Nữ tu bất tử
Thứ tư - 24/08/2016 15:17
2885
Cách đây gần hai tuần, người viết có dịp ghé thăm một cộng đoàn nữ tu mà nhà mẹ thuộc vào một hội dòng nữ lớn vào bậc nhất của giáo phận tại quê nhà. Quan sát trên tường phòng khách, kẻ mọn thấy tấm hình của hội dòng với sự kiện lớn đó là mừng 65 năm thành lập của hội dòng trong đó có thống kê tổng số các nữ tu.
Tuy mang danh là một hội dòng lớn nhưng nếu làm phép tính nhẩm thì thấy rằng từ ngày thành lập cho đến nay, trung bình mỗi năm hội dòng chỉ có tiếp nhận thêm được khoảng 8 thành viên trong suốt chặng đường dài. Nếu ai đã từng sống ở ngoài miền Bắc trước đây thì sẽ hiểu nguyên nhân tại sao con số thành viên mới lại ít ỏi như thế. Nguyên nhân chính yếu vẫn là do tác động của xã hội trong những năm tháng khó khăn. Chính sách quản lý hộ khẩu và tạm trú nghiêm ngặt khiến cho những ai muốn bước vào đời sống thánh hiến trong một cộng đoàn dòng tu thì luôn cảm thấy cánh cửa rất ư chật hẹp. Thời ấy tại vùng thôn quê, dòng tu cũng được coi như một hộ gia đình và được nhận một số diện tích ruộng canh tác nhất định nào đó nên không thể nhận thêm nhiều người muốn sống đời sống tu trì trong cộng đoàn của mình được. Vả lại, những ai không thuộc người địa phương, nơi có nhà dòng tọa lạc thì khó có thể được tạm trú.
Nguyên nhân nêu trên mới là nguyên nhân khách quan và còn một nguyên nhân chủ quan khác mà người viết từ trước đến nay chưa từng biết đến. Do đó khi được một nữ tu chủ nhà bật mí thì kẻ mọn này mới thực sự ngưỡng mộ các nữ tu vốn « hiền lành như chim bồ câu mà vẫn không thiếu sự khôn ngoan như con rắn ». Nguyên nhân chủ quan ở đây chính là do các nữ tu bất tử. Khi ai đó trong cộng đoàn qua đời sẽ không có báo tử để những thành viên tạm trú « bất hợp pháp » thế vào. Điều này đồng nghĩa với một thành viên mới được mang danh người quá cố để bước ra công khai đối với bên ngoài xã hội và nhân khẩu của hội dòng vẫn tiếp tục duy trì. Do đó về nguyên tắc, số thành viên trong cộng đoàn luôn luôn ổn định mà không hề có sự thay đổi nào.
Rồi sau này, người viết cũng được nghe loáng thoáng rằng các linh mục bản xứ tại Tây Phương cũng không hề thấy các thành viên của cộng đồng người Tàu trên địa bàn của mình qua đời nào hết. Hóa ra họ cũng có bí quyết để có được « trường sinh bất tử », trong khi đó dân nhập cư của một số dân nước khác thường hay chỉ biết áp dụng hình thức hôn nhân giả để được định cư cách hợp pháp. Thế mới thấy các nữ tu quê mùa của mình còn cao tay hơn hẳn người Tàu vốn đa mưu nhiều kế.
Nhìn vào thực trạng Việt Nam hiện nay với nhiều bế tắc, hầu hết mọi người đều cho rằng đó là do lỗi cơ chế một cách có hệ thống: khi thấy chất lượng học sinh sinh viên không đúng thực lực thì thấy ngay được căn bệnh chạy theo thành tích ; khi việc chạy chọt, lo lót, hối lộ trở nên nhan nhản thì cho rằng cá nhân bất lực không đủ sức để thay đổi nên miễn cưỡng nhắm mắt cho qua…
Phải công nhận rằng lỗi cơ chế cũng ảnh hưởng ít nhiều đến Đạo vào thời buổi khó khăn trước đây: nào là tu chui ; chịu chức chui ; xây dựng chui… Chui lâu rồi cũng sẽ có ngày bước ra công khai. Dẫu vậy vẫn thấy phảng phất ở đó nét cao đẹp và sự ngưỡng mộ đối với những con người rất đỗi chân chất và độc đáo mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này.
Tăng Kỳ Mục