Trên một chuyến xe đò từ quê lên Hà Nội, tai tôi phải đón nhận biết bao câu chuyện đời thường mà tôi cảm tưởng chúng giống như một bức tranh nhiều hình thù và sắc màu kỳ quặc. Có lẽ những “lời nói tục tĩu” của nhóm thiếu niên mới lớn làm tôi phải bận tâm nhất. Những câu chuyện rất đời được “đệm” thêm những câu nói tục một cách rất tự nhiên. Theo suy nghĩ của bọn trẻ thì dường như những câu chuyện này sẽ nhạt nhẽo và mất phần độc đáo nếu thiếu những “dấu phảy, dấu chấm kỳ quặc này”. Mỗi câu nói, chúng đều có thể tùy tiện đặt “dấu phảy, dấu chấm, hay tự ý xuống dòng bừa bãi bằng những câu nói tục”. Tôi chợt liên tưởng đến bức tranh lộn xộn những câu chuyện đời lúc nãy đã có “điểm nhấn” giúp cho bức tranh thêm sinh động chăng?
Từ những câu chuyện “phiếm” trên chuyến xe đò, tôi ngồi miên man suy nghĩ về những câu chuyện nơi xóm làng mình mà tôi thường được nghe biết. Quả thật, những câu chuyện “phiếm” nơi xóm làng cũng thường mang những “điểm nhấn độc đáo ấy”. Tôi tự hỏi lòng mình: Có khi nào những lời nói tục tĩu này đã trở thành “nét văn hóa” rồi chăng? Tất cả mọi chuyện từ lớn đến nhỏ, người ta đều có thể “đệm” vào đó những dấu“chấm, phảy, hỏi, ngã,…” nghe ngọt sớt à! Lạ thật, tôi thấy họ chẳng cảm thấy ngượng mồm khi phát ngôn ra điều đó. Có lẽ họ còn cảm thấy tự hào khi mình biết nhiều “từ đệm tục tĩu” nữa ấy chứ! Đặc biệt, giới trẻ ngày nay còn quan niệm nếu không biết ăn biết nói những từ “độc và lạ này” thì chưa phải là giới trẻ “sành điệu” thời nay.
Ngay từ hồi còn nhỏ dại, tôi cũng như bao đứa trẻ khác trong làng, cũng biết “nói tục”, nhưng tôi dần ý thức về những “dấu câu độc đáo này”. Theo thời gian, tôi cảm thấy ngượng mỗi khi mình phát ngôn những câu nói tục tĩu ấy. Có lẽ chẳng có điều gì nhớ nhanh bằng học cách nói tục! Thầy cô giáo dạy hoài những lời nói lịch thiệp lễ phép, nhưng rời khỏi ghế nhà trường thì chữ thầy lại trả thầy ngay. Ngược lại, những lời nói tục tĩu ngoài xã hội chẳng mất tiền mua, nhưng chúng ta có thể nhớ rất lâu và rất giỏi là đằng khác. Nghĩ đến đây, tôi nhớ lại hậu quả của tội nguyên tổ: Con người “luôn hướng chiều về điều xấu!”. Những thói hư tật xấu luôn cuốn hút con người hướng chiều theo. Do đó, những lời nói tục tĩu ắt hẳn không thể là “nét văn hóa” được, nhưng chúng là “điều xấu” mà con người đang bị cuốn hút theo.
Mọi thứ mỹ vị cao lương đều được con người thưởng thức, và “thứ mỹ vị cao lương kỳ quặc này” con người cũng đưa lên miệng để thưởng thức. Có lẽ, chẳng có thứ dơ bẩn nào trên đời này xấu bằng tư tưởng con người xuất ra. Miệng lưỡi dùng để nói những lời tốt đẹp, và ngược lại miệng lưỡi cũng bị con người lợi dụng để nói những lời xấu xa dơ bẩn. Quả thực, miệng lưỡi đã phải chịu trận vì những tư tưởng xấu nơi cõi lòng con người xuất ra. Chính Chúa Giê-su đã dạy: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”. (x. Mc 7,15). Điều làm cho miệng lưỡi trở nên dơ bẩn không phải do mọi tạo vật được Thiên Chúa tạo nên trên cõi trần này, nhưng do lòng người đã bị hướng chiều về điều xấu do ma-quỷ gây ra.
Tâm hồn trẻ em cũng giống như những trang giấy trắng, cứ dần được viết lên đó những dòng chữ cuộc đời. Những điều tốt đẹp được viết vào trang giấy, và cả những thói xấu cũng được viết xen vào. Vì con người “luôn hướng chiều theo điều xấu”, nên những “dấu câu tục tĩu” cứ dần in vào trang giấy mỗi ngày một đậm nét và nhiều hơn. Thế nên, các em thiếu niên mới lớn kia cũng chỉ là nạn nhân của những thế hệ đi trước thôi! Từ những gương xấu nơi người lớn gây ra, những trang giấy trắng cứ dần kín “những nét chữ cuộc đời nguệch ngoạc”, và dần cuộc đời các em thành một cuốn sách chứa “những nét chữ ngả nghiêng”. Họ đổ lỗi cho nhau: Các bậc cha mẹ đổ lỗi cho ông bà, rồi những người ông người bà lại đổ lỗi cho các vị tiền bối đã khuất,.. Quả là “điều xấu” đã bén rễ sâu vào tận cõi lòng con người!
Mọi thói quen đều do việc thực hành nhiều lần một hành động hay sự việc nào đó. Do vậy, việc bắt chước nói những lời tục tĩu cũng được lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến thói quen xấu. Ngược với những thói quen xấu này là nhân đức: Những thói quen tốt được thực hành thường xuyên! Thế nên, ngay từ những trang giấy đầu đời, các em cần được tập luyện cách chu đáo để viết lên những dòng chữ nắn nót hầu ngay từ trang giấy tuổi thơ đầu tiên này sẽ mở lối cho những trang giấy cuộc đời tiếp theo luôn sạch đẹp mà không bị nhàu nát do quá nhiều vết tẩy xóa như những thế hệ đàn anh đã mắc phải.