Mẹ - Ánh sáng đời con

Thứ ba - 06/12/2022 21:59  624
blessed virgin mary statue blue sky background 95517238Kinh Thánh và truyền thống Giáo hội luôn trình bày chân dung và chức vụ của Đức Maria trong mối liên hệ mật thiết với Đức Kitô. Chính vì thế, Đức Maria là một thành phần ưu tuyển của Giáo hội, có một dấu ấn đặc biệt trong nhiệm cục cứu độ của Đức Kitô với đặc ân vô nhiễm nguyên tội và đáng được Giáo hội tôn vinh bằng một phụng tự đặc biệt[1]. Từ khi thụ thai, Mẹ đã được tràn ân sủng của Chúa Thánh Linh, Đấng làm nên vẻ huy hoàng nơi Mẹ và ngăn chặn không cho tội lỗi vương đến tâm hồn Mẹ, để Mẹ đảo vần chữ “E-va” thành “A-ve” gửi bình an cho đời[2].

Theo nhịp đập của Phụng vụ, Lễ Mẹ Vô Nhiễm được mừng vào những ngày đầu tiên của mùa Vọng, đây như lời mời gọi chúng ta bắt chước Mẹ, mặc lấy những tâm tình của Mẹ trong ngày truyền tin: Đó là một đáp trả quảng đại, là một khát vọng chờ mong Chúa đến, và là một tâm hồn trong sạch chuẩn bị đón Chúa Hài Đồng trong mùa Giáng sinh. Trong tâm tình mến yêu, xin được trình bày một vài suy tư cá nhân về Đức Maria dưới nhiều khía cạnh khác nhau, với ước mong mỗi chúng ta, dù không được vinh phúc như Đức Mẹ, nhưng nhờ lòng yêu mến Đức Maria vô nhiễm, chúng ta, những kẻ đang sống trong “lũng đầy ước mắt”[3], noi gương Mẹ sống một “cuộc đời vô nhiễm”.

Nguồn gốc tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Theo sử liệu, từ thế kỉ thứ VIII, Giáo hội Đông phương đã mừng lễ Đức Maria thụ thai vào ngày 08/12. Và đến thế kỉ IX, lễ này lan sang Tây phương. Lễ này tuyên xưng Đức Maria hoàn toàn vô nhiễm nguyên tội, tức là Đức Maria được đầy tràn ân sủng ngay từ lúc hiện hữu. Tuy vậy, sự bất đồng của các nhà thần học, nên vấn đề này còn nhiều tranh cãi. Họ đặt ra nhiều câu hỏi: Đức Maria có được giữ gìn khỏi tội nguyên tổ cách tuyệt đối hay không? Hay Đức Maria cũng như mọi người, cũng vương lây tội nguyên tổ và rồi được cứu chữa nhờ ân sủng của Ngôi Lời? Thánh Bênađô và Phêrô Lombard không chấp nhận đạo lí Đức Maria vô nhiễm, vì những vấn nạn về ơn cứu chuộc; cũng vì vậy, cả hai cùng chống việc cử hành lễ kính phụng vụ. Sang thế kỉ XIII, Thánh Albertô và Tôma Aquinô cũng gặp thấy khó khăn trong việc dung hòa giữa đạo lí vô nhiễm với đạo lí về tất cả mọi người cần được Đức Kitô cứu rỗi[4].

Cuộc tranh luận về vấn đề này kéo dài đến ngày 8/12/1854, khi Đức Piô IX qua Tông Huấn Ineffabilis Deus định tín và công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Qua đó, Giáo hội tuyên xưng: “Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, vào giây phút đầu tiên của việc thụ thai, nhờ ơn thánh đặc biệt và nhờ hồng ân của Thiên Chúa toàn năng, trước công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, được giữ gìn khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ[5].” Và như để củng cố tín điều này, ngày 11/2/1858, khi hiện ra tại Lộ Đức với thánh nữ Bernadette, Mẹ đã khẳng định: “Que soy era Immaculada Concepciou – Ta là Đấng Vô nhiễm nguyên tội”.

“Vô nhiễm” giữa cuộc đời “ô nhiễm”

Trong biến cố truyền tin, Sứ thần Gabriel đã báo cho Trinh nữ Maria biết việc chọn Trinh nữ làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc xuất phát từ ý định của Thiên Chúa: “Kính chào Trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn mọi người phụ nữ”(Lc 1, 28). Lời chào này như sự đề cập gián tiếp đến đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Mẹ: Mẹ được “đầy ơn phúc” và được “Thiên Chúa ở cùng”.

Vậy Thánh sử Luca đề cập đến Mẹ được “đầy ơn phúc” và được “Thiên Chúa ở cùng” có lên hệ gì đến cuộc đời của mỗi chúng ta? Qủa thực, khi Thiên Chúa nhắm đến Đức Maria bằng một mối tình bao bọc cả cuộc đời Mẹ như thế, thì có lẽ Ngài cũng nhắm đến chúng ta ở trong đó. Sở dĩ Thiên Chúa yêu Đức Maria đến độ ấy cũng chính là vì Người muốn cho người Con của Người trở thành một Người trong cộng đoàn nhân loại, trong đó có chúng ta, và để rồi trở thành vị cứu chuộc chúng ta, và nên bảo chứng cụ thể xác nhận rằng ơn của Thiên Chúa còn mạnh hơn cả lỗi lầm của chúng ta[6]. Ngoài ra, việc Mẹ trở nên vô nhiễm nguyên tội còn là bảo chứng cho sự đùn bọc của Thiên Chúa giành cho con người, bởi vô nhiễm nguyên tội không phải là khởi điểm của sự trong sạch phát xuất từ con Người, nhưng là từ Thiên Chúa. Quả thực, Thiên Chúa chẳng ngại chia sẻ tất cả những gì là của mình cho con người, và qua trung gian là Mẹ Hội Thánh, Ngài mong muốn con Người đạt tới sự trọn hảo của đức mến[7].

Tuy nhiên, nhân loại hôm nay chưa thực sự nhận ra được ý nghĩa tròn đầy những việc mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Bằng chứng là con người đang tự đưa mình vào một thế giới phủ đầy ô nhiễm: Đó là những mối hiểm họa mà con người ta tạo nên: Những cánh rừng ngày đêm quằn quại gánh chịu những đợt cháy, những con sông phủ đầy chất thải từ các nhà máy,… mà nguyên nhân là chính con người. Ngoài sự ô nhiễm môi sinh ấy, nhân loại này còn đang phải chứng kiến sự ô nhiễm khủng khiếp hơn, đang ngày đêm phá hoại sự sống. Đó là sự ô nhiễm tinh thần, thể hiện qua những gian dối bất công, sự phân chia giàu nghèo, sự lên ngôi của những chủ thuyết, học thuyết sai lầm nhằm gạt bỏ sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa…

Trước những thực tế đáng buồn ấy, con người đang loay hoay trong việc khắc phục mọi thứ nhưng dường như hiệu quả vẫn là “zero”. Vì lẽ ấy, mỗi Kitô hữu được mời gọi sống một cuộc sống không vấn vương bụi trần bằng cách rập đời theo theo khuôn mẫu Đức Giêsu, điều đó như một minh chứng sống cho giá trị “vô nhiễm” của Tin Mừng. Khi mỗi Kitô hữu trở nên một ngọn nến sáng, khi ấy Giáo hội sẽ trở nên một vầng sáng lớn, đẩy lui đêm tối đang bủa vây. Trong hành trình trở nên một chứng nhân, có một điều bảo đảm cho chúng ta rằng chúng ta không cô đơn bởi ta có Mẹ Maria, chứng nhân tuyệt hảo cho đời sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, cho đời sống vô nhiễm giữa cuộc đời ô nhiễm với xác tín không gì là Thiên Chúa không làm được(Lc 1,37). Nhờ đó, mỗi ngày trong trong đời sống chúng ta qua đi là lúc chúng ta thêm một nốt nhạc vào bản nhạc cuộc đời. Qua đó, cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên một bài ca Magnificat sống động của cuộc đời để tán dương tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.

Ánh sáng cuộc đời

Trong không gian phòng học khi đất trời đắm chìm trong màn đêm tĩnh mịch, tất cả cảnh vật như đi vào giấc ngủ trong tiếng ru êm ả của đất mẹ, tôi lặng nhìn xuống linh đài Đức Mẹ tại sân chính tu viện, nơi đó Mẹ vẫn đang nhìn đoàn con với ánh mắt trìu mến, chợt thấy lòng mình rộn rã lên những lời hát ngọt ngào trong ca khúc “Sao biển” của Nhạc sĩ Tâm Bảo: “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian…”. Ca từ của bài hát đã ví Mẹ như ngôi sao đêm soi chiếu biển đời đầy rẫy bóng tối rợn rùng, hiểm nguy. Đối với người bên Đông phước, ngôi sao biểu trưng cho định mệnh của cuộc đời. Người ta cho rằng, mỗi vì sao mang một điềm báo về vận mệnh con người. Có những vì sao sáng lấp lánh trên bầu trời, có những vì sao mờ mờ và có những vì sao đã tắt và chết. Điều ấy cũng không khác gì cuộc đời của mỗi người trong cuộc trần bể dâu này. Có người sống cả đời trong vinh quang, danh vọng như chòm sao sáng, có những cuộc đời bình thường như những ngôi sao mờ nhạt, và buồn hơn có những cuộc đời lầm lũi như vì sao đã chết.

Tuy nhiên, dưới cái nhìn của Tin Mừng, ngôi sao sáng tượng trưng cho cuộc đời thanh thoát, và đầy phúc. Mẹ chính là ngôi sao Bắc Đẩu nơi cung lòng Thiên Chúa - ánh sao sáng nhất trong muôn loài thọ tạo được Chúa dựng nên. Với mỗi chúng ta, những người đang sống trong biển đời đầy sóng gió này, nếu chúng ta hướng nhìn lên ngôi sao ấy, ánh sáng phát ra từ ngôi sao ấy sẽ giúp ta thoát khỏi nơi tăm tối và bóng tử thần (x.Lc 1,79). Mẹ không chỉ là ánh sao đưa cuộc đời ta về Thiên Quốc, mà Mẹ còn là bến đợi, cho con thuyền cuộc đời trần thế này của mỗi người xích lại gần nhau hơn. Đời người như một hải trình trên đại dương lịch sử, thường tối tăm và nhiều giông tố. Do đó, ta luôn cần đến những ngôi sao chỉ đường. Những ngôi sao ấy, ngoài Đức Nữ Trinh, còn là những người đã sống tốt lành. Họ là ánh sáng của hy vọng. Chắc chắn, Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật, là mặt trời đã lên cao vượt trên tất cả các bóng tối của lịch sử. Nhưng muốn đến được với Người, chúng ta phải cần đến những ánh sáng gần bên – của những người đang phản chiếu ánh quang của Người. Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao hy vọng cho chúng ta? Với tiếng “Xin vâng”, Mẹ đã mở cửa thế giới cho chính Thiên Chúa, Mẹ trở nên Hòm Bia Thiên Chúa sống động, trong đó Thiên Chúa nhập thể, trở nên một người giữa chúng ta, và dựng lều giữa chúng ta (x.Ga 1,14)[8].

Mẹ trong đời con

Trong bài thơ “Clouds and waves” của Rabindranath Tagore[9], ta bắt gặp những dòng thơ thật tuyệt vời:
Mother, the folk who live up in the clouds call out to me
We play from the time we wake till the day ends.
We play with the golden dawn, we play with the silver moon.
 I ask, “But, how am I to get up to you?”
They answer, “Come to the edge of the earth, lift up your hands to the sky, and you will be taken up into the clouds.”
Tạm dịch:
Mẹ ơi, những người sống trên mây đang gọi con:
“Chúng ta chơi đùa từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà,
Chúng ta chơi với buổi sớm mai vàng,
Chúng ta chơi với vầng trăng bạc.”
Con hỏi: “Nhưng tôi làm sao mà lên được với các người?”
Họ trả lời: “Hãy đến bên bờ trái đất,
và hãy đưa tay lên trời,
Em sẽ được nhấc bổng lên mây.”

Ngay đầu bài thơ, ta thấy cặp từ “mẹ - con” được diễn tả thật ngọt ngào, sâu lắng, từ đó mở ra cho ta thấy một không gian tràn ngập tình mẫu tử. Mẹ đang trân trọng lắng nghe lời người con kể: “Mẹ ơi, những người sống trên mây đang gọi con”, đây là hình ảnh mộng mơ của con. Hẳn là người con đang ngước mắt nhìn bầu trời xanh trong, nhìn mây trắng nhởn nhơ bay trong vũ trụ bao la, tưởng tượng mình sẽ lên được tận mây xanh để cùng mây chơi với buổi sớm ban mai, chơi với vầng trăng bàng bạc và để khám phá những điều kì diệu trên vũ trụ bao la. Cuộc sống trên mây thật hấp dẫn tuổi thơ nhưng em lại luôn nghĩ đến mẹ. Cuộc đối thoại tưởng tượng giữa những người trên mây và em bé đã khẳng định tình mẫu tử sâu sắc. Cuộc đời này dù có đi xa vô bờ, thì bóng dáng của người mẹ sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong trái tim mỗi chúng ta. Chính mẹ là người mang lại cho ta niềm hạnh phúc lớn hơn cả. Đã là con người, ai cũng có mẹ.

Đối với những người Kitô hữu, những người “được sinh ra bởi Nước và Thần khí”(Ga 3,5b), chúng ta còn được biết đến người Mẹ thiêng liêng - Mẹ Maria. Kinh nghiệm sự hiện diện của Mẹ Maria trong cuộc đời, hẳn mỗi người đều có một cảm nhận riêng. Với tôi, mỗi khi nhìn lên Mẹ Maria cũng là lúc tôi nhớ đến người mẹ thế trần của mình. Có lẽ, mẹ tôi cũng đã noi gương Đức Maria để đáp trả lại lời mời gọi cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa qua hai tiếng xin vâng để trở nên người in đậm dấu ấn trong cuộc đời tôi. Tình mẹ dành cho con ngọt ngào, thuần khiết như những mật ngọt nguyên chất, nhẹ nhàng như ánh mắt mặt trời bình minh. Đối nghịch với sự nhẹ nhàng dịu dàng đó là sự hi sinh to lớn của mẹ. Mẹ bỏ qua tuổi xuân xanh của mình để trao tất cả hạnh phúc cho con, chính mẹ là người vun đắp những gì tốt đẹp nhất của mình để cho con ngay từ khi con mới lọt lòng. Cho tới khi con trưởng thành thì vai trò của mẹ không hề phai mờ, mai một đi chút nào cả mà hình như nó cũng lớn dần theo năm tháng, nó lớn theo những nhận thức đang dần trưởng thành của con về cuộc đời, lớn theo những khó khăn vấp ngã trong đời của con. Tạ ơn Chúa đã cho con được sống trong một gia đình, một mái ấm để yêu thương. Nơi ấy con được đong đầy tình yêu bởi bàn tay của cha, bởi dòng sữa của Mẹ. Và trên hết, ấy là nôi nuôi dưỡng để con nhận ra con còn có một người Cha trên trời, Đấng con phải tìm kiếm suốt cuộc đời và có một người Mẹ, Đức Maria, người suốt đời chu toàn thánh ý Chúa.

Xin cùng hợp với lời cầu của thi sĩ Paul Claudel thay cho những lời kết để dâng lên Đức Maria trong ngày toàn thể Giáo hội hiệp lời tôn vinh Mẹ:
Trời đúng ngọ,
Tôi trông thấy giáo đường rộng mở,
Phải bước vào mới được.
Lạy Mẹ Chúa Giêsu Kitô!
Con không vào để cầu nguyện,
Vì con không có gì để dâng cho Mẹ và cũng chẳng xin Mẹ điều gì.
Con chỉ đến để ngắm nhìn Mẹ thôi, ôi lạy Mẹ!
Ngắm nhìn Mẹ và khóc lên vì hạnh phúc,
Con không nói gì cả, nhưng con chỉ hát thôi,
Bởi vì trái tim con tràn ngập tâm tình![10].

Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này. Vì lời Đức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng con được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa.[11]

 

[1] X. GLHTCG, số 971
[2] X. Thánh thi Kinh Chiều II, Phần chung kính Đức Mẹ, bản dịch của nhóm CGKPV
[3] Ca vãn kính Đức Mẹ
[4] Phan Tấn Thành, Vầng trăng tuyệt vời, tr.107
[5] Tông Huấn Ineffabilis Deus, phần II, số 3
[6] Karl Rahner, Đức Maria – kẻ đã tin, Nxb Tôn giáo, tr 83
[7] X. GLHTCG, số 1700
[8] Thông điệp Spe Salvi, số 49
[9] Rabindranath Tagore, hay Rabindranath Thakur, (6 tháng 5 năm 1861 – 7 tháng 8 năm 1941) là một nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc chủ nghĩa được trao Giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel. Ông còn là tác giả của bài Quốc ca Ấn Độ (Jana Gana Mana) và Sri Lanka (Sri Lanka Matha) cũng như của Bangladesh.
[10] Gallimard, Tác phẩm thơ, trang 539
[11] Lời tổng nguyện lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập150
  • Máy chủ tìm kiếm94
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay32,038
  • Tháng hiện tại481,799
  • Tổng lượt truy cập79,713,637
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây