Bức tranh Người giàu ngu dại

Chủ nhật - 18/04/2021 04:40  1335
800px rembrandt the parable of the rich foolBức tranh này được biết đến với tên gọi “Người giàu ngu dại,” được vẽ bởi danh họa Rembrandt. Bức tranh này được lấy cảm hứng từ dụ ngôn cùng tên của Chúa Giêsu được chép trong Phúc âm Lu-ca 12:16-21.

"Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!". Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!". Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?". Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó".

Bức tranh này tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Baroque của Rembrandt với kỹ thuật tương phản giữa ánh sáng và bóng tối đặc trưng Lối vẽ của Rembrandt để lại những vùng bóng tối lớn trong bức tranh. Ánh sáng tập trung sẽ nhanh chóng yếu đi khi nó mở rộng vào toàn bức tranh, tạo ra các điểm rất sáng và vùng bóng tối sâu.

Trung tâm của tranh là một người đàn ông giàu có đang kiểm kê lại khối tài sản của mình giữa đêm khuya. Người giàu có này được khắc họa tiêu biểu cho người giàu điển hình trong thế kỷ 17, thời đại họa sĩ đang sống. Quần áo người này mặc toát lên vẻ giàu có sung túc. Chiếc mũ đội đầu và bộ quần áo có màu xanh đậm. Nên nhớ, thuốc nhuộm màu xanh như vậy là rất đắt đỏ ở thời xưa. Tay trái người này cầm nến để soi kỹ những đồng tiền vàng của mình. Có thể nhận ra trên tay phải, người giàu giơ cao một đồng tiền vàng để cẩn thận kiểm tra. Những đồng tiền vàng khác trên bàn phản xạ lại ánh sáng từ cây nến. Bàn tay phải phần nào ngăn cản ánh sáng toát ra từ cây nến hướng về phía người xem. Tựu trung lại, Rembrandt vẽ lên chân chung một người giàu vô cùng.

Tuy nhiên, người họa sĩ cũng khéo léo lồng vào đó những chi tiết tương phản thú vị. Trước hết, xung quanh người giàu có rất nhiều tài liệu, giấy tờ ghi chép xếp chồng chất lên nhau. Vào đầu thế kỷ 17, những chồng giấy tờ như vậy biểu trưng cho sự phù phiếm chóng qua.

Thứ đến, nếu để ý kỹ, chúng ta có thể thấy đôi mắt người đàn ông này không còn tinh tường. Người đàn ông này đeo chiếc kính để có thể nhìn rõ hơn, nhưng điều thú vị là đôi mắt của người này dường như đang dần mờ đục đi. Chúng ta có thể tự hỏi cái gì đã làm người này không còn tinh tường nữa? Liệu chỉ đơn thuần là do tuổi cao, hay còn lý do nào khác? Phải chăng tiền bạc cũng là nguyên nhân khiến ông mờ mắt?

Một điểm khác cần chú ý, mặc dù giàu có thật đó, nhưng thân thể người đàn ông này không còn sự cường tráng. Trái lại, đó là thân hình của một ông lão mệt nhọc vì tuổi già. Đôi gò mà hõm sâu, những nếp nhăn trên trán là những bằng chứng của thời gian để lại trên con người này.

Người giàu này chính là người phú hộ trong dụ ngôn của Chúa Giê-su. Sau một đời tích góp của cải, vào lúc tuổi già, ông vẫn mải mê ngồi ngồi suy nghĩ, toan tính làm sao để mình trở nên giàu có hơn nữa. Trong dụ ngôn, người phú hộ tự nhủ mình sẽ phá những kho thóc cũ đi để xây những kho lớn hơn, nhằm chứa được nhiều thóc lúa hơn nữa. Ông tự an ủi mình, khi nào xong việc mình sẽ tha hồ mà nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già và sự giàu có của mình. Người giàu nghĩ rằng mình đã nắm chắc được tương lai trong bàn tay.

Thật bất ngờ, Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?".

Kể dụ ngôn này, Chúa Giê-su nhắn nhủ người nghe: Đừng chỉ có biết tích trữ của cải thế gian mà quên đi mất bổn phận phải trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa. Giàu có trước mặt Thiên Chúa nghĩa là đi tìm những giá trị của Tin Mừng. Trong cuộc đời có những thứ còn quí giá hơn của cải, ấy là lẽ khôn ngoan và luân lý của Thiên Chúa.

Họa sĩ Rembrandt vẽ bức tranh này khi ông còn rất trẻ, mới chỉ 21 tuổi đời. Câu chuyện dụ ngôn trong bức tranh ứng vận vào chính cuộc đời của người họa sĩ này. Rembrandt sau nhiều nỗ lực đã trở nên một họa sĩ thời thượng với rất nhiều đơn hàng đặt vẽ chân dung. Thế nhưng, ông đã dần sống một cách hoang phí. Vì cách chi tiêu không hợp lý của mình, nên về sau này, tòa án đã tuyên bố phát mại phần lớn các bức tranh và một phần bộ sưu tập đồ cổ của Rembrandt. Ông qua đời vào ngày 4 tháng 10 năm 1669 tại Amsterdam, và được chôn cất như một đàn ông nghèo trong ngôi mộ vô danh ở Westerkerk . Sau hai mươi năm, hài cốt của ông đã bị mất và tiêu hủy, như một phong tục đối với hài cốt của những người dân nghèo.

Người viết không có ý phủ nhận vai trò của của cải, tiền bạc. Đó là những thứ cần thiết để duy trì cuộc sống và giúp chúng ta sống đúng phẩm giá con người. Sự giàu có tự thân không có lỗi gì, và cái nghèo cũng không có gì để phải tôn vinh. Con người chỉ sai lầm khi đặt tiền bạc lên trên các giá trị Tin Mừng và tôn thờ “thần Tài” là chúa của họ.

Ước gì trong những giây phút cuối trong cuộc đời, chúng ta sẽ được vây quanh bởi những người thân yêu của mình, thay vì những chồng giấy tờ ngổn ngang lạnh lẽo như người giàu có trong bức tranh của Rembrandt! 

Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập404
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm382
  • Hôm nay43,007
  • Tháng hiện tại903,368
  • Tổng lượt truy cập78,906,819
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây