Kính thưa độc giả, đặc biệt các bạn trẻ, thành phần được nhiều người “sủng ái và kỳ vọng”, tuổi trẻ là tương lai của Giáo hội và Xã hội, niềm tự hào của gia đình, niềm hy vọng của đất nước, nhưng người trẻ hôm nay dường như có quá nhiều đam mê. Chúng ta không khỏi thao thức và trăn trở. Nhịp cầu đối thoại báo Ra Khơi số 16, kết nối trao gởi thao thức của các bạn trẻ tới cha Vinh Sơn Nguyễn Bản Mạnh, trưởng Ban Mục vụ Gia đình năm 2017: Năm chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình. - Ngày nay người trẻ tại các giáo xứ, vì nhiều lý do như: đi học, đi làm… phải xa quê; không tham gia được các sinh hoạt trong giáo xứ. Xin Cha cho chúng con những lời khuyên và giải pháp để bảo vệ, nuôi dưỡng, phát triển đức tin?
Trước hết, bạn trẻ cần được học hỏi và hiểu biết đức tin ngay khi còn ở giáo xứ tham gia các lớp giáo lý từ cấp 1 đến cấp 3, khi còn học phổ thông, khi còn sống chung với cha mẹ. Sau đó làm huynh trưởng, làm giáo lý viên, tham gia đoàn giới trẻ để đào sâu giáo lý đức tin và đời sống đạo. Cộng thêm những niềm vui dấu ấn tuổi thơ trong các sinh hoạt của giáo xứ như: hội chợ, mừng trung thu, văn nghệ mừng Chúa Giáng Sinh, thi đố vui giáo lý… Sự hiểu biết ấy tuy đơn sơ nhưng lại là nền tảng cho các bạn trẻ giữ đức tin khi đi học hay đi làm. Bên cạnh đó, khi đi học xa nhà, không còn điều kiện tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, các bạn vẫn có thể gặp gỡ sinh hoạt nhóm với nhau nơi các bạn trẻ đang học hoặc đang làm, những người cùng quê, cùng lớp, cùng trường, cùng nơi tạm trú… Đó là những buổi sinh hoạt không những để nâng đỡ đời sống đức tin mà còn chia sẻ về công việc làm ăn, điều kiện học tập. Hơn thế nữa, trong những dịp Giáng Sinh, Phục Sinh, tuần chầu của giáo xứ, tết, nghỉ hè… các bạn vẫn có thể về quê dạy kèm các em thiếu nhi trong xứ về nhưng sinh hoạt mà mình đã học tập được nơi thành phố, chuyên môn của trường đại học như ngoại ngữ hay vi tính… vừa thực hành những hiểu biết của mình vừa nâng cao kiến thức cho các em. Chính những công việc ấy sẽ làm phát triển và đào sâu dấu ấn Công giáo trong lòng các bạn trẻ và các em thiếu nhi.
- Theo Cha, hành trang căn bản của người trẻ cần chuẩn bị để bước vào đời sống hôn nhân là gì?
Trong hơn 5 năm làm mục vụ hôn nhân, tôi thấy những gia đình trẻ bị tổn thương và đổ vỡ là do mấy nguyên nhân chính sau đây:
- Thiếu tình yêu chân thực. Họ yêu nhau và cưới nhau không vì tình yêu mà vì thấy có cùng sở thích, cùng công việc, sành điệu hay vì lỡ thích nhau hay lỡ có bầu với nhau. Nói theo nhiều bạn trẻ thú nhận: cưới nhau không phải vì duyên số mà là vì sự cố đã xảy ra.
- Thiếu hiểu biết về tình yêu hôn nhân. Vì bận học hành và lao động nên rất nhiều bạn trẻ cảm thấy việc đi học giáo lý Hôn nhân là một gánh nặng, một điều không cần thiết… nên tìm cách học cho qua loa chiếu lệ, gây sức ép với cha xứ để cho qua, làm chứng chỉ giáo lý giả…
- Thiếu thời gian để tìm hiểu nhau. Họ yêu nhau theo kiểu đào tạo cấp tốc, nhanh gọn thời công nghệ hiện đại: "sáng thì yêu, chiều thì cưới, tối thì cãi nhau, hôm sau thì ly dị".
- Ảnh hưởng bởi xã hội. Bị ảnh hưởng bởi thuyết tự do, tự do cưới thì cũng tự do bỏ, vì xã hội người ta bỏ nhau nhiều có sao đâu, theo kiểu: ai làm sao thì tôi làm vậy, hễ ai làm bậy thì tôi làm theo.
- Theo kiểu cưới nhanh kẻo hết. Tình trạng mất cân bằng về giới tính, trọng nam khinh nữ nên số trẻ em nam đã cao hơn số em nữa là 20 %.
Cho nên bạn trẻ cần phải có tình yêu chân thật để vượt qua những khác biệt tâm lý, những điều kiện khó khăn thử thách của cuộc sống; có kiến thức hiểu biết về hôn nhân để tìm hiểu nhau, cử hành và gìn giữ ơn gọi hôn nhân của mình. Chính vì thế mà HĐGM VN chọn tiếp năm 2017 này là năm giúp cho các bạn trẻ có đủ hiểu biết để bước vào đời sống hôn nhân.
- Thưa Cha, trong các tương quan với những môi trường đại học, công việc làm ăn nơi thành thị; người trẻ chúng con đối diện với nhiều học thuyết, tư tưởng trái ngược với đức tin Công giáo. Theo Cha, chúng con cần có hành trang như thế nào để nhận diện ra những giá trị đúng-sai, để sống đúng với lương tâm Kitô giáo?
Tỉ lệ người Công giáo hiện nay mới có khoảng 10%. Như thế, không những học hành tiếp xúc với các triết thuyết khác biệt mà ngay cả giao tiếp và kết hôn thì tỉ lệ ảnh hưởng này cũng rất cao. Nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa đã làm cho bạn trẻ quá bận rộn vào công việc học tập, làm ăn kinh tế, giao lưu các mạng xã hội… nên không còn thời gian học tập và gìn giữ đức tin. Chỉ khi họ bị thất bại hay về già nghỉ hưu thì mới tìm đến những chân lý đạo đức.
Các bạn trẻ không nhận ra đúng – sai bởi vì nhầm lẫn phương tiện với mục đích mà thôi. Người ta nói: Dùng tất cả thời gian để kiếm tiền, rồi lại dùng tiền để giết thời gian. Khi sự sống theo đuổi mục đích là tìm kiếm địa vị, danh vọng và tiền bạc thì người ta lao theo bất chấp mọi rủi ro và nguy hiểm, bất chấp luân thường và đạo lý. Chính sự bất chấp đó lại tiêu hủy tất cả danh vọng, địa vị và tiền bạc mà họ có được. Đó là quy luật vòng tròn của bánh xe công lý. Lời khuyên Tin Mừng và lương tâm Công giáo làm thức tỉnh cho những ai muốn sống và lựa chọn phương tiện sống một cách công chính và bền vững. Nhận ra đúng sai trong Tin Mừng là nhận ra đúng sai của cuộc sống vĩnh cửu.
- Thưa cha, nhiều bạn trẻ ngày nay tin vào bói toán để quyết định chọn bạn đời, như thế có bền vững và ảnh hưởng gì đến đời sống đức tin.
Theo khía cạnh tâm lý khi họ tin vào bói toán, số mệnh, hợp tuổi, hợp cung mệnh… thì cũng có một chút tự tin để kết hôn. Nhưng lại không có cở sở vững chắc, vì có khi bạn trẻ hợp nhau nhưng với bố mẹ, họ hàng, anh em thì lại không hợp. Thật sự hiếm có người nào có tuổi hợp với tất cả họ hàng của bạn đời. Sau nữa, đứa con họ sinh ra có khi lại sung khắc tuổi với họ hàng, thế là người ta lại bắt phá thai để bảo toàn cho gia đình. Cho dù có tin theo số mệnh đi nữa, thì theo các chuyên gia phong thủy, không có tuổi nào hoàn toàn hợp nhau và cũng không có tuổi nào hoàn toàn sung khắc.
Giáo lý đức tin dạy chúng ta, hôn nhân không phải là duyên nợ mà là quà tặng, hồng ân, ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Ngài thánh hóa, ban ân sủng để bảo vệ đời sống hôn nhân chứ không phải là ngôi sao chiếu mệnh nào hay do tâm lý con vật nào (tuổi con vật) chi phối và điều khiển đời sống của con người.
- Thưa cha, hiện nay có một số nơi đồn thổi có phép lạ và có một số cha có ơn đặc biệt đặt tay chữa bệnh, trừ quỷ nên nhiều gia đình đã tìm đến để chữa bệnh. Điều đó có đúng và giúp ích cho đời sống gia đình không?
Người Việt Nam, nhất là vùng nông thôn (ngay cả giáo phận Bùi Chu chúng ta) có niềm tin rất đơn sơ mộc mạc. Cuộc sống vẫn còn nghèo khổ, bệnh viện quá tải, tốn phí quá nhiều... Người ta đang muốn đổi đời bằng nhiều cách: người thì học hành, người thì mua vé số, người có bệnh thì vái tứ phương. Chính vì thế làm nảy sinh những khát khao phép lạ. Có nhu cầu thì phát sinh cung cấp. Nên người ta đã đồn thổi phép lạ về tượng ảnh Đức Mẹ và các Thánh, các cha chữa bệnh, trừ quỷ… có khi chỉ lợi dụng để kiếm tiền và được nổi tiếng. Ngay tại Lộ Đức, từ khi Đức Mẹ hiện ra năm 1858 đến nay, mỗi năm có chừng 6 triệu khách hành hương và bệnh nhân tới viếng, nhiều bệnh nhân được khỏi bệnh nhưng chỉ có 68 trường hơp được giáo hội công nhận thực sự phép lạ (gần 2,5 năm/1 trường hợp). Phần lớn trong số họ không khỏi bệnh, nhưng họ ra về trong hân hoan vì có ơn Chúa và Đức Mẹ để vượt qua khó khăn thử thách của bệnh tật. Thế mà có linh mục đã đặt tay chữa bệnh mỗi ngày hàng nghìn người được khỏi? Có lẽ các bệnh viện, ngay cả các bệnh viện Công giáo, dòng tu chăm sóc bệnh nhân, ngày quốc tế bệnh nhân cũng nên dẹp bỏ, các bệnh nhân chỉ việc đến gặp linh mục đó chữa bệnh là khỏi rồi. Nhiều người khi đi thì gieo trong hân hoan nhưng khi về thì gặt trong u sầu. Có bệnh nhân được đặt tay rồi, nghe cha nói là khỏi bệnh, về không cần uống thuốc nữa, ít ngày sau thì qua đời, đúng là không cần thuốc gì nữa! Như thế, chỉ giúp ích cho các dịch vụ ăn theo như quảng cáo, xe cộ, băng đài, hàng ăn… Nguy hiểm hơn, đức tin của tín hữu bị lệch lạc, bị lợi dụng, bị hoang mang chuyện ma quỷ nhập, tiền mất tật mang. Hạnh phúc các gia đình có nguy cơ đổ vỡ, xáo trộn, thất vọng khi đi xin phép lạ hết nơi này đến nơi kia mà không được. Có bệnh tật không lo đi chữa chạy thuốc thang mà chỉ lo đi xin phép lạ, lo trừ quỷ, không khác gì dân tộc đi xin bùa chú, cúng tà ma, mê tín dị đoan.
6. Thưa Cha, ngày hôm nay người trẻ chúng con thường đối diện với những vấn đề khó khăn đức tin cũng như tương quan cuộc sống. Chúng con không biết bàn hỏi với ai, không biết tin ai! Nếu được, xin Cha giới thiệu cho chúng con một số địa chỉ, nơi tin cậy để được bàn hỏi hướng dẫn?
Thực ra hiện nay mới chỉ có tổng giáo phận TP. HCM mới có văn phòng tư vấn tâm lý về đời sống gia đình. Giáo phận Bùi Chu cũng muốn mở văn phòng tư vấn, nhưng có lẽ còn xa lạ với bạn trẻ. Các bạn ngại tiếp xúc và vì đường xá xa xôi nên khó đến để hỏi về đức tin cũng như tâm lý cuộc sống. Có lẽ các bạn trẻ nên liên lạc qua email thì các bạn sẽ tự nhiên và dễ dàng hơn. Một số bạn trẻ đã liên lạc và được trả lời qua email: honnhanbuichu@gmail.com