Xây dựng một gia đình lý tưởng hơn
Thứ năm - 05/01/2017 21:59
4989
I. Gia đình là gì?
Khi nói tới gia đình là chúng ta thường nghĩ ngay đến một cộng đoàn gồm: vợ chồng, cha mẹ và con cái với các tương quang: vợ chồng (phu thê), cha mẹ và con cái (phụ tử và mẫu tử), anh em (huynh đệ) được gắn kết bởi mối dây tình yêu.
Theo từ điển Tiếng Việt, Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình hay còn gọi là nhà, là nơi cho chúng ta niềm tin, động lực và sức mạnh để làm tất cả những gì có thể. Gia đình cũng chính là nơi để chúng ta tìm thấy sự bình yên, che chở và an ủi khi gặp những nỗi buồn, những thất bại. Vì vậy, không có gì quan trọng bằng gia đình, hãy trân trọng và giữ gìn hạnh phúc lớn nhất của chúng ta - đó chính là Gia đình!
Theo Kinh Thánh: Thánh Kinh nói nhiều về các gia đình, các thế hệ, các câu chuyện tình và những khủng hoảng gia đình từ những trang đầu với gia đình của Ađam và Eva, cùng với gánh nặng của bạo lực, có cả sức mạnh của sự sống (cf. St 4), cho đến trang cuối, nơi xuất hiện tiệc cưới của Hôn thê và Con chiên (Kh 21,2.9).
Theo các văn kiện của Giáo hội: Qua nhiều thế kỷ, Giáo Hội vẫn giữ giáo huấn nhất quán của mình về hôn nhân và gia đình. Một trong những diễn tả cao nhất của giáo huấn này đã được Công Đồng Vatican II nói đến trong Hiến Chế Vui mừng và Hi vọng “Gaudium et Spes ”. Văn kiện này xác định hôn nhân như một cộng đoàn sự sống và tình yêu (cf. GS, 48). Tiếp theo tinh thần của Vatican II, Các Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục tinh lọc học thuyết về hôn nhân và gia đình.
1. Tương quan vợ chồng (phu thê)
Đây là tương quan đầu tiên trong gia đình, được xây dựng do thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa ngay từ lúc khởi đầu của lịch sử nhân loại: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ", và Người đã phán: "Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt (Mt 19,4-6).
Gia đình, nền tảng của xã hội, có được bền vững hay không tùy thuộc vào mối tương quan vợ chồng. Vợ chồng có hạnh phúc với nhau thì mới có thể xây dựng gia đình mình hạnh phúc được. Nguyên nhân làm cho vợ chồng không hạnh phúc là vì mối tương quan giữa hai người có những bất ổn. Cho nên, thay vì vợ chồng trở nên một để cùng tạo dựng hạnh phúc cho nhau và xây dựng gia đình hạnh phúc, họ trở nên gánh nặng cho nhau, gây ra những đau khổ cho nhau, và làm tan rã gia đình. Vậy đâu là điều vợ chồng cần quan tâm để tạo được mối tương quan tốt với nhau trong đời sống vợ chồng? Đó là vợ chồng luôn biết quan tâm đến những vấn đề như: tinh thần, tâm lý, thể lý, kinh tế, xã hội, giáo dục và cả tôn giáo... để có được mối tương quan tốt với nhau.
Đây cũng chính là tương quan hỗ tương như trong thư của thánh Phaolô: “Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ” (1Cr 7,3-4). Quan niệm hỗ tương này cũng được nói cách rõ ràng trong thư gởi tín hữu Êphêsô: Chồng vợ nên phục tùng lẫn nhau vì tôn trọng và bổn phận đối với Chúa Kitô; vợ đối với chồng (Ep 5,21), chồng đối với vợ trong yêu thương (Ep 5,25).
2. Tương quan cha mẹ và con cái (phụ tử - mẫu tử)
Cha mẹ với con cái: Cha mẹ có bổn phận đối với con cái: yêu thương, nuôi dưỡng, dạy dỗ và đồng hành với con cái nên người là trách nhiệm và bổn phận của các bậc cha mẹ. Cha mẹ nào cũng muốn cho con cái mình những điều tốt nhất và nên người, nhưng trên thực tế, có được như thế hay không còn tùy thuộc vào việc chính cha mẹ có biết quan tâm và chăm sóc cho con cái mình hai không. Ngày nay nhiều cha mẹ quá bận rộn với cơm áo gạo tiền nên không đủ thời gian đồng hành hay quan tâm đến con cái. Câu chuyện sau đây là một minh hoạ cụ thể.
- Bố ơi, con có thể hỏi bố một câu được không?
- Được chứ, gì vậy? - Người cha đáp.
- Bố, một giờ làm việc bố kiếm được bao nhiêu tiền?
- Tại sao con lại hỏi bố như vậy?
- Con chỉ muốn biết một giờ bố kiếm được bao nhiêu tiền thôi mà, nói cho con nghe đi, bố - Cậu bé nài nỉ.
- Nếu con cần phải biết thì bố nói đây, bố làm được 30 000 một giờ.
- Vậy hả bố - Cậu bé cúi mặt đáp - Con có thể mượn bố 10 000 được không?
Người cha nổi giận: "Nếu con vay tiền bố chỉ để mua đồ chơi vớ vẩn hay mấy thứ vô bổ gì đó thì hãy đi về phòng ngay, lên giường nằm và suy nghĩ xem tại sao con lại có thể ích kỷ như vậy. Bố phải làm việc vất vả suốt cả ngày rồi, bố không có thời gian cho những trò trẻ con như thế này đâu".
Cậu bé lặng lẽ đi về phòng, đóng cửa lại. Người đàn ông ngồi xuống và càng tức giận hơn khi nghĩ đến những điều con trai mình vừa hỏi: "Tại sao nó lại dám hỏi mình những câu hỏi như vậy chỉ để xin tiền thôi nhỉ?"
Khoảng một giờ sau, khi đã bình tĩnh lại, anh nghĩ có lẽ mình hơi nghiêm khắc với con. Có thể nó thật sự thiếu 10 000 để mua thứ gì đó và thực ra nó đâu có thường hay xin tiền mình. Anh tiến về phía phòng con trai và hỏi:
- Con trai, con đã ngủ chưa?
- Chưa bố ạ, con vẫn còn thức.
- Bố nghĩ có lẽ lúc nãy bố quá nghiêm khắc với con. Hôm nay là một ngày dài và bố đã trút sự bực mình lên con. Đây, 10 000 mà con đã hỏi - Người cha nói.
Thằng bé ngồi bật dậy, mỉm cười và reo lên: "Ôi, cảm ơn bố!". Rồi nó luồn tay xuống dưới gối lôi ra mấy tờ tiền lẻ nhàu nát. Nhìn thấy tiền của thằng bé, người đàn ông lại bắt đầu nổi giận. Thằng bé chậm rãi đếm từng đồng rồi ngước nhìn bố nó.
- Tại sao con đã có tiền rồi mà còn xin bố nữa ? - Người cha nói trong giận dữ.
- Bởi vì con còn thiếu, nhưng bây giờ thì đủ rồi ạ... Bố, bây giờ con có đủ 30 000, con có thể mua một giờ của bố không? Ngày mai bố hãy về nhà sớm, con xin bố, con muốn được ăn tối cùng với bố - cậu bé nói. Người cha như chết lặng người. Anh ôm lấy cậu con trai bé nhỏ vào lòng như muốn xin sự tha thứ.
Ngày hôm nay trên các phương tiện thông tin đã cho thấy có quá nhiều câu chuyện bi đát dẫn đến các con cái trở thành người xấu hay bị hư hỏng là do cha mẹ chưa biết quan tâm để dành thời gian cho con cái hay chưa giáo dục theo đúng cách.
Con cái đối với cha mẹ: Ca dao Việt Nam có câu: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”. Đúng như vậy, con cái muốn trở nên người tốt thì phải biết thảo kính và vâng lời cha mẹ. Đó cũng chính là biểu hiện của lòng hiếu thảo và đạo làm con. Khi con cái biết thảo kính, tôn trọng và vâng lời cha mẹ vì ơn sinh thành và dưỡng dục sẽ làm đẹp lòng Chúa, sẽ được sống lâu và nhất là lời cầu nguyện sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Chính Chúa Giêsu cũng đã làm gương cho chúng ta.
Nhìn vào mái nhà Nagiarét, chúng ta thấy một sự khác biệt về trật tự và uy quyền. Trước mặt Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu là người cao trọng nhất, rồi tới Đức Mẹ và thánh Giuse. Còn trước mặt nhân loại, thì người quyền thế nhất lại là thánh Giuse, rồi tới Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Thế nhưng, Chúa Giêsu luôn nghe lời thánh Giuse và Mẹ Maria. Thánh Luca đã viết: “Trẻ Giêsu trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Như vậy, mặc dầu là Chúa trời đất, Đức Giêsu cũng đã chu toàn nghĩa vụ của một người con hiếu thảo trong gia đình hầu đem lại cho chúng ta một bài học và nêu lên cho chúng ta một mẫu gương để bắt chước.
3. Tương quan anh em (huynh đệ - bào huynh, bào đệ hay tỉ muội )
Huynh đệ đòi sự tương trợ lẫn nhau giữa các anh chị em trong gia đình. Trong Sứ điệp Thế giới Hòa bình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Tình huynh đệ là một phẩm chất thiết yếu của con người. Một ý thức sống động về mối tương quan này giúp chúng ta nhìn và đối xử với nhau như là anh chị em đích thực. Không có tình huynh đệ thì không thể xây dựng một xã hội công bình và một nền hòa bình bền vững và viên mãn. Chúng ta nên nhớ rằng tình huynh đệ cách chung được học biết tại gia đình, trên hết là nhờ vào vai trò trách nhiệm và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, đặc biệt là người cha và người mẹ. Gia đình là nguồn mạch của tình huynh đệ, và như thế gia đình chính là nền tảng và là con đường đầu tiên dẫn đến hòa bình, vì ơn gọi của gia đình chính là thông truyền tình yêu cho thế giới xung quanh”.
II. Gia đình Giáo phận
Khi nhắc tới Giáo phận là chúng ta nghĩ ngay đến một tập hợp những người tín hữu thuộc một phần đất được trao phó cho một vị Giám mục hay một vị giám quản trông coi. Trong gia đình ấy có Giám mục, linh mục, tu sỹ và giáo dân nên cũng có những tương quan giữa các thành phần với nhau như: Giám mục & linh mục; linh mục & giáo dân; linh mục & linh mục...
Chắc chắn ai trong anh em linh mục chúng ta ở đây cũng muốn xây dựng một gia đình giáo phận được tốt đẹp và bình an. Muốn được như thế thì mọi thành phần trong giáo phận phải biết xây dựng tình đoàn kết yêu thương nhau, nghĩa là phải loại bỏ ra khỏi cuộc sống của mình những hận thù, chia rẽ, nói xấu...; phải biết ra khỏi vỏ bọc cái tôi ích kỷ của chính mình.
Thánh Augustinô nói: “Cho anh em, tôi là Giám mục. Cùng với anh em, tôi là Kitô hữu”. Qua câu nói đó, trước hết chúng ta thấy dù là giám mục hay linh mục thì chúng ta cũng được mời gọi sống cho anh em mình, biết yêu thương chăm sóc dạy bảo và phục vụ cho anh em mà chúng ta được cắt cử trông coi. Tiếp đến, chúng ta được mời gọi sống cùng với anh em, nghĩa là đồng hành và hòa đồng với những người thuộc quyền mình. Tạo nên sự gần gũi và thân thiện với cuộc sống của họ, dành thời gian đến với họ để đồng cảm và cùng họ vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống, đừng vì cái tôi ích kỷ cá nhân mà công kích nói xấu người này người khác là thái độ sống cụ thể cho tình huynh đệ. Truyện kể rằng:
Nhà tỉ phú nọ chết đi, để lai một gia tài to lớn. Trên pháp lý gia tài này thuộc về người con trai duy nhất của ông ta. Nhưng kẹt một nỗi, cậu con trai duy nhất ấy lại được gửi đi du học ở ngoại quốc ngay từ hồi còn nhỏ, nên không một ai biết mặt, dù là họ hàng thân thích.
Ngày kia, có ba chàng thanh niên đến khóc lóc, biểu lộ niềm thương tiếc, đồng thời nhận mình là con của nhà tỷ phú và xin lãnh nhận phần gia tài.
Ông quan tòa là nguời đang quản lý gia tài ấy bèn truyền cho vẽ bức ảnh của nhà tỉ phú, ghi một chữ thập đỏ ở giữa ngực rồi bảo:
- Ai trong các anh bắn trúng chữ thập đỏ, thì sẽ nhận được phần gia tài.
Người thứ nhất cầm súng, giơ lên và bắn. Viên đạn ghim vào ngay sát chữ thập đỏ và được ông quan tòa khen:
- Anh bắn khá lắm.
Người thứ hai cũng cầm súng, giơ lên và bắn. Viên đạn ghim vào chữ thập đỏ, nhưng chưa trúng giữa, chỗ hai đường giao nhau. Ông quan tòa cũng khen:
- Tốt lắm, rất khá.
Sau cùng người thứ ba cũng cầm súng, giơ lên và ngắm bắn … nhưng rồi lại hạ xuống. Anh giơ lên rồi lại hạ xuống, thái độ phân vân và suy nghĩ, khiến ông quan tòa phải hối thúc:
- Nào bắn đi chứ để chúng tôi trao phần gia tài.
Anh lại giơ súng lên, nhưng cuối cùng đã vứt khẩu súng đi. Anh thở dài và nói :
- Dù đây chỉ là một hình vẽ, nhưng là hình vẽ của ba tôi, nên tôi không thể bắn vào. Thà rằng tôi đành mất phần sản nghiệp còn hơn là bắn vào hình ba tôi.
Ông quan tòa vui vẻ vỗ vai anh và nói:
- Anh mới thực là người con hiếu thảo. Và như thế phần sản nghiệp sẽ thuôc về anh.
Lòng hiếu thảo được thể hiện ở việc con cái biết tôn trọng và vâng lời đấng sinh thành và dưỡng dục mình. Các linh mục cũng cần tôn trọng và vâng lời Giám mục, Đấng bản quyền hợp pháp của mình vì giám mục chính là người đã sinh ra và nuôi dưỡng thánh chức linh mục cho anh em linh mục.
Thế nhưng, có lẽ các giáo phận vẫn còn tồn tại các mối tương quan chưa hoàn thiện. Trước hết, tương quan giữa giám mục và các linh mục chưa thật sự thân mật và gần gũi. Phải chăng giữa giám mục và các linh mục còn quá nhiều những xa cách về phẩm trật chức thánh? Phải chăng giám mục chưa thật gần gũi, đồng hành, tạo được sự tin tưởng (như một người cha hay một người anh em) hay còn bận quá nhiều công việc mà không có đủ thời gian quan tâm đến các linh mục? Phải chăng các linh mục còn có những suy nghĩ tạo một vỏ bọc an toàn cho mình nên sợ không dám gần gũi và chia sẻ với giám mục của mình? Giám mục thì không có đủ thời gian để quan tâm, còn linh mục thì sợ không dám gần giám mục nhưng lại hay bàn tán về giám mục, có lẽ là vấn nạn chung của các giáo phận ngày nay.
Tương quan giữa các linh mục với nhau. Nhiều linh mục còn chưa biết đón nhận, thông cảm hay đồng hành với những anh em linh mục của mình đang gặp những khó khăn trong đời sống cá nhân hay trong mục vụ. Phải chăng vì còn sợ liên lụy hay không đủ bao dung để chấp nhận những lỗi lầm hay những biến cố mà người anh em gặp phải? Nhiều khi không những không biết đồng hành và cảm thông mà lại còn đả kích và nói xấu nhau. Đó lại là điều tệ hại hơn nhiều vì nó làm mất đi hình ảnh của linh mục Al-ter Christus (Đức Kitô khác).
Thực trạng trên cũng đang đúng với tương quan giữa linh mục với giáo dân của mình. Chúng ta không lạ gì giáo dân ngày nay rất hay ngồi nói xấu các cha xứ của họ. Phải chăng đã có những linh mục cá tính quá hay đề cao sáng kiến của mình và luôn coi mình là nhất (number one) và bắt các giáo dân phải theo? Nhiều khi sáng kiến của mình lại cao siêu quá hay lý tưởng quá khiến giáo dân không thực hiện được nên dẫn đến tình trạng công kích và bêu xấu nhau.
Lúc con mới về nhận nhiệm sở, con có biết bao những lý tưởng, dự phóng và hoài bão: nào là xây dựng các cơ sở vật chất của giáo xứ, xây dựng đời sống đạo đức, đời sống phụng vụ.... Tất cả phải như thế này, phải như thế kia được bày ra trong tâm trí của mình, nhưng rồi thời gian trôi qua gần 10 năm còn nhiều ước mơ không thể thực hiện được vì nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau. Có thể là do những lý tưởng đó quá cao siêu hoặc do bị chi phối bởi nhiều việc khác khiến không còn thời gian quan tâm để thực hiện ý tưởng đó nữa. Thí dụ như con đã có quyết tâm đi thăm và phát quà cho những người ốm đau vào thứ Sáu đầu tháng, dịp Giáng Sinh và Năm Mới, nhưng không thể thực hiện triệt để được.
Có bà cụ kia, trong một lần về dòng Mân Côi Trung Linh chữa bệnh, được các dì tỉ tê hỏi chuyện. Đang chuyện trò vui vẻ, bỗng dưng các dì thấy bà khóc. Khi các dì hỏi lý do thì được bà cho biết là bà ốm đau suốt từ lâu mà chẳng được cha xứ quan tâm hay thăm hỏi.
Từ câu chuyện trên, con dám chắc rằng bà con giáo dân rất cần cha xứ quan tâm đến đời sống của họ và dành thời gian đến với họ, nhất là những khi cuộc sống của họ bị rơi vào khủng hoảng và bế tắc. Theo kiểu nói của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Mục tử ngửi được mùi chiên” rất đúng với linh mục, giám mục đặc biệt khi cuộc sống của linh mục đang bị đe dọa hay khủng hoảng.
Câu chuyện dưới đây sẽ minh họa cho thấy con cái cần tới sự quan tâm và đồng hành của cha mẹ mình như thế nào.
Có một ông giám đốc kia tối ngày lo tất bật với những công việc khiến ông không có đủ thời gian để quan tâm đến con cái trong gia đình. Ông không hề biết đến những tâm tư, suy nghĩ và những nhu cầu của con cái. Có lẽ cũng chính vì công việc mà ông không có đủ thời gian để đọc những lá thư hay những dòng tin nhắn của con mình nữa.
Một lần kia, khi nhận được lá thư của con gửi cho ông, ông liền mang lá thư xuống cho cô thư ký và nói: Cô hãy đọc lá thư này giúp tôi. Và cô thấy trong đó cháu nó thiếu gì hay cần gì thì hãy mua gửi cho nó. Cô thư ký đọc và cố gắng thực hiện từng điều mà đứa con yêu cầu, nhưng có một điều mà cô không thể nào thực hiện được mà chỉ ông giám đốc mới có thể thực hiện được mà thôi. Yêu cầu đó là: xin bố mỗi ngày dành 5 phút chơi với con.
III. Thực trạng và thách đố
Ngày hôm nay định chế và các mối tương quan gia đình nói chung và gia đình giáo phận nói riêng đang gặp nhiều sóng gió nội tại cũng như ngoại tại và nó là nguyên nhân khiến các tương quan trong gia đình bị đe doạ.
Nội tại: Có rất nhiều nguyên nhân nội tại như chủ nghĩa tự do quá trớn hay chủ nghĩa đề cao “cái tôi”. Ở đây con chỉ xin đề cập đến chủ nghĩa “cái tôi” mà thôi vì ai cũng biết “cái tôi” chiếm một phần rất quan trọng trong các tương quan của gia đình: vợ với chồng, cha mẹ với con cái, con cái với nhau hay giám mục với linh mục, linh mục với giáo dân và linh mục với nhau.
Những giây phút vợ chồng, cha mẹ, con cái hay giám mục, linh mục và giáo dân hạnh phúc bên nhau, cũng như những lúc bất hạnh (không hiểu nhau hay tranh cãi với nhau), đều do “cái tôi” mà ra. Chính cái tôi đã đem họ xích lại gần nhau, và cũng chính cái tôi đã đẩy họ ra xa nhau, khiến họ không thể đến gần được với nhau, không hiểu nhau, không chấp nhận nhau.
Phần đông những khó khăn, những ngăn trở, những thách đố trong đời sống gia đình đều do trở ngại với cái tôi. Kinh nghiệm cho thấy nó là một trở ngại lớn nhất, mạnh mẽ nhất, khó vượt qua nhất. Nhưng khi vượt qua chướng ngại này, thì như người leo núi, họ sẽ lên được đỉnh núi và nhìn thấy chân trời rộng mở hơn, cảnh vật thiên nhiên đang hiện ra dưới chân họ đáng yêu hơn. Họ nhìn rõ hơn con đường mà họ đã trải qua có những chỗ nào khó khăn, khó đi và nguy hiểm. Phần thưởng tinh thần lớn nhất của giây phút ấy chính là họ đã thắng được con người của chính mình, và điều ấy đã đem lại cho họ bình an, thư thái và hạnh phúc.
Ngoại tại: Chúng ta phải nhìn nhận rằng, môi trường và xã hội chúng ta đang sống tác động rất nhiều tới gia đình và những tương quan gia đình: như những thay đổi hay những chênh lệch về học vấn, văn hóa và kinh tế... Ngoài ra cũng phải kể đến sự cám dỗ của thế lực ma quỷ nữa. Ma quỷ luôn rình rập và tìm những cơ hội thuận lợi để đổ thêm dầu vào lửa nhằm phá vỡ những tương quan trong gia đình.
IV. Giải pháp: Mục Vụ Giáo hội về Gia đình
Thiết tưởng giải pháp trước hết và đầu tiên cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình là TÌNH YÊU vì tình yêu chính là mối dây tuyệt hảo nhất gắn kết và xây dựng các mối tương quan trên. Thánh Phaolô đã viết: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Đức Thánh Cha trong Tông Huấn Niềm vui của Tình yêu cũng đã đưa ra đường hướng cụ thể cho Mục vụ Hôn nhân gia đình là đồng hành, phân định và hội nhập.
Để kết thúc, con xin mượn tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu số 291: “Được soi sáng bởi cái nhìn của Đức Kitô, Hội thánh thương yêu ghé mắt đến những anh chị em đang tham dự vào đời sống của Hội thánh một cách không trọn vẹn, trong khi nhìn nhận rằng ân sủng của Chúa cũng hoạt động trong cuộc đời của họ bằng cách ban cho họ sức mạnh để làm điều thiện, để chăm sóc cho nhau bằng tình yêu thương và phục vụ cộng đoàn nơi họ sinh sống và làm việc. Hội thánh cũng phải đồng hành bằng sự ân cần chăm sóc những đứa con yếu đuối nhất của mình, vốn ghi dấu bởi tình yêu bị tổn thương và lạc lối, bằng cách khôi phục lại cho họ niềm tin và hi vọng, như ánh sáng của một ngọn hải đăng hoặc một ngọn đuốc được đặt giữa mọi người hầu soi sáng cho những người đã lầm đường lạc lối hoặc đang ở giữa bão tố cuộc đời”.
Tác giả: Lm. Giuse Bùi Tuyền