Gặp gỡ thời Covid-19
Thứ ba - 15/06/2021 05:46
1510
Trời cao! Nắng đẹp! Gió hiu hiu thổi… cái nóng như dịu lại, con người như cũng tươi hơn, vui hơn. Xe cộ! tấp nập! rộn ràng! Vội vã! Một ngày mới bắt đầu…
- Bíp…Bíp bíp…Bí…í…í…p!
- Xẹt…Xẹt…Xẹt…
- Mày điếc à? Thằng ngáo kia!...
- Bước xuống cẩn thận lấy khẩu trang đeo vì đang mùa Covid, đanh giọng, tay chỉ vào “tai nghe” …
- Còn mày!... Mù à…
- … … …
Cuộc sống! Vội vã! Bon chen… Đó là nhịp sống thường ngày đang xoáy bao cuộc đời, mà rất nhiều người tự hào là hiện đại, đáng sống. Phải chăng đó là cuộc sống lý tưởng đáng mong ước? Một dòng xoáy cuốn và lôi chúng ta khiến chúng ta nhiều khi ảo tưởng rằng công nghệ sẽ thay thế tất cả và sẽ kết nối con người lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là sự thật một nửa, bởi khi chúng ta càng lệ thuộc vào công nghệ số, thì dường như con người lại càng xa nhau hơn, vô cảm và dửng dưng với thực tại và với nhau hơn. Đang lúc con người say sưa trong men say của những tiến bộ khoa học công nghệ và phát triển kinh tế, đang tự hào và vỗ ngực về sự phát triển chóng mặt của khoa học trong nhiều lĩnh vực, con người ảo tưởng mình có thể làm bá chủ mọi sự và thế giới, có thể giải quyết mọi vấn đề, thì cũng chính là lúc bỗng dưng người bạn không mời mà đến, một người bạn mà theo Phan Mạnh Quỳnh thì “cả nước không ưa em, cả nước không thích em… và cả thế giới không thích em” viếng thăm nhân loại. Người bạn đó tên là “Vy” và luôn thích được gọi là “Cô”. Một người bạn thật nhỏ bé, bé đến nỗi mắt thường không thấy, đã đến và gặp gỡ rất nhiều người không phân biệt màu da sắc tộc hay tôn giáo. “Cô” đã khiến bất cứ đối tượng nào được “cô” viếng thăm phải hoảng sợ và hoang mang vì “cô” là đại diện cho tử thần, và những cuộc viếng thăm của cô đều là những cuộc thăm viếng không ai muốn. “Cô” làm cả thế giới hỗn loạn bởi sức tàn phá với những cuộc gặp “quá nhanh quá nguy hiểm” mà sau cuộc gặp với cô thì điểm đến nếu không phải là bệnh viện thì là nhà xác… Thế nhưng, để có được cuộc viếng thăm thế giới lần này với sự thành công rực rỡ như vậy, thì có lẽ một phần đóng góp không nhỏ là nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ nhất là trong lãnh vực giao thông vận tải, mà tiêu biểu là đường hàng không.
“Cô vy” (Covid-19) hay Virus Corona là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên “Anh hai Google” thời gian gần đây và được mọi phương tiện truyền thông quan tâm, đưa tin liên tục hằng ngày hằng giờ khiến mọi người sợ hãi vì số lượng người mắc và tử vong không ngừng gia tăng thậm chí không thể kiểm soát. Mọi chính phủ, mọi thể chế kinh hãi, ngả nghiêng trước sức tấn công và tàn phá đáng sợ của nó, nhiều biện pháp phòng - chống được đề ra để giảm thiểu thiệt hại về người do nó gây ra. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, toàn xã hội phải thực hiện giãn cách, tránh tiếp xúc để hạn chế tránh lây lan, nhiều người phải cách ly tập trung hay tự cách ly với hy vọng đại dịch được khống chế, nhưng rồi nó vẫn liên tục thực hiện những cuộc gặp bất đắc dĩ mà không ai mong muốn. Có lẽ đã từ lâu lắm rồi, nếu không phải do chiến tranh hay khủng bố, một trận đại dịch mới có thể khiến cả thế giới chao đảo và nhiều người bi quan thậm chí đã mường tượng về một viễn cảnh tận thế bởi đây là lần đầu tiên một trận dịch có sức lây lan nhanh và trên diện rộng hầu hết mọi nơi trên toàn thế giới. Trong lịch sử, đây chắc chắn không phải trận dịch đầu tiên và thiệt hại về người là nghiêm trọng nhất bởi đã từng có nhiều trận dịch cũng kinh hoàng và lây lan nhanh như covid nhưng chỉ xảy ra trong giới hạn khu vực một quốc gia hay một châu lục mà thôi. Trong khi đó, người bạn Covid lần này đã nguy hiểm lại có nhiều lợi thế mà chưa một virus nào trong lịch sử, dù nguy hiểm hơn có được như covid lần này. Bởi “cô” được đi du lịch khắp nơi bằng cách nhanh nhất, được nhiều người với tư tưởng tự do hồ hởi chào đón với một tâm thế hết sức ngông nghênh và chủ động thậm chí coi thường khi quá tự tin vào khả năng của khoa học và y học, cho đến khi cả thế giới như vỡ trận và phải thực hiện các biện pháp mạnh để khống chế giao lưu gặp gỡ. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử, mọi nơi trên quả đất này lại hoang mang đến như thế, nhiều nhà máy xí nghiệp đóng cửa, hầu như mọi hoạt động bị ngưng trệ, đường xá chưa bao giờ hoang vu đến vậy, thay vào đó nếu không ở trong nhà tự cách ly, thì nơi tập trung nhiều nhất có lẽ là “nhà thương và nhà xác”. Hệ thống y tế quá tải, bệnh viện không còn chỗ, mọi hoạt động kinh tế chính trị, và tôn giáo phải tạm ngưng để chống dịch… và có lẽ cụm từ “chưa bao giờ… như thế” được sử dụng nhiều đến như vậy… Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc, ranh giới giữa sự sống và cái chết như thế, mọi thứ dường như trở nên vô nghĩa với con người. Họ chỉ cần có nhu yếu phẩm và…khẩu trang, một sản phẩm có lẽ là thịnh hành nhất thời Covid, để tồn tại và chờ đợi đại dịch sớm qua đi và sớm có… vắc-xin…
Những thiệt hại về mọi mặt do Covid gây ra cho thế giới từ giàu đến nghèo là không thể phủ nhận và không thể thống kê cũng như chưa dừng lại, đến mức Covid đã trở thành một chủ đề quá bão hòa để bàn luận hay nhắc đến… Nhưng với nhiều người, đại dịch lần này cũng để lại những bài học quý giá cho con người: những bài học về giá trị cuộc sống, về sự mong manh và giới hạn của phận người; những bài ca “con người hay quên” về giá trị của môi trường - mẹ thiên nhiên; hay những lời nhắc nhở về sức mạnh của tình yêu, sự đoàn kết cộng đồng để cùng nhau chống lại đại dịch… Những bài học mà qua cơn đại dịch, con người nhận ra và cùng bàn luận như những “chủ đề hót” giúp con người như sống chậm lại, ý thức và trân quý hơn những giá trị mà bình thường vì guồng xoáy của sự phát triển, đôi khi con người lãng quên hay thờ ơ…
Giữa cơn đại dịch đang hoành hành, con người không thể giao lưu hay gặp gỡ như họ vẫn làm hằng ngày như một thói quen, thậm chí như một hành vi của vô thức. Con người như nhận ra những nhu cầu mang tính bản tính và sống còn mà thường ngày họ chẳng quan tâm, hay quên lãng, mà một trong những nhu cầu đó là nhu cầu gặp gỡ, bởi có lẽ không ngoa khi khẳng định: “con người – một sinh vật gặp gỡ”. Có thể nhiều người đã nhầm tưởng rằng khi khoa học nhất là công nghệ thông tin trong lĩnh vực truyền thông và mạng xã hội phát triển chóng mặt, nó có thể khỏa lấp mọi nỗi cô đơn và có thể thay thế việc gặp gỡ… Nhưng nhiều người đã tỉnh ngộ, nhất là trong thời gian cách ly vì dịch bệnh. Họ nhận ra rằng những tiến bộ của khoa học công nghệ chỉ là những phương tiện giúp kết nối con người dễ dàng và tiện lợi hơn. Nó chỉ là đầy tớ tốt khi chúng ta thực sự trở thành những ông chủ khôn ngoan mà thôi. Nó không thể thay thế cho cuộc gặp gỡ cá vị giữa người với người được, thậm chí nếu con người quá phụ thuộc vào mạng xã hội, nhiều người sẽ trở thành nô lệ cho những ông chủ ảo vô nhân tính, Khi đó, họ dần trở nên giống như những sinh vật vô, tri vô cảm, thích rút lui khỏi thực tại để vui vầy với những “thế giới ảo” mà nơi đó chẳng có gì ngoài sự trống rỗng, nỗi cô đơn và sự hư vô. Vì thế, không lạ trong thời đại số, số lượng người nhất là người trẻ mắc bệnh trầm cảm hay hội chứng Hikikomori không ngừng gia tăng theo cấp số nhân; những người tự tử, những vụ bạo lực, những cuộc khủng bố, tệ nạn xã hội…cũng có xu hướng gia tăng mà nguyên nhân không nhỏ là do sự lệ thuộc quá lớn vào thế giới ảo. Thế giới đó nuôi dưỡng đầu óc của nhiều người nhẹ dạ bởi những tư tưởng không lành mạnh và khi phụ thuộc như thế, con người quên mất nhu cầu căn bản làm nên tính người của mình là sự gặp gỡ. Con người là một sinh vật xã hội, không gặp gỡ, không sống trong xã hội, con người không thể hiện hữu một cách trọn vẹn và bình thường được. Thật không thể tưởng tượng một người bình thường nào mà suốt cả năm dài tháng rộng lại không gặp ai, không nói chuyện tiếp xúc với ai, không liên lạc với ai hay với bất cứ một thứ gì, nếu người đó không phải là những người không bình thường hay có vấn đề…
Dẫu biết những tiện ích của internet và mạng xã hội nhưng khi con người quá phụ thuộc vào nó, con người trở nên vô cảm hơn với thực tại, bị sa vào một thế giới ảo, khép kín bản thân để rồi tìm trong thế giới ảo đó sự bù trừ. Nơi đó, con người không gặp gỡ trực tiếp và cho rằng lên mạng là có tất cả, thay thế tất cả không cần ai, chẳng cần gì… Tuy nhiên, trong thời gian đai dịch vừa qua, nhiều người đã có cơ hội sống chậm lại để nhìn lại và nhận ra những giá trị của sự gặp gỡ mà họ đã lãng phí trong đời sống thường nhật, khi chính họ phải trải qua hay chứng kiến việc con người không thể tự do đi lại hay gặp gỡ: bao gia đình mà vợ chồng phải cách ly nhau, bố mẹ không được gặp con cái, con không được thấy bố mẹ vì cách ly, thậm chí phải cách ly khi đã qua đời… Có nỗi đau nào lớn hơn khi không thể gặp gỡ những người thân yêu ngay cả giây phút cuối của cuộc đời? … Cũng vậy, nơi cộng đồng, người không thể gặp người, bạn bè không được gặp nhau, đồng nghiệp, đồng hương… đều không thể thực hiện những cuộc gặp gỡ thấm đượm tình người mà ngày thường đôi khi không nhận ra vì quen quá hóa nhàm. Thật đau lòng khi không ít người rơi vào cảnh điên loạn hay trầm cảm và phải tự kết liễu cuộc đời phần vì áp lực công việc, phần vì bị cách ly không đủ nguồn sinh sống… nhưng có lẽ lý do quan trọng là bởi họ bị tước mất bản tính gặp gỡ của mình… Và còn nhiều lắm những kịch bản tang thương trong cơn đại dịch mà con người phải trải qua để rồi khi rơi vào hoàn cảnh như thế, nhiều người mới hối tiếc về những tháng ngày đã qua, hối tiếc những đã muộn vì một cuộc sống quá xô bồ, vội vã bước qua nhau như những người dưng…
Đại dịch Covid đã có cuộc viếng thăm ngoạn mục và để lại những hậu quả không nhỏ cho con người, khiến thế giới bị xáo trộn và thụt lùi, nhất là nó đập tan mộng bá chủ của con người, khiến con người nhận ra phận mỏng manh cũng như sự giới hạn của con người. Dẫu cơn đại dịch sẽ dần lui vào quá khứ như một trang sử vẻ vang với chiến thắng cuối cùng thuộc về con người giống như các trận dịch khác trong lịch sử khi con người đã dần làm quen, khống chế và cùng nhau để tìm ra được vắc-xin, nhưng những bài học về giá trị cuộc sống, giá trị nhân văn mà nó để lại cũng không nhỏ. Những bài học đó phần nào giúp con người ý thức hơn về sự hiện hữu của mình và nhận ra những nhu cầu mà nếu không có nó con người không thể tồn tại và phát triển. Hơn nữa, cơn đại dịch cũng giúp con người sống chậm lại nhận ra ý nghĩa và mục đích thực sự của cuộc sống. Đồng thời, nó giúp con người khám phá những giá trị của gặp gỡ, để từ đó con người biết nâng niu, bảo vệ thiên nhiên, tôn trọng con người. Cuối cùng, nếu con người cứ mải chạy theo những vòng xoáy của tiền-danh-lợi mà quên mất những thực tại đáng trân quý xung quanh mình, thì con người ngày nay dù có thể miễn dịch với Covid nhưng lại đang lây nhiễm những thứ virus khác nguy hiểm hơn, tinh vi hơn, đó là những con virus độc hại của sự ích kỉ, virus vô cảm, virus dửng dưng… mà con người vẫn đối diện và tiếp xức hằng ngày. Ước chi, qua cơn đại dịch, con người nhìn sâu hơn vào tâm hồn để nhận ra những thứ virus tinh thần đang gặm nhấm tâm hồn và lương tâm. Nhờ đó, khi gặp gỡ nhiều hơn trong tinh thần quảng đại, yêu thương cũng nhiều hơn, thì cuộc sống này dẫu còn lắm đau thương sầu khổ, con người vẫn luôn tìm thấy ý nghĩa và động lực để sống, để hiện hữu và phát triển vì con người, vì tương lai!
https://baophapluat.vn/goc-quan-sat/hoi-chung-hikikomori-bi-kich-cua-nhung-nguoi-chi-muon-song-trong-phong-toi-483558.html