Trong chương kết thúc tác phẩm của mình, thánh sử Máccô ghi lại lệnh của Chúa Giêsu, truyền cho các tông đồ, môn đệ; cũng là cho Giáo Hội sơ khai rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Hưởng ứng lệnh truyền ấy, xưa nay Giáo Hội có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Đơn cử: mỗi khi kết thúc Thánh Lễ Cha chủ tế - hoặc thầy phó tế - tiếp âm Lời Chúa, chúc cho cộng đoàn: “Lễ xong, chúc anh chị em ‘ra đi’ bình an - Ite Missa est.”
Tại giáo phận Bùi Chu, tháng 5.2016, buổi tĩnh tâm đầu tháng kết hợp với thường huấn Linh mục, về việc truyền Giáo.
“Học - Hỏi – Hiểu - Hành”, coi như muốn thực hiện ngay những điều mình vừa được bồi dưỡng, các Cha giáo hạt Quần Phương được phép Đức Cha giáo phận cũng “ra đi”một chuyến: Sáng thứ tư, ngày 4.5.2016, Cha nào nhiệm sở ấy, dâng Lễ sớm, rồi “khăn gói quả mướp cất bước lên đường” hướng tới thị xã Cẩm Phả, phía đông tỉnh Quảng Ninh, và chỉ quá trưa đã đến cảng Vân Đồn, rồi xuống tàu cao tốc với giá vé 180.000đ/ khách trong thời lượng 1h30 ph là cập bến Cô Tô. (Chiều ngược lại, 150.000đ/khách !)
Gặp ban hành giáo của giáo họ, được biết, họ Cô Tô có gần 400 nhân danh, nhà thờ mới khánh thành còn thơm mùi sơn ve, thuộc giáo xứ Cẩm Phả. Về tôn giáo, thường tháng một lần Cha xứ từ đất liền tới dâng Lễ. Họ tiếp đón chúng tôi vui vẻ, mừng rỡ vì được gặp lại các Cha xứ tại cố hương, vì dân ở đây, cũng như họ Thanh Lân - một hải đảo bên cạnh -, phần đa xuất phát từ các xứ trong huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, như Xương Điền, Văn Lý…thuộc Giáo phận Bùi Chu.
Tham dự xong bản dâng hoa kính Đức Mẹ và được phép của Cha xứ Cẩm Phả, chúng tôi dâng Lễ đồng tế, với một cộng đoàn đông kín nhà thờ, do đây là một dịp hiếm có một Thánh Lễ đông Cha như vậy, lại là Lễ vọng Chúa lên Trời (Giáo phận Hải Phòng vẫn mừng Lễ trọng Chúa lên Trời vào thứ năm tuần VI Phục Sinh, theo truyền thống).
Hôm sau chính ngày Lễ, đoàn lại ra đi từ Cô Tô đến đảo Thanh Lân, phương tiện cũng tàu thuỷ nhưng nhỏ hơn và chỉ sau 30ph là tới nơi. Giáo họ Thanh Lân thành lập sau Cô Tô, mà nhân danh gấp đôi. Nhà thờ đang xây dựng, phần mộc đến bình khẩu, có kích thước lớn hơn nhà thờ Cô Tô, nên Thánh Lễ đồng tế diễn ra ở nhà tạm, toạ lạc bên hữu nhà thờ…
Chiều thứ năm, kết thúc nửa hành trình “Khứ”, bắt đầu “Hồi”. Nghĩa là trở lại Cô Tô dâng một Lễ nữa để hôm sau về nhiệm sở.
Điểm chung ở hai nơi này, về phía các Cha, dù chủ tế dù giảng thuyết hoặc khi tiếp xúc, các ngài đều đề cập đến tình Chúa và tình người, như lời một vị thánh phát biểu: “Với người tín hữu Chúa Kitô thì: Đất khách nào cũng là quê hương
Quê hương nào cũng dường đất khách.”
Về phía sở tại, các vị đại diện ban hành giáo chào mừng, cảm tưởng … cũng không ngoài tâm điểm đó. Ở đây, chức danh “trùm chánh” họ gọi là “trùm cả”. Mỗi giáo họ, sau Thánh Lễ đều tiếp đoàn bữa cơm thịnh soạn và thân thiện.
Viết những dòng này không nhằm mục đích ký thuật cuộc hành trình cho bằng triển khai ý nghĩa chuyến “ra đi”, thực hiện lời hứa với Chúa, đồng thời nhắc bảo động viên nhau mỗi khi hát bài tạ Lễ:
“Ra đi đến với người gần xa,
Khơi lên những tấm lòng ngợi ca”.
Động thái “Ra đi” còn rất đa dạng. Xin kính tặng bài thơ ngắn có tựa đề: Đi, được hay mất?
Đã đi thì mất việc nhà
Nhưng đi chính đáng lại là được hơn:
“Đi ngày đàng học sàng khôn”
Được tình, được nghĩa, được đường xã giao
Xin mời bạn thử đi nào!
Từ lúc sinh ra là bắt đầu “Ra đi”, vì
“Đời ta là một chuyến đi,
đi tìm hạnh phúc vô biên”.
“Ra đi” cho tới khi được mượn lời cụ già Simêon, vinh phúc ẵm lấy Hài Nhi Giêsu mà thân thưa : « Lạy Chúa. Xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (Lc 2,29).
Lm. Phaolô Nguyễn Hoà Kiên