Truyện ngắn: Con đi tu nhé!
Thứ ba - 11/05/2021 05:28
2797
- Con đi tu bố mẹ nhé!
Tiếng em cất lên vừa đủ để nghe, nhưng cũng làm ngắt quãng tiếng bản tin phát ra từ chiếc tivi. Phút chốc sau tiếng cười giòn tan của 2 đứa em, bỗng nhiên cả ngôi nhà lặng thing có lẽ bởi vì chưa ai trong nhà này nghe câu nói nào lạ lùng đến vậy, lại càng khó hiểu hơn nữa khi do chính em nói ra, từ nội dung đến giọng điệu đều khác hẳn bình thường.
Mọi người nhìn nhau, bố em quay sang nhìn mẹ như kiểu còn chưa hiểu chuyện gì. Mặc dù ông đã nghe rất rõ điều cô con gái vừa nói. Như để phá vỡ bầu không khí có vẻ nghiêm trọng, ông cười phá lên một tiếng nghe đầy thú vị và quay sang cô con gái của mình và nói:
- Con mà đi tu thì phá hết nhà dòng à!
Mẹ em nghe em nói thì chưa phản ứng gì. Ngay cả khi bố em nói xong cùng tiếng cười giòn tan của hai đứa em, mẹ của em vẫn im lặng. Không phải bà không nghĩ gì, mà ngược lại bà đang nghĩ quá nhiều. Suốt mấy ngày qua nhìn con gái thật sự thay đổi, bà có linh cảm có điều gì đó sắp đến. Tuy linh cảm thế, nhưng bà không thấy lo lắng gì vì bà nghĩ điều gì đó sắp đến có thể là một điều tốt.
Em là một cô gái mà cả làng đều biết tên và biết mặt bởi vì em “nổi tiếng”. Cái sự nổi tiếng ấy làm bố mẹ em và cả gia đình phải đau đầu. Em khác với bất cứ cô gái nào trong cái làng ấy, từ ngoại hình cho tới tính cách. Em cắt tóc ngắn như con trai từ khi em lên lớp 8. Vì cái mẫu tóc khó hiểu ấy, em bị bố cầm cây roi mây quất cho một trận, nhưng chẳng ngăn nổi cái “đam mê” của em.
Kể từ lần đầu cắt tóc con trai đó, mỗi lần tóc dài ra, em lại đi chỉnh đốn cho nó vào “quân ngũ” một cách bài bản. Bố em đánh lần thứ nhất, không cho ăn cơm lần thứ hai, chửi bới lần thứ ba nhưng rồi có lẽ vì “mệt quá” nên cái lần thứ… gì đó ông chẳng còn nói chi nữa. Thế là em đã dành chiến thắng cho cuộc đối đầu đầu tiên ấy. Thừa thắng xông lên, em đưa mọi thứ theo đúng cái mẫu tóc “men lì” của mình.
Em nói chuyện cộc cằn chẳng khác gì mấy cậu con trai, ấy là nói với người nhà. Còn nói với người ngoài, bạn bè hay những người mà em không ưa thì chắc ai ai cũng phải “kính nể” em đôi phần. Từ ngày có mẫu tóc mới tới khi học xong cấp ba, em cho vào “bảng thành tích” của mình vô số những “phần thưởng” mà có lẽ chẳng ai muốn nhận.
Năm lớp 8, em đi chơi với lũ bạn và đánh mất một chiếc xe đạp. Em về thưa với bố mẹ em cho bạn mượn vì bạn mất xe. Sau cả tháng bố mẹ em mới biết sự việc thế là em phải nghe “ca nhạc”. Tuy khó chịu nhưng em biết đó là lỗi của mình nên đành phải chịu trận.
Mỗi mùa hè là mỗi lần bố mẹ em phải nghe chuỗi dài những tin chẳng mấy vui vẻ về cô con gái của mình…
- “Bác Hạnh ơi. Bác ra mà xem, con gái nhà bác đi ăn trộm xoài nhà người ta đang bị họ trói vào gốc cây kia kìa”.
Nghe câu nói vọng từ ngoài cổng, bố em chạy ra xem có chuyện gì. Thì thấy mấy cậu nhóc đạp xe ngang qua nói vọng lại.
- “Chị Mai nhà bác đang bị trói ở gốc cây với mấy anh kia kìa”.
- Ông tức tốc đạp xe đi, đến nơi thì thấy cô con gái đang bị trói với hai cậu bạn gần nhà ở gốc xoài.
- Chủ nhà thấy thế chạy ra nói nhỏ vào tai bố em: “Trói một lúc cho chúng nó sợ ông ạ”
Thế là bố em giả vờ xin xỏ cho chúng nó được thả về.
Tưởng rằng em sợ sau lần ấy, thế nhưng hỡi ơi đã là “đam mê” thì không thể bỏ được và cũng chẳng ai có thể cản được. Cứ cách vài ngày lại có người đến nhà cáo tội về em, nào là bụi mía nhà ông A không còn một cây, lúc thì vườn ngô nhà bà B bị vặt cả một miếng to. Ấy là còn chưa kể đến mấy vụ nhãn, ổi, cam, quýt…
Tên em được “gắn” cho tất cả các loại trái cây trong vườn của bất cứ nhà nào mà tự nhiên biến mất. Trong cả dịp nghỉ hè có lẽ công việc chính của bố em là đi xin lỗi hàng xóm giúp em.
Mỗi lần kỳ nghỉ hè qua đi là cả nhà em vui mừng như thấy ngày hòa bình của dân tộc được lặp lại vậy. Thế nhưng cái nền hòa bình ấy cũng chẳng kéo dài được bao lâu, khi chính em lại gây ra những sự chinh biến mới ở trường học.
Đọc xong tờ giấy mời lên nhà trường, Bố em cầm roi đi tìm em. Biết tình thế cấp bách, em đã chạy sang bà ngoại từ sớm. Bố em sang tới nơi định lao vào cho em một trận tả tơi thì bà em ngăn lại. Thế là cực chẳng đã, ông lại cầm roi về. Em ở đó tới ngày hôm sau mới dám về nhà.
Cô giáo chủ nhiệm nói với bố em: “Nếu cháu nhà bác còn tái diễn tình trạng này thì nhà trường sẽ kỷ luật mạnh, thậm chí có thể đình chỉ việc học của em.”
Nghe thế, bố em chẳng nói câu nào, và cũng không dám nhìn cô giáo. Lúc này ông ước có cái mo cau càng dày càng tốt để đeo vào mặt, hay có cái lỗ nào dưới nền nhà mà vừa thì chui luôn xuống đó cho yên.
Chuyện chẳng là hôm kia em đi học về với mấy cậu bạn cùng lớp. Trong lúc nói chuyện qua lại thì xảy ra cãi cọ lớn tiếng và rồi thì đánh nhau. Trong lúc mặt mũi túi bụi vì bị mấy cánh tay đập phải, em đưa tay vào cặp sách lôi ra một cây thước gỗ dài rồi đập bừa vào phía trước, vô tình cây thước lại “hôn” ngay vào trán một cậu làm chảy máu. Vừa lúc đó, cô giáo em đi qua và thế là em được “trao thưởng” trước toàn trường và phụ huynh được “mời” đến làm việc về tội này cộng thêm trước đó biết bao nhiêu sự việc nổi cộm trong trường đều có sự góp mặt của em. Từ việc trèo cây bẻ cành tới vụ trèo tường rào trốn tiết học đi chơi… thế là tiện thể bố em được mời lên để “thanh toán”.
Sau cái lần đánh nhau vừa bị đau lại vừa bị kỷ luật cơn tức giận trong em có lẽ vẫn chưa nguôi ngoai. Em tìm cách để lần sau nếu có xảy ra những việc như thế thì em cũng không bị đánh đau và bỗng nhiên một ý tưởng lóe lên trong đầu em…
- “Mẹ ơi cho con tiền con đi học võ nhé”. Em chạy xuống bếp nói với mẹ em trong khi mẹ em đang nhặt rau.
- Bà thở dài một tiếng rồi nói: “Mày lên hỏi bố mày ấy, nếu bố mày đồng ý thì tao cho tiền”. Bà nói thế thôi chứ bà biết thừa là bố em sẽ không đồng ý.
Em biết là khó có thể thuyết phục được bố, nhưng em vẫn “liều mạng xông lên”.
- “Bố ơi con muốn đi học võ”. Em vừa dứt câu bố em trả lời ngay “để đi đánh nhau tiếp à?”
- “Bố hay nhỉ, cứ học võ là đánh nhau à”, giọng em oang oang để giải thích.
- Bố em tiếp lời “người ta học võ thì làm được việc này việc nọ chứ mày mà học võ chỉ khổ tao phải đi chịu tội thôi”.
- “Bố hay nhỉ, con gái bây giờ học võ là để phòng thân là chính chứ ai lại tự nhiên mà đánh nhau”, em cố gắng thuyết phục dù biết rằng việc này còn khó hơn việc lấp biển.
- Giọng bố vừa nói vừa muốn cười: “Thân con thì còn ai dám động vào nữa mà phải phòng. Bố toàn thấy người ta phải phòng con đấy chứ”.
Thuyết phục “gãy” cả cổ mà không được em đành rút lui, thế nhưng em vẫn đang toan tính tìm cách để học võ cho bằng được.
Em nghĩ “hay là mình…mình…à mà không được lần này mà có chuyện gì nữa chắc chỉ ra đường mà sống chứ chẳng đùa”. Thế là em thôi không dám làm điều vừa nghĩ nữa. Em chờ cơ hội thuận tiện để có thể xin học võ lại…
Một buổi chiều khi đang ngồi uống nước trước sân nhà với mấy bác hàng xóm, mấy ông ấy nói đến việc dạo này con gái trong làng, nhất là những đứa lớp 8 lớp 9 hay bị đám con trai trêu đùa. Có đứa còn bị ngã gãy cả tay. Đang nghe nói chuyện bỗng bố em khựng lại. Ông nghĩ đến việc em xin học võ cách đây ít lâu, nhưng rồi ông lại tự chấn an mình “nó thì ai dám động vào mà mình phải lo”, nghĩ thế rồi ông lại nói chuyện với mấy ông kia.
Đêm hôm ấy, bố em nằm ngủ nhưng lại nghĩ về câu chuyện mấy ông kia nói. Bỗng nhiên bố em thấy lo lắng điều gì đó. Ông không ngủ được rồi ỗng nghĩ “nó nghịch thật nhưng dù sao cũng là con gái chứ có phải con trai đâu, nó cũng đã từng bị đánh và cũng chỉ vô tình đánh con người ta chảy máu thôi, chứ nếu bình thường không có gì trong tay thì nó chống trả thế nào được”. Nghĩ đến đây ông lại thấy việc con gái xin học võ cũng có lý…
Sáng hôm sau, bố em gọi em lên và nói “Bố sẽ cho con đi học võ nhưng con phải hứa với bố 2 điều”.
- Em thật sự không tin vào tai mình, vì lần này em còn chưa kịp nói thì bố em lại tự cho. Thấy có cơ hội không thể bỏ qua vậy là em trả lời luôn: “Bố cứ nói, 2 điều chứ 20 điều chắc cũng ok ạ. ” Em nghĩ trong đầu “đúng là thánh nhân đãi kẻ khù khờ”.
- “ Bố chỉ cần con hứa 2 điều thôi. Thứ nhất, con không được học võ để gây gổ đánh nhau một cách vô lý, thứ hai học võ là để nâng cao sức khỏe là chính.”
- Vừa nghe hết câu em đã nói ngay “con hứa, con hứa”. Thực ra lúc ấy em nói để được đi học cái đã rồi còn chuyện mấy lời hứa thì tính sau…
Sau một thời gian học võ, được thầy dạy chỉ bảo về việc học võ để làm gì thì bỗng nhiên em quên hết mấy cái ý định ban đầu đi học võ của mình.
Một lần trên đường đi học về, thấy hai cậu thiếu niên đi xe đạp điện giật chiếc điện thoại của một cô bé đang đứng trước cửa nhà, vì chỗ đó khá vắng người. Em phóng xe đuổi theo. Tới cuối cánh đồng hai cậu thiếu niên dừng lại vì cụt đường và cũng có ý định đánh lại em để bõ tức. Thế nhưng em đã cho hai cậu nhóc một trận đòn nhừ tử và sau đó còn gọi mấy người đến đưa hai cậu nhóc lên ủy ban.
Sau chiến công lẫy lừng đó, em được nhà trường và ủy ban khen thưởng và lần này thì đúng nghĩa là khen thưởng thật. Thật không ngờ cái sự việc bất ngờ ấy, lại xóa đi biết bao cái sự “nổi tiếng” trong quá khứ mà em đã “gây dựng” được.
Sau cái vụ “anh hùng” đó, người trong làng ai nhắc đến em cũng nói rằng: “giống con trai cũng có cái hay lắm chứ”. Bọn con nít còn gọi em với những mĩ từ như là “siêu nhân”, “siêu anh hùng…”. Mỗi lần thấy em đi học qua vài đứa lại vừa đuổi theo vừa gọi “sư phụ, sư phụ.” Nghe mà vừa buồn cười lại vừa tếu táo.
Cũng kể từ sau chiến công oanh liệt đó, bầu khí trong gia đình em dịu hẳn. Dường như những “chiến tích” từ trước tới nay của em đều được lãng quên. Tuy vậy, bố mẹ em vẫn còn thấy lo lắng vì cách nói chuyện hay đi đứng của em vẫn hệt như mấy cậu con trai, trái ngược hoàn toàn với cái tên của em. Trong khi đó, chẳng mấy chốc nữa em sẽ học xong cấp 3.
Học xong cấp 3, em tính thi Đại học Thể dục Thể thao nhưng rồi lại thôi. Thế là em dừng sự nghiệp học hành lại, thời gian đầu em ở nhà phụ giúp công việc nhà với bố mẹ. Một thời gian sau bạn bè cùng lứa tuổi đứa thì đi học đứa thì đi làm ăn xa nên em thấy lạc lõng. Em tính xin bố mẹ cùng đi làm với mấy đứa bạn, thế nhưng bố mẹ em nói với em cứ ở nhà thêm một thời gian ngắn nữa rồi đi làm ở đâu thì đi.
Ngoài việc trong gia đình hằng ngày, em chẳng biết làm gì cho hết thời gian. Trong một buổi đi lễ em nghe Cha xứ kêu gọi mọi người tham gia giáo lý viên, về nhà suy nghĩ và thấy việc này cũng hay hay, thế là em thưa bố mẹ. Thoặt đầu, bố mẹ em hơi bất ngờ vì nghĩ rằng tính khí con gái mình thì làm sao phù hợp với cái công việc này được. Thế nhưng bố em vẫn tươi cười bảo: “Thế thì tốt quá, nhưng chỉ sợ con làm cho thiếu nhi sợ chết khiếp”, nói xong bố em cười phá lên.
Thời gian đầu đi học lớp giáo lý viên, em hơi bỡ ngỡ một phần em chưa chắc giáo lý lắm vì hồi nhỏ em chơi nhiều hơn học. Sau một thời gian ngắn, thấy công việc này thú vị, em tìm tòi thêm các sách giáo lý để đọc và biết được nhiều điều hơn.
Khoảng 3 tháng sau, em được cấp chứng chỉ giáo lý viên của giáo xứ. Với cách đi lại và giọng nói của mình, em làm cho bọn trẻ trong giáo xứ cảm thấy có đôi phần sợ sệt, tuy nhiều đứa vẫn gọi em là “siêu nhân” như hồi em mới hạ hai cậu nhóc cướp điện thoại…
Thật không ngờ, cũng nhờ cái tính cách có lẽ quá khác biệt mà từ lúc em làm giáo lý viên bọn thiếu nhi trong giáo xứ, đặc biệt là những đứa cứng đầu lại ngoan hẳn ra. Chỉ cần thấy bóng dáng em ngang qua bên ngoài lớp học thì bất cứ đứa nào cũng im re không dám hé răng nói chuyện nửa câu. Trong mắt tụi thiếu nhi em vừa là anh hùng vừa là bà “ba bị”, thế nên chúng nó vừa ngưỡng mộ lại vừa khiếp đảm.
Em học võ lại cộng thêm việc thích động chân động tay, nên làm việc bình thường em cũng thấy chân tay của mình nó “thừa thãi”. Thế là em nghĩ tới việc lập đội linh hoạt viên cho giáo xứ và giúp các Sơ điều hành lớp Huynh trưởng. Có lẽ đây là công việc phù hợp với em nhất từ trước tới giờ. Chỉ sau nửa năm tham gia giáo lý viên, em đã góp phần làm thay đổi nề nếp thiếu nhi trong giáo xứ rất nhiều. Thế mới biết là có những điều mà chẳng ai ngờ tới vẫn có thể xảy ra, mà đôi khi ngay chính bản thân em cũng chẳng nghĩ tới bao giờ.
Em làm giáo lý viên gần một năm rồi, nhưng tính cách của em vẫn chưa khác lắm so với thời còn đi học, có chi chỉ là không còn gây gỗ đánh nhau, hay không còn trộm cắp như hồi nhỏ nữa. Đôi khi em cũng nhìn nhận điều chưa tốt đó. Một vài lần Cha xứ và các Sơ ở đó đã nói chuyện và góp ý với em, nhưng em nói: “Con không thích thay đổi, con vẫn thích là chính con”. Tuy nói thế, nhưng khi về nhà em suy nghĩ nhiều…
Dịp Noel năm ấy, để chuẩn bị cho các công việc được giao, em làm việc gần như cả ngày ở nhà thờ.
Thấy em hăng hái các công việc, các Sơ nói với em.
- Trưa nay ở đây ăn cơm với các Sơ nhé!
Em đáp lại: “Ăn cơm với các Sơ ấy ạ, ngại lắm con không quen đâu, thôi con về nhà”.
- “Có gì mà ngại, các Sơ cũng ăn cơm đơn giản như ở nhà các em thôi”, một Sơ đáp lại.
Em đáp lại: “Không phải chuyện ăn uống thế nào, nhưng con sợ làm ảnh hưởng tới các Sơ, vì con ăn cơm ở nhà con nói nhiều lắm”.
- Một Sơ đáp lại: “Thì các Sơ cũng nói chuyện mà, chứ có phải tĩnh tâm đâu.”
Sau một hồi lôi kéo, em đồng ý ở lại ăn cơm với các Sơ. Vào nhà cơm, em ngồi gọn trong một góc bàn ăn. Đầu bữa, em chẳng nói gì, chỉ ngồi nhìn các Sơ ăn. Điều này khác hoàn toàn với tính cách thường ngày trong những bữa cơm gia đình.Thấy thế, một Sơ nói chuyện với em. Em trả lời, nhưng không được tự nhiên. Sau vài lời hỏi thăm, em có vẻ tự nhiên hơn. Cứ thế bữa cơm trôi qua với biết bao nhiêu câu chuyện và tiếng cười.
Tối hôm đó, nằm trên giường ngủ, em cứ suy nghĩ về bữa cơm trưa nay. Em thấy hơi bất ngờ bởi lẽ từ trước tới giờ, em cứ nghĩ các Sơ chỉ sống lặng lẽ như nhiều lúc em vẫn thấy, hay như em đã từng thấy khi đi tĩnh tâm một buổi sáng cách đây ít lâu vậy. Thật không ngờ, ngoài những lúc thinh lặng hay làm việc ra, các Sơ cũng có nói chuyện vui vẻ và đầy ắp tiếng cười như thế.
Hôm sau, em lại tới nhà thờ làm việc và các Sơ lại mời em ở lại ăn cơm. Khác với thái độ chối từ ngày hôm qua, hôm nay em nhận lời ngay. Chiều hôm đó, sau khi xong việc em chào về, một Sơ nói với em.
- Hay ngày mai em vào nhà thờ làm việc, buổi trưa sang các Sơ ăn cơm, rồi nghỉ tối trong nhà Sơ luôn nhỉ.
Em nghe mà cũng thấy giật mình, vì em nghĩ rằng ăn cơm đã là quá lắm rồi, chứ ngủ ở đó chắc em chẳng dám. Em trả lời.
- “Thế thì không được, không ai ngủ chung với con được đâu, con toàn gác chân mà có khi con còn kéo gỗ nữa biết chừng”, nói xong em cười.
Sơ đáp lại: “Có phòng riêng cho em ngủ mà, nên không sao đâu!”
Nghe tới đây em nghĩ: “Nếu phòng riêng thì chắc cũng được nhỉ”, nhưng em vẫn ngại. Em còn đang nghĩ thì Sơ nói tiếp.
- “Vậy nhé, mai em đưa theo quần áo, rồi tối nghỉ lại luôn rồi đi lễ sáng”.
Em còn chưa kịp trả lời thì Sơ đã đi mất rồi. Hôm ấy, khi về nhà em vẫn còn suy nghĩ xem có nên vào đó ngủ ngày mai hay không…
Hôm sau, em vào nhà thờ mặc dù chưa chắc sẽ dám ở lại ngủ ở nhà Sơ, nhưng em vẫn mang theo một bộ quần áo và nói với bố mẹ. Hôm đó, khi làm xong công việc buổi chiều, em tính chào về thì một Sơ nói với em.
- Thế nào sẵn sàng rồi chứ, ở lại đây nghỉ xem có thấy thích không”.
Em còn chưa kịp trả lời thì Sơ đã đến dắt cái xe của em đưa vào trong. Thế là em đồng ý ở lại.
- Trước khi đi ngủ, em hỏi một Sơ: “Sáng mai mấy giờ thì sẽ dậy ạ?”
- Sơ trả lời: “Các Sơ thì sẽ dậy lúc 4h để đọc kinh, còn em thì cứ ngủ tới 5h kém rồi dậy, rồi sau đó đi lễ với các Sơ”.
Sáng hôm sau, vì ngại với việc các Sơ dậy lúc 4h mà em lại dậy sau nên em cũng đặt báo thức 4h dậy, nhưng em không dám ra ngoài vì sợ ảnh hưởng. Em dậy nhưng cứ ngồi yên trong phòng. Tiếng kinh sáng từ căn phòng nhà nguyện vang lên cao vút bỗng làm em chú ý. Từ nhỏ tới giờ em chưa nghe giọng hát kinh nào hay đến thế, vừa nhẹ nhàng vừa sâu lắng. Em cứ mải mê nghe theo từng lời kinh mà chẳng để ý tới giờ lễ sắp đến. Tiếng kinh kết thúc nhưng tâm hồn em vẫn đang mê man theo những cung điệu trầm bổng ấy. Bỗng tiếng gõ cửa làm em bừng tỉnh khỏi “viễn cảnh thiên đường”.
- “Em dậy chưa ? đi lễ với các Sơ nào”, tếng một Sơ đứng ngoài cửa vang lên.
Một tuần làm việc ở nhà thờ, được ăn cơm và được ngủ trong nhà dòng đã trôi qua, em bỗng thấy tiếc nuối điều gì đó, em ước giá mà được ở thêm thì hay biết mấy. Em bị ấn tượng với cuộc sống của các Sơ. Từ lời ăn tiếng nói rồi biết bao nhiêu điều khác, nhất là những tiếng hát và lời kinh. Em về nhà nhưng tâm trí vẫn còn ở nơi đó.
- “Sao bữa nay tóc dài thế mà chưa cắt, hay là không có tiền”, giọng bố em nói khi đang ngồi xem tivi. Bố em đang thấy lạ vì mọi khi cứ khoảng hai tháng là em đi cắt tóc một lần, nhưng lần này thấy dài lắm rồi mà em vẫn chưa đi cắt.
- “Để tóc dài bây giờ lại là mốt bố ạ”, em vừa trả lời vừa cười.
Bố em đáp lại: “Bữa nay lại đổi mốt rồi à, để dài cũng được nhưng đừng có nhuộm xanh nhuộm đỏ là được”.
- Em trả lời: “Bố yên tâm, con chỉ để mốt dài thôi chứ mốt xanh hay đỏ thì tốn tiền lắm”.
Bố em lại đáp lại: “Với lại cũng phải để tóc dài cho nữ tính một chút mà lấy chồng chứ”.
Nghe bố nói tới đây, bỗng em thấy chột dạ. Em nghỉ học đã một năm. Lẽ thường tình bạn bè cùng tuổi mà không đi học thì cũng đang lo công việc, rồi tính chuyện lập gia đình, nhưng em thì từ trước tới nay em chưa bao giờ nghĩ tới. Trong phút chốc em bỗng bối rối, lặng đi một lát, em trả lời:
- “Chồng con làm gì hả bố, với lại con còn trẻ lo gì!”
- “Con không lo, nhưng bố mẹ lo”, bố em trả lời.
- “Bố mẹ chưa phải lo chuyện đó đâu, con còn trẻ mà”, em vừa nói vừa cười.
Tóc em đã dài ngang vai, giọng nói và dáng đi của em cũng khác trước nhiều. Mọi người đã biết em từ trước tới nay đều hết sức ngạc nhiên vì em thay đổi nhanh quá. Mấy người còn nói vui với nhau:
- Giờ nó làm giáo lý viên và lại ở nhà thờ nhiều nên Chúa thay đổi đấy, giờ thì hết thấy cái dáng “oai phong lẫm liệt” ngày xưa rồi. Nhìn nữ tính lắm chứ không à!
Bạn bè cũng nói là rất bất ngờ về em. Em nghe và thấy vui vì điều đó. Ai cũng nghĩ rằng em thay đổi vì em là giáo lý viên, nhưng em thì lại nghĩ khác, làm giáo lý viên cũng có tác động nhưng với em những người đã giúp biến đổi hoàn toàn thì chỉ có em mới biết và em còn đang cố gắng để thay đổi nhiều hơn nữa.
Hôm đó, em đi lễ về. Trong lúc đang ngồi ăn tối cả gia đình và cả nhà chăm chú nghe thời sự thì em cất tiếng: “Bố mẹ ơi, con đi tu nhé!” Giọng của em nói vừa đủ để nghe nhưng cũng đủ cắt ngang sự chú ý của mọi người vào chiếc tivi.
Bố em cũng nghĩ là em đang nói đùa nên cũng nói một câu cho vui: “Con đi mà đi tu thì phá hết nhà dòng à!” Hai cậu em nghe thế thì cười khúc khích. Thế nhưng, ngoài hai cậu em đang cười khúc khích thì cả bố mẹ và em không ai cười cả. Thấy vậy hai cậu em cũng im tiếng.
Mấy hôm sau, có một cậu thanh niên rất lịch thiệp đến nhà hỏi thăm em, nhưng em đi vắng nên bố em hẹn tối em về rồi đến. Tối đến em đang chuẩn bị đi tập hát ca đoàn thì bố em gọi lại.
- “Tối nay con ở nhà đi, có khách đến chơi”.
- Nghe tới đấy em trả lời: “Thì khách của bố thì bố tiếp, chứ con ở nhà thì làm được gì đâu?”
Bố em đáp: “Khách của con chứ khách gì của bố”.
Nói tới đây em hiểu là gì rồi nên em đáp: “Con chẳng tiếp mấy cái khách mà con không chơi đâu”. Nói thế rồi em lên xe em đi, mặc cho bố em gọi quay lại thật to.
Bực tức chuyện hôm qua, sáng sớm hôm sau, bố em đã gọi em ra để “ca” cho một bài.
- It nhất mày cũng phải tôn trong người ta chứ. Bố đã lỡ nói với họ là tối con có ở nhà, thế mà…
Em đáp lại: “Nếu hẹn thì bố cũng phải hỏi con chứ, còn nếu bố tự hẹn thì bố đi mà tiếp”.
- Bố em lại quát lớn tiếng hơn: “Tao hẹn cho tao chắc, cũng vì lo cho mày nên tao mới hẹn người ta.”
Em đáp lại: “Con đã bảo là bố mẹ chưa phải lo cho con đâu, chuyện này cứ từ từ để sau”.
Bố em trả lời: “20 tuổi rồi lo đi là vừa chứ còn để đến bao giờ nữa, không gì thì ít nhất cũng nói chuyện với người ta một lần xem sao chứ. ”
- “Con chẳng biết nói gì thì tiếp chuyện người ta thế nào được”, em đáp lại.
Tiếng em và bố em tranh cãi làm cho mẹ em từ ngoài vườn phải chạy về để can ngăn. Cuộc tranh cãi chỉ tạm dừng lại khi một người hàng xóm sang gặp bố em có chút việc.
Hôm nay, em đi lễ, lúc về em dẫn các Sơ đến thăm nhà. Bố em cũng hồ hởi tiếp đón vì chẳng mấy khi nhà lại có các Sơ đến chơi. Vài ba câu chuyện làm không khí trong nhà vui hẳn lên.
Một Sơ đang nói chuyện với mẹ em, và khen em hết mức. Mẹ em thấy cũng vui trong lòng. Câu chuyện bỗng dưng đổi chiều khi một Sơ quay sang nói với mẹ em.
- Có cô con gái thế này mà cho đi tu thì tuyệt lắm bác nhỉ!
- Mẹ em cười đáp lại: “Muốn lắm đấy Sơ ạ, nhưng Chúa gọi thì mới được chứ có phải thích đi là đi đâu”.
Một Sơ đáp lại: “Thì đúng là phải Chúa gọi rồi, nhưng cũng một phần là ở em nó có thích hay không và gia đình phải ủng hộ và cầu nguyện nhiều nữa ấy” .
- Mẹ em đáp lại “ Gia đình con mong mà không được ấy chứ ạ”.
- Nghe thấy thế em liền chen vào: “Con thì ok luôn ấy chứ ạ”.
- Một Sơ đáp lại: “Thế thì đẹp quá rồi, em muốn và gia đình cũng muốn thì còn gì bằng nữa.”
Bố em ngồi đó, nhưng không nói gì, nghe tới đây gương mặt tỏ rõ vẻ không vui. Em nhận thấy điều đó liền khẽ ra ám hiệu cho một Sơ đang ngồi bên cạnh mẹ.
- “ Bác trai thấy thế nào ạ ?”, một Sơ hỏi.
Bố em liền nói: “Nó thì tu tác cái gì, đi làm, lấy chồng là xong chuyện”, dứt lời bố em đứng dậy và bảo là đi sang nhà bác có chút việc.
Chiều hôm ấy, em dọn đồ đạc cho vào bao lô, nước mắt vẫn rơi trên gương mặt. Mẹ em cũng khóc nhưng không phải vì buồn mà vì thương em. Mẹ em nhìn rõ sự thay đổi của em suốt gần 2 năm nay. Bà ấy mừng trong lòng nhưng bà ấy khóc vì đến giờ này bố em vẫn không đồng ý để em lên nhà dòng. Đang khi còn gấp mấy cái áo cuối cùng thì bố em đi công việc về.
Vừa vào tới cửa nhà, nhìn thấy em đang dọn đồ, ông quát lớn tiếng:
- Mày vẫn quyết định đi?
Em trả lời: “Con vẫn quyết định, con cũng không dám chắc con sẽ đi đến cùng hay như thế nào nhưng con sẽ cố gắng”.
Bố em đáp lại: “Tao nói rồi, một là không đi đâu hết, hai là mày đừng về cái nhà này và cũng đừng nhìn mặt tao nữa.”
Nước mắt em lại trào ra, nhưng em vẫn cố lấy sự bình tĩnh mà thưa lại: “Thế bố muốn con ở nhà làm gì, con đi tu chứ có phải đi ăn trộm, ăn cắp hay đánh nhau như ngày còn đi học đâu”.
Bố em đáp lại: “Ở nhà lấy chồng, mà không lấy chồng cũng được, không lấy chồng thì cứ ở đó tao nuôi”.
- “Ngày trước con nghịch ngợm, phá phách bố cấm con thì đã đành. Bây giờ con đi tu bố cũng cấm con thật sự không hiểu”, em trả lời.
Nghe em nói tới đây bố em bỗng lặng tiếng. Bố em nghĩ lại cảnh ngày trước mỗi lần em gây ra chuyện gì là ông phải đứng ra chịu tội thay con gái. Hồi ấy, mỗi lần đi lễ ông chỉ xin cho con gái mình ngoan ngoãn vâng lời, còn tương lai công việc, sự nghiệp hay giàu nghèo Chúa muốn thế nào cũng được. Nghĩ tới đây, khóe mắt ông bỗng đỏ ửng và cay xè như vừa bị sát ớt. Ông không nói gì nữa, đến ghế ngồi phịch xuống. Tự trái tim của bố, em luôn là một cô con gái tuyệt vời, dù rằng ngày nhỏ em làm bố phải lo lắng quá nhiều. Hơn nữa, gần đây thấy em thay đổi, bố em vui lắm chỉ là không nói với ai mà cứ lặng lẽ nhìn ngắm sự thay đổi đó mà thôi. Nhiều lúc nghĩ tới việc con gái đã lớn, rồi mai ngày cũng lấy chồng rồi theo chồng, ông vừa mừng nhưng lại vừa lo. Từ lần đầu tiên nghe em nói đi tu, ông tưởng đùa nhưng một vài lần sau ông thấy sợ nhiều hơn. Bố em yêu em và muốn em chọn lựa một cách đúng nhất theo cách nghĩ của ông. Biết em đã thay đổi nhiều nhưng nói đi tu thì bố em vẫn thấy không ổn. Bố em sợ em phải khổ, sợ vào tính cách của em lại không phù hợp với nhà dòng, rồi lại không tu được, lúc ấy mà về có khi còn khổ hơn nữa. Thế nên ông không muốn cho em đi…
Thấy bố em ngưng, không nói, mẹ em liền đỡ lời.
- Con nó dù sao cũng chỉ là đi tìm hiểu thôi chứ đã phải đi tu được ngay đâu mà ông phải quýnh lên thế, vả lại đi tu chứ có phải đi trộm cắp đâu. Ngày trước ông chỉ mong nó ngoan lấy một ngày là ông vui rồi. Bây giờ nó thích đi tu, nếu mà được thì nó ngoan cả đời chẳng tốt hơn à?
Bố em vẫn ngồi đó, chẳng nói thêm câu nào. Mẹ em đến chỗ em, vừa cho mấy bộ quần áo vào túi cho em vừa nói:
- “Cứ coi là cho con đi nghỉ ngơi ít ngày, công việc ở nhà dạo này cũng đỡ vất vả mới đi được, một hai tháng nó về rồi tính tiếp”.
Chiều đó, mẹ em đưa em ra xe, còn bố em vẫn cứ ngồi trong nhà và chẳng nói thêm lời nào. Em bước lên xe, hai con mắt đỏ hoe, em buồn và em sợ. Em buồn vì bố chưa đồng ý và em cũng sợ, sợ rằng đây là quyết định vội vàng, nhưng em cũng đã suy nghĩ và cầu nguyện nhiều nên em mới chọn lựa.
Em vào dòng được một thời gian thì nhà dòng cho về nghỉ ngơi và xin giấy tờ. Em về, bố em vẫn không nói không rằng. Nghỉ vài ngày em lại lên nhà dòng. Em được cho đi học sư phạm và chính thức là đệ tử của nhà dòng…
Đã hai năm qua, em không nhìn thấy bố em, lần gần nhất em thấy bố là trước khi vào nhà tập. Trước đó em ở nhà dòng 3 năm, bố em chỉ lên thăm 2 lần, có lẽ bố vẫn còn giận em. Đến khi nguôi ngoai cơn giận thì lại là lúc em không được phép về nhà và hạn chế gặp mọi người.
Hôm nay, những tia nắng ban mai của một sáng cuối thu, đủ làm cho con người ta thấy thanh thoát nhẹ nhàng. Em cười tươi như đóa hồng dưới ánh nắng dịu nhẹ. Trong bộ áo dòng đang mặc, cộng thêm một chiếc núp trên đầu và một bônh hồng cài trên áo em đẹp như thiên thần.
Ngày lễ khấn là điều mà cách đây ít năm chẳng ai nghĩ là em sẽ có. Ngay cả gia đình em trước đây, cũng không ai nghĩ rằng em có thể đi tu, nhưng cũng chính bởi những điều khó tin ấy mà niềm vui hôm nay dường như vỡ òa. Bố mẹ em tiến đến, trao cho em một bó hoa thật đẹp, ông ôm chầm lấy cô con gái, hạnh phúc còn hơn cả khi ông thấy em lần đầu tiên lúc được sinh ra. Ông cố lấy bình tĩnh để nhìn thật kỹ đứa con gái ngang bướng ngày nào, giờ đây đẹp tựa một thiên thần trong bộ tu phục. Thoáng trên gương mặt hạnh phúc ấy là một chút hối hận, bố em hối hận vì đã ngăn cản em. Em nhận thấy điều đó, nhưng em không buồn và cũng không giận nữa bởi vì em biết rằng chính những điều ấy đã góp phần hoàn thiện đời tu của mình. Rồi em khóc, em ôm lấy bố và nói lại câu nói năm nào em đã từng nói “con đi tu bố nhé”…
Tác giả: Dom. Bùi Lữ 10-05-2021