Tiếng xin vâng của Mẹ và của Con
Thứ năm - 24/03/2022 22:56
1222
Hôm nay toàn thể Giáo hội tưởng niệm tiếng FIAT cứu độ của Ngôi Lời nhập Thể đã vào trong trần gian: “Lạy Chúa, này con đến để thi hành ý Chúa”; đồng thời tưởng niệm bước đầu của công chuộc cứu chuộc và hiệp nhất mật thiết, bất khả phân ly giữa thiên tính và nhân tính trong ngôi vị độc nhất của Ngôi Lời. Công trình vĩ đại này Thiên Chúa đã thực hiện nhờ lời Fiat trọn hảo, đầy tự do và trách nhiệm của Đức Maria.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: Tiếng Xin Vâng của Mẹ là tiếng Xin Vâng trọn vẹn, hoàn toàn, vô điều kiện cho cả một đời sống. Một tiếng Vâng đầy tự do và trách nhiệm. Tiếng Vâng ấy đã đưa Mẹ lên một địa vị cao cả là làm Mẹ Chúa Trời nhưng cũng đưa Mẹ vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa với một chuỗi những nghịch lý, đầy gian nan, đau khổ, vượt quá trí khôn con người: “Đức Maria thưa “xin vâng” với Thiên Chúa, một tiếng “xin vâng” đã đưa cuộc sống giản dị của Mẹ vào sự rối loạn, và không chỉ có một lần. Biết bao lần Mẹ đã phải thốt lên tiếng “xin vâng” chân thành lúc vui cũng như khi buồn, mà tột đỉnh là tiếng “xin vâng” dưới chân Thập Giá.” Đó quả thực là tiếng thưa vâng đầy lòng tin, đầy can đảm của một người đã sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng mạo hiểm, sẵn sàng đặt cược tất cả những gì mình có trong bàn tay của Thiên Chúa. Đó là tiếng vâng của một người đầy nhiệt huyết, sẵn sàng dấn thân cho chương trình của Thiên Chúa. Dẫu biết rằng sứ mạng của mình không dễ dàng, nhưng các thách đố phía trước không phải là lý do để Mẹ thoái thác. Mọi sự sẽ rất phức tạp, mọi người sẽ hiểu lầm, Thiên Chúa sẽ giải quyết thế nào khi Mẹ có thể bị ném đá chết và cả Con Thiên Chúa Nhập Thể mà Mẹ cưu mang trong bụng cũng có thể chết theo… tất cả đều là lý do chính đáng để Mẹ từ chối lời đề nghị của Sứ thần Chúa. Nhưng Mẹ đã không để cho sự nhút nhát làm chủ tinh thần và ý chí dấn thân của mình hay chỉ vì nghĩ rằng chẳng có gì được thấy rõ ràng hay chắc chắn. Mẹ đã vững tin vào lời hứa của Thiên Chúa và bất chấp hệ quả. “Mẹ Maria không mua bảo hiểm… nhưng Mẹ lại mạo hiểm!” (Christus vivit, số 44), nơi Mẹ, sáng lên hình ảnh một thiếu nữ trẻ trung và mạnh mẽ, chứ không phải một thiếu nữ yếu đuối, non dạ. Nơi Mẹ có đầy đủ niềm tin và sự vâng phục cần thiết để Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu cho nhân loại trong mọi biến cố và hoàn cảnh khác nhau.
Mẹ đã thưa xin vâng một lần và trung thành sống những hệ lụy của tiếng xin vâng ấy trong suốt cuộc đời. Mẹ đã thưa vâng với Chúa bằng lời và đã chuyển hóa lời ấy thành hành động. Trong những đau khổ thử thách, trong những hoàn cảnh éo le, Mẹ không than thân trách phận, so sánh với người này người khác để tự cao, tự mãn hoặc tủi thân tủi phận. Khi đã vượt qua những chặng đường trông gai, cũng chẳng ai nghe được một lời Mẹ kể lể công lênh, khoe khoang thành tích… mà chỉ thấy Mẹ nhìn thẳng lên Thiên Chúa là cội rễ mọi sự và xin vâng với niềm tin yêu phó thác trọn vẹn để chương trình và ý định của Thiên Chúa nơi Mẹ được thành toàn.
Người tu sĩ hôm nay đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi trào lưu tục hóa tất cả và đề cao quá đáng địa vị, tài năng, bằng cấp, chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta luôn phải đối diện với cái tôi kiêu căng coi kỷ luật như một sự ràng buộc làm mất tự do; cái tôi ảo với ngụy biện dám nghĩ dám làm để thích ứng với một thế giới luôn sáng tạo và tự do; không chấp nhận rập khuôn, gò bó. Thế nên nhiều người vẫn bị chao đảo, mất thăng bằng trong đời theo Chúa; vẫn còn câu hỏi tại sao núi người kia cao mà núi tôi lại thấp và những câu nói khéo léo phô trương công trạng, kể lể công lênh và nỗ lực cống hiến của mình. Vẫn còn những lời nhỏ to: bằng mặt chứ không bằng lòng hay vâng mà không phục; vẫn còn đó những khắc khoải tìm điều vừa lòng và hợp với lý của mình chứ không phải là ý Chúa nên cuộc sống mãi tầm thường, thiếu đi niềm vui và hạnh phúc vốn có của cuộc đời theo Chúa.
Ngày lễ Mẹ hôm nay mời gọi chúng ta soi mình vào mẫu gương vâng phục của Mẹ để nhận ra những thiếu sót của mình. Chiêm ngắm những hoa trái tốt lành bởi lời xin vâng của Mẹ để chúng ta khát khao mãnh liệt sống xin vâng với thánh ý Chúa cách trọn vẹn hơn và đưa ra những quyết định cụ thể thay đổi bản thân, thay đổi suy nghĩ để bằng lòng với mọi địa chỉ, mọi công việc, mọi vị trí, mọi khó khăn, trắc trở, bệnh tật… Chúa gửi đến mà không càm ràm hay phản đối dẫu có gặp trái ý và đắng lòng.
Nếu thái độ sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng mạo hiểm, tin tưởng phó thác mọi sự cho tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa nơi Mẹ khi xưa đã làm thay đổi vận mệnh nhân loại thì lời xin vâng thảo hiếu của chúng ta hôm nay cũng mang lại cho Giáo hội, cho thế giới một nguồn hy vọng mới, được giải thoát khỏi sự già nua thụ động để trở thành một giáo hội trẻ trung, năng động đầy sức hấp dẫn. Nếu thế giới khi xưa cần lời xin vâng của Mẹ để được đón Đức Giêsu là Hoàng Tử Bình An thì thế giới hôm nay cũng rất cần lời xin vâng tự nguyện của người trong gia đình, trong Giáo hội và xã hội để được bình an và hạnh phúc hơn. Ước gì, như Mẹ Maria, mỗi chúng ta cũng can đảm hy sinh để luôn thưa vâng trong những điều đẹp ý Chúa.