Những vùng ngoại biên bị lãng quên

Thứ năm - 20/08/2020 19:56  1246
untitled“Này bạn! Bên cạnh bạn còn nhiều lắm những vùng ngoại biên!”

Sự năng động và trẻ trung dường như đang ngày một thấm nhuần tâm hồn nhiều người trong xã hội ngày hôm nay. Khi nhiều người, nhất là giới trẻ dành một góc quá lớn trong trái tim cho những thần tượng, nào là siêu sao bóng đá, nào là ngôi sao ca nhạc, rồi những minh tinh “Holly”, hay thậm chí “điên” hơn là những Vlog, những gương mặt mang tính hiện tượng; còn đối với một số người trong bậc tu trì thì đâu đó vẫn có hình bóng của một đại gia nào đó… thì một nghịch lý lớn đang diễn ra trong những góc khuất của xã hội, những cảnh đời với những trang sử đáng quý vẫn hằng ngày bị ngó lơ trước sự vô cảm, dửng dưng mà tôi gọi là “những vùng ngoại biên bị lãng quên”. “Những vùng ngoại biên” này đôi khi lại chính là những đại ân nhân âm thầm của bạn, của tôi, …

Trước những trào lưu ngày càng “độc, lạ và điên”, chẳng lạ nếu đưa tấm ảnh này và hỏi “đây là ai” thì nhanh nhất và nhiều nhất nhận được câu trả lời “Không biết!”, hay nhân đạo hơn là “một cụ già, một bà góa”, thậm chí còn có kẻ thẳng thừng gọi đó là những “kẻ vô dụng, hết giá trị”… Sau những câu trả lời đó là những “dấu chấm” chẳng thêm một chút thông tin, chẳng một lời cảm thông hay một tiếng thở dài... Trái lại, khi được hỏi về những thần tượng trên, những câu trả lời rốt ráo đáng kinh ngạc về mọi mặt trong đời sống của những thần tượng đó sẽ được đọc vanh vách như một cái máy lập trình sẵn. Thật đáng suy!

Trời hửng sáng! Những tia nắng lay lắt đang phá vỡ màn đêm, ngáp những cái ngáp thật dài trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới nơi mặt đất. Nóng! Một cái nóng khô khan của tháng bảy khiến bất cứ ai cũng phải khó chịu mệt mỏi. Những tiếng chim, những tiếng vỗ quen thuộc của một miền quê ven biển vẫn đều đều làm công việc của mình. Ngoài đồng, khom khom những hình bóng quen thuộc một nắng hai sương của những người nông dân đã gắn cả đời mình với những hạt muối; xa xa những con thuyền cá nhấp nhô, cái nhỏ dần nơi phía chân trời bắt đầu ra khơi, cái lớn dần khi trở về sau cuộc hành trình mưu sinh làm bạn với sóng và biển… Một ngày mới bắt đầu và tôi cũng vậy!

Khi còn mơ màng với vị mặn của khí biển sau một đêm khó ngủ vì cái oi bức! Như một thói quen khí xuống lấy nước sôi, gặp cô bếp:
“Cháu chào cô!”
“Con chào T!” Cô đáp lại và tiếp lời:
“T có quà”
Tôi ngạc nhiên vì tôi đâu có quen ai nơi đây mà quà cáp gì. Cô liền đưa cho tôi một cái phong bì và nói:
“Đây là tiền bà Đĩnh già hay nhặt rác quanh nhà thờ biếu T đổ xăng”.

Tôi ngạc nhiên hơn vì đây là lần đầu tiên tôi nghe tên bà, và càng ngạc nhiên hơn khi bà gửi tiền cho tôi, một người chẳng quen chẳng biết. Tôi nhận món quà mà lòng đầy bối rối. Phong bì có ghi rõ tên bà “Nguyễn Thị Nhung” và người gửi là Hội Phụ nữ xã HC, tôi nhận ra có lẽ “Đĩnh” là tên cụ ông còn đây là tiền quà của bà mới nhận hôm qua ngày 27/7. Sau khi nghe cô kể qua về bà, tôi xúc động, tôi cám ơn cô và nhờ cô gởi lời cám ơn bà. Về tới phòng, lòng tôi đầy suy tư và bâng khuâng về món quà ngoài sự mong đợi từ một người mà tôi chưa một lần gặp mặt, cũng chẳng một lần biết tên, thậm chí có thể chẳng bao giờ gặp lại để cám ơn, hay tệ hơn còn lãng quên cả trong những giờ cầu nguyện…

Bà là ai? Bà không phải một cụ già tầm thường hết giá trị như nhiều người nghĩ. Phía sau khuôn mặt xương xương đó là cả một lịch sử dài đầy những giông tố vất vả của cuộc đời với đầy những câu chuyện đời, những kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm đức tin mà nhiều kẻ được coi là khôn ngoan lại chẳng bao giờ cảm nhận được. Một phận người như bao người xem ra có vẻ tầm thường không tên tuổi, cũng chẳng mấy ai biết đến với những công việc hằng ngày (theo lời kể) có vẻ rất nhỏ và vô nghĩa với nhiều người, đôi khi chỉ là đi lượm những vỏ kẹo, những giấy rác mà những người trẻ tự hào coi mình là văn minh nhưng vô ý thức xả ra nhà thờ, hay nhặt những cọng cỏ giúp nhà thờ, rồi những câu kinh chiều hôm ban sáng mà nơi đó, bà gặp Chúa và gần Chúa hơn chúng ta. Bà cũng chính là món quà từ Chúa, là lời thức tỉnh mà Chúa muốn dùng để những người như tôi ý thức tôi là ai và tôi cũng như ơn gọi của tôi đang được nuôi bằng chính những đồng xu của các bà góa nghèo. Từ đó tôi nhận ra rõ hơn những vùng ngoại biên quý giá mà những người như tôi đôi khi đã và đang vô ơn…

Đó chỉ là một trong số rất nhiều vùng ngoại biên đã và đang âm thầm giúp đỡ nhà chung và ơn gọi mà không bao giờ đòi hỏi dù chỉ một lời cám ơn. Có chăng điều duy nhất họ cần là lời cầu nguyện, điều mà thật sự thì chính tôi lại cần nơi những người gần Chúa như bà. Thế nhưng thật đáng buồn, rất nhiều khi những người được làm ơn như tôi lại cố tình hay vô ý lãng quên những vùng ngoại biên đáng quý này mà chạy theo những người có của, hay đại gia để cung phụng, lụy họ dù họ là những người luôn đòi hỏi có đi có lại, mà thậm chí cái họ đòi hỏi đôi khi vượt quá những gì họ cho mình. Buồn lắm thay!

Con người lạ lắm! Chúng ta thường có xu hướng thích gần những người nổi tiếng hay những người giàu có. Đó không phải là điều xấu và chỉ là một bản tính tự nhiên mà thôi. Thật tốt lành khi có rất nhiều người dù giàu có và nổi tiếng, nhưng họ lại có một tấm lòng thanh thoát và hết lòng đóng góp, giúp đỡ nhà thờ hay ơn gọi vì Chúa, vì Giáo hội. Nhưng đâu đó vẫn còn có những người, nhất là một số người dù trong bậc sống thánh hiến, lại cứ muốn quen đại gia này, chạy theo đại gia kia để nhờ vả. Những gì họ giúp đỡ đôi khi không phải là thành ý nhưng đầy toan tính cùng với những đòi hỏi đôi khi quá đáng và bất xứng. Trong khi những vùng ngoại biên dù bị lãng quên vẫn âm thầm giúp đỡ và sống đúng tinh thần Tin Mừng là cho đi đến đồng xu cuối cùng và cho đi tất cả những gì mình có để sống như bà góa nghèo được Chúa Giê-su khen trong Tin Mừng lại bị ngó lơ trong mắt người đời. Đâu đó có cả một số người trong bậc tu trì coi người già nói chung và những bà góa nghèo đạo đức nói riêng chỉ là những người khó tính khó nết, những người chẳng còn giá trị gì nữa, suốt ngày chỉ biết đọc kinh mà không giúp ích gì cho đời. Họ là những người đáng bị loại ra khỏi xã hội. Thế nhưng họ đã nhầm, vì có lẽ những lời kinh dù đơn sơ, những công việc dù nhỏ bé và tưởng như vô ích đó lại đang góp phần cứu thế giới này khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa cũng như những đồng xu nhỏ bé của họ lại chính là của nuôi biết bao ơn gọi trên khắp thế giới này và đó mới là điều đẹp lòng Thiên Chúa thật.

Dù trước mặt người đời, những vùng ngoại biên đôi khi và tiếp tục bị coi thường hay lãng quên vì tuổi già thì chẳng thể tránh được quy luật cuộc đời là già thì lẩm cẩm, già thì khó tính, già thì bẩn… nhưng trước mặt Thiên Chúa, họ luôn là những người khôn ngoan nhất vì đúng như lời sách Khôn ngoan thì người già được kính trọng bởi “người đầu bạc thì khôn ngoan” (Kn 4,7-15). Sự khôn ngoan của họ không theo lẽ người đời, không phải khôn ngoan vì giàu sang phú quý, cũng chẳng phải khôn ngoan vì một mớ kiến thức cao siêu…, nhưng họ khôn ngoan vì đã biết chọn Chúa làm gia nghiệp, được gần Chúa hơn bất cứ những người khôn ngoan nào trên thế gian, đã dùng sức khỏe của mình cho việc tôn thờ Chúa và phục vụ nhà Chúa. Họ thật khôn ngoan, khôn ngoan hơn gấp ngàn lần chúng ta vì họ đã biết dùng của cải Chúa ban để mua nước trời khi họ cho đi tất cả những gì mình có để sống mà không bao giờ mong một lời cám ơn, vì Chúa trả ơn cho họ là đủ rồi.

Những vùng ngoại biên vẫn còn rất nhiều trong cuộc sống, những vùng ngoại biên mà nhiều khi chúng ta nghĩ đến những nơi xa xăm, tít tắp mù khơi, mà quên rằng còn rất nhiều vùng ngoại biên bên cạnh chúng ta, biết đâu là chính ông bà, bố mẹ chúng ta, hay những người già, những người nghèo khổ xung quanh, hay những bà góa nghèo vẫn âm thầm dành tất cả để giúp đỡ chúng ta, nhất là những người trong bậc tu trì mà rất nhiều khi chúng ta không để ý và cũng chẳng mấy khi cầu nguyện cho họ mà chỉ thích chạy theo đại gia mà thôi. Những đồng xu của các bà góa giúp tôi ý thức hơn tôi là ai và tôi phải làm gì để xứng đáng với sự đầu tư đáng quý mà tôi nhận mỗi ngày nơi “những vùng ngoại biên” hay bị lãng quên đó!

Tác giả: Lan Maria

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập242
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm207
  • Hôm nay47,932
  • Tháng hiện tại908,293
  • Tổng lượt truy cập78,911,744
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây