Cuộc gặp thần thiêng
Thứ hai - 31/05/2021 04:30
1000
Nếu ai đó từng nói thật hay và chí lý “cuộc đời là những chuyến đi”, thì tôi cũng xin mạn phép thêm vào vế sau của câu nói này, nếu cuộc đời là những chuyến đi, thì những chuyến đi lại được đan kết bằng những cuộc gặp gỡ. Vậy phải chăng cuộc đời là những lần gặp gỡ, bởi con người là một sinh vật gặp gỡ?
Nếu cuộc đời này không còn những cuộc gặp gỡ, con người liệu còn hiện hữu? Tôi thiết tưởng là không! Vậy có người sẽ nói có những người cả đời chẳng gặp gỡ ai, cô đơn một mình, hay những người không có khả năng nhận thức và những đứa trẻ mới chào đời hay chưa kịp chào đời đã phải ra đi thì sao? Tôi xin thưa rằng, đã là con người thì ngay giây phút thụ thai thì chính con người đó đã là một cuộc gặp gỡ và là kết quả của một cuộc gặp gỡ… Có bao giờ bạn tự hỏi con người có thể tồn tại nếu không có không khí? Con người sẽ ra sao nếu không còn nguồn nước? Trái đất sẽ thế nào nếu không còn ánh sáng… đó không phải là gặp gỡ sao? Và còn rất nhiều cuộc gặp gỡ mà nếu nó không diễn ra hằng ngày hằng giờ thì chắc chắn mọi sự sẽ trở thành hư vô mà thôi, mà đôi khi hay rất nhiều lần con người không còn ý thức về những cuộc gặp gỡ kì diệu ấy. Bạn nghĩ sao? Trong cuộc đời, có biết bao cuộc gặp gỡ, có lẽ chúng ta không thể đếm hết hay kể nổi. Đôi khi là những cuộc gặp định mệnh giữa người với người, những cuộc gặp do thói quen hằng ngày mà ta chẳng để ý hết; những cuộc gặp thật tình cờ ngẫu nhiên, nhưng dù là cuộc gặp gỡ nào thì cũng góp phần làm nên “cái đời”. Con người gặp gỡ nhau giữa người với người trong mọi tương quan, gặp gỡ thiên nhiên vạn vật đôi khi đơn giản chỉ là một cơn gió nhẹ, một chiếc lá đong đưa trước gió, một chú chó đáng yêu hay một cô mèo ngộ nghĩnh tinh nghịch… gặp gỡ vũ trụ, nơi có bầu trời và muôn vàn tinh tú… gặp gỡ Đấng Tạo Hóa nơi vũ trụ hay nơi chính tâm hồn… Dù con người chẳng còn ai chẳng còn gì để gặp gỡ thì con người luôn đối diện với chính mình trong cuộc gặp gỡ giữa ta với ta…
Có lẽ chẳng chi còn tồn tại nếu cuộc đời này chẳng còn những cuộc gặp gỡ. Đọc lại lịch sử nhân loại và lịch sử đời mình, ta không thể không nhận ra lịch sử đã được đan dệt nên bằng biết bao cuộc gặp gỡ, từ đời thực cho tới văn chương nghệ thuật. Tuy nhiên, dẫu biết đời là đi, là gặp, là giao lưu, nhưng có những cuộc gặp gỡ mà có lẽ, nếu nó không diễn ra thì có lẽ lịch sử đã khác. Nếu không có cuộc gặp gỡ giữa Eva và con rắn, phải chăng con người không phải đau khổ và phải chết? Nếu không có cuộc gặp gỡ giữa Hitler và Đảng Công nhân Đức (DAP), thì có lẽ hàng triệu người vô tội đã không phải chết. Nếu không có những cuộc gặp gỡ giữa những bạn trẻ bồng bột, xốc nổi thì chúng ta không phải chứng kiến quá nhiều những nỗi đau nơi gia đình và lũ trẻ đáng thương… Nếu chẳng diễn ra cuộc gặp gỡ giữa những kẻ giết người, những kẻ thủ ác, bệnh hoạn… thì phải chăng cuộc đời này cũng có thể vơi bớt những nỗi đau… Và đặc biệt, mấy năm gần đây, nếu không có những cuộc viếng thăm định mệnh bất đắc dĩ của Covid 19, thì phải chăng thế giới sẽ yên ổn hơn? Nhưng, cuộc đời là thế và phận người là vậy, trái đất vẫn quay và cuộc đời vẫn cứ vần xoay, con người dù cố gắng vẫn không thể thay đổi những gì chẳng thể đổi thay mà đan xen trong đó là những cuộc gặp gỡ không đáng có, bởi lịch sử và cuộc sống vẫn chất chứa quá nhiều bí ẩn và vẫn được đan dệt bằng những cuộc gặp gỡ dù đáng tiếc và không đáng có như thế.
Tuy nhiên, nếu cuộc đời chỉ một màu đen thì cuộc đời con người và sự hiện hữu thế giới này còn nghĩa lý gì? Cuộc đời không chỉ có màu đen bởi bên cạnh những cuộc gặp gỡ mà kết quả của nó là đau khổ và tội lỗi, thì “cuộc đời này vẫn đẹp sao và tình yêu vẫn đẹp sao” khi vẫn còn đó những cuộc gặp gỡ mà nếu không có nó, con người vẫn mãi sống trong u mê. Những cuộc gặp gỡ đó mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp mà nhân loại hay mỗi người phải thầm cảm ơn. Lật từng trang sách, lật lại những trang lịch sử của nhân loại hay bất cứ ai, chúng ta sẽ nhận ra nếu không có cuộc gặp gỡ giữa đôi uyên ương hay những người cha và người mẹ, thì không thể có sự hiện hữu của những đứa con mà trong đó có chúng ta như hoa trái của một tình yêu đích thực. Nếu không có cuộc gặp gỡ giữa Adam và Evà thì con người giờ ra sao? Nếu không có cuộc gỡ giữa Giăng Van Giăng và giám mục Marien thì làm sao chúng ta có một thiên tiểu thuyết “Những người khốn khổ” bất hủ, nếu chẳng có cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa Newtơn và quả táo rụng, thì khoa học giờ này đang ở đâu? Hay nếu chẳng xảy ra cuộc gặp gỡ giữa những con người của các vùng đất hay những nền văn minh, thì văn minh nhân loại giờ này thế nào… Và còn nhiều nhiều lắm những cuộc gặp gỡ mà nếu nó không xảy ra, có lẽ không có “chúng ta của hiện tại”, không có những cuộc biến đổi thần kì, cũng chẳng có những nền văn minh hay lịch sử và bất cứ thứ gì là giá trị.
Thiên Chúa cũng vậy, Ngài là một hữu thể gặp gỡ tròn đầy nhất, Ngài không chỉ gặp gỡ trọn vẹn nơi Ba Ngôi, nhưng Ngài còn luôn khao khát gặp gỡ và đi bước trước để gặp gỡ. Kinh thánh là gì, nếu không phải là một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Nơi đó, khi lật giở từng trang Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhận ra lịch sử cứu độ cũng được đan kết bằng những cuộc gặp gỡ không ngừng giữa một Thiên Chúa vì yêu với nhân loại tội lỗi. Vẫn còn đó cuộc gặp gỡ đong đầy yêu thương nơi vườn địa đàng thuở hồng hoang, vẫn còn đó cuộc gặp gỡ làm nên lịch sử Dân Riêng giữa Thiên Chúa và Abraham, làm sao không kể đến cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Môsê hay những cuộc thần hiện mà thực ra là những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và các ngôn sứ cũng như dân Ngài… Và cuối cùng, Thiên Chúa đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Ngài bằng cuộc gặp gỡ nơi/trong/bởi Giêsu, Con Một của Ngài. Giêsu đã đến trong thân phận con người, đã bắt đầu hành trình đó bằng một cuộc gặp gỡ nơi cung lòng một Trinh Nữ, rồi cuộc gặp gỡ với bác thợ Giuse, cha nuôi của Ngài… Cứ thế, cuộc đời dương thế của Đấng Cứu Độ cũng như chúng ta, cũng được se kết bằng những cuộc gặp gỡ không ngừng: cuộc gặp gỡ tiên tri với cụ già Simêon và bà Anna, cuộc gặp gỡ với Gioan Tẩy Giả, người anh họ để bắt đầu sứ mạng công khai. Gặp gỡ trong mọi biến cố của cuộc đời dù ngắn ngủi của Ngài, những cuộc gặp gỡ Cha Ngài và con người, không chỉ những người quyền thế, giàu sang, tài trí, nhưng trước hết và trên hết là những cuộc gặp gỡ giữa một Giêsu nhiệt tâm nơi những con người đau khổ, bệnh tật, tội lỗi. Giêsu đã không mệt mỏi để gặp gỡ, luôn cúi xuống để đồng cảm, để sẻ chia nâng dậy và kéo mọi người lên với Ngài. Giêsu đã rong ruổi và viết nên cuộc đời trần thế của Ngài trong gặp gỡ cho đến hơi thở cuối cùng.
Để hoàn thành kế hoạch cứu độ trần gian, Ngài đã thực hiện một cuộc gặp gỡ vĩ đại trên cây Thập Giá, “người bạn tín trung” và cuối cùng của Ngài nơi trần thế. Ngài đã ôm trọn lấy thập giá như ôm trọn lấy tội của nhân loại để một khi chấp nhận đóng đinh vào cây thập giá. Ngài cũng đóng đinh chính những tội lỗi của con người trên cây thập giá, để như thánh Phêrô đã nói: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1 Pr 2,24). Cuộc gặp gỡ này vĩ đại không phải ở tầm mức chính trị, kinh tế hay xã hội, vĩ đại không theo cách nghĩ của con người, nhưng vĩ đại trên cả vĩ đại vì sau cuộc gặp gỡ đó, Giêsu đã biến người bạn Thập Giá của mình thành Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian, để từ đó tuôn trào suối nguồn ơn cứu độ cho trần gian đang chìm đắm trong mê lạc tội lỗi. Một cuộc gặp gỡ thật đặc biệt, thậm chí phi lý so với đầu óc thực tế của nhiều người, nhưng vì “đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. (Mt 21,42). Thập giá, một biểu tượng của cái ác và đau khổ, mãi sẽ chỉ là cây thập giá, mãi chỉ là một cây gỗ vô tri nếu không có cuộc gặp gỡ thần thiêng với Con Thiên Chúa, để rồi, sau cuộc gặp gỡ đó, Thánh giá trở thành giường nằm của Con Thiên Chúa, ngai của Đấng Thiên Sai và trở thành dấu chứng của tình yêu, biểu tượng của ơn cứu độ. Bởi vì, sau Thập giá không phải dấu chấm hết, nhưng là khởi đầu cho cuộc Phục Sinh vinh hiển của Người để cứu độ con người. Thánh giá trở thành trung gian nối kết con người với Thiên Chúa, giúp con người tìm lại tình yêu thuở ban đầu mà họ đã đánh mất vì tội lỗi. Sau cuộc gặp gỡ ấy, khi nhìn lên Thập giá, con người thay vì chạy trốn đau khổ, nhìn đau khổ như một thứ gì thật phi lý và không thể chấp nhận của kiếp người, thì con người chấp nhận đau khổ như định mệnh của kiếp người, nhận ra ý nghĩa của đau khổ và vì “phải qua đau khổ mới đạt tới vinh quang”.
Cuộc gặp gỡ giữa Giêsu và Thập giá không phải là dấu chấm hết cho lịch sử nhân loại, nhưng là hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, Mặc Khải trọn vẹn và từ nay con người sẽ tiếp tục dệt cuộc đời mình trong tình yêu, niềm tin và hy vọng. Tuy nhiên, lịch sử vẫn tiếp tục vòng xoay của mình, cuộc đời sẽ còn được viết tiếp và viết mãi bằng những cuộc gặp gỡ cho đến ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang. Nhưng, liệu con người có chấp nhận con đường mà Giêsu đã đi để “được đến nơi Ngài đã đến” hay không thì lại hoàn toàn phụ thuộc ở tự do của mỗi người. Con người, trong đó có chúng ta và con cháu chúng ta sẽ viết nên lịch sử của mình bằng những cuộc gặp gỡ thế nào? Chắc chắn không ít lần trong cuộc đời chúng ta cũng sẽ được viết nên bằng những cuộc gặp gỡ với “những thập giá” của phận người giữa đời, chúng ta sẽ có thái độ nào? Chấp nhận hay nguyền rủa? Đón nhận hay từ chối? Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi người bởi mỗi người chúng ta là một hữu thể tự do. Nhờ cuộc gặp gỡ thần thiêng giữa Giêsu và Thập giá, ước chi mỗi người trong chúng ta ngày một ý thức hơn con đường chúng ta đã chọn và đang đi, để nhờ cuộc gặp gỡ đó, chúng ta tránh và bớt đi những cuộc gặp gỡ đáng tiếc. Sẽ không còn những cuộc gặp mà “phải gỡ”, nhưng là những cuộc gặp để đan kết, để yêu thương và cùng nhau xây dựng cuộc đời bằng những cuộc gặp gỡ của an vui và hạnh phúc.