Mối quan hệ với người láng giềng lớn trên lý thuyết được cho là hữu nghị và huynh đệ khăng khít nhưng trên thực tiễn Việt Nam luôn tỏ ra nghi ngại do bài học xương máu vô cùng thấm thía suốt theo chiều dài của lịch sử từ bao đời nay để lại. Thực sự mối quan hệ này chỉ bằng mặt chứ không thể bằng lòng vì quá biết rõ tham vọng bá quyền với bản chất nham hiểm tham lam và đầy tinh vi của người bạn vàng.
Sử sách đã ghi lại mỗi triều đại của Việt Nam đều phải ứng phó với hiểm họa xâm lăng đến từ Phương Bắc: « Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời gây nền độc lập ; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương » (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại Cáo). Mối đe dọa này trong thời đương đại còn bộc lộ cả trên lãnh hải không chỉ đối với Việt Nam và cả những nước trong khu vực nơi có đường lưỡi bò vốn ôm gần trọn Biển Đông của Trung quốc.
Trước hết, bằng chiến thuật gặm nhấm lại được chính quyền của Nixon bật đèn xanh đồng thời lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng của đương sự do nội chiến, người hàng xóm khổng lồ đã ra tay nhanh chóng chiếm gọn Hoàng Sa vào năm 1974. Hơn một thập niên sau, đến lượt số phận của đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc định đoạt bằng vũ lực vào năm 1988. Gần đây nhất, vào năm 2012, Philippes cũng là nạn nhân khi để mất Bãi Cạn rơi vào tay Trung Quốc. Để phục vụ cho tuyến bố chủ quyền gần như trọn vẹn Biển Đông, nơi có nhiều tài nguyên và đường hàng hải quan trọng phục vụ chuyên chờ hàng hóa quốc tế, Trung Quốc hầu như đã thực hiện xong kế hoạch này qua việc rốt ráo cải tạo đảo nhân tạo cho mục đích quân sự trong những năm vừa qua bắt đầu từ 2014 cho đến nay như xây dựng sân bay và lắp đặt hệ thống phòng không. Việc áp đặt vùng nhận diện phòng không để thống soái trọn vẹn Biển Đông của Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian.
Hơn ai hết, Việt Nam là nước trong khu vực chịu thiệt thòi nhất trong việc gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Hẳn còn nhớ hơn hai năm trước, Trung quốc ngan nhiên đem giàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng đặc quyền của Việt Nam để thăm dò dầu khí nhưng cũng là chiến thuật trá hình để tăng tốc thay đổi hiện trạng bằng việc cải tạo các bãi đá chìm. Bệnh cạnh đó, các ngư dân Việt Nam luôn bị áp đặt bởi lệnh cấm đánh bắt và thường xuyên bị « tàu lạ » đâm chìm hoặc bị bắt giữ đòi tiền phạt.
Ỉ vào thế của nước lớn, Trung Quốc luôn tạo áp lực đối với Việt Nam trên mọi lãnh vực và nhất là trong kinh tế và đầu tư mà cán cân luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Các nhà thầu Trung quốc thường trúng nhiều dự án tại Việt Nam vì giá cả rẻ. Tuy nhiên « tiền nào của ấy », họ đưa công nghệ đã lỗi thời sang kèm theo một lực lượng nhân công không thể kiểm soát. Trong số đó không loại trừ những toan tính về lâu về dài là lấy vợ người Việt rồi sinh con đẻ cái và lập nghiệp lâu dài như là một cuộc di dân thầm lặng. Đấy là chưa kể những địa điểm mà họ đang có mặt lại rất nhậy cảm về an ninh quốc phòng.
Những lời lẽ xã giao thường chau chuốt ngọt ngào nhưng lại bất nhất so với hành động mà cụ thể là những gì đang diễn ra trên Biển Đông trong chủ đích ráo riết thay đổi hiện trạng đẩy Việt Nam và các nước trong khu vực nơi có đường lưỡi bò đi qua vào thế phòng thủ và xích lại gần nhau hơn. Những lấn lướt đó buộc Việt Nam phải nghĩ đến phương án tự vệ bằng việc trang bị những tàu ngầm lớp kilô hiện đại và tìm một thế đối trọng mới của Mỹ, cường quốc số một về kinh tế và quân sự với các loại vũ khí tối tân trong khi quốc gia này cũng đang có chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương.
Chưa bao giờ Việt Nam và Mỹ lại xích lại gần nhau đến như vậy và mở ra một chân trời hợp tác trên mọi lĩnh vực theo chiến lược lâu bền. Chuyến viếng thăm vào hạ tuần tháng trước của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói lên điều đó. Lần đầu tiên đến Việt Nam sau 8 năm trên cương vị tổng thống, ông Obama ngay lập tức đã tuyên bố việc xóa bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là bình thường và chứng tỏ sự tin tưởng lẫn nhau. Bài diễn văn của ông gửi nhân dân Việt Nam với sự tra cứu kỹ càng từ các nhân vật lịch sử, đến các áng văn chương bất hủ, cũng như thuần phong mỹ tục trong đời sống văn hóa hóa rất đặc thù của Việt Nam để phác họa đầy thuyết phục tương lai tươi sáng của quốc gia này cùng với viễn tượng hợp tác song phương bền chặt Việt Mỹ đã được người dân tán thưởng cách nồng nhiệt.
Bên cạnh đó những hợp đồng kinh tế trị giá nhiêu tỷ đô la cũng đã được hai bên ký kết như VietJet mua 100 máy bay dân dụng 737 MAX 200 của hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing của Mỹ ; trường đại học Fulbright chính thức được mở ở Việt Nam ; cũng như Tổ chức thiện nguyện Hòa bình của Mỹ gọi tắt là Peace Corps trong đó thiên về dậy Anh ngữ cũng được chấp thuận hoạt động tại Việt Nam.
Đấy là chưa kể hậu thuẫn của Mỹ dành cho Việt Nam trong việc theo theo đuổi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương trong đó Mỹ là thành viên chủ chốt. Hiệp định này sẽ cho phép Việt Nam có vị thế mới trên trường quốc tế cũng như thu hút sự đầu tư của các nước thành viên vào Việt Nam.
Ngoài ra, những phản ứng tích cực trên trường quốc tế do các hãng thông tấn uy tín đưa tin chuyến viếng thăm này của Tổng thống Obama trên truyền hình cũng như trên các mặt báo. Đây cũng là cơ hội để quảng bá Việt Nam cho người dân trên thế giới và cũng qua đó họ cũng nắm bắt được những gì đang xảy ra tại Biển Đông và trong khu vực này.
Trong khi đó phản ứng ngoại giao của Trung Quốc về chuyến thăm này như gửi đi một thông điệp cho Việt Nam hết sức xáo rỗng và hình thức nhưng bên trong không khỏi bận tâm vì sự thay đổi quá nhanh vừa xảy ra của Việt Nam với một bên gần mặt nhưng lại cách lòng và với bên khác thì ngược lại hoàn toàn có nghĩa là tuy xa mặt nhưng không hề cách lòng. Các bài bình luận trên các báo tại Trung quốc vào thời điểm Tổng thống Obama ở Việt Nam đã cho thấy nỗi lo này, nhất là việc Mỹ xóa bỏ cấm vận vũ khí toàn phần đối với Việt Nam cho dù Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng động thái này không nhằm vào Trung quốc.
Một nguyên tắc bất di bất dịch đó là cần vận dụng chữ « thời » để « tùy cơ ứng biến ». Điều quan trọng là cần đọc ra được dấu chỉ của nó. Nếu như ở Diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 về an ninh khu vực tại Singapore cách đây hai năm vào thời điểm căng thẳng nổ ra vụ giàn khoan HD 981, người dẫn đầu đoàn của Việt Nam cho rằng sự mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng với nhau rất chi bình thường chẳng khác gì mâu thuẫn thường xảy ra nơi mỗi gia đình[1], thì ở lần Diễn đàn lần thứ 15 này được bắt đầu từ ngày 03 cho đến 05/06/2016 đã thấy có quan điểm rất quyết đoán và thừa nhận rằng kênh ngoại giao và luật quốc tế để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông hiện nay « chưa đủ mạnh và chưa thực sự được tôn trọng » nên cần có thêm một yếu tố rất mới mẻ được BBC Tiếng Việt trích dẫn đó là có cụm từ « đấu tranh » đứng kèm bên cụm từ « hợp tác »: « Muốn có hòa bình và thịnh vượng không thể không có đấu tranh, nhưng muốn đạt mục đích trong đấu tranh thì phải có hợp tác »[2]. Cũng vậy, cứ nhìn người dân Việt Nam hào hứng đổ xô ra đường để đón Tổng thống Obama tại hai thành phố lớn của Việt Nam trong chuyến thăm vào hạ tuần tháng trước thì biết ngay họ muốn Việt Nam nên có « mối quan hệ cận lân » tốt đẹp trên danh nghĩa theo truyền thống hay là « mối quan hệ cận thân» đích thực do sự đòi buộc mang tính thực tiễn của thời cuộc ?
Hội Quán