Kịch bản Giáng Sinh: Tiếng Chuông

Thứ bảy - 12/12/2015 14:43  9866
Câu chuyện kể về một em thiếu nhi trong họ đạo nọ có một đời sống ngoan hiền, đạo đức và luôn sống hiếu thảo với mẹ cha. Hằng ngày, ngoài việc chu toàn học văn hóa ở trường, em luôn tìm mọi dịp thuận lợi để đến với Chúa qua Thánh lễ hay các giờ kinh sáng chiều, đặc biệt em năng đi viếng Chúa Giê-su Thánh Thể vào giờ khấn trưa. Em đến với Chúa để tạ ơn Người, hơn nữa em cầu xin Chúa hoán cải tâm hồn người bố của em rời bỏ được thứ ma men đang vây hãm và làm cho gia đình ra tan nát. Trong mỗi Thánh lễ hay những giờ khấn trưa, em thường thầm cầu xin Chúa biến đổi cõi lòng bố mình và xin Người ban cho gia đình em lấy lại được niềm vui và hạnh phúc như xưa.
 
Em thầm nghĩ mùa đông sắp tới chắc lạnh lắm! Mùa mà Hài Nhi Giê-su sinh ra giữa đêm đông lạnh buốt nơi hang đá. Chắc Chúa sẽ lạnh lắm! Em thầm nghĩ như vậy và hứa với lòng mình sẽ cố gắng đi tham dự Thánh lễ và những giờ khấn trưa để góp thành những sợi rơm nhỏ sưởi ấm Chúa Hài Đồng. Thế rồi những lời cầu xin đơn thành của em đã được Thiên Chúa nhận lời, Người đã cải hóa tâm hồn bố của em thoát khỏi con ma men mà tìm về với Chúa và xây đắp hạnh phúc gia đình.
 
Vở kịch khai mở bằng tiếng chuông và kết thúc cũng bằng tiếng chuông. Tiếng chuông dường như xuyên suốt cả vở kịch. Dụng ý của người viết muốn mượn tiếng chuông để mời gọi và thức tỉnh lòng người. Từ tiếng chuông thực, người viết muốn dẫn khán giả đến Tiếng Chuông là chính Thiên Chúa. Tiếng Chuông đánh thức và hoán cải tiếng chuông lòng người bố của Tý trong câu chuyện.
 
 
 
Màn Một
 
Tiếng chuông làm nền (kính koong….kính koong…..kính koong…..!)
 
Lời dẫn
 
Tiếng chuông cứ ngân vang lên mãi mời gọi mọi con chiên trong xứ đạo đến với Chúa. Tiếng chuông thật thanh nhẹ, trầm bổng như bản nhạc du dương hòa vào với gió bay đến từng mái nhà đạo để thức tỉnh lòng người. Mỗi lần tiếng chuông vang lên là mỗi lần báo hiệu tiếng Chúa mời gọi mọi người, đến với Người qua các Thánh lễ, những giờ kinh sáng chiều.
 
Tý:  (quỳ chắp tay hướng lên tượng Chúa Giê-su Hài Đồng đặt trên bàn, vừa cầu xin vừa như trò chuyện thân tình với Chúa)
 
Chúa ơi! Hôm nay là ngày kỷ niệm cách đây hơn hai nghàn năm, ngày Chúa đã sinh ra vì yêu thương chúng con.
 
Chúa biết không, con đã cố gắng dành thời gian để đến với Chúa qua những Thánh lễ, các giờ khấn trưa, hay giờ đọc kinh tối sáng và cả những hy sinh nhỏ bé như giúp đỡ mẹ cha để dâng lên Chúa!
 
Con đã tích góp những hy sinh nhỏ bé này biểu trưng như những sợi rơm đan thành tấm chăn sợi sưởi ấm Chúa đây!
 
Tiếng chuông làm nền (kính koong….kính koong…..kính koong…..!)
 
Đám bạn của Tý:  Tý ơi! Tý có nhà không?
 
Tý:  Mình có nhà đây! Các bạn đến rủ Tý đi khấn trưa đấy phải không?
 
Sửu: Ừ! Chúng mình đến rủ bạn đi khấn trưa đây!
 
Tý:  Hôm nay đi khấn là tớ lại tích góp được một sợi rơm nhỏ để sưởi ấm Chúa đấy nhé!
 
Dần:  Cậu tưởng mình cậu biết sưởi ấm cho Chúa sao. Chúng tớ cũng đang sưởi ấm Chúa bằng việc đi khấn trưa đây!
 
Mão:  Thôi đi khấn trưa thôi các ông các bà ơi, muộn mất rồi đấy!
 
Thìn: Chúng ta đi thôi!
 
Tiếng chuông làm nền (kính koong….kính koong…..kính koong…..!)
 
 
 
 
Màn Hai
Lời dẫn
 
Tiếng chuông cứ thiết tha mời gọi cho dù lòng người chai lì trong những thói hư tật xấu của mình. Tiếng chuông hằng ngày vẫn kiên nhẫn gõ cửa lòng mỗi người và đợi chờ họ. Không gay gắt mà chỉ nhẹ nhàng khẽ gõ vào cánh cửa lòng mỗi người, khi họ xa rời chân lý là bảng chỉ đường cho ta đến với Thiên Chúa!
 
Bố của Tý: (đi từ phía cánh gà sân khấu vào, trên tay cầm chai rượu vừa uống vừa chửi đổng, đi khệnh khạng như chực ngã, đến chỗ bàn ghế liền ngồi phịch xuống!)
 
Tức thế không biết, có ngày ông đập vỡ tan quả chuông da (ra) cho mày khỏi kêu.
Suốt ngày mày cứ la hét om sòm: Sáng ông đang ngủ ngon giấc mày đã kêu la, trưa ông đang uống diệu (rượu) mày lại kêu la, dồi (rồi) đến tối mày cũng chẳng để ông yên.
 
Mẹ của Tý: (vừa đi chợ về, đi từ ngoài cánh gà sân khấu vào, trên hông cắp chiếc thúng, một tay đeo chiếc nón cũ!)
Ông lại say rồi!!! Ông có thương mẹ con tôi không, khổ cái thân tôi thế này!
 
Bố của Tý: (nói nhè nhè trong cơn say, vừa chửi đứt đoạn vừa chỉ tay vào vợ)
 
Say.. cái gì… mà say. Ông mày đây…..dất (rất) tỉnh táo nhá! Có thằng nào… dám bảo ông say đâu, chỉ có cái con mẹ mày…. dám bảo ông say….
 
Bố của Tý: (vừa quát đứt đoạn vừa gọi tên Tý!)
Con….Tý đâu, đi mua diệu (rượu)…. cho bố. Tý….đâu dồi (rồi)!
 
Mẹ của Tý: Nó đi theo TIẾNG CHUÔNG rồi!!
 
Bố của Tý:  (vừa quát vừa nói lớn tiếng!)
 
Lại tiếng chuông, tiếng chuông có kiếm tiền nuôi nó được không? Cái….con mẹ mày….đi mua diệu (rượu) cho ông, mau lên!
 
Mẹ của Tý: (hướng nhìn xuống khán giả, một tay chống vào cạnh sườn,một tay chỉ vào chồng ca thán!)
 
Úi giời ơi là giời! Khổ thân em thế đấy các bác ạ! Lấy phải cái đức ông chồng say rượu suốt ngày thế này!
 
Bố của Tý: (cầm chai rượu chỉ vào mặt vợ, đập bàn quát chửi và đuổi theo vợ!)
Mày…..mày dám…..bảo ông say hả. Ông…..cứ uống…..cho mày say!
(Chồng đuổi vợ rút vào trong cánh gà sân khấu!)
 
Màn Ba
Lời dẫn
 
Nước cứ mãi chảy rồi đá cũng phải mòn, tiếng chuông cứ kiên nhẫn gọi mời, thức tỉnh ắt lòng người cũng sẽ đổi thay. Hằng ngày, tiếng chuông vẫn đánh động tiếng chuông lòng, tiếng chuông vẫn chờ đợi tiếng chuông lòng đáp trả, và rồi tiếng chuông tâm hồn đã mủi lòng vì tiếng chuông cứ lanh lảnh kiên nhẫn gõ cửa hoài. Tiếng chuông lòng – tiếng lương tâm nơi mỗi người đã được chính Thiên Chúa “thổi” vào, luôn khao khát hướng lòng về Nguồn Cội là chính Thiên Chúa.
 
Bố của Tý: (Lục lọi các chỗ trong nhà tìm tiền mua rượu!).
 
Chẳng thấy có đồng xu nào cả. Diệu (rượu) ơi là diệu ông lại nhớ mày dồi (rồi)! Cái gì đây, chắc con mẹ này nó gói tiền cất vào đây chăng! (Ông mở ra đọc và bắt đầu trầm ngâm buồn phiền suy nghĩ!)
 
Mẹ của Tý: (vừa đi chợ về dắt theo chiếc xe đạp cũ, trên xe chằng chiếc thúng hàng, tay cắp chiếc nón cũ đi vào đến bên cạnh chồng và nói)
Ông làm gì mà đần thối cái mặt ra vậy?
 
Bố của Tý: Đây! Bà coi đi! (Ông đưa tờ giấy cho vợ và quay mặt đi nơi khác tỏ vẻ buồn rầu!)
 
Mẹ của Tý: (bà bắt đầu đọc)
 
 
Thư gửi Chúa Hài Đồng
 
Chúa ơi! Mẹ con và chị em chúng con khổ sở lắm! Bố con tối ngày bầu bạn với chai rượu. Gia đình con lúc nào cũng chỉ thấy tiếng chửi rủa cãi vã. Lúc nào con cũng cảm thấy xấu hổ với làng xóm, bạn bè. Gia đình người ta thì đầm ấm hạnh phúc, còn gia đình con thì……Xin Chúa đến sưởi ấm gia đình con như con đang tích góp những cọng rơm nhỏ bé, bằng những việc hy sinh âm thầm để giữ ấm cho Chúa trong tiết đông giá lạnh này. Xin Chúa biến đổi Bố con, ban cho bố con thoát khỏi con ma men đang vây hãm. Xin Chúa thương cứu giúp gia đình con, Chúa nhé!
Con của Chúa!
                                                                                                      Tý
 
 
Mẹ của Tý: (bà thở dài và động viên an ủi chồng)
 
Ông đừng buồn nữa mà, từ nay ông bỏ uống rượu đi là gia đình mình lại sống đầm ấm hạnh phúc thôi mà. Ông hứa với tôi là ông bỏ con ma men ấy đi! (bà vợ nài nỉ chồng mình) 
 
Bố của Tý: Nhưng mà….
 
Mẹ của Tý: Ông còn nhưng cái gì nữa nào, ông sợ cái Tý nó vẫn còn buồn vì ông phải không? Ông cứ để tôi tìm lời lẽ dịu dàng mà khuyên bảo con nó cho ông.
 
Tý: Con chào bố mẹ ạ! Con đã nghe được hết từ nãy giờ bố mẹ đang nói gì rồi! Con vui lắm bố mẹ ơi! (Tý liền xà vào lòng ôm chầm lấy bố mẹ!)
 
Tiếng chuông nền(kính koong….kính koong…..kính koong…..!)
 
Bố của Tý: (tỏ vẻ ngạc nhiên và quay sang hỏi vợ!)
Bà ơi! Hôm nay giáo xứ mình có lễ à?
 
Mẹ của Tý: Ông thật là….Ông chẳng còn nhớ gì cả, hôm nay là lễ Chúa Giáng Sinh đấy!
 
Bố của Tý: Tôi phải bỏ con ma men này thôi, nó làm cho tôi mê muội chẳng còn nhớ gì nữa cả, tôi quên cả Chúa mất rồi!
 
Mẹ của Tý: Vậy ông hứa với mẹ con tôi từ nay ông bỏ rượu chứ?
 
Bố của Tý: Ừ !! ừ!! Tôi hứa mà…Tôi hứa mà….(ông tỏ vẻ ngại ngùng!)
 
Tý: Tối nay con được biểu diễn văn nghệ đấy bố mẹ ạ, còn được cả phần thưởng thiếu nhi chăm ngoan học Giáo lý giỏi nữa cơ. Bố mẹ đi xem văn nghệ rồi cổ vũ cho con nhá!
 
Bố và Mẹ: Thôi chúng mình đi thôi kẻo muộn!
(Bố chở con gái trên chiếc xa đạp cũ cùng mẹ đi vòng quanh sân khấu rồi tiến vào trong cánh gà).
 
Kết: Nhạc nền bài hát BA NGỌN NẾN LUNG LINH
 
 
Lưu ý:
Một số từ: rượu đọc lái là diệu; rồi đọc là dồi (nhân vật bố của Tý)
 
Nhân vật: Bố và mẹ của Tý, Tý, các bạn của Tý: Sửu, Dần, Mão, Thìn, (7 nhân vật)
 
Hóa trang:
 
Bố của Tý mặc quần áo màu nâu của các cụ già                
Mẹ của Tý mặc quần sa-tine đen, áo nâu, khăn mỏ quạ, nón cũ                
Tý mặc quần áo bình thường, giản dị đúng với dáng con nhà nghèo                
Các bạn của Tý mặc quần áo bình thường
 
Dụng cụ:
 
1 chiếc xe đạp cũ, một chai đựng rượu, bộ bàn ghế (nếu có được chiếc phản tre là hợp nhất),….
 
 
Giuse Đỗ QC
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập443
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm404
  • Hôm nay43,337
  • Tháng hiện tại903,698
  • Tổng lượt truy cập78,907,149
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây