Bảo vệ bữa ăn thuần túy
Thứ bảy - 23/07/2016 13:53
2110
Bữa ăn là yếu tố không thể thiếu trong đời sống nhân loại ở mọi cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng. Ngoài việc cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người, bữa ăn còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực độc đáo của từng miền và vùng như: bánh tôm Hồ Tây, chả cá lá vọng Hà Nội, bún bò Huế… Đặc biệt, bữa ăn cũng mang tính chia sẻ giữa những thành viên quây quần xung quanh bàn ăn : họ không những san sẻ những món ăn mà còn cùng nhau chia sẻ những câu chuyện bổ ích trong suốt bữa ăn vốn mở ra thêm cho sự hiểu biết mà còn tạo nên một bầu khí để mọi người cùng ăn ngon miệng... Trong Tiếng Việt, trợ động từ « ăn » còn diễn tả sự chia sẻ niềm vui và nỗi buồn trong cấp độ cộng đồng: ăn tiệc ; ăn giỗ ; ăn cưới ; ăn hỏi ; ăn mừng…
Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tiễn thời nay tại Việt Nam cho thấy bữa ăn mang các chiều kích vừa nêu xem ra đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố trong đó nổi bật nhất vẫn là vấn đề mưu sinh và lợi nhuận.
Trước hết, liên quan đến kế sinh nhai, rất nhiều gia đình ở các vùng quê không còn bữa ăn thuần túy quy tụ đông đủ các thành viên do người vợ hoặc người chồng hoặc cả hai rời làng quê để tìm công ăn việc làm tại các thành phố lớn trong nước hoặc qua các đường dây đưa người bất hợp pháp ra nước ngoài. Bữa ăn thường nhật gia đình rất đỗi bình thường nhưng giờ đây sao thật xa vời. Ngày qua tháng lại, sự nhọc nhằn tìm kiếm đồng tiền bát gạo nơi đất khách quê người tạo nên một cuộc sống tạm bợ. Người xa quê nghĩ rằng có thể chấp nhận được sự hy sinh này để kiếm được một khoản tài chính không nhỏ giúp trang trải cho các sinh hoạt cần thiết và mua sắm được các tiện nghi trong gia đình. Cái được là tài chính đồng thời kéo theo những mất mà tiền bạc không thể mua được: bầu khí nồng ấm gia đình cần được vun đắp qua từng ngày; những việc to việc nhỏ trong gia đình cần được các thành viên bàn tính và góp phần mình trong việc thực hiện; mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tạo thêm sự khắng khít nhờ sự bồi đắp qua các sinh hoạt thường nhật trong đó có các bữa ăn, giờ cầu nguyện gia đình, thăm viếng…Nếu một trong các thành viên biền biệt xa gia nhà thì các giá trị căn bản ấy của mái ấm gia không thể trổ sinh một cách đúng mức, nhất là khi các con trẻ đang trong độ tuổi cần sự bao bọc chở che và dưỡng dục của cha mẹ thì không có tiền bạc nào có thể thay thế được vai trò này.
Một yếu tố khác đe dọa đến bữa ăn thuần túy của Người Việt xuất phát từ lợi nhuận. Trong bài giảng lễ thánh Antôn tại Trại Gáo thuộc giáo phận Vinh vừa rồi, Đức Giám Mục sở tại Phaolô Nguyễn Thái Hợp có đề cập đến mâm cơm trên bàn ăn hiện nay đầy nghi nan do thực phẩm bẩn và lạm dụng hóa chất. Quả vậy, do hám lợi, một số người không đếm xỉa đến lương tâm mà sẵn sàng gieo rắc hiểm họa hủy hoại sự sống của người khác qua thực phẩm bẩn và rau quả độc hại. Người tiêu dùng không có được những chất dinh dưỡng cần thiết mà còn chuốc lấy cho mình mầm mống của các căn bệnh ung thư quái ác. Cơ thể con người cần hấp thụ những thực phẩm và rau củ quả khác nhau để có được sức khỏe ổn định. Trước vấn đề an toàn thực phẩm không được đảm bảo, nhiều người đã trở nên hết sức dè dặt với các thực phẩm không rõ nguồn gốc trong khi số khác thì sử dụng cách bất đắc dĩ với lập luận rằng không ăn thì cũng chết mà ăn vào thì cũng chết từ từ. Âu cũng là sự bế tắc trong sự luẩn quẩn trong thị trường tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam.
Thiết nghĩ sự tăng trưởng kinh tế cách bền lâu cần đặt chất lượng cuộc sống và phẩm giá con người lên trên hết. Nếu sự tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà làm mất đi ngay cả bữa ăn thuần túy nơi các gia đình và cộng đồng mà mọi người cùng chia sẻ sản phẩm từ ruộng vườn, sông ngòi, biển cả và rừng núi… cộng với công sức lao động cần mẫn của bàn tay khối óc thì một ngày không xa sẽ đưa cả dân tộc đến hố diệt vong. Xin hãy thận trọng cân nhắc : « Lợi bất cập hại ».
Tăng Kỳ Mục