên Hoà theo lời giới thiệu của một người quen.

Những ngày đầu tại trung tâm chị cảm thấy buồn chán và sợ hãi. Tuy nhiên, việc nấu ăn và dọn dẹp cho các cụ già neo đơn tại đây cũng giúp chị khuây khoả. Những lời hỏi thăm và động viên của mọi người làm chị được an ủi phần nào. Hiểu được hoàn cảnh của chị, người quản lý cũng tìm mọi cách để giúp đỡ chị. Họ khuyên chị nên đưa Thành Nhân tới cơ sở khám chữa bệnh miễn phí gần đó để điều trị cho cháu. Họ cũng giảm bớt một số công việc để chị có thời gian dành cho Thành Nhân. Sau những chuyện đã xảy ra, Chị Tuyết không ngờ vẫn còn nhiều người tốt ở bên chị. Và chị cảm thấy được rằng người hằng nói lời yêu thương, quan tâm đến mình chưa hẳn là người tốt nhất với mình, và người xa lạ với mình chưa hẳn là người không yêu thương mình.

Những ngày tại trung tâm Biên Hoà này, chị Tuyết tìm mọi cách dạy nói cho Thành Nhân. Chị bập bẹ từng tiếng một để Thành Nhân học theo. “Mẹ…Mẹ…Mẹ…gọi mẹ đi con. Con nói theo mẹ nhé Thành Nhân ‘Mẹ…Mẹ…Mẹ Tuyết’”. Thế nhưng đáp lại những lời đó chỉ là ánh mắt không biểu cảm của Thành Nhân. Có những hôm chị buồn, chị khóc vì chị muốn được lắng nghe một tiếng mẹ từ đứa con của mình mà không thể. Những lúc này chị thấy cuộc đời thật trớ trêu, dù đã được làm mẹ nhưng vẫn không thể nghe được tiếng gọi mẹ. Tuy thế vì tình yêu dành cho con nên chị vẫn không nản chí.

Nhiều người trong trung tâm khuyên chị nên đến cầu khẩn với tượng ông thánh Mactinô đặt ngoài sân để ông chữa lành cho Thành Nhân. Họ kể cho chị nhiều việc lạ mà ông đã làm cho một số người. Tuy nhiên, chị không tin và thực sự chị cũng không biết ông thánh Mactinô là ông nào, vì chị đâu biết gì về đạo. Thế nhưng những lúc thất vọng và buồn nản chị cũng đứng dưới tượng thầm thì: “Ông biết số phận của con tôi rồi đấy. Nó thật tội nghiệp và đáng thương phải không? Vậy xin ông hãy chữa lành cho nó hay chí ít thì ông hãy làm cho nó gọi tôi bằng một tiếng mẹ đi. Tôi khát khao điều đó lắm. Tôi thật lòng xin ông đấy.”

Thành Nhân vẫn vậy và chị Tuyết vẫn tiếp tục chăm sóc và dạy nói cho con mình. Chị vẫn kiên nhẫn bập bẹ từng tiếng để Thành Nhân bắt chước “Con nói theo mẹ nhé: Mẹ…Mẹ…Mẹ Tuyết…Mẹ Tuyết...Mẹ ơi”. Thành Nhân vẫn không phản ứng gì. Thế nhưng, sau một thời gian, lúc chị đang chuẩn bị đồ ăn cho các cụ thì bất ngờ chị nghe thấy tiếng gọi “Mẹ”. Nhìn trước nhìn sau, chị vẫn không thấy ai. Chị đi tìm xem ai đang gọi mà tiếng “Mẹ” vẫn cứ phát ra. Chị như ngất đi khi thấy tiếng đó phát ra từ Thành Nhân. Chị ôm chầm lấy Thành Nhân và nói: “Gọi mẹ tiếp đi con. Gọi mẹ đi Thành Nhân”. “Mẹ…Mẹ…Mẹ” Thành Nhân gọi. Chị Tuyết sung sướng bế Thành Nhân chạy khắp để khoe với mọi người. Cứ tưởng niềm hạnh phúc đã chết trong con người chị Tuyết lâu lắm rồi thế mà hôm nay nó lại được hồi sinh bởi Thành Nhân. Thế là rảnh lúc nào chị cũng bắt Thành Nhân gọi “mẹ” để chị nghe. Tiếng nói của thằng bé vẫn chưa tròn môi: “Mẹ…Mẹ uyết…Mẹ uyết”.

Từ ngày đó trở đi chị Tuyết vui hẳn lên, dù rằng bệnh tình của Thành Nhân vẫn vậy. Như thế mới biết chị có niềm khao khát lớn lao đến dường nào khi chỉ cần được nghe tiếng mẹ từ đứa con ruột thịt của mình.

Bỗng nhiên có một hôm Thành Nhân gọi “mẹ” liên tục: “Mẹ…Mẹ uyết…Mẹ uyết”. Chị Tuyết chạy đến nhìn con và Thành Nhân cũng nhìn chị Tuyết. Hai mẹ con nhìn nhau không chớp mắt. “Mẹ uyết…Mẹ Tuyết…Mẹ Tuyết ơi” Thành Nhân gọi. Cảm nhận điều chẳng lành đang xảy đến với con như chị đã từng cảm nhận trước đây, chị ôm con vào lòng và nói “Mẹ đây con. Mẹ đây con. Con đừng làm mẹ sợ nhé. Mẹ yêu con, Thành Nhân”. Nói xong câu đó chị cảm thấy Thành Nhân lạnh dần và mắt cũng lịm dần. Chị lay mạnh Thành Nhân và gọi to “Con ơi! Thành Nhân ơi! Mở mắt ra nhìn mẹ đi con. Gọi mẹ đi con, Thành Nhân”. Thế nhưng Thành Nhân vẫn nằm im bất động, mắt không mở và miệng cũng không gọi “Mẹ Tuyết” như trước đây. Chị Tuyết gào thét. Thành Nhân vẫn nằm bất động ở đó không một cử chỉ hay một lời nói để đáp lại tiếng gào thét của chị. Thế là Thành Nhân đã vĩnh viễn ra khỏi thế gian này, vĩnh viễn rời xa vòng tay ấm áp của người mẹ. Chị Tuyết gục xuống bên Thành Nhân. Chị quỳ xuống đó như muốn xin lỗi Thành Nhân vì đã bất lực không thể làm được gì cho Thành Nhân.

Cầm tấm hình Thành Nhân trên tay, chị Tuyết nhớ đến con mình. Chị nhớ lúc Thành Nhân vừa mới được sinh ra, lúc Thành Nhân được ông bà, chú, bác, cô, dì bồng bế cưng chiều. Chị cũng nhớ đến lúc Thành Nhân gọi tiếng mẹ đầu tiên. Những kỷ niệm đó cứ ùa về bên chị. Mang những kỷ niệm đó, chị đến dưới tượng thánh Mactinô thầm thì: “Giờ đây con biết rằng Thành Nhân sẽ vĩnh viễn không còn bên con nữa. Con không xin ông giúp con để Thành Nhân trở về với con. Con cũng không xin ông đòi lại công bằng cho con và Thành Nhân. Con chỉ xin ông giúp con có nghị lực để tiếp tục sống chuỗi ngày còn lại. Con cũng xin ông giúp con biết thứ tha và quên đi những chuyện trong quá khứ.”
 
Antôn Hoàng Văn Phúc, OP
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập346
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm308
  • Hôm nay21,795
  • Tháng hiện tại999,182
  • Tổng lượt truy cập79,002,633
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây