Ý nghĩa bức tranh về đề tài Mục Tử Nhân Lành của Sybil Parker
Thứ sáu - 23/04/2021 04:16
1741
Chúa Ki-tô vị Mục Tử Nhân lành là một trong những hình ảnh được yêu mến qua nhiều thế hệ trong truyền thống đức tin Công Giáo. Chủ đề này cũng xuất hiện trong nghệ thuật hội họa theo suốt dòng lịch sử. Trên thực tế, những bức vẽ cổ xưa nhất về Chúa Ki-tô có thể tìm thấy ở các hang Toại đạo. Ở đó, người ta vẽ lên hình ảnh một Chúa Giê-su thời trẻ, Ngài không để râu, mặc áo dài trắng ngắn, cõng một con cừu trên vai của mình. Ngài là vị Mục Tử hiền lành, người bảo vệ, quy tụ và hi sinh mạng sống của mình cho đàn chiên. Bức tranh mà người viết muốn giới thiệu trong bài viết này thuộc cùng dòng đề tài trên. Bức tranh này được biết đến với tên gọi “The Door of the Fold,” tạm dịch là “Cánh cửa gấp” hoặc dịch thoáng hơn là “Cánh cửa chuồng chiên.” Bức tranh này được vẽ năm 1895 bởi họa sỹ Sybil Parker.
Người xem ngay lập tức bị thu hút bởi chân dung Chúa Giê-su được vẽ một cách cân đối. Ngài mặc một chiếc áo choàng trắng thanh khiết, khuôn mặt đẹp đẽ phản chiếu sự thuần khiết của con Chiên không tì vết mà Ngài đang ẵm trên tay. Đức Kitô vừa là Chiên Con tế lễ của Thiên Chúa, vừa là vị Mục Tử, Đấng đã chết và đã phục sinh, và đạt đến sự sống sung mãn nhất.
Bức tranh này ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa thần học và tâm linh. Hãy để ý đến ánh mắt của vị Mục tử nhân từ. Ánh mắt ấy hướng về phía đàn chiên. Đức Ki-tô dường như đang có một cuộc trò chuyện thân mật với đàn chiên của Ngài. Cử chỉ này gợi cho người xem nhớ đến những lời trong Phúc Âm: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi … Tôi biết chúng và chúng biết tôi.”
“Tiếng của Thiên Chúa” được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, trong các đoạn Phúc Âm nói về việc Chúa Giê-su chịu Phép Rửa hay khi Ngài Biến Hình trên núi. Tiếng nói ấy gọi tên từng con chiên trong đàn và dẫn chúng ra đồng cỏ xanh tươi. Chính nhờ tiếng nói ấy mà con chiên nhận ra chủ của mình. Đàn chiên chăm chú lắng nghe tiếng của vị chủ chăn.
Vai trò tiếp theo của Mục tử Nhân lành được hé lộ qua cách vị trí mà Chúa Giê-su đứng trong khung cảnh. Quan sát kỹ sẽ thấy chính Chúa Giê-su là người mở cổng từ phía bên ngoài. Chúng ta biết rằng, Ngài dẫn đàn chiên vượt qua những hoang mạc hoang vắng và thiêu đốt bởi ánh mặt trời để tới những vùng cỏ xanh tươi và mạch nước trong lành. Đức Ki-tô là người giữ cửa, nhưng chính ngài cũng từng nói: “Ta là cửa chuồng chiên ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu rỗi.”
Tiếp theo, chúng ta chú ý đến cặp chim bồ câu đậu trên gác xép của chuồng chiên. Chi tiết này nhắc chúng ta nhớ đến biến cố Đức Mẹ dâng con trong Đền thờ. Đức Maria và thánh Giuse "khi đã đầy ngày, lúc phải làm lễ tẩy uế cho các Đấng theo luật Môsê, thì ông bà đem hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa" và các Ngài "dâng làm lễ tế một cặp chim gáy hay hai con bồ câu" (Lc 2,22-24). Đôi chim bồ câu khi ấy được dâng thay cho Đức Ki-tô. Của lễ này sau này đã được thay thế bằng chính sự hi sinh tối hậu của chính Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ vậy mà con người được cứu độ.
Ngoài ra, bức tranh có nhiều chi tiết thú vị khác. Hãy để ý các thanh gỗ ngang và dọc giao nhau đẹp mắt đến thế nào để tạo thành Thánh giá. Lẫn bên trong mái tóc của Đức Ki-tô thấp thoáng có mão gai đâm xuyên qua. Bên trái Đức Giê-su là những biểu tượng của Cuộc khổ nạn: tảng đá biểu thị ngọn đồi Golgotha, tấm biển treo trên Thập giá, tấm áo choàng đỏ và cây gậy Mục Tử.
Cuối cùng, những chùm nho và những bông lúa mì trogn bức tranh chính là hình ảnh biểu trưng cho Bí tích Thánh Thể, cánh cửa dẫn chúng ta đến ơn cứu độ.
Tóm lại, bức tranh này tập trung diễn tả ý nghĩa của “Mục tử nhân lành.” Mục tử nhân lành chính là người chăn chiên, lắng nghe, dẫn đưa và hi sinh mạng sống mình cho đàn chiên.
Chúa nhật thứ 4 mùa Phục sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho Dân Thánh của Người những mục tử sống hết mình vì đàn chiên theo gương của Đức Ki-tô, vị mục tử Nhân Lành. AMEN.
Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR