Nước và không khí
Thứ sáu - 13/05/2016 15:27
2712
Gần đến ngày Lễ Hiện Xuống, chúng ta nhắc nhiều đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc thánh hóa các kitô hữu và canh tân bộ mặt trái đất. Chính Đức Giêsu trước khi về trời cũng đã nói cho các môn đệ về một Đấng mới sẽ được sai đến được gọi là Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi… Ngài sẽ soi trí mở lòng các ông để hiểu được lời dạy bảo trước đây của Đức Giêsu khi còn ở thế gian và hướng dẫn các ông đến chân lý vẹn toàn.
Chúa Thánh Thần không có hình hài nên có những hình ảnh biểu trưng phản ánh tầm hoạt động rất bao quát của Ngài trong hết mọi chiều kích của sự sống như: lửa, nước, không khí, ánh sáng… hoặc một hình ảnh thường thấy đó là chim bồ câu. Đức Giêsu khi nói với ông Nicôđêmô về sự sống đời sau đã nhắc đến nước và Thần Khí: « Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí» (Ga 3, 5). Qua nước trong bí tích Rửa Tội, các tín hữu được sinh ra làm con cái Thiên Chúa và được đón nhận Thánh Thần. Người lãnh bí tích này cũng được xức dầu để tham dự vào các chức năng tư tế, vương đế và ngôn sứ của Đức Giêsu. Ngoài ra, ngày rửa tội, chúng ta còn thấy những hình ảnh khác là mặc áo trắng và cầm nến cháy sáng được thắp lên từ cây nến Phục Sinh với lời nhắn nhủ giữ gìn chúng cho đến ngày tiến ra đón Đức Giêsu khi kết thúc hành trình dương thế để bước vào dự bàn tiệc cùng với Người.
Nước và Thần Khí mà chúng ta nói trên đây liên quan đến đời sống siêu nhiên. Thế còn nước và không khí đối với đời sống nhân loại thì ra sao ? Ai cũng biết tầm quan trọng của chúng đối với sự sống của các loài từ thực vật, động vật cho đến con người. Nếu như các loài vật và con người cần hít thở không khí thì các loài thực vật cũng cần nó trong quá trình quang hợp. Cũng vậy, nước là yếu tố cần thiết để có sự sống. Trong khám phá không gian hướng đến các hành tinh khác như Sao Hỏa, điều trước tiên mà các nhà khoa học cố gắng tìm hiểu là liệu trên bề mặt của hành tinh này tồn tại nước hay không. Đối với các loài cá thì nước càng là điều kiện tiên quyết. Gần đây hiện tượng hàng loạt cá chết xảy ra tại một số tỉnh Miền Trung của Việt Nam cho thấy môi trường nước có vấn đề. Tuy đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức từ giới hữu trách nhưng theo một số nhà chuyên môn đánh giá đây là do yếu tố con người có thể đã thải ra những độc tố cực mạnh. Nếu đó là những hóa chất không tan trong nước thì sẽ di chuyển trong diện càng rộng và có khi len lỏi vào đất canh tác hay các mạch nước ngầm.
Nguồn nước tự nhiên cũng cần trong việc trồng trọt, sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt là cho cơ thể. Hiện nay Đồng Bằng Cửu Long đang phải đối diện với hạn hán. Vựa lúa của Việt Nam đang có nguy cơ nhiễm mặn. Nhà nông bị thất thu làm cho đời sống điêu đứng. Ai cũng biết nguyên nhân khô hạn của khu vực hạ lưu này là do Trung Quốc ở thượng lưu sống ngăn đập làm thủy điện ; Lào cũng làm tương tự ở đoạn tiếp theo; và Thái Lan muốn dự trữ nước cho riêng mình.
Trong khi đó thủ đô của Trung Quốc thường xuyên phải hứng chịu ô nhiễm trong không khí vượt quá gấp mấy trăm lần độ an toàn cho phép. Khói bụi do các nhà máy công nghiệp thải ra bao phủ khắp thành phố giống hệt như sương mù. Thật là nghịch lý: người ta muốn tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá nhưng lại không phục vụ cho chất lượng sống và thiếu hẳn điều đơn giản nhất là được hít thở không khí trong lành. Đây chính là nguyên nhân gây ra những căn bệnh về hô hấp và tim mạch.
Chúng ta có thể nhịn ăn được ba tuần, nhưng không thể nhịn uống được quá 3 ngày và lại càng không thể nhịn thở được trên 3 phút. Rất may nước và không khí là quà tặng nhưng không dành cho nhân loại, vì chúng có sẵn trong tự nhiên. Nhưng nếu con người không biết giữ gìn và trân trọng thì hậu quả không lường phải hứng chịu là điều tất yếu. Xét cho cùng Trái Đất này chỉ là ngôi nhà chung trong đó hết thảy mọi người và mọi dân nước đều cần có trách nhiệm góp phần mình để sao cho tất cả mọi thế hệ đều được hưởng một cuộc sống chất lượng, dồi dào và hạnh phúc.
Tăng Kỳ Mục