“Nazarét dạy ta ý nghĩa của đời sống gia đình, về sự hòa hợp trong tình yêu thương, tính đơn sơ và vẻ đẹp chân phương, đặc tính thiêng liêng và bất khả xâm phạm của gia đình. Nazarét dạy ta giáo huấn nhận ra được từ gia đình và không thể thay thế ra sao, vai trò của gia đình không thể sánh được và quan trọng thế nào trên bình diện xã hội”.
(Giáo hoàng Phaolô VI, bài giảng tại Nazarét, 1964)
Khi nhìn vào gia đình Nazarét, chúng ta thấy đó là mẫu gương của gia đình biết lắng nghe. Một gia đình trải qua nhiều biến cố sóng gió, nhưng lại rất hạnh phúc. Sở dĩ có được điều như vậy, đó là mỗi thành viên trong Gia đình Thánh đều biết lắng nghe. Đức Maria lắng nghe bằng tất cả sự dịu dàng của người vợ, người mẹ. Chính vì biết lắng nghe nên Mẹ thấu hiểu được sự vất vả trong công việc của thánh Giuse, và những ý định của Chúa Giêsu con của Mẹ. Mẹ lắng nghe và ghi nhớ tất cả những biến cố xảy ra trong gia đình nhỏ bé của mình. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (x. Lc 2, 51). Thánh Giuse trong Tin Mừng, dường như chúng ta chẳng thấy lúc nào Ngài lên tiếng. Tuy nhiên, trong thing lặng là lúc Ngài lắng nghe để hành động. Ngài lắng nghe Đức Maria để cảm thông, chia sẻ những lo toan, vất vả khi phải chăm lo cho cuộc sống hàng ngày. Ngài lắng nghe Đức Giêsu vì Ngài biết đó là Đấng Cứu Độ của Israel, Đấng mà các thiên thần ca ngợi nơi hang Bêlem. Còn riêng đối với Đức Giêsu, dù là Con Thiên Chúa xuống thế làm người, nhưng Ngài vẫn luôn giữ bổn phẩn đạo hiếu của người con trần thế, khi vâng nghe cha mẹ mình. Cho nên, ở làng Nazarét nhỏ bé ấy, Đức Giêsu được nhiều người yêu mến và đẹp lòng Thiên Chúa: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2,52).
Gia đình Nazarét là một gia đình ngập tràn yêu thương. Nơi gia đình Nazarét, người ta thấy toát lên một sự thánh thiện của gia đình thánh, từ chỗ lắng nghe đến việc thông cảm, sẻ chia trong đời sống gia đình. Đức Maria luôn lắng nghe, chăm sóc cho tổ ấm của mình. Thánh Giuse trải qua mọi biến cố, Ngài luôn thể hiện mình là trụ cột trong gia đình. Chúa Giêsu trong bổn phận là con cái, Ngài luôn sống vâng lời cha mẹ và càng thêm tuổi càng thêm nhân đức.
Trong bối cảnh xã hội ngày nay, có rất nhiều gia đình trẻ đang trên bờ vực của sự đổ vỡ. Không tìm được tiếng nói chung, mỗi người một thế giới riêng, và đó là nguyên nhân chính của những vụ ly dị. Hệ quả của thực trạng này là có nhiều trẻ em phải sống trong cảnh thiếu cha hoặc thiếu mẹ hoặc cả hai, chúng lớn lên trong một gia đình đổ vỡ, với những vết thương về tâm lý khó có thể chữa lành. Rất nhiều trẻ em rơi vào các tệ nạn xã hội đều xuất phát từ những gia đình đổ vỡ. Vì vậy, trẻ em cần được sống trong một gia đình biết lắng nghe, cảm thông, chia sẻ để có một tương lai tốt đẹp hơn.
Gia đình Nazarét là điểm quy chiếu cho mọi gia đình Kitô giáo trên con đường nên thánh. Nơi gia đình Thánh Gia, chúng ta học được sự lắng nghe, chia sẻ, quan tâm. Trong năm Giáo hội hướng đến các gia đình trẻ, ước mong sao có nhiều gia đình, các bậc làm cha mẹ, ý thức hơn về ý nghĩa của đời sống gia đình. Để trong tình yêu thương, biết lắng nghe, cảm thông, họ xây dựng một tổ ấm hạnh phúc theo tinh thần Kitô giáo. Minh Quân
ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra Khơi, số 18 tháng Năm 2018, tr. 125-127