Đức Maria - Nhà truyền giáo linh hoạt
Thứ hai - 21/07/2025 19:36
782
Trong Giáo hội, Đức Maria là chi thể trổi vượt, nhờ hồng ân Thiên Chúa, Đức Maria được tôn vinh, sau Con mình, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, do đó, Mẹ đáng được Giáo hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính. Theo đó, Giáo hội luôn tôn kính và đặt nơi Đức Maria niềm trông cậy vững vàng, vì nơi Mẹ, Hội Thánh đã hoàn toàn thánh thiện. Chính nhờ lời bầu cử của Mẹ, dù có những lúc tưởng như con thuyền Giáo hội bị lật nhào, hay chìm đắm, vẫn vượt thắng để tiếp tục hành trình và sứ mạng của mình. Vì thế, Giáo hội không ngừng chiêm ngắm, tôn vinh Mẹ với các tước hiệu cao trọng, qua những lời kinh, những tác phẩm nghệ thuật, hay qua việc sùng kính đặc biệt được diễn tả rất sống động trong dòng lịch sử cũng như trong đời sống của Giáo hội. Trong chiều hướng đó, khi chiêm ngắm cuộc đời Đức Maria trong Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra nơi Mẹ hình ảnh một nhà truyền giáo mẫu mực và năng động, người cưu mang Chúa và chuyển trao Chúa đến cho mọi người. Quả thế, nơi Mẹ hội tụ mọi phẩm chất, mọi yếu tố mà một nhà truyền giáo cần có để thực thi sứ mạng của mình. Vì thế, trong phạm vi bài viết, dù không thể diễn tả hết mọi đặc tính của một nhà truyền giáo mẫu mực nơi Đức Maria, nhưng người viết chỉ phác họa một vài khía cạnh, mà thiết tưởng đó là những yếu tố cần thiết với mọi nhà truyền giáo mọi nơi, mọi thời.
- Đức Maria – Người có Chúa
Hẳn nhiên, nhà truyền giáo trước hết và trên hết phải là người có Chúa. Trong chiều hướng đó, nơi Đức Maria, chúng ta thấy trước khi trở thành một nhà truyền giáo lên đường, mang Chúa đến cho người khác, chính Mẹ là người có Chúa và đầy Chúa, không phải chỉ trong và sau biến cố truyền tin, nhưng là trong suốt cuộc đời. Quả vậy chiêm ngắm cuộc đời Mẹ, chúng ta luôn thấy nơi Mẹ là người có Chúa khi Mẹ cưu mang Chúa, hạ sinh Chúa cho loài người, cũng như dưỡng nuôi, chăm sóc, bảo vệ, và gắn bó với Ngôi Lời trong suốt cuộc đời. Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Đức Maria thụ thai Chúa Ki-tô trinh khiết cho đến khi Chúa Ki-tô kết thúc cuộc đời trần thế, phục sinh và lên trời…
Mẹ cưu mang Chúa
Hình ảnh Đức Maria đã làm trái tim con người xúc động cách đặc biệt. Đức Maria – bức thư sống động của Thiên Chúa – khởi đầu với một từ ngữ sâu xa đến nỗi nó hàm chứa tất cả đời sống của Mẹ. Đó là từ “ân sủng”. Lật giở những trang Tin Mừng, hình ảnh một thiếu nữ mang tên Maria hiện lên với vẻ đẹp thánh thiện, đặc biệt trong biến cố Truyền tin. Quả vậy, dù chúng ta không biết gì về Đức Maria trước biến cố Truyền tin, nhưng qua lời chào của sứ thần:“Kính chào Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28), chúng ta biết chắc chắn Mẹ là người nữ thánh thiện, vì có Chúa luôn ở cùng Mẹ trước, trong và sau khi truyền tin, nghĩa là đầy ân sủng. Ân sủng theo nghĩa này, cũng chính là sự thánh thiện của Đức Maria, và nó hàm chứa một nét đặc trưng khiến Mẹ trổi vượt hơn bất cứ ai khác dù trong Cựu Ước hay Tân Ước. Qua lời chào của Sứ thần, Đức Maria đã đắc sủng nơi Thiên Chúa: Các dòng suối đổ đầy biển khơi như thế nào thì ân sủng cũng đổ đầy tâm hồn Đức Maria như vậy. Như thế, qua tước hiệu “Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”, chúng ta biết rằng trọn cuộc đời, Mẹ đã sống với Chúa trọn vẹn mọi giây phút và hoàn toàn “xin vâng theo thánh ý của Ngài”. Chính vì thế, Mẹ được Thiên Chúa chọn từ muôn thuở nên cung điện xứng đáng để cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể.
Trong chiều hướng đó, với hai tiếng “Fiat – xin vâng”, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn cũng như thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Quả vậy, lời Fiat – xin vâng được Mẹ thưa lên chắc chắn không dễ dàng như chúng ta thoáng thấy trong trình thuật truyền tin. Trái lại, để thưa hai tiếng ấy hẳn phải là cả một quá trình phân định, mà trong đó có lo sợ, xen lẫn chút hoài nghi… Nhưng vì Mẹ luôn có Chúa và lòng Mẹ đầy Chúa, nên vượt lên phút choáng ngợp, run rẩy và sợ hãi vì không biết sau hai tiếng đó là như thế nào, với niềm hy vọng và lòng tin thẳm sâu, Mẹ can đảm thưa hai tiếng xin vâng, và rồi buông mình cho dự án của Chúa. Lời “xin vâng” của Đức Maria không phải là một hành vi nhân linh đơn thuần, nhưng nó được chính Chúa Thánh Thần khơi lên từ thẳm sâu tâm hồn Đức Maria. Để rồi, khi thưa hai tiếng “xin vâng”, Mẹ đã liều lĩnh cưu mang Đấng Cứu độ trong lòng, và trở thành cộng tác viên đắc lực nhất cho dự án cứu độ mà Thiên Chúa đang từng bước thực thiện cho nhân loại.
Mẹ hạ sinh Chúa
Từ lúc Mẹ nói lời xin vâng, Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Với hai lời xin vâng, Đức Maria trở thành mẹ… Lời đã bước vào và nảy nở trong lòng ngài. Tuy nhiên, dù Ngôi Lời đã “Nhập Thể” trong cung lòng Đức trinh nữ Maria, nhưng nếu Đức Maria không hạ sinh Đấng Cứu Thế, nghĩa là không có biến cố Giáng Sinh, chắc hẳn Ngôi Lời không thể “Nhập Thế”. Thật vậy, biến cố Giáng Sinh luôn là một biến cố gây ngỡ ngàng cho toàn thể nhân loại. Chính nhờ và qua biến cố trọng đại ấy, Đấng Cứu Độ đã chính thức bước vào trần gian để hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, nhờ đức vâng phục, Đức Maria đã cho phép Thiên Chúa đến với trần gian. Nhờ vậy, Mẹ đã trở nên Evà mới… bằng sự vâng phục trong đức tin và đại diện cho toàn thể nhân loại, đã tháo cởi được mối dây ràng buộc mà Evà cũ đã thắt…
Quả vậy, Đức Giê-su không phải là một nhân vật huyền thoại được sinh ra từ đâu đó mơ hồ, nhưng Người xuất hiện trong một thời gian và không gian xác định. Người là điểm gặp gỡ của điều phổ quát và cái cụ thể. Qua Người, Logos – ý nghĩa sáng tạo của mọi sự - đi vào trần gian. Logos muôn đời đã làm người, làm người trong một không gian và thời gian cụ thể, nhờ việc hạ sinh của Đức trinh nữ Maria. Như thế, Đức Maria qua lời xin vâng đã cưu mang Ngôi Lời trong lòng, đã bảo vệ và dưỡng nuôi Ngôi Lời, để rồi khi mãn nguyệt khai hoa (x. Lc 2,6), Mẹ đã hạ sinh Đấng cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Mẹ dưỡng nuôi Chúa
Trong tư cách làm mẹ, Đức Maria không chỉ cưu mang và hạ sinh Chúa cho nhân loại, nhưng suốt cuộc đời, Mẹ đã dưỡng dục, bảo vệ Con Thiên Chúa. Hình ảnh Đức Maria đặt con mình vào một cái máng cỏ (x. Lc 2,7), rồi lấy tã quấn cho con, bỏ ngoài mọi chuyện tình cảm, chúng ta có thể hiểu được Đức Maria đã ân cần chuẩn bị cho việc sinh con chu đáo như thế nào. Cũng vậy, hình ảnh “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” (x. Lc 2,40) cũng cho thấy, cách nào đó, chính nhờ sự chăm sóc, quan tâm và dưỡng dục của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, mà Con Thiên Chúa mỗi ngày thêm vững mạnh và khôn ngoan, hầu chuẩn bị cho sứ mạng và kế hoạch mà Thiên Chúa sẽ thực hiện để cứu độ con người…
Cùng với đó, suốt ba mươi năm sống ẩn dật, chắc hẳn dù là Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giê-su cũng là người con trong gia đình, nên chắc chắn Chúa cũng luôn ý thức vai trò làm con của mình. Để rồi, trong cuộc sống hằng ngày, dưới sự hướng dẫn của cha mẹ trần thế, Ngài không ngừng học theo mẫu gương của Mẹ, chấp nhận sự dưỡng nuôi của Mẹ, để rồi khi thời kì đã mãn, Con Thiên Chúa ra mắt toàn thể nhân loại để thực thi sứ mạng của mình. Điều này được Tin Mừng diễn tả rất sâu sắc và sống động trong phần cuối trình thuật lạc mất Chúa trong Đền thờ năm Ngài 12 tuổi: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (x. Lc 2,51).
Như thế, chiêm ngắm Đức Maria, một nhà truyền giáo luôn có Chúa, khi Mẹ thưa “Fiat” để cưu mang Con Thiên Chúa, hạ sinh và dưỡng nuôi Ngôi Lời, chúng ta phải chân nhận rằng có Chúa chắc chắn là điều kiện, tiêu chuẩn đầu tiên, và tiên quyết của mọi nhà truyền giáo, cũng như mỗi người chúng ta. Quả vậy, một nhà truyền giáo, hay đơn giản một người Ki-tô hữu không thể chuyển trao sứ điệp Tin Mừng, hay truyền giáo, nếu không có Chúa, vì chẳng ai có thể cho cái mình không có. Vì thế, một người muốn trở thành người gieo rắc niềm tin, và rao giảng Tin Mừng, trước hết phải có Chúa, không chỉ trên môi miệng, nhưng là phải cưu mang Chúa trong lòng, để rồi đến khi mãn nguyệt khai hoa, Lời Chúa không bị bóp nghẹt, “bị phá”, “chết yểu” hay “sảy thai”, nhưng Lời phải được hạ sinh và chuyển trao cho con người, cũng như phải tiếp tục được nuôi dưỡng trong suốt cuộc đời và trong hành trình của chúng ta. Chiêm ngắm Mẹ qua hai tiếng xin vâng, chúng ta, những nhà truyền giáo nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta học từ nơi Mẹ để biết nói lời ‘xin vâng’ với sự nhẫn nại bền chí và tinh thần sáng tạo của những người luôn mạnh dạn bắt đầu lại”. Đồng thời, noi gương Mẹ là người có Chúa vì chỉ khi có Chúa, ở cùng Chúa, chúng ta mới có Chúa ở cùng, cũng như đủ sức mạnh và can đảm ra đi chuyển trao Tin Mừng và ơn cứu độ cho mọi người mọi nơi mọi thời.
- Đức Maria – Người lên đường
Chúng ta không thể phủ nhận Đức Maria chính là nhà truyền giáo đầu tiên, người cộng tác đắc lực nhất và cũng là nhà truyền giáo năng động để mang Chúa đến với mọi người. Chiêm ngắm Đức Maria, qua các trang Tin Mừng, chúng ta thấy nổi bật hình ảnh của một người nữ lên đường và luôn trong tư thế lên đường để trao ban, để tìm kiếm Chúa. Trong tư cách một nhà truyền giáo, Mẹ đã gắn cuộc đời Mẹ với Chúa không phải để giữ cho riêng mình, nhưng Mẹ đã lên đường để giới thiệu Chúa, cũng có lúc Mẹ lên đường để tìm Chúa, và trong những hành trình ấy, hẳn nhiên không thiếu niềm vui khi Tin Mừng được đón nhận, nhưng cũng không thiếu những rủi ro, và cả sự hắt hủi của những tâm hồn chai đá…
Lên đường để trao ban Chúa…
Mẹ Maria không những là một kẻ tin mẫu mực, Ngài đồng thời cũng là hình ảnh của Giáo hội, vốn là kẻ ấp ủ lời Chúa trong lòng và trao đi tiếp. Niềm khao khát giới thiệu Chúa được các tác giả Tin Mừng diễn tả thật sống động, trước hết nơi trình thuật viếng thăm bà Eelisabet (x. Lc 1, 39-56). Trong vai trò nhà truyền giáo, tức là người trao ban Chúa cho người khác, Mẹ đã “vội vã” lên đường đến với người chị họ của mình. Đó là người phụ nữ ân cần, mau mắn lên đường khi biết rằng người chị họ cần đến mình, chẳng bận tâm về các kế hoạch của mình, nhưng “vội vã” ra đi đến miền đồi núi (x. Lc 1,39). Hành trình truyền giáo đầu tiên của Đức Maria chắc chắn ắp đầy sự háo hức và niềm vui muốn chia sẻ tin vui trọng đại và nhất là mang Ngôi Lời đến cho người khác, mà ở đây trên hết là cho người thân thuộc của mình. Hành trình ấy cũng có những rủi ro, những bất trắc vì đường xá xa xôi hay bởi những nguy hiểm rình rập. Thế nhưng, với một niềm tin tưởng và một niềm vui dấn thân, Mẹ đã không quản ngại lên đường để trao Chúa. Để rồi, ngay khi “vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.” (x. Lc 1, 45) Không những thế, Mẹ không chỉ vào nhà, không chỉ trao ban Chúa, nhưng Mẹ còn ở lại để chia sẻ và trao ban Chúa cách trọn vẹn nhất.
Tiếp đến, hành trình truyền giáo của Mẹ được diễn tả trong biến cố Giáng sinh. Nơi đó, Mẹ đã quảng đại, quẳng đi những gánh lo của sự truy đuổi, chút đượm buồn của sự hắt hủi, gác lại sự mệt mỏi của kì sinh, để vui vẻ giới thiệu Chúa cho các mục đồng (x. Lc 2, 8-14), trao bạn Chúa cho các vị chiêm tinh hay các vị vua từ phương Đông (Mt 2, 1-12). Như thế, là một nhà truyền giáo vĩ đại, Mẹ không giữ Chúa cho riêng mình, cho gia đình mình, cho những người thân hay dân tộc của mình. Nhưng với lòng quảng đại, Mẹ đã giới thiệu và trao ban Chúa cho muôn dân, bất kể thành phần, màu da, sắc tộc, ngôn ngữ hay cấp bậc, cách đặc biệt cho những người nhỏ bé, đơn sơ, những tâm hồn đơn thành khát khao đón nhận Ngôi Lời.
Cũng trong chiều hướng đó, niềm khao khát dâng trao Chúa cho nhận loại nơi Mẹ còn được diễn tả trong cuộc sống, nơi Mẹ dưỡng nuôi và gìn giữ, giáo dục Ngôi Lời. Cách cụ thể, Tin Mừng diễn tả niềm khao khát được giới thiệu Chúa và ơn cứu độ cho mọi người trong các cuộc hành hương của những người Do Thái sùng đạo. Nơi đó, Mẹ đã để Chúa được tự do sống và đi cùng những người đồng hương (x. Lc 2, 44), cũng như Mẹ đã giới thiệu Chúa cho ông Simêon (x. Lc 2, 33-35), và bà Anna (x. Lc 2, 36-38), những tâm hồn đại diện cho những người khao khát chờ mong Đấng Cứu độ, cũng như cách gián tiếp , Mẹ giới thiệu Chúa cho những người lãnh đạo Do Thái (x. Lc 2, 46). Để rồi qua Mẹ, khi họ gặp Đấng Cứu độ, kẻ thì ngạc nhiên (x. Lc 2, 47), người thì phải thốt lên mãn nguyện “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân…” (x. Lc 2, 29-31)…
Lên đường để tìm Chúa…
Quả vậy, cuộc hành trình truyền giáo của Đức Maria chẳng phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió và đạt kết quả mĩ mãn. Trái lại, Tin Mừng mạc khải cho chúng ta trong những hành trình ấy, Mẹ cũng gặp phải những sự chống đối, hắt hủi, thậm truy bắt để tìm giết, cùng với những rủi ro và khó khăn song hành. Chẳng hạn, trong biến cố Giáng Sinh, dù mang nơi mình Đấng Cứu Độ, nhưng Mẹ đã gặp phải sự hắt hủi, chối từ của “người nhà mình” (x. Ga 1,11), khi không tìm được một chốn để hạ sinh Ngôi Lời (x. Lc 2,7), để rồi chỉ nơi hang bò lừa và giữa các mục đồng, nơi duy nhất đón nhận Thánh Gia, trở thành nơi đầu tiên để đón nhận ơn cứu độ. Cũng vậy, trong biến cố Giáng Sinh, chúng ta cũng thấy hình ảnh Đức Maria phải chạy trốn sự truy giết của vua Hêrôđê (x. Mt 2,13-18).
Cùng với đó, trong hành trình truyền giáo của Đức Maria cũng phải trải qua những giây phút vất vả đi tìm Chúa, điển hình như trong biến cố lạc mất Chúa trong Đền thờ (x. Lc 2,41-50), chúng ta cũng thấy hình ảnh một nhà truyền giáo rong ruổi tìm Chúa khi lạc mất Ngài; hay trong cuộc đời công khai của Chúa Giê-su, Đức Maria cũng có những lúc phải đi tìm Chúa (x. Lc 8, 22); Và cuối cùng, hành trình theo Chúa của Mẹ được diễn tả sống động nơi Cái Sọ, dưới chân Thập giá, nơi Đức Maria thấy Chúa và đón nhận lời di ngôn cuối cùng của Ngài ( x. Ga 19,26).
Như thế, chiêm ngắm Đức Maria qua hình ảnh người nữ lên đường qua những biến cố mà Đức Maria đã cảm nếm trong hành trình lên đường để trao ban Chúa và tìm Chúa, chúng ta thấy hành trình truyền giáo của Mẹ không bao giờ là một cuộc dạo chơi, một hành trình dễ dàng và trải đầy hoa hồng. Trái lại, công cuộc loan báo Tin Mừng luôn ẩn chứa những rủi ro, những khó khăn của sự chối từ hắt hủi, thậm chí cả cái chết rình rập. Đó cũng chính là tâm thế của mỗi nhà truyền giáo, trong đó có mỗi người chúng ta. Theo đó, noi theo mẫu gương của Đức Maria, trong hành trình mang Chúa đến cho người khác, chúng ta trước hết học nơi Mẹ lòng nhiệt huyết luôn khao khát giới thiệu Chúa cho mọi người trong mọi biến cố cuộc đời. Đồng thời, cũng luôn ý thức, và chân nhận trong hành trình ấy không thếu những rủi ro, khó khăn, đôi khi chúng ta cũng lạc mất Chúa, bởi sự mệt mỏi, thất bại, chán chướng, thất vọng, hay một lý do nào đó chủ quan hay khách quan. Thế nhưng, những lúc như thế, chúng ta hãy học nơi Mẹ bài học của sự kiên nhẫn, để lên đường tìm Chúa với niềm hy vọng và xác tín, để rồi khi thấy Chúa, chúng ta tiếp tục lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ đến cho con người trong thế giới hôm nay.
- Đức Maria – Con nguời của cầu nguyện
Cầu nguyện là điều thiết yếu cho công cuộc loan báo Tin Mừng bởi vì qua cầu nguyện, chúng ta mới có thể hiểu biết Thiên Chúa và chính mình cách thâm sâu hơn, từ đó biết làm thế nào để mang Chúa đến cho người khác, như lời mời gọi của chính chính Thiên Chúa. Quả vậy, chỉ trong cầu nguyện, chúng ta mới đào sâu mối tương quan với Chúa Giê-su. Trong chiều hướng đó, một nhà truyền giáo không thể đủ sức thực thi sứ mang loan báo Tin Mừng nếu không neo đậu đời mình trong cầu nguyện, vì cầu nguyện là sức mạnh của việc truyền giáo cũng như là nhu cầu sống còn của con người. Chiêm ngắm cuộc đời Đức Maria, chúng ta thấy Mẹ chính là là con người của cầu nguyện và là mẫu gương cho mỗi chúng ta noi theo trong đời sống đức tin cũng như trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Trọn đời xin vâng
Con người cầu nguyện nơi Đức Maria con được thể hiện sâu sắc qua hai tiếng “xin vâng”. Cả cuộc đời, Đức Maria không chỉ thưa lên hai lời xin vâng, để rồi lại sống theo ý mình hay bắt Chúa phải làm theo ý mình. Trái lại, Mẹ đã sống trọn vẹn lời xin vâng, trong sự vâng phục tuyệt đối của đức tin, đặc biệt trong thinh lặng và cầu nguyện. Để rồi, trong những hoàn cảnh đen tối nhất, đã bao lần Đức Maria vẫn tiếp tục “Fiat”, và hướng tâm hồn về lại giây phút ban đầu gặp gỡ thiên sứ và đã hiểu lại một cách mới mẻ lời chào của sứ thần: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28).
Thật thế, sức mạnh của lời thưa ‘xin vâng’ nơi cô gái trẻ Maria luôn khiến chúng ta xúc động. Đó là sức mạnh của lời đáp “xin hãy làm cho tôi như thế!” mà Mẹ đã thưa cùng sứ thần. Điều này khác với sự chấp nhận thụ động hay miễn cưỡng. Điều này khác với tiếng “xin vâng” hàm ý: để xem điều gì sẽ xảy ra. Đức Maria không có ý nói: cứ chờ xem. Mẹ dứt khoát, Mẹ hiểu điều đang nói và đã thưa ‘xin vâng’, không hề do dự. Tiếng đáp ấy là một cái gì khác, còn hơn thế nữa. Đó là lời ‘xin vâng’ của một người muốn dấn thân và chấp nhận rủi ro, đánh cuộc mọi thứ, mà không có bảo đảm an ninh nào khác hơn ngoài niềm xác tín rằng Mẹ là người đang mang một lời hứa.
Hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng
Như chúng ta đã biết, cả cuộc đời Đức Mẹ gói gọn trong câu “Mẹ hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2, 19; 2, 51). Như tế, tất cả cuộc đời Mẹ là một lời cầu nguyện, khi Mẹ luôn gắn kết với Chúa, không chỉ trong việc lên đường trao ban Chúa, nhưng trên hết là trong thinh lặng và cầu nguyện suốt cuộc đời. Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng, dù có những điều Mẹ chưa hiểu hết, nhưng cất giữ trong lòng để càng ngày càng chín chắn thêm lên. Quả vậy, Đức Maria là một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47), đôi mắt ngời sáng ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiêm ngắm cuộc đời bằng đức tin và lưu giữ mọi sự trong lòng (x. Lc 2,19.51).
Đức Maria dù là Mẹ Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn vâng phục thánh ý Ngài, với một đức tin mạnh mẽ và một đời sống cầu nguyện thẳm sâu, Mẹ không tìm cách thao túng hay ép buộc Chúa theo ý Mẹ. Trái lại, Mẹ tin tưởng và hoàn toàn thuận theo điều mà Chúa muốn khi luôn suy đi nghĩ lại, tức là chiêm niệm mọi biến cố trong lòng để tìm ra ý Chúa. Điều này được diễn tả cách thật tuyệt vời nơi tại tiệc cưới Cana, với lòng tin tưởng tuyệt đối: “Người bảo gì, cứ làm như vậy” (x. Lc 2,5). Dù Mẹ biết con Mẹ có thể làm mọi sự, nhưng Mẹ hoàn toàn để con mình tự do thực hiện dự án và công việc của mình. Qua đó, chúng ta thấy nếu nơi Mẹ không có nguồn sức mạnh thần linh kín múc trong cầu nguyện và chiêm niệm, hẳn Mẹ không thể tin tưởng tuyệt đối và để cho Chúa Giê-su hoàn toàn tự do thực hiện dự án của Thiên Chúa.
Cũng vậy, nếu không có đời sống cầu nguyện, hẳn nhiên Mẹ không thể theo Con Mẹ đến tận đỉnh đồi Gôn-gô-tha, và đủ sức “đứng” dưới chân Thập giá chứng kiến cái chết của Con mình (x. Ga 19,25). Không những thế, cùng với Chúa Thánh thần, Đức Maria luôn luôn hiện diện giữa dân [Chúa]. Mẹ cùng với các môn đệ cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần ngự đến (Cv 1,14) và nhờ đó diễn ra cuộc bùng phát truyền giáo vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Đức maria là Mẹ của Hội Thánh truyền giáo, và không có Mẹ, chúng ta không bao giờ có thể thực sự hiểu rõ tinh thần của cuộc tân phúc-âm-hoá. Như thế, trước sự hiện diện của Mẹ, một Hội Thánh trẻ trung được khai sinh, rồi các Tông đồ lên đường để sinh hạ một thế giới mới (x. Cv 2,4-11). Nói một cách lý tưởng, Đức Maria đã ở lại cầu nguyện với các phụ nữ trong nhà Tiệc Ly, qua đó cho thấy rằng trong Giáo hội, hoạt động không phải là tất cả, ngay cả hoạt động vì Nước Trời, hoạt động không thể thiếu những tâm hồn cầu nguyện trợ lực. Trong chiều hướng này, Đức Maria là nguyên mẫu của Giáo hội cầu nguyện.
Vì thế, chiêm ngắm Đức Maria – con người cầu nguyện, chúng ta, những người mang nơi mình sứ mạng rao giảng Tin Mừng cũng phải học nơi Mẹ mẫu gương cầu nguyện, qua việc chìm đắm đời mình trong tương quan với Chúa, luôn biết sống xin vâng và đào sâu cầu nguyện. Vì chỉ khi có đủ sức mạnh kín múc từ cầu nguyện, chúng ta mới đủ sức mạnh và dẫn thân chấp nhận mọi rủi ro và có thể can đảm lên đường loan Tin Mừng cứu độ cho con người trong thế giới hôm nay, nhất là trong một thế giới đầy biến động và hời hợt, một nhà truyền giáo không thể thành công, nếu không đào sâu cầu nguyện và sống mật thiết với Chúa, hay thậm chí muốn thao túng, ép Chúa thực hiện ý riêng của mình, để rồi, biến Chúa thành công cụ cho những kế hoạch riêng của mình…
- Tạm kết
Đức Maria ngời sáng ở trung tâm của Hội Thánh. Ngài là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Hội Thánh trẻ trung muốn quảng đại và ngoan hiền bước theo Đức Kitô.. Công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh có một phong cách “Maria”. Mỗi khi nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình thương và sự dịu dàng. Nơi Mẹ ta thấy rằng lòng khiêm nhường và dịu dàng không phải là nhân đức của kẻ những kẻ yếu đuối, nhưng của những người mạnh không cư xử tồi tệ với người khác để cảm thấy mình là quan trọng.
Chính vì thế, chiêm ngắm cuộc đời và học nơi Đức Maria trong tư cách một nhà truyền giáo mẫu mực, chúng ta ý thức sứ mạng cao cả của mình, để rồi khi có Chúa, nhất là qua đời sống cầu nguyện, với một mối tương quan thân tình với Chúa, chúng ta sẵn sàng thưa hai tiếng xin vâng và dấn thân lên đương theo gương Mẹ, hầu mang Chúa và Tin Mừng cứu độ đến cho mọi người mọi nơi mọi thời. Đức Maria là người Mẹ chăm sóc chúng ta, những người con của Mẹ; trên hành trình cuộc đời chúng ta thường gặp mệt mỏi và thiếu thốn, nhưng mong sao ánh sáng hy vọng không bị dập tắt. Đó là điều chúng ta mong ước: ánh sáng hy vọng sẽ không tàn lụi.
Cf. Công đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 66
Cf. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 829
Cf. Công đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 57 - 59
Cf. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Thiên Chúa và Trần thế, NXb Tôn Giáo, tr. 302
Cf. Raniero Cantalamessa, Đức Maria, Tấm gương của Giáo Hội, Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, Nxb. Tôn Giáo, tr. 25
Cf. Công đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 53
Cf. Raniero Cantalamessa, Đức Maria, Tấm gương của Giáo Hội, Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, Nxb. Tôn Giáo, tr. 76
Cf. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu ở Nazareth, trọn bộ, Nxb. Tôn Giáo, tr. 739
Cf. Đức Hồng Y Walter Kasper, Lòng Thương xót , cốt lõi của Tin Mừng, chìa khóa của đời sống Ki-tô hữu, Nxb. Tôn Giáo, tr. 421
Cf. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu ở Nazareth, trọn bộ, Nxb. Tôn Giáo, tr. 762
Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 45
Cf. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu ở Nazareth, trọn bộ, Nxb. Tôn Giáo, tr. 816
Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 46
C.f Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 2744
Cf. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu ở Nazareth, trọn bộ, Nxb. Tôn Giáo, tr. 739-740
Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 44
Cf. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu ở Nazareth, trọn bộ, Nxb. Tôn Giáo, tr. 815
Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 46
Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 284
Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 47
Cf. Raniero Cantalamessa, Đức Maria, Tấm gương của Giáo Hội, Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, Nxb. Tôn Giáo, tr. 265
Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 288
Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 48