Đức Maria - Nhà truyền giáo 5G

Thứ bảy - 21/10/2023 05:14  1334
1621805045a6zlhv1jwknpbyon7o0shrgygmux4t pngVào năm 2013, sau những tháng đầu tiên làm giáo hoàng, Đấng kế vị Thánh Phê-rô đến từ Buenos Aires đã tập trung vào Tông huấn đầu tiên của mình, Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), “về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay”,  để nhắc nhở mọi người rằng: “Niềm vui Tin Mừng có sức khỏa lấp bao trái tim và cuộc sống của tất cả những ai được gặp gỡ Đức Giê-su.”[1] Gần sáu năm sau, vào tháng 10 năm 2019, Đức Thánh Cha tuyên bố Tháng Truyền Giáo Ngoại thường, và triệu tập Thượng hội đồng Giám mục dành riêng cho vùng Amazon tại Roma, đồng thời ngài cũng kêu gọi đưa ra những cách thức mới để loan báo Tin Mừng ở “vùng đất truyền giáo” này. Như thế, việc loan báo Tin Mừng trong thời đại kỹ thuật số rất được chú trọng, đòi hỏi những cách thức mới, hợp xu thế thời đại, và một trong những cách thức đó không thể không kể đến mạng xã hội.

Trải qua 21 thế kỉ, ở khắp nơi và trong mọi thời đại, Giáo hội luôn xuất hiện những gương mặt truyền giáo lừng danh. Thánh Phao-lô với nỗ lực truyền giáo không mệt mỏi thời Giáo hội sơ khai; thánh Đa-minh với tài giảng thuyết lừng danh, đẩy lui bè rối Ario; thánh Phanxico Savie đem Tin Mừng đến với các dân tộc Á Châu; đặc biệt là thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, quan thầy các nhà truyền giáo… rất rất nhiều những tông đồ truyền giáo đã và đang miệt mài trên cánh đồng truyền giáo bao la mà chỉ có Chúa biết rõ. Tuy nhiên, vượt trên tất cả, “từ đời nọ đến đời kia”, Đức Trinh Nữ Maria luôn là nhà truyền giáo vĩ đại nhất và Mẹ là gương mẫu của mọi nhà truyền giáo. Trong thế giới kỹ thuật số như hiện nay, chúng ta một lần nữa đặt Đức Trinh Nữ vào trung tâm của việc loan báo Tin Mừng, đặc biệt trong bối cảnh của thế giới kỹ thuật số và công nghệ 5.0 hay 5G.

Trước khi đến với chủ đề của bài viết: Đức Maria – Nhà truyền giáo 5G. Tưởng cũng nên tìm hiểu một vài thuật ngữ liên quan đến mạng xã hội 5G. 5G hay còn gọi mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5 là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động tiếp nối thế hệ 4G hoạt động ở các băng tần số 28, 38 và 60 GHz[2].

Thế hệ 1G được Nordic Mobile Telephone giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1981. Cứ 10 năm lại xuất hiện một thế hệ mới. Thế hệ 2G được tung ra năm 1991, thế hệ 3G được giới thiệu rộng rãi năm 2001 và thế hệ 4G được giới thiệu năm 2012.

Theo các nhà phát minh, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G, giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn. Mạng 5G được xem là chìa khóa để chúng ta đi vào thế giới mạng lưới “vạn vật kết nối Internet”. Hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi…

Khi dùng ngôn ngữ khoa học kỹ thuật số để suy tư về truyền giáo, tuy hơi khập khiễng, nhưng là điều rất thú vị khi chúng ta thử so sánh mạng 5G với chủ đề “Đức Maria – Nhà truyền giáo 5G”. Chúng ta có thể nghĩ tới hình ảnh Đức Maria đứng kề bên Thập giá, cũng giống như Mẹ đứng gần bên cột sóng, Chúa Giê-su là cột sóng Tình Yêu, cột sóng Cứu Độ; Mẹ Maria là Model phát sóng, càng gần Mẹ sóng tình yêu với Giê-su càng khỏe, ta truy cập vào mạng lưới không dây là Đức Tin – Đức Cậy - Đức Mến càng nhanh càng bền bỉ.
Bây giờ là lúc chúng ta cùng Mẹ Maria kết nối với Chúa Giê-su qua mạng lưới 5G của Mẹ.

Chữ G thứ nhất: Gần Chúa

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì đã hạ sinh Ngôi Lời nhập thể nên Mẹ sống rất gần Chúa, Mẹ liên kết mật thiết với Chúa trong mọi biến cố từ khi Ngôi Hai nhập thể cho đến khi Mẹ đứng gần Chúa bên chân cây thập giá. Gần Chúa, nên Mẹ kín múc nơi Chúa sức mạnh đến từ trời cao, Mẹ là người phụ nữ, mang trọn vẹn sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa trong lòng nhân thế. Vì vậy, “người môn đệ truyền giáo” nhất thiết phải noi gương Mẹ, sống gần Chúa bao nhiêu có thể, để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Ki-tô. Như thế, sứ mạng truyền giáo mới thực sự có được một nền tảng kiên cố và chắc chắn.

Chữ G thứ hai: Gắn kết

Mẹ Maria không chỉ gần Chúa. Hơn thế nữa, Mẹ còn gắn kết cuộc đời Mẹ với Chúa cách mật thiết và trọn vẹn. “Người nữ tỳ” hoàn toàn để cho chương trình của Thiên Chúa được thi thố trên cuộc đời Mẹ với tấm lòng khiêm mọn. “Người môn đệ truyền giáo” noi gương Mẹ, sống gắn kết với Chúa, đặc biệt trong các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể để có thể kín múc nguồn sức sống thần linh. Vì, nhà truyền giáo đích thực là nhà truyền giáo có Chúa và khát vọng đem Chúa đến với tất cả mọi người.

Chữ G thứ ba: Gan vàng dạ sắt

Hành trình của người môn đệ theo Chúa đòi hỏi phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình” [3]. Bên cạnh đó, đòi hỏi lòng can đảm và kiên trì trước những thách đố của mọi thời đại. “Người môn đệ truyền giáo” cần đi sát Mẹ Maria nhờ sống gần Chúa, gắn kết với Chúa, mà Mẹ đã trải qua biết bao thử thách trong cuộc lữ hành Đức Tin. Khi đứng kề bên thập giá, Mẹ vẫn đứng vững, một lòng kiên trung. Trong đời sống Đức Tin của chúng ta cũng thế, phải trải qua biết bao lần thử thách, lần bước trong đêm tối đức tin. Vì thế, “ người môn đệ” hãy noi gương Mẹ, sống Đức Tin kiên trung, theo chân Chúa đến cùng.

Chữ G thứ tư: Gương mẫu

Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội, là chi thể trổi vượt. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở nên mẫu gương cho mọi ơn gọi, trong đời sống gia đình cũng như trong đời sống dâng hiến. Tắt một lời, Mẹ là gương mẫu của mọi thời đại. Mẹ Maria là người Mẹ truyền giáo đúng nghĩa nhất, Mẹ là người nữ truyền giáo đầu tiên và mẫu mực nhất, bởi sự tinh tuyền của Mẹ, bởi Mẹ là kỳ công của Chúa Thánh Thần hoạt động trên mọi công trình sáng tạo. Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa cho thế gian, và đưa Con Thiên Chúa vào trong thế gian, và đó là Tin Mừng đúng nghĩa nhất. Từ nay, nhân loại nhận ra rằng: Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người mang tin vui, tin cứu độ, tin được Con Thiên Chúa đoái thương. Đức Phaolô VI đã nói: “Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”[4]. Vì thế “người môn đệ truyền giáo” cần trở nên những chứng nhân, sống gương mẫu về đời sống nhân bản, đời sống tâm linh, sống trưởng thành tâm lý tình cảm để có thể khơi nguồn cảm hứng cho muôn dân nhận biết Niềm vui ơn cứu độ.

Chữ G thứ năm: Gia ơn

Mẹ Maria là thật sự là “máng chuyển thông ơn Cứu Độ”. Đức Maria đã đón nhận toàn thể Giáo hội dưới chân thập giá từ Con Chí Thánh của Mẹ, đặc biệt trong ngày lễ Ngũ Tuần, sự hiện diện của Mẹ nói lên tính cách thiêng thánh, sự gắn kết mật thiết của Mẹ với thân mình Chúa Ki-tô là Hội Thánh. Mẹ là chi thể trổi vượt, nên trải qua mọi thời đại, Mẹ vẫn luôn khẩn thiết xin ơn Chúa Thánh Thần đổi mới bộ mặt trái đất. Mẹ luôn gia ơn và luôn dõi theo bước chân của Giáo hội lữ hành. Với những “người môn đệ truyền giáo” lại càng có một vị trí đặc biết trong trái tim mẹ. Bằng chứng có rất nhiều hội dòng truyền giáo được bảo trợ dưới tước vị của Mẹ, có rất nhiều Đại chủng viện nhận Mẹ làm Đấng Bảo Trợ. Trên cánh đồng truyền giáo xa xôi, “người môn đệ truyền giáo” hàng ngày vẫn được Mẹ gìn giữ chở che.

“Truyền giáo và mạng xã hội” là một chủ đề rất hay và đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu và khám phá. Một chút liên hệ giữa chủ đề này với Mẹ Maria quả thực rất thú vị. Xin Mẹ Maria – Nữ Vương truyền giáo ban cho Giáo hội luôn có những tông đồ quảng đại và nhiệt tâm truyền giáo.

[1] ĐGH PHANXICO, GIANNI VALENTE, Là những nhà truyền giáo trong thế giới hôm nay, NXB Tôn giáo, trang 8
[2] https://www.vi.wikipedia.org› wiki › 5G (truy cập ngày 12/10/2023)
[3] X. Lc 16,24

Tác giả: VACARE DEO

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập256
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm220
  • Hôm nay36,335
  • Tháng hiện tại896,696
  • Tổng lượt truy cập78,900,147
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây