Trong thời buổi phát triển của nền kinh tế thị trường, những giá trị của gia đình truyền thống dường như đã dần mai một đi ít nhiều. Thay vào đó là những đánh giá dựa trên sức mạnh của đồng tiền hay địa vị xã hội của họ. Nếu cuộc sống mà mọi người không coi trọng những giá trị đích thực của gia đình, thì sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học: “Gia đình” là tập hợp những người sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu. Một gia đình thường có cha mẹ, con cái. Còn theo định nghĩa của nhà xuất bản Từ điển Bách khoa: “Gia đình” là tất cả những người thân thuộc sống trong nhà như ông bà, bố mẹ, con cái. Phần lớn là các từ điển đều đưa ra nhận định chung là gia đình là tập hợp những người có quan hệ với nhau, như quan hệ hôn nhân, huyết tộc. Tất nhiên, một người không thể hình thành nên một gia đình được, vì thế mỗi thành viên trong mối quan hệ ấy đều là nhân tố để hình thành nên gia đình.
Gia đình đầu tiên mà có lẽ nổi tiếng nhất là gia đình của Adam và Eva. Ngay từ thuở tạo dựng, Thiên Chúa đã làm ra Adam và cho chàng làm chủ mọi loài. Tuy nhiên, Thiên Chúa thấy rằng chỉ riêng Adam sống ở đó thì chàng hơi lạc lõng và cô đơn, chỉ có mình chàng thì không thể hình thành nên một gia đình hạnh phúc được. Thiên Chúa muốn cho con người được sống hạnh phúc. Do đó, Ngài đã tạo ra Eva từ chính thân thể Adam. Chính vì thế, Adam và Eva đã trở thành gia đình đầu tiên của nhân loại. Mặc dù, gia đình này phạm tội bất tuân phục Thiên Chúa và bị đuổi ra khỏi vừa địa đàng, nhưng Thiên Chúa vẫn cho họ hưởng hạnh phúc ở bên nhau dù có phải lao động vất vả. Cũng theo Kinh Thánh, có một gia đình mà chúng ta không thể không nhắc tới là gia đình Thánh Gia, là một gia đình gương mẫu cho mọi gia đình noi theo. Với sự công chính và khiêm nhường, thánh Giuse và Mẹ Maria đã tạo ra một gia đình hạnh phúc, êm ấm hơn mọi gia đình khác. Đây cũng chính la nơi che chở cho Chúa Giêsu thời thơ ấu.
Quay trở lại gia đình người Việt Nam ngày xưa, đó là một gia đình gồm nhiều thế hệ sinh sống. Mỗi gia đình đều có lễ nghĩa, gia phong riêng mà mọi thành viên trong đại gia đình đó tự nguyện làm theo. Con cháu được ông bà, cha mẹ dạy những lễ nghĩa, sự kính trên nhường dưới ngay từ khi còn bé. Bên cạnh đó, sống trong một gia đình nhiều thế hệ, người lớn là tấm gương cho con cháu noi theo nên mọi người rất ý thức để gìn giữ những truyền thống quý báu của gia đình mình. Từ đây, nó đã hình thành nên những đại gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên đều cảm thấy tự hào về gia đình của mình.
Đối với một gia đình Việt Nam hiện nay, phần lớn mọi người đều cảm thấy nếu có nhiều gia đình sống dưới một mái nhà, thì họ cảm thấy rất gò bó và mất tự do. Từ đó, mọi người thường có xu hướng ở riêng sau khi lập gia đình. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn đánh giá sự hạnh phúc của họ không phải là con đàn cháu đống hay những lễ nghi, truyền thống gia đình…mà họ thường dựa vào của cải, vật chất bên ngoài để đánh giá. Chính vì thế, gia đình hiện đại thường xuyên bị phá vỡ bởi những nguyên nhân về kinh tế. Họ lao vào công việc của họ mà thiếu thời gian dành cho nhau. Ngay cả chính con cái, họ cũng bỏ mặc cho người giúp việc, cho những công nghệ hiện dại. Do đó, chính họ đã làm cho sợi dây liên kết gia đình ngày càng bị nới rộng ra. Thời giam để họ ngồi trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình đã trở nên quá xa xỉ đối với họ.
Trong thời đại ngày nay, chúng ta còn phải chịu rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến những giá trị của truyền thống gia đình: như sống thử trước hôn nhân, hợp đồng hôn nhân, hay tình trạng hôn nhân đồng giới. Những nguyên nhân đó phần lớn đến từ một bộ phận giới trẻ coi nhẹ hạnh phúc của một gia đình. Họ muốn thỏa mãn cá nhân, không muốn ràng buộc và đôi khi họ không muốn duy trì nòi giống. Họ dường như không lường trước được những hậu quả nguy hiểm mà mình sẽ gây ra cho xã hội. Từ những nguyên nhân trên, chúng ta dần thấy rằng, một bộ phận xã hội đang đi ngược lại với giá trị của gia đình truyền thống.
Ngày nay, chúng ta đang phải gánh chịu những hậu quả xấu từ những nguyên nhân làm mất giá trị của gia đình. Để tìm lại vẻ đẹp thật sự của gia đình, chúng ta cần phải bắt đầu từ những việc đơn giản ngay trong chính gia đình, như bữa cơm gia đình, những lời hỏi thăm nhau, kể cả những lời xin lỗi và cám ơn... Còn trong các gia đình Công Giáo, những giờ kinh gia đình là không thể thiếu để mọi người cùng quy tụ và cầu nguyện cho nhau. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải cho mọi người thấy được rằng, gia đình là tổ ấm, là nơi mà mọi thành viên cảm thấy được an toàn và hạnh phúc. Nơi đó mọi người có thể chia sẻ cho nhau những vui buồn của cuộc sống. Đó cũng là nơi mọi người đón nhận những lời an ủi động viên hay những lời khuyên quý giá về cuộc sống từ những thành viên khác trong gia đình. Định Tâm
ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra Khơi, số 18 tháng Năm 2018, tr. 136-139