Sám hối như người con thứ

Thứ năm - 26/05/2016 14:37  2057
Theo từ điển công giáo: sám hối là chịu trách nhiệm và cảm thấy đau xót trong lòng về lỗi lầm của mình, hối hận vì đã phạm tội, xúc phạm đến sự thánh thiện của tình yêu Thiên Chúa. Những xung động nội tâm xảy ra thường làm thay đổi cuộc đời một con người. Điều đó là rất cần cho những tội nhân muốn trở về với cung lòng thương xót của Thiên Chúa. Sám hối, quyết tâm và can đảm là điều tôi cảm nhận được từ tâm tình của người con thứ trong dụ ngôn người cha nhân hậu.

Trước hết, phải thừa nhận rằng lý do dẫn đến sự hồi tâm này của người con thứ đó là anh ta ở trong tình trạng bi đát không lối thoát sau khi đã phung phá hết tiền bạc mà anh ta đòi người bố chia cho vốn là của thừa kế trong lối sống trác tán. Với hai bàn tay trắng cùng tương lai mờ mịt phía trước, điều cần thiết đối với anh ta giờ đây là miếng cơm manh áo. Không còn gì khác, anh ta buộc phải chạy đôn đáo khắp nơi để kiếm việc để mưu sinh. Chính trong hoàn cảnh bị người ta đối xử tệ bạc xúc phạm đến phẩm giá khiến anh ta liên tưởng với những người giúp việc có cơm ăn áo mặc và được cha của anh tôn trọng. Trong khoảng tối của cuộc sống đó, tâm hồn người con thứ lại ý thức tỏ tường về tội lỗi nơi mình. Lương tâm anh lên tiếng, trái tim bị vò xé nhức nhối. Chính anh đã phạm tội tày đình là đòi chia gia sản, điều này lại càng đáng lên án vì người ta được hưởng của thừa kế chỉ khi cha mẹ mình đã khuất. Càng tệ hơn nữa của cải do công khó của cha anh làm ra lại bị ta anh ta dùng vào những chuyện xấu xa vô bổ. Không ai khác chính anh ta phải là người chủ động thú tội và làm hòa với cha của mình.

Đói khát vật chất, khát địa vị, khát tình cha cũng là một trong những động lực giúp người con thứ hồi tâm trở lại. Nhưng ẩn sau những lý do đó, chính là một tâm hồn ăn năn hướng thiện, một tâm hồn khát khao yêu và mong được yêu đã thôi thúc anh quyết tâm “đứng lên đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho Cha vậy” (Lc 15, 18 - 19). Đây thực sự là sự quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi để làm lại một cuộc sống mới của anh ta. Từ đáy lòng khơi lên khát vọng thực sự muốn chuộc lại những lầm lỗi đáng tiếc xảy ra. Quá khứ nghiệt ngã mà anh gây nên từ đây sẽ không bao giờ tái diễn bất cứ một lần nào nữa. Đã quá đủ để bây giờ người con thứ đặt ra quyết tâm phải làm cho bằng được điều gì có những giá trị đích thực và phải tránh xa bằng mọi cách những quyến rũ và duyên cớ đẩy mình vào vũng lầy tội lỗi.

Cùng với tâm tình sám hối và quyết tâm dũ bỏ quá khứ tội lỗi, người con thứ can đảm lên đường trở về. Nói là can đảm vì anh chàng phung phá này không thể lường trước được bao nhiêu là nóng giận người cha sẽ trút xuống trên anh. Anh cũng thừa biết rằng giờ đây mình không còn quyền đòi hỏi gì người cha tội nghiệp kia gì nữa nên rất có thể lời đề nghị của mình trong lần trở về này có thể bị khước từ một cách thẳng thừng. Hơn nữa, anh ta cũng còn mặt mũi nào khi chấp nhận đứng vào số những người giúp việc. Chắc chắn trong số họ có kẻ đàm tiếu nói ra nói vào nói bóng nói gió đấy là chưa kể có khi còn là những lời độc địa không chút thương tiếc nhắm vào anh là đàng khác. Kiểu gì không sớm thì muộn, anh ta cũng sẽ là đối tượng bị dèm pha trách cứ đủ điều. Thôi thì buộc phải chấp nhận tinh thần để lãnh đủ.

Thế nhưng, khác với những gì anh tưởng tượng. Điều anh nhận được không phải là sự xua đuổi, cơn giận dữ nhưng là cái ôm và nụ hôn tha thứ của Cha. Vòng tay thương xót của Cha, đã vội xóa đi tất cả quá khứ lỗi lầm trước khi anh nói xong lời tạ tội. Quà tặng tuyệt vời nhất cho sự trở về của anh, là dòng lệ sám hối được hòa với nước mắt tha thứ của Cha, đã khôi phục nguyên vẹn địa vị người con trong nhà như lúc anh chưa đi hoang.
 
Đâu là sứ điệp gửi đến các kitô hữu chúng ta ngày hôm nay? Trong cuộc sống, đôi khi những nghịch cảnh xảy ra đối với mình, chúng ta thường dễ dàng đổ lỗi cho người khác hoặc trách cứ Thiên Chúa. Khó khăn hơn nữa khi những thói hư tật xấu đã ân quá sâu vào trong mình, chúng ta trở nên vô cảm và chai cứng làm cho con đường trở về lại càng gặp phải nhiều cản trở hơn. Sám hối tội lỗi, quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, can đảm trở về của người con thứ thúc đẩy chúng ta cũng làm như thế khi đến với bí tích Giao hòa, điều cần thiết để được hưởng ơn tha thứ và nếm cảm tình yêu bao la của Chúa Cha, nhất là trong Năm thánh Lòng thương xót, vì Ngài là Thiên Chúa của tình yêu, chậm bất bình giầu tình thương và sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho người con biết sám hối và quay về đường ngay nẻo chính.

Nt. Maria Mai Khôi, Đaminh Bùi Chu
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập190
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay21,003
  • Tháng hiện tại998,390
  • Tổng lượt truy cập79,001,841
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây