Giờ kinh tối tại nhà thờ Bảo Lộc vừa kết thúc. Người ta đang lục tục kéo nhau về. Chỉ còn một người đang ngồi lại trước Thánh Thể. Lặng lẽ. Trầm ngâm. Đó là cha Hảo. Cha đang ngồi đọc giờ kinh Thần vụ buổi tối. Tiếng của một con chim rừng cô đơn đang vọng lên, não nề và hiu quạnh. Tiếng chim rừng ấy quyện với không gian mờ mờ ảo ảo của gian cung thánh, làm cái bóng của cha Hảo hiện lên trên nền tường qua ngọn lửa mong manh đang cháy rõ hơn.
Cha Hảo đã quen với những buổi tối hiu quạnh như thế. Những người giáo dân của miền núi này vẫn giữ thói quen tụ họp với nhau lại, đọc kinh sáng tối tại nhà thờ. Trước khi cha Hảo về nhận xứ, nơi đây vẫn chỉ là một ki-ốt thờ thì đúng hơn. Trên miền xa xôi sơn cước này, họ mến và giữ đạo tốt lắm. Mỗi tuần lặn lội mấy chục cây số để được dự lễ Chúa Nhật. Sáng tối tiếng kinh đều đều vang lên tại gian ki-ốt thờ tạm bợ. Bởi thế, sự hiện diện của cha tại nơi đây đem lại những niềm vui, niềm hy vọng cho người giáo dân. Họ quý mến cha. Họ trân trọng từng Thánh lễ, từng lời giảng dạy của cha. Những lời giảng trong gian ki-ốt, rồi gian ki-ốt trở thành ngôi nhà nguyện đã thêm phần ấm áp, nhưng sự trân trọng ấy không suy giảm. Những gương mặt, ánh mắt hướng trọn vẹn vào cha trong từng Thánh lễ lâu rồi cha mới gặp được. Quyết định xin đi truyền giáo nơi xa xôi này giúp cha được cảm nghiệm những hạnh phúc thánh thiêng của đời dâng hiến. Cha vẫn nghĩ sẽ an vui để tiếp tục bỏ công bỏ sức ra cho những nẻo đường, những triền núi quanh co, cho đến một ngày cách đây gần một tháng, ngày mà cha nhận được tin thầy Hoàng – con nghĩa tử của cha, xin rời Chủng viện.
Cha Hảo có không nhiều con linh tông. Trong quãng đời hơn mười năm linh mục, cha chỉ nhận khoảng sáu, bảy chú làm nghĩa tử, nuôi nấng và linh hướng. Hoàng là người con nghĩa tử đầu lòng của cha. Vốn không phải là cha xứ của Hoàng, cha chỉ quen Hoàng qua lời giới thiệu của một sơ. Ngày ấy cha vẫn còn coi xứ tại giáo phận nhà. Khi đang học cấp 3, cứ khi nào được nghỉ học là cậu xin đến ở với cha. Hai cha con cởi mở trò chuyện, tâm sự. Những buổi tâm tình ấy giúp cha nhận ra trong Hoàng sự khát khao dâng hiến, mong ước đi tu để được làm linh mục. Nhưng cha cũng nhận ra cái nét lãng đãng, bấp bênh, tính nghệ sỹ trong con người Hoàng. Cha như nhìn thấy chính mình trong những ngày đầu đời tu nơi Hoàng. Cũng ca hát, đàn nhạc, và đôi khi thơ văn. Cha hiểu rằng lúc ấy cậu cần sự đồng hành, linh hướng. Và cha nhận Hoàng, cùng với sự kỳ vọng không nhỏ dành cho cậu.
Ngày bà cố Minh – mẹ của Hoàng – gọi điện xin thưa chuyện với cha, cha đã biết có chuyện không hay xảy ra. Bởi mùa hè năm đó, Hoàng lên thăm cha mấy ngày. Đằng sau vẻ mặt bình thản, nụ cười thường trực của cậu, cha nhận ra có một sự e dè, ngại ngần. Buổi tối cuối cùng hai cha con ở với nhau, Hoàng mới xin thưa chuyện cùng cha:
- Bố cầu nguyện thêm cho con. Con đang thấy lòng mình có sự thay đổi. Con thấy mình không bình an như ngày trước nữa. Đời sống hằng ngày làm con thấy hơi ngột ngạt. Con đang sợ.
Đêm hôm ấy, cha đã khuyên Hoàng bình tâm, cầu nguyện thật nhiều. Nhưng cha biết, sẽ có sự thay đổi lớn trong tâm trí của chàng trai trẻ. Chỉ không ngờ, mọi thứ đến nhanh như thế này. Chỉ hơn một tháng…
Cha Hảo gấp cuốn kinh Phụng vụ lại. Làn khói hương vẫn đang đủng đỉnh bay thẳng lên. Cạnh nhà chầu, ngọn đèn vẫn cháy sáng bền bỉ. Thỉnh thoảng những con gió bất chợt len lỏi qua những khung cửa trống hoác của ngôi nhà nguyện, nhưng cũng không làm ngọn lửa dao động. Nằm gọn trong sự bao bọc của thông phong thủy tinh, ngọn lửa chẳng hề sợ hãi mà cứ cháy sáng. “Thông phong của đời tu là đâu?” Câu hỏi từng bao lần trăn trở trong tâm trí của cha giờ hiện lên một lần nữa. Cha đã từng chứng kiến biết bao người rời bỏ đời tu: những anh em tu sinh cùng thời sinh viên ngày xa xưa, những anh em cùng một lớp tu chủng viện của cha. Chính cha cũng đâu thiếu những giây phút chập chùng của đời tu. Hình ảnh người mẹ cùng ngôi nhà quạnh hiu, những khoảnh khắc cảm thấy ngột ngạt giữa đời sống kỷ luật và cộng đoàn, thậm chí cả những lúc vì một cô gái nào đó khiến tâm hồn xao xuyến ngày cha còn là sinh viên. Vậy mà cha vẫn vượt qua tất cả, bền đỗ đến lúc này. Mỗi khi nhìn lại, cha thấy rõ kinh nghiệm của lời cầu nguyện và đời sống thinh lặng. Các con cái của cha, cha đều khuyên răn sống đời sống cầu nguyện và thinh lặng thật nhiều. Và đó cũng là điều làm cha luôn lo lắng về Hoàng. Cậu là một người có tài, có lòng yêu mến và nhiệt thành. Mỗi khi về ở cùng cha, Hoàng luôn là người hoạt náo và hăng say. Chả mấy khi thấy cậu ngồi yên một chỗ. Nhưng chính sự hăng say ấy làm cha lo về người con của mình nhiều hơn. Đời sống thinh lặng, đời sống cầu nguyện của cậu luôn là một phần lo lắng của cha. Bao lần cha nói gần nói xa, tâm sự thật với cậu. Cái máu nghệ sỹ vẫn ở đó, vẫn hiện diện. Tấm thông phong của cậu mỏng quá.
Từ ngày mẹ của Hoàng gọi điện cho cha, cha chưa nhận được cuộc gọi nào của Hoàng. Cha biết lúc này cậu ngại chạm mặt cha. Hoàng là một người tự tôn cao. Ngày thi đại học, cậu thi vào trường nghệ thuật chứ không thi vào một trường nào cha gợi ý. Sau ngày thi đại học, cậu cũng tránh mặt cha một thời gian “vì sợ cha quở trách” – như Hoàng đã tự nói ra với cha. Từ ngày thành sinh viên, cậu cũng ít khi tâm tình cùng cha. Giờ là việc rời bỏ đời tu, dễ hiểu vì sao cậu không dám liên lạc với cha. Hôm ấy, nghe tiếng cố nín khóc của bà Minh, cha cũng thấy lòng mình trùng xuống. Cố lựa lời an ủi bà, nhưng chính cha cũng cảm thấy một khoảng trống mênh mông. “Lại một người trẻ không còn theo sát Chúa. Lại một người trẻ nữa dời xa Chúa. Ôi! Bao giờ mới đủ thợ gặt cho cánh đồng quá mênh mông”. Cha đã từng gặp gỡ và chia sẻ với biết bao người trở về, nhưng với người con của mình, người con cha đã từng đặt nhiều kỳ vọng, cha chưa biết phải nói gì với cậu.
Cha Hảo lên phòng thánh, tắt đèn điện trong nhà thờ. Cả ngôi nhà thờ chìm vào trong màn tối và thinh lặng. Chỉ còn ngọn đèn là vật thể duy nhất đang hoạt động, đang cháy sáng giữa khung cảnh thinh lặng ấy, cùng những lẻ khói cuối cùng của nén hương đang cháy dở.
Cha đi dạo quanh nhà thờ. Hơn một tháng nay là những ngày cha trầm tư hơn. Cha đã suy nghĩ nhiều rằng phải nói gì với Hoàng trong lúc này. Nếu ngày trước là lời khuyên cậu nên đi tu Dòng hay tu Triều thì giờ cha chưa biết sẽ khuyên cậu thế nào. Cha lại nghĩ tới Chúa:
- Chúa ơi! Lần đầu tiên con trải qua cảm giác này. Liệu có giống với Chúa trong sân nhà Thượng tế ngày xưa, khi Phê-rô bỏ Chúa lại một mình. Không! Người con của con không chối Chúa, không bỏ con lại. Nhưng cảm giác về sự rời xa này vẫn thấm thía vào con. Con biết ơn gọi cần có ơn của Chúa, và sự tự do của mỗi người. Nhưng con vẫn thấy lòng mình bất an. Chúa ơi! Xin Chúa dạy con, chỉ cho con biết nên làm gì lúc này. Con gửi người con ấy vào vòng tay Chúa. Chắc hẳn mọi sự không xa khỏi vòng tay Quan Phòng của Chúa.
Tiếng chim rừng xa xa lại vang lên, giữa những dòng suy tư của cha Hảo trong đêm tối núi rừng xa xôi.
***
- Ai xuống cổng nhà thờ thì chuẩn bị đồ rồi ra cửa xe nhé! Đến nơi rồi.
Tiếng gọi của người phụ xe làm Hoàng sực tỉnh. Lên tới giáo xứ mà cha nghĩa phụ của anh đang coi sóc rồi. Vậy là khoảnh khắc anh không muốn phải đối diện nhất cũng đến rồi. Giây phút anh gặp cha nghĩa phụ, để nói với cha về sự thay đổi của cuộc đời mình. Mẹ anh phải giục mãi, anh mới chịu lên thăm cha. Anh vẫn chưa sẵn sàng gặp cha, dù biết trước sau cũng phải đối diện với cha. Hôm trước, khi gọi điện cho cha để xin phép lên thăm cha mấy ngày mà chính anh cũng còn do dự. Nghe điện của anh, cha vẫn ấm áp hỏi thăm, và hẹn anh lên sớm. Anh biết cha sẽ không trách anh, nhưng anh biết cha sẽ có một khoảng trống trong suy nghĩ. Anh biết cha kỳ vọng vào anh rất nhiều. Anh luôn nhận được sự quan tâm ân cần của cha. Mỗi lần được tâm sự cùng cha, anh đều có thể thoải mái nói hết ra những suy nghĩ của mình. Dù đang sống trên miền truyền giáo còn nhiều khó khăn, nhưng khi có thể, cha đều giúp anh chút ít về vật chất. Vậy mà bây giờ…
Con dốc dẫn lên nhà thờ đã được đổ bê tông chứ không phải lèn đá trong những ngày đầu tiên cha nghĩa phụ của Hoàng lên nhận xứ. Chiếc cổng dựng tạm lên vẫn đứng đó. Những ngọn cờ nheo vẫn tung bay theo những cơn gió lất phất. Sân nhà thờ vắng lặng. Các phòng ốc cũng đang đóng cửa im lìm. Có tiếng lách cách trong nhà bếp. Hoàng đi vào đó, chỉ thấy có ông Ban – ông giúp việc tại nhà xứ này – đang lúi cúi làm cơm tối. Anh cất tiếng chào ông. Ông Ban quay lại, vồn vã:
- Thầy Hoàng! Thầy vừa lên tới nơi hả? Cha xứ đang đi dâng lễ mất rồi. Cha dặn nếu thầy lên thì đưa chìa khóa phòng cho thầy. Chắc tầm một tiếng nữa cha về thôi. Thầy cứ vào phòng nghỉ ngơi. Lát cha về thì tôi gọi.
Ông Ban lật cật mở chùm chìa khóa to đuỳnh của mình, chọn lấy chìa khóa phòng nghỉ của khách rồi đưa cho Hoàng. “Cảm ơn ông”. Hoàng nhận chìa khóa từ tay ông, rồi lững thững về phòng. Căn phòng bé tý, sát bên phòng thánh của nhà thờ. Ba chiếc giường nối liền nhau. Hoàng bỏ balo xuống cái giường gần cửa ra vào, rồi nằm ngả lưng xuống. Những ngày đầu tiên cha nghĩa phụ của anh về giáo xứ này, căn phòng này được dùng để làm phòng riêng cho cha. Mấy cha con từng cùng nhau nằm trong căn phòng này, tâm sự cùng nhau trong những đêm đầu tiên giữa rừng núi. Dần dà cha mới có phòng riêng, ngay sát cạnh bên.
Mùi dầu và mùi của hương thơm ngoài nhà thờ làm Hoàng sực tỉnh. Anh ngồi dậy, sửa soạn lại quần áo rồi đi ra ngoài.
Căn nhà nguyện được dựng lên tuy chưa to lớn như những ngôi nhà thờ dưới quê của anh, nhưng cũng là khang trang so với vùng núi đồi nơi đây. Một căn nhà với bốn gian, phía bên trên là gian cung thánh đã đầy đủ nến và hoa. Đặc biệt nhất là đã có Thánh Thể đang ngự lại nơi này. Ngày đưa chân cha nghĩa phụ lên đây, Hoàng nhớ căn nhà nguyện vẫn chưa có Thánh Thể. Cha nghĩa phụ hay nói với anh “nhà thờ mà không có Thánh Thể thì lạnh lẽo biết chừng nào”. Ít thời gian sau khi về nhận xứ, cha đã xin được đặt Thánh Thể về đây. Căn nhà nguyện đã trở nên ấm áp và gần gũi biết bao nhiêu. Hoàng tìm một hàng ghế ngay gần đầu, ngồi xuống đó. Ừ nhỉ! Cũng bao nhiêu ngày anh không ngồi một mình trước Thánh Thể. Những ngày còn ở trong chủng viện, mỗi ngày sống đều buộc người chủng sinh ngồi với Thánh Thể ít là nửa giờ. Những ngày đó, ngồi trước Thánh Thể là một phần của cuộc sống. Có nhiều lần nó chỉ đơn thuần là thói quen và trách nhiệm trong ngày sống. Từ ngày về, Hoàng chưa có dịp ngồi một mình trước Thánh Thể như thế này. Ấm áp, nhưng cũng ngượng ngùng. Anh không dám nhìn thẳng lên nơi Chúa Giê-su đang ngự. Ánh mắt không dám nhìn lên đó liên tục được. Anh cứ liên tục đưa mắt đi các nơi mà không dám nhìn thẳng. Trong lòng anh vẫn là một mớ hỗn độn, và mặc cảm. Chúa vẫn lặng im, chẳng nói gì. Chỉ có Hoàng tự thấy lòng mình xao động.
Hoàng ngồi được một lát thì có tiếng xe về nhà xứ. Cha Hảo đã về. Lúc Hoàng đi ra đến ngoài thì cha cũng về đến cửa phòng. Một tay cha đang giữ túi áo lễ, một tay đang lúi húi mở cửa phòng. Hoàng bước đến, cất tiếng chào cha:
- Bố mới về ạ?
Cha Hảo quay sang, nở nụ cười hiền như mọi khi với Hoàng:
- Hoàng lên tới nơi rồi à con? Đợi bố chút xíu rồi dùng cơm tối nhé. Nay đi lễ về hơi muộn.
Cha Hảo mở cửa phòng, bước vào. Hoàng đi xuống nhà bếp. Ông già Ban đã sắp xong mâm cơm từ lúc nào. Chiếc lồng bàn úp kín những món ăn còn đang nóng hôi hổi. Bên cạnh là nồi cơm đã chín, được ông đặt ngay ngắn trên bàn. Hai chiếc bát và hai đôi đũa cũng xếp ngay ngắn cạnh đó. Ông Ban không ở lại nữa. Ông chỉ vào nấu cơm giúp cha những ngày cha phải đi dâng lễ, ít khi ông ở lại ăn cơm cùng. Cũng may là nhà ông gần ngay sát nhà thờ.
Hoàng xuống tới nhà bếp một lát thì cha Hảo cũng xuống tới nơi. Cha vời Hoàng nhanh ngồi xuống mâm cơm. Hai cha con làm dấu, rồi bắt đầu bữa ăn. Hoàng cứ lặng lẽ ăn, không nói gì. Cha Hảo cũng thế. Chỉ thoáng chốc, những đĩa thức ăn trên bàn đã vơi đi một nửa. Cách ăn uống nhanh trong nhà xứ của cha Hảo đã ảnh hưởng đến Hoàng phần nào. Những bữa ăn của anh chẳng mấy khi kéo dài đến quá ba mươi phút. Bạn bè ở Đại học cũng hay trêu anh “ăn như ai cướp mất”.
Cha Hảo vừa buông đũa cũng là lúc Hoàng dùng xong bữa tối của mình. Anh lại phía bàn bếp, lấy đĩa hoa quả đến. Hai cha con lặng lẽ ăn hoa quả. Một lúc sau, cha Hảo mới lên tiếng:
- Mẹ con ở nhà có khỏe không? Hôm trước lúc bà gọi lên, bố thấy giọng bà yếu yếu hơn rồi.
Hoàng vừa tranh thủ xếp gọn bát đũa trên bàn lại, vừa trả lời cha:
- Mẹ con vẫn khỏe bố ạ. Chỉ là đợt này ít trò chuyện với mọi người, lúc nói với ai cũng cứ nghẹn nghẹn giọng lại nên nghe như đang bị ốm.
- Người ta làm gì mà lại ít trò chuyện?
Hoàng dừng tay, để bát đũa đang xếp dở ở đó. Anh nói, giọng rầu rầu:
- Từ ngày con về, mẹ con cứ lúi húi ở nhà, chẳng đi đâu. Người ta ở quê cũng xầm xì nhiều về con với mẹ con. Hai mẹ con ở nhà cũng ít khi nói chuyện được với nhau.
- Ừ. Chuyện này thì khó mà tránh khỏi miệng lưỡi của người đời. – cha Hảo thở dài – Có điều đừng vì những lời lẽ của người đời mà làm mất đi bao nhiêu tâm tính tốt nơi mình. Con là người có tài, nếu đi tu được thì sẽ phục vụ rất tốt. Nhưng giờ trở về với đời sống, con vẫn có thể dùng tài năng của mình để phục vụ và làm việc có ích cho bản thân, gia đình, giáo hội và xã hội. Miễn sao con đừng đánh mất mình là được. Cũng phải thông cảm cho người dân của mình. Họ vẫn nhìn người đi tu như thần thánh. Ai đi tu được thì trọng vọng. Ai không đi được, trở về là họ sẽ dị nghị. Mình càng phải thông cảm cho hơn, sống tốt hơn để họ chấp nhận mình hơn.
- Con hiểu ạ. Nên lần này con cũng đi để lánh mặt một thời gian, đợi mọi chuyện xuôi hơn con mới trở lại sau. Cũng là để mẹ con khỏi phải khó xử với người khác.
Hai cha con cùng trò chuyện thêm một lát, chủ yếu cha Hảo hỏi về những dự định trong thời gian tới của Hoàng, cho anh ít lời khuyên. Hai người tạ ơn sau bữa ăn, rồi cha Hảo lên nhà trước. Hoàng ở lại, dọn dẹp xong khu nhà bếp rồi lên phòng đi nghỉ.
Căn phòng rộng quá! Chỉ một mình Hoàng trong căn phòng rộng, không một tiếng động nào. Chỉ có tiếng côn trùng đang rả rích kêu ngoài sân. Thỉnh thoảng có tiếng máy phá đá vang lên xa xa. Tự nhiên Hoàng thấy hơi giật mình. Lâu rồi anh mới ở một mình trong sự thinh lặng gần như tuyệt đối như thế này. Đúng rồi! Lần gần nhất mà anh ở trong một không gian thinh lặng như thế này là vào đêm hôm trước khi anh trở về. Tối hôm đó, Hoàng cứ ngồi lặng một mình trước Thánh Thể của nhà nguyện chủng viện. Anh không suy nghĩ gì cả. Cứ để cho mọi dòng suy nghĩ tự nhiên chảy qua đầu mình. Không níu giữ. Không suy tư thêm về nó. Cảm giác thinh lặng ấy khiến Hoàng không phải quỵ ngã trước một khoảng trống mênh mông đã xâm chiếm lấy tâm hồn của anh. Bây giờ thì anh đang ngồi một mình giữa rừng núi chập chùng. Cha Hảo đã về phòng, nguyện gẫm một mình. Hoàng định ra khỏi phòng, đi dạo xung quanh mấy vòng. Nhưng gió ở miền núi về đêm hơi lạnh, cộng với chuyến đi kéo dài cả ngày, nên anh quyết định ở lại phòng và đi nghỉ sớm.
Hoàng thay quần áo nhanh chóng. Ngồi ở phía đầu giường, bất giác anh giơ tay làm dấu và thầm thĩ cầu nguyện đôi chút trước khi đi ngủ. Khi tiếng mõ núi xa xa vang lên cũng là lúc Hoàng bắt đầu chìm trong giấc ngủ của mình.
Hải Hậu, ngày 04 tháng 02 năm 2020