Chào các bạn, tôi tên là Anna Vũ, năm nay tôi 28 tuổi. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo có đông anh chị em tại một vùng quê hẻo lánh. Năm tôi học hết lớp 9, vì gia đình không có tiền để tôi tiếp tục theo học tiếp, tôi đã đi vào miền Nam lập nghiệp. Công việc đầu tiên của tôi là đi làm cho một xưởng gỗ, rồi phụ bán cà phê cho người chị gái… Vào một ngày, chị tôi mang bầu sắp sinh, chị tôi phải về quê, từ đó tôi phải ra ngoài thuê trọ. Cuộc sống của tôi bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn. Tôi vẫn tiếp tục đi làm ở xưởng gỗ, phụ giúp việc nhà, rửa bát, lau dọn…
Thời gian thấm thoát trôi, tôi nghĩ rằng mình phải có cái nghề không thể đi làm công nhân mãi thế này được và tôi bắt đầu đi học lớp trung cấp hệ ba năm. Sống một mình tôi được tự do thoải mái, vì vậy những mối quan hệ của mình cũng dần trở nên dễ dãi hơn. Những tiếng yêu đầu đời bắt đầu lúc tôi học năm thứ hai trung cấp, đó là một anh làm việc trong ngành công an. Tôi là một người theo đạo Công giáo vì thế hai gia đình ngăn cản, nên chúng tôi đã chia tay. Sau đó, tôi cũng yêu một vài người nữa nhưng cũng chẳng đi đến đâu, bởi tình yêu sinh viên mau đến và cũng mau qua. Cho đến một ngày, trường tôi tổ chức đi dã ngoại, chính chuyến đi này tôi đã gặp được anh. Phải nói chuyến đi dài ngày cũng rất nhiều cám dỗ, khi từng nhóm căng lều ngủ chung, khi thì ăn uống nhảy múa tới khuya, niềm vui cộng với men tình, kèm theo sự nồng say của rượu dễ làm người ta ngây ngất. Tôi quen anh chóng vánh và khi vượt qua giới hạn tôi đã có bầu. Lúc này anh đang bị tai nạn phải nằm viện. Khi biết mình mang thai tôi đã có ý định sẽ phá bỏ đứa bé và chia tay anh. Thời gian này tôi rất khó khăn, nếu giữ đứa bé trong bụng, tôi không dám về quê, không biết phải nói với bố mẹ tôi như thế nào đây? Nếu cứ để, làm sao có thể học tiếp được. Nghỉ học rồi cưới nhau ư? Không thể được vì anh ta cũng là người ngoại giáo, bố mẹ tôi không chấp nhận. Tôi đã khóc rất nhiều, tôi biết chỉ vì những giây phút mềm lòng không đủ tỉnh táo nên tôi đã rơi vào hoàn cảnh này. Tôi như một đứa thất thần, cảm giác bị mất mát quá lớn và có điều gì đó đang đè lên cuộc đời tôi. Tôi đã gọi điện cho những người thân của tôi, chỉ nói là có cô bạn không may đi quá giới hạn nên có bầu, anh người yêu không liên lạc được, giờ không biết phải làm sao? Với bố mẹ tôi thì nói luôn, còn mày đó, xảy ra như thế đừng vác mặt về nhà. Với các bạn bè ngoại giáo, câu trả lời rất nhanh: Ôi dào, có gì mà lo lắng, bỏ đi là xong, đỡ vướng bận. Với một nữ tu thì: Con khuyên bạn con đừng phá thai, cứ về chỗ sơ sinh, sơ sẽ nuôi. Với một vị: Lúc chúng nó sướng sao lúc đó không nghĩ đến hậu quả này, giờ kêu ai? Với một thầy tu: Tìm cách liên lạc, thông báo cho bạn trai cô ta biết, đừng có phá thai, nào là tội ngập đầu, muôn đời khổ cực và day dứt, sự ám ảnh bởi hành động giết người, rồi vạ tuyệt thông tiền kết…Tôi lúc này như một con rối, chẳng biết nghe ai nữa, thực sự tôi rất mệt mỏi chỉ muốn có một giấc ngủ thật dài.
Cuối cùng, chuyện cũng không giấu giếm được, em gái tôi biết và đã kể với mẹ tôi. Khi biết chuyện này, bố mẹ tôi buồn lắm. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều, bao nhiêu hy vọng vào tôi, bao nhiêu giành dụm lo cho tôi ăn học, nay đổ bể. Các chị tôi, bố tôi đay nghiến chì chiết tôi, nhưng tôi biết làm sao được, nước mắt rơi mà chẳng thốt ra câu nào, vì tôi biết đó là lỗi của tôi. Khi bạn tôi báo cho anh ta biết tôi có bầu bé trai, gia đình anh ta đã đến nhà tôi xin làm lễ cưới. Tôi biết, có lẽ chỉ vì thằng bé, nên họ làm thế, anh ta yêu đương gì nơi tôi, khi sự việc xảy ra anh ta biệt tăm, chẳng đoái hoài gì đến tôi. Vì quan điểm đạo ai người đó giữ nên cha xứ đã không chứng hôn cho cuộc hôn nhân này. Tất nhiên lúc cưới, gia đình tôi không tham dự buổi tiệc. Tôi đã cảm thấy tủi thân biết chừng nào nhưng phải chấp nhận. Câu nói an ủi tôi nhất từ cha xứ đối với tôi lúc đó là: “Vì theo luật Giáo Hội, cha không thể làm Phép cưới cho con, nhưng cha sẽ cầu nguyện cho con. Hãy nhớ mình là người Công Giáo, Chúa không bao giờ bỏ con, hãy làm một người mẹ tốt nhé!”.
Bất đồng quan điểm trong đời sống vợ chồng khiến chúng tôi cãi nhau nhiều hơn. Cả việc tôi đi lễ anh ta cũng lấy làm khó chịu. Thậm chí tôi đã không đủ can đảm tuyên xưng Đức tin của mình qua việc làm dấu khi ăn cơm với gia đình chồng, rồi văn hóa khác nhau... Tôi chẳng biết gì về việc cúng bái, tôi chẳng thể nấu một bữa cơm để làm giỗ theo phong tục của người lương dân. Quan điểm của gia đình chồng là muốn tôi lấy chồng phải theo chồng từ bỏ ý định đi lễ, giữ đạo... còn gia đình tôi lại luôn mong tôi phải siêng năng cầu nguyện cho chồng tôi trở lại đạo. Khổ nhất là việc cùng mẹ chồng vào chùa cúng, mẹ chồng tôi nói đây là phong tục gia tiên nhà chồng, con phải theo. Tôi chẳng biết cúng vái như thế nào, cũng chẳng quen vì từ nhỏ vào nhà thờ là tôi làm dấu đọc kinh. Thấy tôi miễn cưỡng bà khó chịu ra mặt. Khi ở nhà chồng, có những lúc tôi nghe tiếng chuông ở nhà thờ ngân lên, trong lòng tôi nhắc nhở đã đến giờ đi lễ, nhưng tôi lại không dám mở miệng để xin phép nhà chồng cho tôi đi vì họ không muốn.
Tôi là một kẻ ngang bướng thích tự do, nhưng khi kết hôn rồi tôi lại thấy có sự ràng buộc. Mỗi lần vợ chồng tôi có khúc mắc gì tôi lại là người muốn từ bỏ muốn ly dị. Thật sự có lúc tôi thấy mình bế tắc, và luôn tự trách mình. Có lúc tôi thấy hôn nhân như địa ngục và muốn tự giải thoát mình, rồi tôi lại nhớ đến Chúa, tôi đọc kinh và cầu nguyện xin Chúa giúp. Kỳ thực mà nói, lúc đầu tôi không muốn kết hôn, bây giờ hôn nhân không hạnh phúc thế này tôi chỉ muốn từ bỏ và sống một mình với con. Nhưng mẹ tôi lại khuyên tôi phải nhẫn nhịn và sống cuộc sống khiêm nhường như mẹ Maria. Tôi thấy thật khó để làm việc đó. Tôi như một kẻ tội lỗi, mỗi lần như vậy tôi muốn đến nhà thờ để tâm hồn mình được bình an, thanh thản. Đôi khi tôi muốn buông mình mặc cho dòng đời, kệ tất cả, muốn ra sao thì ra, nhưng câu nói của cha xứ vẫn vang lên trong tôi: “Cha sẽ cầu nguyện cho con. Hãy nhớ mình là người Công Giáo, Chúa không bao giờ bỏ con, hãy làm một người mẹ tốt nhé”. Chính nhờ câu nói này, trước khi về nhà chồng làm dâu, tôi thấy mình được an ủi nhiều, tôi phải làm mẹ và cố gắng sống tốt. Thực sự không ai muốn điều xấu, ai cũng thích điều tốt đẹp, ai cũng muốn ngày cưới được cha xứ, ông bà, bố mẹ, dòng họ chúc phúc, nhưng tôi đã không được điều đó.Tôi không thể cùng với bạn trai đến nhà thờ để nói lên lời thề hứa trước Thiên Chúa và mọi người, tôi chỉ có thể cam kết bằng ngòi bút ký vào đơn kết hôn cách tẻ nhạt. Trong khi bụng tôi mang bầu, bố và các chị đay nghiến tôi, họ quá thất vọng về tôi… Tôi chỉ biết khóc, khóc trong tim, đau lắm, biết sao được!
Thời gian đầu, tôi không thể hội nhập được, mỗi đêm tôi vẫn cầu nguyện với Mẹ Maria. Lời cha xứ nhắc: “Hãy nhớ mình là người Công Giáo, hãy là người mẹ tốt, cha sẽ cầu nguyện cho con” vẫn vang trong tôi. Từ đó, tôi vui vẻ chấp nhận cuộc sống hiện tại, mẹ tôi muốn tôi sống tốt để kéo chồng tôi theo đạo. Khi con tôi được 2 tuổi, thì bố chồng tôi bị tai nạn, mẹ chồng ốm, tôi vừa chăm con, vừa phục vụ hai ông bà. Trong khi chồng tôi đi lao động nước ngoài, tôi đã đứng ra lo chữa trị, thuốc thang cho bố mẹ chồng. Bố mẹ đẻ tôi, hàng tuần vẫn bắt xe lên thăm hỏi tình hình bệnh tật của ông bà. Dần dần, hai gia hiểu nhau hơn và tình cảm cũng vì thế trở nên nồng thắm. Sau biến cố đó, mẹ chồng tôi hỏi tôi nhiều hơn về đạo, có lần bà đã giục tôi đi lễ: “Con đi cầu Chúa của con cho bố mẹ đi!” Tôi rất bất ngờ, gần như òa khóc. Tôi khóc không phải vì được đi lễ, mà vì Mẹ Maria đã nhậm lời tôi. Tôi chỉ ước mong một ngày nào đó, chồng tôi sẽ theo đạo, khi ấy chúng tôi cùng nhau đưa con cái đến nhà thờ, cùng cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ. Một ước mơ đơn giản, nhưng không biết bao giờ mới thành hiện thực?
Đến đây, tôi cũng mong muốn ở nơi giáo xứ tôi ở, các cha sẽ có việc làm cụ thể hơn để giúp các gia đình trẻ khô khan nguội lạnh như chúng tôi. Ví dụ: thành lập hội Legio đi thăm hỏi động viên các gia đình, nhất là các gia đình khô khan nguội lạnh. Tôi cũng cảm ơn cha xứ của tôi: “Con cảm ơn cha, dù cha không thể làm phép cưới cho con, nhưng những lời động viên an ủi của cha đã giúp con thêm niềm hy vọng, niềm tin vào cuộc sống, con sẽ cố gắng sống tốt cha ạ”. Anna Vũ
ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra Khơi, số 18 tháng Năm 2018, tr. 23-27