Tôi cố nhìn thật kỹ. Tôi đưa mắt lại gần rồi lại đưa ra xa bức hình để quan sát. Tôi hy vọng bức hình người đàn ông chở thi thể một phụ nữ cuốn trong mảnh chiếu được cột vào xe máy, mà người ta đang bàn tán mấy ngày nay, không phải là sự thật. Tôi hy vọng đó chỉ làm một sự hiểu nhầm, hay chỉ là một trò đùa ác ý của ai đó. Nhưng không, đó là một sự thật. Sự thật về thân thể của một con người được cuốn trong manh chiếu và được chở trên chiếc xe máy về nhà mai táng.
Thực sự tôi vẫn chưa thể tin nổi vào mắt mình. Vì chưng cảnh tượng như thế tôi đã gặp thấy nhiều trong cuộc sống, nhưng ẩn sau manh chiếu là một đồ vật hay cái gì đó chứ không phải là thân thể của một con người. Tôi cứ ngỡ cảnh tượng này chỉ có thể xảy ra trong thập niên 40, 50 của thế kỷ trước chứ không phải trong thời đại tiên tiến của cái xã hội văn minh này. Tôi thực sự đã lặng người đi. Tôi lặng người để hiểu rằng còn quá nhiều mảnh đời bất hạnh, và rằng tình người trong cuộc sống này còn quá đỗi mỏng manh.
Tại sao cũng một kiếp người lại có những người khổ cực bất hạnh đến thế? ngay cả lúc cuối đời cũng không được hưởng điều cơ bản dành cho con người? Tại sao cũng một kiếp người lại có những người giàu sang phú quý, có kẻ hầu người hạ? Có biết bao nhiêu đại gia sắm cho mình siêu xe này siêu xe nọ, hay có biết bao lớp người đang ngày đêm đốt tiền trong những quán bar ăn chơi? Nghĩ về điều này, tôi lại càng xót xa hơn cho phận người được che dưới mảnh chiếu mỏng manh kia. Nếu chết mà còn như thế thì chắc chắn lúc tại thế, cuộc sống của người phụ nữ ấy cũng chẳng tươi sáng hơn chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố là mấy. Phải chăng cuộc đời này quá bất công? Hay phải chăng theo giáo lý nhà Phật, kiếp trước con người bất hạnh ấy đã gây ra nghiệp báo? Tại sao và tại sao?
Ắt hẳn cái nghèo đã đẩy gia đình người phụ nữ xấu số trên hành động như thế. Nhưng có một cái nghèo đang tồn tại trong xã hội chúng ta. Cái nghèo này còn kinh khủng hơn cả cái nghèo vật chất. Đó là nghèo tình người. Nếu không nghèo tình người thì những y, bác sĩ đã giúp gia đình người phụ nữ ấy phương tiện vận chuyển tốt hơn, hay ít ra cũng đóng góp một phần nào đó để hỗ trợ gia đình. Nếu như không nghèo tình người thì những người có mặt trong bệnh viện lúc ấy cũng đã hỏi thăm, động viên và cùng nhau giúp đỡ gia đình ấy. Và nếu như không nghèo tình người thì những người bắt gặp hoàn cảnh này trên đường đã dừng lại để cùng nhau giúp đỡ, chứ không phải bàng quan như thế. Dường như tình người là cái gì đó quá xa xỉ với con người ngày nay. Có khi tình người chỉ được giới hạn trong phạm vi gia đình, dòng tộc mà thôi. Cũng một kiếp người sao con người lại ích kỷ với nhau đến thế? Cũng một kiếp người sao con người lại đối xử lạnh nhạt với nhau đến vậy? Thử hỏi con người để lại được gì sau cuộc sống này? Tiền bạc vật chất ư? Rồi cũng hết. Danh vọng, địa vị ư? Rồi cũng tan. Chỉ có tình người là trường cửu theo năm tháng. Vậy tại sao con người chúng ta lại không trao ban cho nhau tình người, như Trịnh Công Sơn đã viết “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng”. Chúng ta hãy sống cùng nhau với cả tấm lòng vì chúng ta cũng là một kiếp người. Chỉ khi sống với nhau bằng tình người thì những câu chuyện buồn như trên sẽ không tồn tại trong cuộc sống này nữa.