Cùng Mẹ Maria, nhiệt tâm thi hành ý Chúa

Thứ tư - 13/01/2021 04:06  1957
Cùng Mẹ Maria, nhiệt tâm thi hành ý Chúa (Lc 1,38-48)

Trường học tuyệt vời nhất và người thầy lý tưởng nhất của người kitô hữu là trường học Giêsu và người thầy Giêsu bởi vì từ trường học Giêsu và người thầy Giêsu, kitô hữu có thể hấp thụ được một nền giáo dục toàn diện nhất: giáo dục để nên người hoàn thiện, giáo dục để nên con yêu dấu của Thiên Chúa, giáo dục để sống trọn vẹn căn tính kitô hữu, giáo dục để nên thánh thiện, xứng đáng với hạnh phúc Nước trời... Không gì chúng ta không thể học được nơi mái trường Giêsu và nơi người thầy Giêsu. Trường học ấy và người thầy ấy chúng ta có thể học tập và khám phá cả đời cũng không hết, khám phá đến tận thế cũng không thể thấu đáo cái hay, cái đẹp, cái thánh thiện, cái quyền năng, cái tuyệt đối của Thiên Chúa. Ngoài mái trường và người thầy Giêsu, một người rất gần gũi mà chúng ta có thể học hỏi được là Mẹ Maria. Từ nơi Mẹ, các tín hữu nói chung và người thánh hiến nói riêng có thể học được vô vàn những bài học giá trị để nên thánh, nhất là học với Mẹ Maria nhiệt tâm thi hành ý Chúa.

1. Mẹ Maria nhiệt tâm thi hành ý Chúa bằng cách không ngừng tìm kiếm ý Chúa

Muốn thực thi ý Chúa phải biết ý Chúa. Nếu muốn biết ý Chúa thì phải đi tìm. Cả cuộc đời của Mẹ Maria là một chuỗi dài không ngừng tìm kiếm ý Chúa cho mỗi giai đoạn, cho mỗi hoàn cảnh, mỗi biến cố. Khi còn nhỏ, Mẹ tìm ý Chúa bằng sống âm thầm, lặng lẽ, mong ước để thuộc trọn về Chúa. Khi khôn lớn, được Chúa ngỏ lời qua sứ thần Gapriel, không hiểu, Mẹ hỏi: “Lời chào như vậy có nghĩa gì?” Khi đã được sứ thần giải thích, chưa hiểu, Mẹ tiếp tục đặt câu hỏi: “Việc ấy xảy đến thế nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Khi được cắt nghĩa và đã sáng hơn, Mẹ Maria thân thưa: “Vâng, tôi đây là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền. Xin Ngài cứ thực hiện cho tôi như lời sứ thần truyền.”

Trong cuộc đời làm mẹ Chúa Giêsu, bao nhiêu lần Mẹ không hiểu được thánh ý Chúa, Mẹ đã luôn khiêm tốn, kiên nhẫn suy đi và gẫm lại trong lòng. Không hiểu biến cố Chúa ở lại đền thờ Giêrusalem để lo công việc của nhà Chúa Cha, lời tiên báo của ông Simeon, việc các mục đồng đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu... chẳng hiểu nên Mẹ đã suy đi gẫm lại trong lòng. Chứng kiến con chịu chết trên thập giá, Mẹ cũng im lặng đứng dưới chân thập giá Chúa để suy gẫm... Chính nhờ thái độ khiêm tốn, nghiêm túc và kiên nhẫn tìm kiếm thánh ý Chúa mà Mẹ Maria luôn nhận ra ý Chúa cho từng hoành cảnh, từng biến cố, từng giai đoạn và rồi nhiệt tâm chu toàn.

2. Mẹ nhiệt tâm thi hành ý Chúa bằng cách bỏ ý riêng

Thật thế, trước khi được sứ thần truyền tin mang thai Ngôi Hai Thiên Chúa, Mẹ Maria đã chọn cuộc sống độc thân khiết trinh để thuộc trọn về Thiên Chúa, để chuyên tâm phụng sự Người. Đây là một quyết định táo bạo, trổi vượt, khác biệt với mọi người Do Thái thời đó bởi cả dân Israel đang mong chờ Đấng Cứu Thế, và hầu như người nữ Do Thái nào cũng mong được làm mẹ Đấng Cứu Thế. Ấy vậy mà Mẹ Maria đã quyết định giữ mình đồng trinh. Vì thế, sau khi nghe sứ thần tiên báo “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavit, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”, Mẹ Maria đã thưa lại: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng.”

Ấy thế mà sau khi được sứ thần giải thích rằng việc Mẹ Maria mang thai không phải bởi người đàn ông, nhưng bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, việc đó nằm trong kế hoạch và quyền năng của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã khiêm tốn thân thưa: “Vâng, Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người cứ thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Thân thưa như thế là Đức Maria đã quyết định từ bỏ ý riêng, dẫu cho ý riêng ấy rất đẹp, để vâng theo ý Chúa, để cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ nhân loại. Quyết định của Mẹ Maria thật tuyệt vời! Nhờ sự vâng phục trong khiêm tốn này mà Ngôi Hai Nhập Thể trong lòng Mẹ, nhân loại đón nhận Đấng Cứu Thế, ơn cứu độ được trao ban cho toàn thể vũ trụ này.

3. Đức Maria nhiệt tâm thi hành ý Chúa bằng cách đặt lợi ích người khác lên trên

Thật vậy, sau khi đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa vào lòng = mang thai Con Thiên Chúa, đáng lẽ Mẹ Maria phải nghỉ ngơi cho mình và cho thai nhi. Thế mà Mẹ Maria đã không nghĩ đến mình. Mẹ nghĩ ngay đến người chị họ Êlizabeth đã có thai được 6 tháng, một người phụ nữ son sẻ = vô sinh, mang thai cách lạ trong lúc tuổi già, điều Mẹ vừa được biết nhờ lời thiên sứ. Mẹ Maria vội vã lên miền núi để thăm Êliazabeth. Cuộc viếng thăm của Mẹ Maria không phải là cuộc thăm bình thường, nhưng là cuộc viếng thăm đem niềm vui ơn cứu độ đến cho Êlizabeth và cho Gioan Tẩy Giả. Vì thế mà chỉ cần Mẹ cất tiếng chào Êlizabeth thì đứa con trong bụng của Êlizabeth đã nhảy lên và Êlizabeth được đầy Thánh Thần. Bà không thể kiềm chế nỗi vui mừng nên bà kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Tại sao Êlizabeth lại vui mừng? Thưa, bởi vì bà được thân mẫu của Thiên Chúa đến viếng thăm, một niềm vinh hạnh quá lớn, một món quà quá tuyệt vời Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Tại sao Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ? Thưa, bởi vì cho dù chưa chào đời, Gioan Tẩy Giả đã gặp Đấng Cứu Thế, niềm mong mỏi của Israel nói riêng và của nhân loại nói chung, lời hứa của Thiên Chúa đã trở thành hiện thực.

Như thế đó, là người nhiệt tâm thi hành ý Chúa, Mẹ Maria luôn nghĩ cho người khác và đem niềm vui đến cho họ trong khả năng của Mẹ. Sau này, khi đến dự tiệc cưới Cana, Mẹ Maria cũng là người nghĩ cho gia chủ và đem niềm vui đến cho tất cả khách dự tiệc: Mẹ quan sát và thấy hết rượu, Mẹ nói với Chúa Giêsu: họ hết rượu rồi, Mẹ nói với gia nhân: Người bảo sao cứ làm vậy, Mẹ chờ đợi và rồi Chúa làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon để tất cả tiệc cưới được hân hoan, đôi tân hôn và gia chủ không bẽ mặt hổ ngươi.

4. Mẹ Maria nhiệt tâm thi hành ý Chúa bằng cách khiêm tốn phục vụ

Theo từ điển tiếng Việt, phục vụ có thể hiểu theo ba nghĩa: 1. Phục vụ là làm phần việc của mình vì lợi ích chung. Vd: Hết lòng phục vụ nhân dân; 2. Phục vụ là làm việc nhằm giúp ích trực tiếp cho cái gì. Vd: sản xuất nông cụ phục vụ nông nghiệp; 3. Phục vụ là làm những công việc giúp ích trực tiếp cho sinh hoạt vật chất hoặc văn hoá của người khác. Vd: Phục vụ người ốm; nhân viên phục vụ; thư viện mở cửa phục vụ bạn đọc. Theo nghĩa nào thì phục vụ vẫn được hiểu là đáp ứng nhu cầu của người khác hoặc vật chất, tinh thần, hay tâm linh.

Theo nghĩa này, trước hết Mẹ Maria là người phục vụ tha nhân

Thật thế, sau khi biết tin bà Êlizabeth đã có thai được 6 tháng trong lúc tuổi già, Mẹ Maria đã vội vã đến thăm. Tại sao lại phải vội vã đến thăm và ở lại tận 3 tháng, cho đến ngày Êlizabeth sinh em bé Gioan Tẩy Giả? Thưa, bởi Mẹ Maria biết rõ ở vào thời điểm này bà Êlizabeth cần người ở bên để cảm thông nâng đỡ cho thời kỳ sắp sinh, cần giúp đỡ việc này việc khác: dọn dẹp nhà cửa, chợ búa, cơm nước, rửa chén rửa bát... Mẹ đã ở đó để phục vụ: Mẹ đáp ứng nhu cầu thể chất của Êlizabeth; Những lúc khoẻ, những lúc ốm đau, những lúc lo lắng hoang mang trước những thất thường của thai kỳ: Mẹ ở đó để nâng đỡ tinh thần; Những lúc hoang mang về đức tin, về lòng mến, về sự trống vắng trong tâm hồn, khó khăn gặp gỡ Thiên Chúa: Mẹ ở đó để nâng đỡ tâm linh...

Đọc lại các trình thuật Tin mừng có sự xuất hiện của Mẹ Maria, chúng ta đều thấy Mẹ xuất hiện để phục vụ con người: Mẹ theo thánh Giuse đem con trốn sang Ai cập, đưa con trở về Nazareth và ở trong gia đình để phục vụ Chúa Giêsu và thánh Giuse, hiện diện trong tiệc cưới Cana để giúp gia đình vượt qua khó khăn hết rượu, bước theo Chúa Giêsu trên mọi chặng đàng thánh giá để cảm thông với con, đứng dưới chân thập giá để yên ủi con, ở với các tông đồ trong nhà tiệc ly để cầu nguyện chờ đợi Thánh Thần đến, ở với Gioan trong vai trò làm Mẹ vừa để được chăm sóc vừa để chăm sóc Gioan = biểu trưng cho sự chăm sóc toàn thể Giáo hội...

Như thế đó, Mẹ Maria luôn nhiệt tâm thi hành ý Chúa bằng thái độ khiêm tốn phục vụ và phục vụ bằng tấm lòng yêu thương rộng mở. Mẹ không những phục vụ những nhu cầu thiết thực của con người cả phần xác lẫn phần hồn, cả tinh thần lẫn tâm linh, mà Mẹ Maria còn nhiệt thành phục vụ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Mẹ Maria phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa

Trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa phải nhập thể làm người để cứu độ nhân loại. Ngài phải được sinh ra từ một người nữ “Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5), thì Mẹ Maria đã mở lòng ra cho Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người. Kể từ khi cất tiếng xin vâng để con Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại, Mẹ Maria đã gắn bó trọn vẹn cuộc đời mình với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Từ đây, vận mạng của con chính là vận mạng của mẹ, kế hoạch của con cũng là trách nhiệm của mẹ, thánh ý Chúa Cha dành cho con cũng là bận tâm của mẹ... Không có gì xảy ra với Chúa Giêsu mà không có bận tâm của Mẹ Maria.

Ngày Mẹ sinh con cả thế giới vui mừng như lời sứ thần nói với các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại và cũng là Tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavit, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa.” Nhưng rồi niềm vui ấy chưa kéo dài, Mẹ Maria đã cùng với thánh Giuse đem con trốn sang Ai cập. Vợ chồng nghèo, tay trắng, giữa đêm hôm khuya khoắt giá lạnh, phải đem con trốn sang Ai cập, nơi đất khách quê người. Sống thế nào đây, nghề nghiệp ra sao, nuôi dạy con thế nào, lấy tiền đâu trang trải cuộc sống... Rồi khi được báo mộng đem con trở về Nazareth, hai ông bà lại đưa con về Nazareth... Ngài đem con dâng trong đền thờ, Semeon tiên báo: “Cháu bé được đặt lên làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”. Lời tiên báo ấy gắn với cuộc đời của Mẹ và rồi Mẹ suy đi gẫm lại trong lòng và ngày tháng chờ đợi những gì được tiên báo xảy ra trong cuộc đời của Con Mẹ và cũng như của Mẹ.

Thế rồi những năm tháng công khai rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu, con của Mẹ, Mẹ nếm trải nỗi buồn nhiều hơn niềm vui, đau khổ nhiều hơn hạnh phúc: Con Mẹ bị người ta cho là người mất trí, Con Mẹ bị bắt, bị đánh đòn, bị kết án, bị đóng đinh trên thập giá cách bất công... Không chỉ chứng kiến những đau khổ xảy ra cho con, Mẹ Maria còn mang vào mình chính những đau khổ của con... Hình ảnh người Mẹ can đảm đứng dưới chân thập giá cho thấy Mẹ đã phục vụ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như thế nào. Việc Mẹ đứng dưới chân thập giá, được Chúa Giêsu trao cho thánh Gioan và trao thánh Gioan cho Mẹ là hình ảnh của việc Chúa Giêsu chính là Adam mới, Mẹ là Eva mới thực hiện một cuộc sáng tạo một nhân loại mới... Là người nhiệt tâm thi hành ý Chúa, Mẹ dấn thân phục vụ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đến cùng.

Nói về điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Đức Kitô đang sống, đã viết “Không lẩn tránh, không ảo tưởng, Mẹ sát cánh với nỗi thống khổ của Con mình; nâng đỡ Con bằng ánh mắt và che chở Con bằng quả tim. Nỗi đau Mẹ mang lấy không làm cho Mẹ buông xuôi. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ thưa tiếng ‘xin vâng’, là người nâng đỡ và đồng hành, che chở và ôm ấp. Mẹ là người gìn giữ niềm hy vọng thật tuyệt vời. Chúng ta học từ nơi Mẹ để biết nói lời ‘xin vâng’ với sự nhẫn nại bền chí và tinh thần sáng tạo của những người luôn mạnh dạn bắt đầu lại.” (số 45).

1.5. Mẹ nhiệt thành thi hành ý Chúa bằng thái độ biết ơn

Đọc lại Tân ước, hẳn chúng ta không thể phủ nhận tâm tình biết ơn của Mẹ. Tâm tình ấy được trải dài trong suốt cuộc đời và được cất lên qua lời kinh Magnificat. Mẹ nhìn nhận rằng tất cả cuộc đời Mẹ, tất cả những gì Mẹ đang có, những gì xảy ra cho Mẹ dù vui hay buồn, dù thành công hay thất bại, dù tốt hay xấu, dù thuận lợi hay khó khăn... đều là ân ban của Thiên Chúa. Không chỉ những gì xảy đến cho Mẹ, cho con của Mẹ, mà cho tất cả nhân loại này, cho dân tộc của Mẹ, cho người thấp cổ bé miệng, cho người đau khổ... đều là ân ban. Vì thế, cả cuộc đời Mẹ là lời tạ ơn và mọi hành động của Mẹ đều là hành động tạ ơn. Thế đó, người nhiệt tâm thi hành ý Chúa đón nhận mọi thứ bằng thái độ tạ ơn...

Ngoài Chúa Giêsu có lẽ chẳng ai nhiệt tâm thi hành thánh ý Chúa bằng Mẹ Maria. Mẹ nhiệt tâm thi hành bằng cách cả cuộc đời không ngừng tìm kiếm thánh ý Chúa, sẵn sàng bỏ ý riêng để ý Chúa được thể hiện, đặt lợi ích người khác lên trên lợi ích bản thân, hết mình phục vụ con người và phục vụ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và thi hành ý Chúa với tâm tình tạ ơn trong suốt cả cuộc đời. Ước mong cho mọi tín hữu, nhất là những người sống đời thánh hiến biết noi gương Mẹ nhiệt tâm thi hành ý Chúa trong chính cuộc đời mình. Chỉ khi nào nhiệt tâm thi hành ý Chúa, các tín hữu mới tìm được niềm vui và hạnh phúc đích thật đời này và đời sau.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập362
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm325
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại915,122
  • Tổng lượt truy cập78,918,573
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây