Giáo hội luôn muốn điều tốt nhất cho các gia đình trẻ

Thứ hai - 21/05/2018 22:58  1729
Lm. Giuse Vũ Đình Lâm

Có thể nói gia đình trẻ ngày nay đang gặp rất nhiều khủng hoảng. Tình trạng sống chung không hôn nhân, ngừa thai, ly thân, ly dị ngày càng nhiều và trở thành hiện tượng khá phổ biến. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Ngày nay gia đình đang bị xem thường và đối xử tồi tệ”. Việc gia tăng các gia đình ly hôn và đổ vỡ là dấu hiệu cho thấy tình trạng rạn nứt trong gia đình đang ngày một gia tăng. Phá thai và những nỗ lực nhằm thao túng sự sống con người đang là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Não trạng ngừa thai đang xói mòn tình yêu hôn nhân chân thật. Các giá trị từng làm nền tảng cho gia đình đang bị biến mất tới mức báo động. Nhiều gia đình trẻ bị lạc lõng trong đời sống đức tin… Trước thực trạng đó, “Nhịp cầu đối thoại” lần này xin cùng quí độc giả tìm hiểu việc đồng hành cùng các gia đình trẻ qua cuộc gặp gỡ, trao đổi với cha Giuse Vũ Đình Lâm – Phụ trách đào tạo nhân bản tại Đại Chủng Viện và đang đồng hành với một số nhóm gia đình trẻ xa quê…

 
IMG 20171120 205312

RK: Xin kính chào Cha, xin cảm ơn Cha đã dành thời gian trao đổi cùng Ra khơi.

1/ Thưa Cha, được biết Cha đang đồng hành và linh hướng cho nhiều nhóm - hội gia đình trẻ xa quê. Xin Cha cho biết những khó khăn mà các gia đình trẻ hiện nay gặp phải và đâu là những thao thức khiến Cha lập ra Hội Gia đình trẻ và kinh nghiệm mà Cha đang đồng hành cùng họ?

Cảm ơn Thầy, khó khăn mà các gia đình trẻ đang phải đối mặt hôm nay là họ chưa cảm nhận rõ giá trị Đức tin mà họ đang có, thiếu định hướng cho đời sống gia đình, hầu như các gia đình trẻ chỉ tập trung vào làm ăn kinh tế. Một số gia đình trẻ Công giáo tạm thỏa hiệp về Đức tin để chạy theo công ăn việc làm vì lợi ích kinh tế. Nhiều gia đình tan vỡ, đời sống Đức tin xuống cấp trầm trọng, giá trị đạo đức bị xói mòn, con cái bơ vơ rất đáng thương… Từ những thao thức đó, thao thức từ năm 2010, mình bắt đầu tìm kiếm một vài gia đình quen biết thao thức muốn xây dựng, thành lập một nhóm đồng hương, để giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người quá lo lắng về kinh tế, nên tình đồng hương bị ảnh hưởng, thậm chí họ ngại gặp đồng hương vì họ sợ bị lộ phương thức làm ăn kinh tế ảnh hưởng đến đời sống Đức tin, đến tất cả những mối tương quan trong cuộc sống.

Vì thế, bước đầu tôi xây dựng tình đồng hương cho họ, nhằm nối lại các mối tương quan, giúp họ chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống: có vui chia vui, có buồn sẻ buồn… Từ đó, kết quả là những người tân tòng dần dần tìm được điểm tựa Đức tin từ những người vợ hay chồng gốc Công giáo.

Khi đã giúp họ tạo được mối tương quan và nhận ra ý nghĩa của mối tương quan đó, chúng tôi đi xa hơn là thành lập ban điều hành hội, tổ chức ngày Lễ Quan thầy, ngày gặp mặt truyền thống. Chúng tôi đã chọn ngày gặp mặt vào tháng các linh hồn vì đây là cơ hội nhắc nhớ mọi người về chữ hiếu, điều mà ai cũng sẵn sàng đón nhận. Thường các gia đình trẻ ít có thời gian về thắp hương cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, nhưng tháng các linh hồn luôn là thời gian thuận tiện để họ qui tụ.

Ngoài ra, để đời sống được cân bằng, họ cần có một ngày họp mặt khác vào Mùa Chay, để họ tĩnh tâm, lắng đọng tâm hồn, tìm và nhận ra được điểm tựa đích thực… Vào dịp hè, ta nên tổ chức cho các gia đình trẻ đi picnic  để tạo sự cân bằng giữa Đức tin và cuộc sống thường ngày. Từ đó trở đi, một  hội có sự liên đới gắn kết được thành lập để các thành viên nhận ra vai trò của người cha, người mẹ, người chồng, người vợ… giúp xây dựng nền tảng gia đình theo ý hướng của Chúa và Giáo Hội.

2/ Thưa Cha, Hội Gia đình trẻ mà Cha đang đồng hành đã đạt được những kết quả nào? Đâu là hướng đi cho việc mục vụ các gia đình trẻ?

Hiện nay, Hội Gia đình trẻ xa quê đang mở rộng, nhiều hội tới 30 gia đình. Các hội đã hình thành cơ cấu tổ chức, lập quỹ trợ giúp quê hương làm bác ái trong mùa Chay và lễ Giáng sinh. Việc đồng hành cùng Hội đã giúp các gia đình sống có trách nhiệm hơn đối với nhau và cả giáo xứ. Qua những buổi gặp mặt, nhiều hình ảnh đẹp còn lưu lại: có cặp vợ chồng hiếm khi cầm tay nhau hát, nhưng qua những buổi gặp mặt, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, họ đã cầm tay nhau cùng hát… Đó cũng là cơ hội để cho các gia đình trẻ hun đúc tình cảm nồng thắm ban đầu, giúp họ cảm nhận được sự quan tâm, không bị bỏ rơi giữa một xã hội có quá nhiều thách đố, cạm bẫy và mệt mỏi… Hội gia đình trẻ đã giúp nhiều gia đình có công ăn việc làm qua việc liên kết sản xuất, trao đổi kinh nghiệm công việc. Chính hội gia đình trẻ đã nâng đỡ hội Học sinh Sinh viên rất nhiều bằng việc chia sẻ kinh nghiệm sống và tìm việc làm cho sinh viên mới ra trường… Nhiều gia đình trẻ trong hội hằng năm chi 20 suốt học bổng cho các em học sinh, sinh viên nghèo. Hai hội đã gắn kết với nhau với nhiều triển vọng tốt đẹp trong đời sống Đức tin: các cha mẹ Công giáo biết nhau, các con em Công giáo cũng biết nhau…

Về hướng mục vụ cho các gia đình trẻ: Các gia đình trẻ chính là tương lai của giáo xứ, giáo phận, Giáo hội. Các cha xứ luôn hướng tới những gì tốt nhất cho họ. Tương lai của giáo xứ phụ thuộc vào các gia đình trẻ rất nhiều. Với các gia đình trẻ có cùng niềm tin, việc đào sâu Đức tin cho họ qua những buổi gặp mặt, nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm sống rất cần thiết. Với các gia đình tân tòng, việc đồng hành với họ cần thiết hơn và phải được quan tâm hơn bởi vì Đức tin của họ mới ở giai đoạn sơ khởi, dễ bị chao đảo khi gặp khó khăn thử thách. Nên tổ chức các buổi gặp gỡ để bồi dưỡng Đức tin cho họ, lập ra những nhóm gồm chính những gia đình trẻ để họ thăm hỏi và tự nâng đỡ nhau trong đời sống cộng đoàn.

Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, chúng ta cần tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như của giáo phận một cách cụ thể. Giáo phận và giáo xứ cần hình thành một chương trình mục vụ tiền và hậu hôn nhân thống nhất và xuyên suốt, nhằm giúp các gia đình thăng tiến đời sống cầu nguyện, tăng trưởng tình yêu hợp nhất và chung thủy, ươm mầm ơn gọi, chung tay giáo dục con cái trong sự thánh thiện và bền vững của Bí tích Hôn nhân.

3/ Được biết Cha đã “hàn gắn” nhiều gia đình trẻ đang trong cảnh chia ly. Xin cha chia sẻ kinh nghiệm trong việc giúp đỡ họ?

Vấn đề hàn gắn các gia đình trẻ bên bờ vực tan vỡ cần được xác tín hơn. Trước hết, xuất phát từ thao thức của chính trái tim người Mục tử luôn mong những gì tốt nhất cho đoàn chiên. Khi biết một gia đình trong tình trạng rạn nứt, bước đầu người tư vấn cần tiếp cận cách khôn khéo từng phía, phải tìm hiểu nguyên nhân trước qua chính những người thân quen của đương sự. Sau đó khơi lại giao ước hôn nhân họ lãnh nhận ban đầu. Bước tiếp theo, ta nên nói đến tương lại con csid mà họ sinh ra, những hậu quả khôn cùng mà chúng có thể gặp phải khi cha mẹ ly dị. Tiếp đến, ta thông tri cho hai bên biết bằng sự trao đổi chân thành để tìm sự cảm thông. Bao giờ cũng phải đi từ sự cảm thông tha thứ trước, rồi tìm tiếng nói chung giữa họ. Cuối cùng là sự đồng hành của người linh hướng (người giúp họ), không bỏ họ mà luôn nuôi dưỡng vun trồng, động viên thăm hỏi họ bằng sự khôn khéo của mình.

 
IMG 20171120 205401

4/ Thưa Cha, trong trường hợp có những người chồng/vợ bỏ đi không hồi âm (không liên lạc được) thì chúng ta giúp họ bằng cách nào?

Thực tế có rất nhiều trường hợp như vậy, gồm cả người gốc Công giáo và người tân tòng. Đây là vấn đề thực sự khó khăn. Trường hợp không thể liên lạc được, ta nên có một nhóm người đồng hành gồm những người thân của đương sự. Khi không tiếp cận trao đổi trực tiếp được, ta phải qua trung gian những người thân, bạn bè, gia đình của họ… Trong mọi trường hợp, tiếp cận cách khôn ngoan làm sao cho họ thấy được Chúa và Giáo Hội luôn muốn điều tốt nhất cho họ. Do đó, những người trung gian có cùng thao thức sẽ giúp ta rất đắc lực trong vấn đề này.

5/ Vậy làm thế nào để qui tụ được họ, trong khi các gia đình trẻ rất bận cho làm ăn kinh tế?

Đây là vấn đề khó khăn trong mục vụ gia đình trẻ. Trước hết, chúng ta phải cảm thông với họ về những gánh nặng, những lo toan mà các gia đình trẻ ngày nay đang gặp phải. Chúng ta phải tìm những người có cùng thao thức muốn đồng hành với các gia đình trẻ. Sau đó, chúng ta nên tiếp cận mục vụ, giúp họ thành lập các nhóm cụ thể, để họ có thể chia sẻ, trao đổi, giúp đỡ nhau… Hiện nay, các giáo phận đều có ban mục vụ di dân, chúng ta nên cộng tác với Ban di dân để giúp đỡ các gia đình trẻ xa quê trong đời sống Đức tin. Chúng ta giới thiệu họ tham gia vào Hội Đồng Hương, Hội Gia đình trẻ xa quê… Chúng ta cũng nên cố gắng liên kết với Cha xứ, Cha đặc trách ban mục vụ di dân trong Giáo phận hoặc liên Giáo phận để cho các gia đình thấy được sự quan tâm của các vị mục tử và nhận thấy chính họ không bị lạc lõng hay bị bỏ rơi trong một xã hội với nhiều thách đố. Trên thực tế, nhiều gia đình trẻ làm ăn kinh tế rất khá, nên việc tổ chức qui tụ du lịch hành hương vào các dịp lễ tết hay ngày nghỉ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trong những dịp này, người đồng hành luôn nhắc nhớ cho họ về giao ước hôn nhân mà họ đã cam kết với nhau… điều này rất cần thiết để họ biết đâu mới là mục đích và ý nghĩa của đời sống hôn nhân Công giáo.

6/ Xin Cha chia sẻ với độc giả thêm một vấn đề nữa: Cha có nhận định gì về ơn gọi thánh hiến từ các gia đình trẻ và đâu là thao thức của Cha cho vấn đề ơn gọi từ các gia đình này?

Thực tế, Ơn gọi thánh hiến từ các gia đình trẻ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Do bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, khá nhiều gia đình trẻ ngại cho con cái mình sống đời tu trì. Có thể họ chưa nhận ra ý nghĩa cao đẹp của đời sống thánh hiến. Cho nên, rất nhiều gia đình trẻ chưa có quan tâm khơi lên cho con cái mình ước vọng sống đời dâng hiến. Trong khi đa số các gia đình trẻ chỉ có 2-3 con, với não trạng ngại hi sinh, ngại từ bỏ, họ chưa nhận ra nét đẹp trong đời sống thánh hiến. Để khích lệ được Ơn gọi, cần phải làm sao cho các gia đình trẻ trân quý, tôn trọng và tin tưởng vào những người sống đời tu trì. Một khi họ chưa tin tưởng hay thiếu sự tôn trọng đối với những người sống đời thánh hiến, thì việc động viên khích lệ con cái họ đi tu là rất khó. Việc hướng dẫn, động viên các cha mẹ cầu nguyện, định hướng cho con cái họ dâng mình cho Chúa sẽ là động lực thúc đẩy “hạt giống Ơn gọi”. Nghĩa là chúng ta phải gieo mầm Ơn gọi, để cho Giáo Hội tưới và Thiên Chúa sẽ làm cho lớn lên. Vì thế, việc đồng hành, giáo dục, hướng dẫn và giúp đỡ các gia đình trẻ là việc mục vụ rất thiết thực của mọi thành phần dân Chúa (x. Familiaris Consortio, số 73-76).

RK: Xin chân thành cảm ơn Cha
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập457
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm416
  • Hôm nay43,647
  • Tháng hiện tại904,008
  • Tổng lượt truy cập78,907,459
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây