Gương sáng thánh Đaminh (1170-1221)

Thứ sáu - 07/08/2020 23:14  3638

SỨC MẠNH CỦA GƯƠNG SÁNG
Ánh sáng của Hội thánh
Thánh Đaminh sinh năm 1170 tại Tây Ban Nha. Ngay khi có trí khôn, ngài đã hướng trọn tâm hồn về Chúa. Tuổi thơ của ngài  là một cuộc đời trong trắng và đạo hạnh như các thiên thần. Tại Đại học Palencia, ngài là một sinh viên xuất sắc. Hai mươi lăm tuổi, ngài trở thành kinh sĩ tại Nhà thờ Chính tòa Osma. Lãnh tu phục dòng, ngài trao phó đời mình nơi Chúa Giêsu và gắng sức noi gương bắt trước Người. Ngài dành trọn thời gian cho việc cầu nguyện, học hiểu Kinh Thánh và chu toàn các phận vụ trong cộng đoàn. Ngài yêu thích sự thinh lặng và cô tịch; ngài khát khao làm việc sám hối đền tội và ăn chay hãm mình. Năm 1205, ngài đến nước Pháp và ở đó nhiều năm để nỗ lực hết mình nhằm giúp anh chị em theo lạc giáo Albi hoán cải. Noi gương Chúa Giêsu Kitô, ngài hoạt động tông đồ suốt ngày và cầu nguyện thâu đêm. Ngài làm việc đền tội rất nghiêm ngặt, nhưng lại đối xử rất hiền hòa, êm dịu và nhân từ với mọi người. Nhiều người đã được ơn hoán cải nhờ phép lạ, nhưng cũng nhiều người  được ơn biến đổi nhờ gương sáng từ đời sống thánh thiện của Ngài. Sáu lần ngài hành hương đến Roma, một lần đến Tây Ban Nha, một lần đến Paris, đi chân đất, cầu nguyện và ca hát dọc đường; giảng dạy tại các thành phố và làng mạc; thức thâu đêm để chiêm niệm và suy ngắm. Năm 1215, Ngài lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết (OP) để cứu vớt các linh hồn. Ngài quả là con người có tâm hồn tông đồ đích thực, là cột trụ Đức Tin, là tiếng loa Tin Mừng, là ánh sáng Chúa Kitô cho nhân loại. Sau một đời hy sinh phục vụ, thánh Đaminh đã an nghỉ tại Bologna năm 1221.      
                                                      
ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN CỦA THÁNH ĐAMINH

Cầu nguyện chính là hơi thở của đời sống, là ánh sáng soi đường và là bạn đồng hành trên đường trần rong ruổi của thánh Đaminh. Ngài sống bằng hơi thở cầu nguyện. Ngài cầu nguyện không ngừng. Thời thơ ấu, ngài yêu thích việc giúp lễ, viếng Mình Thánh và hát Kinh Thần Tụng. Lúc trở thành sinh viên, ngài học sự khôn ngoan trong cầu nguyện hơn là nơi sách vở. Ngài đưa nhiều linh hồn về với Chúa nhờ cầu nguyện hơn là nhờ lời rao giảng và phép lạ. Khi du hành đây đó, ngài thường vừa đi vừa cầu nguyện, lúc thì là Veni Creator Spiritus (Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến), lúc thì Ave Maris Stella (Kính chào Ngôi Sao Biển), lúc khác thì ngâm một vài thành vịnh. Ngài thường nhắc nhở các anh em cộng sự hướng lòng về Thiên Chúa. Nhiều lần thánh Đaminh thức suốt đêm mà cầu nguyện trước bàn thờ. Cách thức cầu nguyện của ngài rất phong phú: có lúc ngài nằm phủ phục, có lúc đứng thẳng, có khi lại quỳ gối… Ngài đứng hàng giờ trước Thánh Giá, quỳ gối thờ lạy và nguyện cầu sốt mến. Ngài thường dang tay thẳng như hình Thánh Giá và nài nỉ van xin tha thiết cùng Chúa. Đôi khi người ta thấy ngài xuất thần chìm sâu trong cầu nguyện. “Trong mọi gian nan thử thách, đói khát, lao nhọc, tâm hồn ngài luôn quy hướng về Chúa”.

Vì biết miệng lưỡi ba hoa hủy hoại tinh thần cầu nguyện, nên thánh Đaminh yêu thích sự thinh lặng và cô tịch, để ở riêng với Chúa. Bạn thân của ngài là William thành Montserrat chứng thực rằng: “Đaminh thường giữ thinh lặng theo tập quán và quy luật Dòng, kiêng nói những lời vô bổ, để chỉ thường xuyên nói với Chúa hoặc nói về Chúa mà thôi”.

Thánh Đaminh coi trọng việc gìn giữ ngũ quan và trung thành nuôi dưỡng linh hồn bằng việc đọc sách thiêng liêng. Những sách gối đầu giường của ngài là Kinh Thánh và cuốn Các cuộc đàm thoại của các đan phụ trong sa mạc do thánh Gioan Cassiano biên soạn. Ngài luôn mang theo cuốn Kinh Thánh và yêu cầu các con cái thiêng liêng của ngài phải không ngừng siêng năng đọc Kinh Thánh. Trong các bữa ăn tối, một tu sĩ sẽ đọc Sách Thánh lớn tiếng, để các tâm hồn các tu sĩ được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa.

Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân (Gc 3,2)

TÔN SÙNG THÁNH THỂ VÀ SÙNG KÍNH MẸ THIÊN CHÚA

Bí tích Thánh Thể và Thánh Mẫu Thiên Chúa là những đối tượng đặc biệt của lòng sùng kính nơi thánh Đaminh. Trước nhà tạm, ngài quỳ hàng đêm, nghỉ ngơi bên Chúa sau một ngày lao nhọc. Dù mệt lả và nhức mỏi đôi chân sau những hành trình dài, ngài vẫn luôn viếng Thánh Thể trước khi về phòng nghỉ ngơi. Dù vất vả nhọc nhằn mặc lòng, ngài vẫn luôn dâng Thánh lễ, và khi có thể thì dâng lễ hát nữa. Trong khi cử hành Thánh lễ, khuôn mặt ngài thường đẫm lệ, khiếm cho tất cả mọi người tham dự cũng sốt mến sâu xa.

Đối với Mẹ Thiên Chúa, thánh Đaminh luôn có lòng yêu mến kính cẩn và tha thiết. Cuộc sống, công việc, Hội Dòng của ngài luôn được đặt để dưới bàn tay chở che từ mẫu của Mẹ. Ngài luôn kêu cầu Mẹ mỗi khi gặp khó khăn nguy hiểm. Ngài có thói quen đọc kinh Kính Mừng trước khi giảng thuyết. Mẹ diễm phúc đã đổ tràn tâm hồn ngài những ân phúc bởi trời, chăm nom ngài với tình yêu hiền mẫu và ban cho ngài tu phục của Dòng. Có một truyền thống được loan truyền trong Dòng và được nhiều vị giáo hoàng ủng hộ, cho rằng ngài là người đầu tiên giảng giải về lòng sùng kính qua việc đọc Kinh Mân Côi. Các môn đệ của ngài được gọi là “Các tu sĩ Đức Mẹ”, phổ biến tràng chuỗi Mân Côi và áo Đức Mẹ đến tận cùng thế giới.

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Ý thức yêu thương là chu toàn lề luật, nên thánh Đaminh, nhà giảng thuyết lừng danh về lề luật của Thiên Chúa, luôn bừng cháy ngọn lửa tình yêu. Trong mọi việc làm, ngài luôn thể hiện lòng yêu mến Chúa và hằng cầu nguyện để xin ơn bác ái thật lòng: yêu mến Chúa chỉ vì Chúa mà thôi. Từ tình yêu này phát sinh lòng khao khát bừng cháy muốn chịu đau khổ vì Chúa, khiến thánh nhân chịu tử đạo nhiều trong tinh thần.  Ngài bị xúc động quá sâu xa bởi tình yêu Chúa Giêsu chịu đóng đinh tới mức muốn hiến dâng mạng sống cho Ngài. Lòng quảng đại hy sinh xả kỷ của thánh nhân đã chứng tỏ tình yêu chân thành nơi ngài. Lúc còn trẻ ngài đã bán đi kho tàng duy nhất của ngài là bộ sách nghiên cứu để cứu giúp người nghèo. Cuộc đời ngài hoàn toàn phụng sự cho công việc tông đồ đầy lao nhọc, đi khắp đó đây tìm kiếm các con chiên lạc về với Chúa, bất chấp đủ thứ hiểm nguy rình rập. Ngài không ngừng cầu nguyện cho các linh hồn và làm việc sám hối đền tội hàng ngày để cầu cho các tộn nhân. Mục tiêu duy nhất của Dòng ngài là ơn cứu độ các linh hồn. Trong suốt cuộc đời, ngài đã rao giảng cho các người lạc giáo vơi hy vọng sẽ được phúc tử đạo. Ngài có lòng thương cảm đặc biệt trước niềm đau nỗi khổ và sự cùng khốn của tha nhân. Đối với tất cả mọi người, ngài đều cư xử hiền hòa, tử tế và thương xót bao dung. Tình yêu đích thực dành cho Chúa được minh chứng qua ước nguyện nên giống Chúa Kitô và hiến thân phục vụ anh chị em mình.

“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”. (1 Ga 4,7-8)

KHIÊM NHƯỜNG RAO TRUYỀN CHÂN LÝ

Đức khiêm nhường là nền tảng của sự hoàn thiện. Thánh Đaminh đã giữ vững đức khiêm nhường thẳm sâu. Rõ ràng là ngài đã có sự hiểu biết sâu rộng về quyền năng cao cả của Thiên Chúa và sự hư không bất xứng của mình, thế nên ngài luôn sống trong niềm kính sợ Chúa chứ tuyệt nhiên không cậy dựa vào sức mình. Mặc dầu ngài rất thanh sạch nhưng vẫn coi mình là tội nhân, không xứng đáng để nhận một ân sủng dù nhỏ mọn nhất. Vì thế, ngài hằng phủ phục trước mặt Chúa và cầu nguyện với Chúa lâu giờ.

Trước khi vào thành để giảng dạy, ngài thường quỳ gối trên đường, xin Chúa không phạt tội dân nhưng xin cho công việc rao giảng của mình được trổ sinh hoa trái.

Khi đi qua bàn thờ hay Thánh giá, Ngài cúi mình thật sâu để nhận biết sự hư không của mình. Ngài không màng vinh hoa thế giá, nên đã ba lần từ chối chức giám mục. Tại Tổng Hội, Ngài nói với anh em rằng: “Tôi đáng phải đuổi khỏi chức vụ, vì tôi thiếu sót và xao lãng”. Khi được hỏi muốn được an táng ở đâu, thánh nhân đã xin được chôn cất “dưới chân anh em” mình.

Các thánh, mặc dù tiến xa trên đường nhân đức, vẫn xem mình như những người hèn mọn bất xứng, vì các ngài soi rọi đời mình trong ánh sáng chói ngời của Thiên Chúa và nhận thức rằng Chúa thấu biết tường tận con người mình. Thánh Đaminh đã từng thốt lên rằng: “Sự công chính của chúng ta, khi đem so sánh với sự công chính của Thiên Chúa, chỉ đáng là hạt bụi ô trọc mà thôi”. 

“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng!” (Mt 11,29).

Mặc dù rất thanh khiết tới mức Hội thánh tôn xưng ngài là “tháp ngà khiết tịnh” và nghệ thuật thánh đặt vào tay ngài đóa huệ thanh khiết, nhưng thánh Đaminh vẫn hằng luôn thống hối than van về tội lỗi của mình. Tâm hồn của ngài tràn ngập tâm tình ăn năn và môi miệng của ngài không ngừng nói lời sám hối. Ngay khi nhìn thấy thành phố hay làng mạc nào, ngài thường khóc lóc than van vì những tội lỗi mà thành đó xúc phạm đến Thiên Chúa. Lòng thống hối ăn năn ấy không chỉ ẩn giấu trong tâm hồn, nhưng còn thể hiện ra qua những hành động hãm mình đền tội. Mỗi đêm ngài đánh tội ba lần: một lần đền tội mình, một lần đền tội người khác và một lần đền thay các linh hồn đang đau khổ trong luyện tội. Ngài hãm mình nghiêm ngặt, ngay cả khi đi đường cũng kiêng thịt và các món ăn có thịt. Ngài ăn chay nhiệm nhặt và thường xuyên; thậm chí khi đi bộ vòng quanh châu Âu, ngài cũng ăn chay từ tháng Chín đến lễ Phục Sinh, dù vẫn quần quật giảng dạy mỗi ngày. Ngài không bao giờ có phòng riêng, nhưng nằm ngủ ở bất cứ chỗ nào: trên nền nhà, trên ghế băng hay bậc cấp bàn thờ. Ngài nhiệt thành yêu mến lề luật, sửa phạt lầm lỗi với tình yêu hiền phụ, tới mức việc đền tội được đón nhận và thậm chí còn được khát khao nữa. Thánh Đaminh dạy rằng: “Nếu con không thấy còn tội mà khóc nữa, thì hãy tiếp tục khóc, noi gương Chúa Giêsu, để cầu cho các tội nhân trên thế giới được ăn năn trở lại”.

THÁNH ĐA MINH QUA ĐỜI

 “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! ” (Mt 25,21)

Thánh Đaminh qua đời tại Bologna, lúc giữa trưa ngày 6 tháng 8 năm 1221. Cha Ventura, tu viện trưởng cũng có mặt chứng kiến đã kể lại việc thánh nhân qua đời như sau: “Cha Đaminh trở lại nhà Dòng từ Venice vào cuối tháng 7. Mặc dù rất mệt nhọc sau một hành trình dài, ngài vẫn trao đổi với tôi về các công việc của Dòng cho mãi tới khuya. Tôi xin ngài nghỉ ngơi đêm đó, nhưng ngài đã cầu nguyện trong nhà thờ tới nửa đêm, rồi lại có mặt trong giờ kinh chung. Sau đó ngài kêu đau đầu, và rồi căn bệnh cuối đời bắt đầu hành hạ ngài. Nằm trên giường nệm rơm, ngài cho gọi các anh em tập sinh đến quanh ngài, rồi, bằng những lời lẽ vui tươi và vẻ mặt an bình, ngài căn nhặn họ hãy sống sốt sắng, nhiệt thành.  Sau đó các anh em đưa ngài ra ngọn đồi gần đó để hít thở không khí trong lành hơn, và ngài đã dặn dò các anh em mình, rồi chịu phép xức dầu. Sợ rằng ngài không được an táng ‘dưới chân anh em mình’, các anh em đã đưa ngài trở lại tu viện. Anh em đọc kinh cầu nguyện để tiễn đưa linh hồn ngài. Khi đến câu ‘Lạy các thánh của Chúa, xin hãy đến cứu giúp; lạy các thiên thần Chúa, xin hãy mau đến gặp. Xin hãy đón nhận linh hồn này và dâng lên trước nhan Đấng Tối Cao’, thì ngài giơ cao tay lên Trời và trút hơi thở”.

“Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người”. (1 Cr 2,9)


[1] Lược dịch theoTuần chín ngày kính Thánh Đaminh được cộng đoàn Nữ tu Đaminh tại Nashville soạn ra để cầu nguyện cho những ý nguyện cá nhân và nhu cầu của toàn thế giới. Nguồn: http://nashvilledominican.org.

Tác giả: Dominic Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập456
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm429
  • Hôm nay48,573
  • Tháng hiện tại908,934
  • Tổng lượt truy cập78,912,385
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây