Hôn nhân "thời @" bởi đâu đến nỗi ?

Thứ ba - 15/05/2018 04:55  1940
Thực trạng trong xã hội ngày nay phô bày trước mắt  chúng ta một bức tranh khá ảm đảm về hôn nhân. Trong một thời đại mà các giá trị tinh thần, đạo đức bị coi nhẹ, các giá trị vật chất được tôn lên thành những mục tiêu duy nhất để ao ước, để theo đuổi, thì cũng dễ hiểu khi hôn nhân bị cuốn vào trong vòng xoáy đảo điên của thời cuộc, bị hạ thấp, thậm chí còn bị biến thành đối tượng để hứng chịu cơn giận dữ của một lớp người bất mãn, bế tắc trước một cuộc sống không hạnh phúc. Tuy nhiên, dù có bị những trào lưu thế tục gán cho rất nhiều “tiếng xấu”, hôn nhân vẫn luôn là một món quà cao trọng, một sáng kiến tốt lành của Thiên Chúa vì hạnh phúc của con người. Nhưng có một thực tế là nếu nhìn vào bức màn u ám đang phủ lên đời sống hôn nhân, thật khó để có thể giữ vững cái nhìn tin tưởng và lạc quan như vậy. Sẽ là tham vọng quá mức nếu không muốn nói là ảo tưởng, khi muốn trả lời một cách toàn diện, rốt ráo cho câu hỏi “Bởi đâu đến nỗi?”. Do vậy, trong phạm vi bài viết này, chỉ xin được đưa ra mạn đàm một vài trong số rất nhiều lý do làm nên toàn cảnh bức tranh gia đình hiện đại như chúng ta thấy ngày nay.

8 li do vi sao hon nhan thoi nay khong ben vung nhu thoi ong ba 728730Những lộn xộn, bất ổn trong đời sống hôn nhân trước hết có nguyên do từ việc đặt sai vị trí của tính dục. Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ràng buộc tính dục vào trong mối liên hệ hôn nhân; do đó, chỉ trong hôn nhân, tính dục mới tìm thấy ý nghĩa cao trọng và giá trị thánh thiêng của mình. Tuy nhiên, xã hội ngày nay đang tồn tại khá phổ biến làn sóng, có lúc chỉ âm thầm nhưng nhiều khi lại rất mãnh liệt, đòi tách rời tính dục ra khỏi hôn nhân. Làn sống này, do đánh trúng và tâm lý thích sự hưởng thụ dễ dãi của con người, nên lan nhanh cách chóng mặt như một thứ bệnh dịch, và được khoác lên mình những mỹ từ “cách mạng tính dục” nhằm che đậy bản chất phóng túng, suy đồi của nó. Cùng với sự hậu thuẫn, tuyên truyền, phổ biến của các phương tiện truyền thông giải trí, nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đã tin tưởng một cách ngờ nghệch rằng việc “tháo cũi xổ lồng” cho bản năng tính dục là một sứ mệnh cao cả, một nỗ lực đầy ý nghĩa, đậm tính nhân văn, nhân danh tự do và quyền lợi “chính đáng” của con người. Tính dục, do vậy, bị hạ thấp xuống thành một nhu cầu thuần túy bản năng, có thể được thỏa mãn mà không cần bất cứ một sự cam kết, ràng buộc đạo đức nào. Đáng buồn hơn, điều này còn trở thành một thứ “nhãn mác” để phân biệt giữa một bên là những người “hiện đại” với bên kia là những người “cổ hủ”. Nhiều bạn trẻ vì không muốn mình bị gán mác “quê mùa” đã chấp nhận buông mình vào dòng chảy của cái gọi là “xu thế” này, để rồi đánh mất tương lai, cuộc sống của chính mình.

Những tưởng “cuộc cách mạng tính dục”, vốn được hô hào như một thứ thần dược cho cuộc sống hạnh phúc, sẽ thực hiện lời hứa hẹn hấp dẫn của nó là giải phóng con người khỏi sự buồn chán, tẻ nhạt. Nhưng không! Thực tế cho thấy nó dường như lại càng đẩy nhân loại lún sâu hơn vào trong cái bi kịch khủng khiếp nhất của kiếp người: cảm giác ê chề, vô nghĩa, bế tắc, mất niềm tin, thậm chí tuyệt vọng, về tương lai, về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống…Phải chăng những thảm kịch trên đây chỉ là những biểu hiện khác nhau của cùng một tiếng gào thét: tiếng gào thét đòi con người phải cho tính dục vị trí đích thực, nguyên thủy của nó, một vị trí cao trọng, linh thánh trong ý muốn của Thiên Chúa? Luôn tồn tại một thực tế là ở đâu tính dục bị xem như một thứ “hàng hóa ngoài chợ”, thì ở đó gia đình cũng dễ biến thành một thứ bị “quẳng vào sọt rác”, và đây chính là ngọn lửa châm ngòi cho những bất hạnh khủng khiếp, tàn phá nặng nề trên đời sống của không chỉ riêng cá nhân mà còn toàn xã hội.

separazioneMột yếu tố nữa ảnh hưởng không nhỏ đến sự bền vững và hạnh phúc của hôn nhân là sự lầm tưởng trong quan niệm về hạnh phúc. Con người luôn “đói” hạnh phúc, và vì luôn đói nên họ lúc nào cũng khao khát và tất tả kiếm tìm. Hành động của con người, dù là hôn nhân hay là gì, cũng đều có cùng một mục đích là chiếm cho được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc nhiều khi là một thứ không rõ ràng: nó mơ hồ và không hề có một tiêu chuẩn định giá. Điều này gây hoang mang không chỉ cho con người: họ đang đi tìm một thứ mà bản thân họ cũng không biết rõ ràng thì làm sao họ biết tìm nó ở đâu và khi đã gặp thấy rồi thì làm thế  nào họ biết đó là hạnh phúc để liều mình bám giữ? Khát khao hạnh phúc nhưng lại mơ hồ về nó nhiều khi đặt hôn nhân và tình cảnh bấp bênh, bởi lẽ việc có cảm nhận thấy hạnh phúc trong đời sống vợ chồng hay không ảnh hưởng khá lớn tới việc quyết định nên tiếp tục hay từ bỏ của nhiều cặp đôi hiện nay. Vấn đề ở chỗ trong một xã hội cổ xúy cho chủ nghĩa cá nhân, hạnh phúc không còn là gì khác hơn ngoài sự quy chiếu về mình, thỏa mãn chính mình; con người trở nên tham lam đến mức ích kỉ, chỉ quan tâm đến mình mà phớt lờ cảm nhận của người khác. “Hạnh phúc là cho đi, là nhìn thấy người mình yêu hạnh phúc” là khái niệm xem ra đã trở nên lạ lẫm với đôi tai nhiều người. Sống trong một thời đại đề cao sự thoải mái, dễ dãi, nơi mà mọi yêu cầu đều được đáp ứng một cách nhanh chóng - chỉ với một cái “click” chuột - người ta dễ dàng hét lên rằng “tôi đang không hạnh phúc”, dù nhiều khi vấn đề họ đang gặp phải chỉ là chuyện hết sức vụn vặt của cuộc sống thường nhật.

Khi đã nhiễm vào mình cái thói “muốn gì phải có nấy”, mà phải thật nhanh, không tốn công sức, con người ngày nay dễ cau có, bất mãn với những điều trái ý trong cuộc sống hôn nhân và có xu hướng dễ dãi trong việc đi đến kết luận “hôn nhân của mình là một điều bất hạnh”. Khi đó, người ta tìm đến ly dị như một “giải pháp”, giải phóng cả hai khỏi nỗi bất hạnh của đời sống chung. Hôn nhân thay vì là một cam kết linh thiêng, vĩnh cửu đã bị biến thành một thứ gặp chăng hay chớ, một nơi để thử nghiệm, một chốn tạm nghỉ chân, để khi cảm thấy chán, họ cứ vô tư dứt áo ra đi, tìm đến những phương trời khác, nơi họ nuôi ảo tưởng có một thứ hạnh phúc “vĩ đại” hơn đang chờ. Chúng ta đang chứng kiến một lớp người rong ruổi theo đuổi hạnh phúc trong vô vọng, chẳng nơi đâu đủ hạnh phúc để giữ chân họ được lâu. Họ đi mãi, mệt mỏi, chán chường và chết gục khi vẫn cho rằng mình chưa chạm tay được vào hạnh phúc. Có ai dám khẳng định đó không phải là bi kịch của những kẻ ngờ nghệch đang tự đào hố chôn mình? Đáng buồn thay, con số những người “ngờ nghệch” như thế không hề nhỏ, đặc biệt nơi các bạn trẻ.

Nhìn vào thực trạng hôn nhân như thế không phải để nhấn chìm chúng ta trong sự thất vọng về tương lai của gia đình, càng không phải để lên án hay quy trách nhiệm cho ai, nhưng là để mỗi người, nhất là các bạn trẻ ý thức hơn về những “cái bẫy” của thời đại, đang âm thầm cướp đi hơi ấm hạnh phúc của biết bao gia đình. Thay vì buông xuôi, ngồi đó chỉ trích thời cuộc, hãy bắt đầu bằng việc thắp lên  ngọn nến hạnh phúc trong gia đình mình. Mỗi ngọn nến thắp lên là bóng tối bị đẩy lui một chút và nếu có rất nhiều ngọn nến như thế, hẳn nhân loại sẽ có một bức tranh gia đình hoàn toàn khác, lung linh hơn đầy ánh sáng và hơi ấm hơn. “Hãy thắp lên một ngọn nến thay vì chỉ ngồi đó sợ hãi và nguyền rủa bóng đêm” là lời nhắm nhủ của người viết gửi tới những ai đã, đang và sẽ dấn mình trong cuộc chiến cao quý nhưng cũng đầy gian nan để bảo vệ và lan tỏa các giá trị linh thánh của hôn nhân trước một thời đại đầy nghi ngờ và tuyệt vọng này.

 
VA. H
ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra Khơi, số 18 tháng Năm 2018, tr. 28-32
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập325
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm284
  • Hôm nay36,757
  • Tháng hiện tại898,292
  • Tổng lượt truy cập69,958,166
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây