Nhắc tới kỷ niệm ngọt ngào của thời hoa niên, có lẽ gắn bó và lưu dấu đậm sâu nhất trong ký ức mỗi học trò phải kể tới hoa phượng. Phượng không có hương thơm, nhưng sắc màu thì thật rực rỡ, với ba màu đặc trưng: đỏ, vàng, tím. Ngoài ra tại xứ sở hoa Đà Lạt có duy nhất một gốc phượng hoa trắng. Phượng đỏ hay còn gọi "phượng vỹ" là từ ghép của chữ Hán Việt mà thành. “Phượng vỹ” có nghĩa là đuôi của con chim phượng. Vì nhìn lá phượng nhất là các lá non, dễ khiến người ta liên tưởng tới hình vẽ đuôi của loài chim phượng (Nguồn Wikipedia).
Không chỉ phượng vỹ, trong thế giới loài hoa còn có hoa trạng nguyên. Nó cũng có sắc hoa màu đỏ như Phượng, nhưng ít được biết đến hơn và không được học trò mộ mến bằng. Cũng vì thế, phượng vỹ còn được đặt cho cái tên riêng là “Hoa học trò”. Cứ như thể loài hoa ấy có mặt trên đời là để dành riêng cho tuổi học trò vậy.
Mà cũng đúng, ở đâu không biết nhưng riêng tại Việt Nam hoa phượng nở rộ vào khoảng tháng 4 đến tháng 6. Thời gian này là cao điểm của mùa thi, khi các sỹ tử đang miệt mài trau dồi bút nghiên. Cái màu hoa đỏ rực dưới chân nắng hè, như càng thôi thúc, giục giã học trò tạm gác lại mọi thú vui chơi, mau lo chuẩn bị bài vở cho các kỳ thi cuối cấp. Núp dưới tàng cây, các chú ve hòa tấu bản trường ca, Ve. veee… không ngớt, càng làm tăng thêm sự khẩn trương, báo hiệu hè đã tới.
Là học trò ai lại không có ít nhiều kỷ niệm mơ mộng và lãng mạn với bụi cỏ, gốc cây nơi sân trường cùng chúng bạn. Nếu chưa có ư, tôi sẽ mách nhỏ cùng bạn. Với năm lá Bàng và vài que tăm làm dụng cụ, đem gấp lại bạn sẽ có được chiếc mũ, tựa như mũ quan trạng vinh quy bái tổ ngày xưa. Còn với lá phượng, trong các dịp văn nghệ, với tiết mục đóng kịch cổ tích có vai công chúa, chỉ cần bạn khéo tay một chút, dùng lá phượng để kết thành mũ miện. Thế nào bạn cũng sẽ nhận được sự trầm trồ thán phục của thầy cô bạn bè, vì óc sáng tạo biết tận dụng những vật liệu tự nhiên. Mà người đội vương miện lá ấy cũng đẹp chẳng kém công chúa như trong cổ tích ngày nảy ngày nay. Thêm nữa, với hai cánh hoa phượng và mấy tua nhụy xếp lại, ép vào trang sách, phơi khô sẽ tạo được hình một con bướm, đem tặng bạn bè ngày chia tay hay dịp sinh nhật. Những ai nhận được món quà ấy, sẽ cảm nhận được mối chân tình mà bạn dành cho họ, khi để tâm huyết làm ra tác phẩm mỹ thuật này. Còn bao điều thú vị mà hoa lá đã để lại trong ký ức của thời vô tư như con dế lang thang, mà ta cứ ngỡ sẽ còn mãi.
Cũng loài hoa với sắc màu đó nhưng mỗi năm nhìn lên nó, ta lại có cảm giác rất riêng. Những trò nhỏ cấp I và II thì còn mong những cánh hoa đỏ xuất hiện vì như thế có nghĩa là sắp được tận hưởng những ngày hè, tha hồ rong chơi mà không vướng bận chuyện sách vở. Còn các trò cuối cấp, bao giờ cũng kém hân hoan hơn khi thấy phượng nở. Vì mang những tâm tư như thế, nên khi nhìn về hoa cũng nảy sinh những tâm tình khác biệt.
Kể cũng lạ, hoa phượng đỏ tươi, đẹp rực rỡ là thế, mà tựu trung lại tình cảm các thi nhân gửi gắm về nó sao cứ thấy man mác buồn như: “Nỗi buồn hoa phượng” rồi “Sắc hoa màu nhớ” với “Phượng đỏ hè sang mênh mang nỗi nhớ”… khiến cho các sỹ tử đã rời xa tuổi học trò mỗi khi nhớ lại, lật dở từng trang lưu bút phượng hồng đã chép tặng nhau thường chung nỗi niềm.
“Thẫn thờ giữa buổi trưa hè
Chạnh lòng thương những tiếng ve học trò
Phượng hồng nhớ đến ngẩn ngơ
Tuổi thơ trong sáng bây giờ lùi xa.”
(Nhớ mãi mùa hè ơi - Khuất Việt Hưng)
Vì lòng đầy những tâm tư, xốn xang đến thẫn thờ, nên có người khi nhìn hoa đã thốt lên: “Hoa phượng nở chi mắt đỏ hoe”. Hoa thì năm nào chẳng màu đó, thế nhưng tại sao lúc chia tay mới thấy mắt hoa đỏ? Chính là để biện minh cho ánh ‘mắt đỏ hoe’ của cô cậu nên mượn phượng để khỏa lấp nỗi buồn đó thôi.
Khi ngồi viết những dòng này thì ngoài sân, trên các tầng cây bản nhạc đặc trưng của họ nhà ve đã trổi lên rất rộn rã. Phượng đã phơi màu đỏ rực đang cố trải mình vươn lên với trời xanh. Đi giữa trời hoa đỏ lòng thầm nghĩ. Phượng sẽ mãi mãi gắn bó với tuổi học trò, vì nó tượng trưng cho tuổi trẻ đầy hoài bão với khát vọng được vươn cao, bay xa, tỏa sáng để dâng hiến cho đời tất cả năng lực, trí tuệ để dựng xây cuộc sống tươi đẹp, như màu hoa đỏ thắm không phai ngay cả khi đã lìa cành. Nhờ những nét đặc trưng trời cho đó, hoa phượng càng khơi thêm ý vị cho những ai đã trải qua một thời học trò trẻ trung đầy khát vọng.
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu