Truyện dài: Trở về (chương VI)

Thứ năm - 18/06/2020 04:51  1359
81ukf0v7pul sy355Ngày hôm sau, ông quản Lợi đi đến từng nhà, nói chuyện với từng thành viên của ca đoàn.

- Tôi không muốn nhìn thấy ông thầy “dở” đó nữa. Ông tìm ai dạy hát thì tôi đi. Chứ nếu vẫn là chú đấy thì tôi không đi nữa. Chướng mắt lắm.

- Sao bà lại không đi nữa? Chú Hoàng dạy thì có sao đâu.

Những người được hỏi, người thì bĩu môi, người thì chẹp miệng cái, rồi trả lời đại ý rằng:

- Úi dào. Tu không ra tu. Bao năm ăn cơm nhà Đức Chúa Trời mà lại bỏ dở. Ê mặt cả giáo xứ ra. Mà tự nhiên ông bênh chằm chặp chằm chặp thế. Ông có phải là cha,  là chú gì của người ta đâu mà cứ phải bận tâm thế này. Chịu khó đi tìm người khác thế vào chỗ đó là được.

Ông Lợi, mặt đỏ hừng lên, nói như quát:

- Tôi không là cha, là chú nên tôi biết tôi không có quyền phán xét. Đi tu thì mới được quyền dạy hát, được quyền người ta quý mến à? Cha mẹ người ta còn chưa tiếc của tiếc công thì thôi, các bà nuôi người ta được bữa nào chưa mà cho mình cái quyền phán xét. Tu hay không tu thì cũng là phục vụ Chúa, chứ có phục vụ cho riêng ai đâu mà xét với chả nét.

Gần như nhà nào ông quản tìm đến thì lúc ra, mặt ông cũng đỏ gay lên, bước chân thì huỳnh huỵch. Cũng có nhà được ông ôn tồn giải thích, và nhận được lời hứa tối nay sẽ đi tập hát trở lại.

Trong lúc ấy, tại nhà bà quản Minh, vẫn là một bầu không khí im lìm. Bà Minh đã ra đồng từ sớm. Chuẩn bị sang mùa cấy nên bà ra xem lại ruộng đồng, chuẩn bị đất đai. Hoàng cũng đòi đi cùng mẹ, nhưng bà cản “Người ta thấy con người ta lại dị nghị”. Nên lúc này, Hoàng đang nằm thừ người trên chiếc giường cạnh cửa sổ, thông ra mảnh vườn nhỏ của mình. Hôm nay anh hơi mệt. Đêm qua anh cứ ngồi bên hiên nhà mãi đến muộn mới vào. Đi nằm rồi mà vẫn chẳng thể ngủ được. Cái bệnh mất ngủ đã thành kinh niên, hình như là gen bố anh truyền lại cho. Cả những ngày ở chủng viện, anh cũng là người đi vào giấc mơ cuối cùng của phòng. Nhưng những ngày ấy, cứ đêm nào ngủ ở quê là anh ngủ ngon lành. Còn những ngày này, cũng tại căn nhà này mà mãi không thể gọi giấc ngủ về được.

- Anh Hoàng có nhà không?

Có tiếng gọi từ đầu ngõ. Hình như là tiếng của Hòa. Hoàng ngồi bật dậy. Đúng là Hòa thật rồi.
- Nay em không phải đến viện à? Sao về sớm thế?

Hòa ngồi xuống bộ bàn ghế giữa nhà, với tay lấy cái ấm nước vối, rót ra và uống. Cô vẫn tự nhiên trước mặt Hoàng như trước giờ. Uống xong ngụm nước, Hòa mới ngẩng lên trả lời Hoàng:

- Nay em đến nộp bản báo cáo thôi, không phải trực như mọi ngày. À! Em vừa đi qua chợ. Có món này hay lắm – Cô đặt lên bàn hai cốc chè đỗ đen - Anh còn nhớ món này không. Em nhớ hình như anh thích ăn chè lắm. Ngày trước suốt ngày tranh với em. Nay mua mỗi đứa một cốc bự tổ chảng, khỏi phải tranh với giành.

Vừa nói, Hòa vừa thoăn thoát lôi ra nào cốc chè, nào thìa. Hoàng cứ ngồi đó, lặng im nhìn đứa em gái hàng xóm lấy chè ra, bóc vỏ, rồi đưa tận tay cho mình.

- Ơ kìa! Anh không thích chè nữa à? Không thích là em ăn một mình đấy.

Hòa đặt cốc chè trước mặt Hoàng, rồi bình thản thưởng thức cốc chè của mình. Hoàng cũng cầm cốc chè lên. Những ngụm chè đỗ đen, thêm chút dầu dừa, bánh trôi cộng với cái mát lạnh của nước đá thấm trôi vào cổ họng của Hoàng. Ừ nhỉ! Lâu rồi anh mới ăn chè của quê mình. Trước giờ chả có mấy khi được ở quê quá một tuần. Có về quê thì anh lại chạy hết chỗ này, chỗ kia chứ chả được thảnh thơi để ra chợ, tự thưởng cho mình một cốc chè mát lạnh. Hồi còn đi giúp xứ, anh cũng được ăn chè của nơi này nơi kia, nhưng vẫn tự nhủ “chè làng mình vẫn là ngon nhất”. Cái gì của quê hương cũng làm Hoàng nhớ, làm Hoàng thèm dù ở đâu. Nhưng thời gian này, anh chả còn thiết nghĩ đến chúng nữa. Cho đến hôm nay.

Lúc cốc chè của Hoàng đã vơi đi một nửa, Hòa quay sang hỏi anh:

- Sao nay mắt anh thâm lại rồi này. Đêm qua anh lại thức muộn à?
- À! Ừ. Bệnh mất ngủ của anh ấy mà

Hoàng trả lời ậm ừ để tránh đi câu hỏi của Hòa. Anh cố hướng sự tập trung của mình vào những thìa chè.
- Em biết chuyện hôm qua cũng làm anh khó xử. Nhưng cứ kệ thôi anh. Người làng mình, xứ mình thì anh còn lạ gì nữa. Thích soi xét, thích phán xử. Một thời gian nữa lại trầm xuống ấy mà. (Hoàng lại ậm ừ). Giờ quan trọng nhất là anh cứ cố gắng phục vụ tiếp, phục vụ tốt hơn nữa. Để cho họ sáng mắt ra. Nhất là mấy bà cô lớn tuổi ấy. Chứ bọn trẻ chúng em, có đứa nào chê bai hay xét nét gì anh đâu. Hôm qua chúng em cũng ngồi lại ở bờ hồ, nói chuyện mãi. Đứa nào cũng thấy xót cho anh. Em cũng kêu mấy đứa về rủ thêm bạn bè đi tập hát cho đông đông. Chúng nó hứa với em hết rồi. Tối nay chúng nó sẽ đi đông đủ.

- Anh cảm ơn em! – Hoàng lại ậm ừ.

- Chán ông anh quá. Cứ lần thần thế này thì làm sao mà tập hát cho ngon được. Thôi em về đây. Chuẩn bị nấu cơm cho mẹ về nữa. Tối em gọi anh đi tập hát nhé.

Hoàng định nói gì với Hòa, nhưng cô đã bước ra đến hiên rồi. Anh đành ngồi yên đó, nhìn theo cái dáng mảnh khảnh của đứa em hàng xóm dưới nắng cuối hạ nhạt màu.

Hoàng quay lại, ăn nốt cốc chè đang dở của mình. Nước đá tan hết ra, cái vị ngọt cũng nhạt dần. Giá như lòng mọi người, cái thành kiến của người dân quê anh cũng có thể nhạt đi theo thời gian như cốc chè này. Bao giờ anh mới thoát khỏi cái mớ bòng bong này. Cốc nước đá nào sẽ làm nhạt đi đây?

Tối hôm ấy, Hoàng không đi lễ buổi chiều. Buổi tập hát chuẩn bị bắt đầu thì anh mới đến. Mọi người đã đến trước anh. Các dãy ghế đã đầy hơn. Các gương mặt hôm qua đến tập hát cùng Hoàng, nay vẫn đến đủ. Có thêm nhiều bạn trẻ mới. Có cả những cô trung tuổi khác nữa. Lạ là không thấy ông quản Lợi đâu.
Chuẩn bị đến giờ tập hát. Hoàng đang chuẩn bị cùng mọi người đứng lên đọc kinh trước buổi tập hát thì cha xứ bước ra, cùng với ông quản Lợi. Cha xứ ra hiệu cho Hoàng và mọi người cứ bắt đầu đọc kinh.
Sau khi đọc kinh xong, cha xứ bước lại gần Hoàng, ra hiệu cho mọi người ngồi xuống:

- Ông quản vừa vào gặp cha. Cha rất buồn vì chuyện tối qua. Cha tưởng là buổi tối hôm trước đã giúp mọi người hiểu ra, thông cảm hơn cho chú Hoàng, rồi cùng nhau chuẩn bị cho một Thánh lễ thật sốt sắng của giáo xứ chúng ta. Nhưng đâu ngờ lòng người lại hẹp hòi quá thể. Chúng ta cứ nghĩ phán xét một người có lỗi là chúng ta đạo đức hơn trước mặt Chúa sao? Chúng ta cứ nghĩ là một người trở về thì họ không còn giống chúng ta sao? Chúa từng nói rồi đó “Sao thấy cái rác trong mắt anh em, còn cái xà trong mắt mình thì không biết tới”. Trong khi chú Hoàng đâu có sai. Đời tu không phải là con đường dễ dàng. Người đi tu phải tự đấu tranh với chính mình hằng ngày. Người đi tu dũng cảm, người dám chọn cho mình một cuộc sống, một ơn gọi phù hợp cũng dũng cảm không kém. Tại sao không nghĩ đơn giản rằng, họ trở về với những kiến thức quý báu đã học hỏi được sẽ giúp ích cho giáo xứ rất nhiều. Họ vẫn là con, là cháu của chúng ta lúc thành cha, thành dì và cả lúc họ trở về, sống giữa chúng ta. Hãy mở rộng lòng mình ra để đón nhận họ, thay vì dè bỉu và chê bai họ. Họ không có lỗi, chú Hoàng đây cũng không có lỗi. Họ có quyền tự do để lựa chọn một đời sống thích hợp nhất cho mình, miễn là vẫn làm sáng danh Chúa.
Cha quay lại ông quản Lợi:

- Ông quản cứ cho tập hát bình thường. Ai tự động nghỉ, cứ nghỉ. Còn bao nhiêu người thì ta hát với bấy nhiêu người. Thà một Thánh lễ tuy hát không được hay nhưng được hát bởi một cộng đoàn yêu thương nhau, hiệp thông với nhau, hơn là một Thánh lễ hát hay nhưng vẫn còn chia rẽ, phán xét nhau.
Cha vỗ vai Hoàng:

- Chú Hoàng cứ cố gắng hết mình cho cha. Cha và mọi người sẽ ghi nhận. Tất cả chúng ta cùng nhau cố gắng.
- Con cảm ơn cha! – Hoàng đưa mắt nhìn cha, giọng run run.

Cha xứ gọi ông quản Lợi ra ngoài cửa, dặn dò gì đó, rồi cha trở về nhà xứ.
Hoàng quay lại phía mọi người. Những tiếng xì xèo của những ngày qua, giờ im bặt. Những ánh mắt xa lạ, xét nét cũng không còn nữa. Họ đang cảm thông, đang sẵn sàng đón chào anh. Anh cảm nhận rõ điều ấy, và tự thấy lòng mình đã vơi đi phần nào. Nhìn qua mọi người, Hoàng run run:

- Con xin lỗi mọi người, vì con mà xảy ra chuyện không hay. Con biết con về đây khiến cho mọi người thất vọng. Nhưng chỉ mong mọi người hiểu cho con, cảm thông cho con.

Ai nấy nín thinh, nghe từng lời Hoàng nói. Đây là lần đầu tiên Hoàng được nói ra cảm nhận của mình trước mặt những người cùng quê của mình. Ngày xưa, họ nhìn anh với ánh mắt ngưỡng vọng. Mấy ngày trước, họ nhìn anh với ánh mắt tò mò, dè bỉu. Còn giờ đây, họ nhìn anh với ánh mắt thông cảm và chia sẻ. Dẫu biết con đường phía trước còn dài, nhưng ngay lúc này là sự ấm áp. Hình như anh đang được nhỏ bé lại trên mảnh đất quê hương của mình.

Buổi tập hát ấy muộn hơn mọi khi gần ba mươi phút. Nhưng tiếng hát của tối hôm ấy mượt hơn, ấm hơn những ngày trước rất nhiều.
Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 201

Tác giả: Quang Hải

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập437
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm403
  • Hôm nay48,410
  • Tháng hiện tại908,771
  • Tổng lượt truy cập78,912,222
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây