I. Học khiêm nhường với Chúa Giêsu
Trong tất cả những lời giảng dạy của Chúa Giê-su duy chỉ có điều này Chúa mời gọi chúng ta hãy học với Người, đó là học “hiền lành và khiêm nhường”. Khiêm nhường để ta dễ đến với người khác và hiền lành để người khác dễ đến với ta. Có thể nói đó là Châm ngôn sống của Chúa Giê-su, điều mà Chúa mời gọi ta hãy bắt chước Người.
Cuộc đời Chúa Giê-su là một bài học dạy khiêm nhường. Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, đã viết:
“ Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
Mặc lấy thân nô lệ. Trở nên giống phàm nhân
Sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình
Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
Chết trên cây thập tự”(Pl 2,6-8).
1. Trong biến cố Giáng Sinh
Nơi hang đá Be-lem, chúng ta thấy Chúa Giê-su, một Thiên Chúa vĩ đại vượt trên không gian thời gian, khiêm hạ nơi một đứa trẻ.
Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào thứ Tư, ngày 30/12/2015 tại quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Hài Nhi Giê-su quả là một Mầu nhiệm cao vời! Thiên Chúa là Đấng khiêm hạ, còn chúng ta luôn kiêu ngạo nghĩ mình vĩ đại trong khi chúng ta chỉ là hư vô trước mặt Ngài. Thiên Chúa là Đấng vĩ đại, nhưng Ngài đã khiêm hạ trong thân phận một trẻ thơ”.
Giống như mọi trẻ thơ, trẻ Giê-su cũng kêu khóc cần đến sự chăm sóc của chúng ta; Ngài chờ đợi chúng ta quan tâm và bảo vệ Ngài. Cũng giống như mọi trẻ thơ, Ngài muốn chúng ta mỉm cười với Ngài, như một dấu chỉ niềm vui sướng của chúng ta trong Ngài và sự sẻ chia của mình trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Sau cùng, Ngài muốn chúng ta chơi cùng Ngài, để đi vào trong thế giới của Ngài và để chính chúng ta trở nên như một trẻ thơ, hầu làm thỏa lòng Ngài”. Chúa hạ mình để cần tới sự giúp đỡ của con người - Người dạy ta bài học biết cần tới người khác.
2. Nơi gia đình Nazareth
Chúng ta chiêm ngắm người con Giê-su khiêm nhường vâng phục cha mẹ. Người là Chúa mà Người vâng phục cả cha mẹ trần gian. Người cũng vất vả làm việc như những người khác cho dù Người chẳng thiếu gì. Người cũng tham dự các nghi lễ phụng tự tại Đền thờ như bao người Do-thái khác, mặc dù Người là Đấng mà dân chúng phải tôn thờ - Chúa Giê-su đã dạy ta khiêm nhường để vâng phục.
3. Nơi dòng sông Gio-đan
Chúa Giê-su hạ mình thẳm sâu để Gio-an làm phép Rửa cho. Người là Đấng vô tội Đấng Rửa sạch tội trần gian nhưng lại chịu phép Rửa bởi tay người phàm. Chúa dạy chúng ta bài học từ bỏ mình để đón nhận tha nhân cho dù họ có thua kém mình - Chúa đã dạy ta khiêm nhường để từ bỏ cái tôi của mình. 4. Trong công cuộc rao giảng Tin Mừng
Chúa Giê-su từng dạy về sự khiêm nhường: “Ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Mt 14,11); "Ai tiếp đón một em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy. Thật vậy ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất." (Lc 9,48); “Nếu không nên giống trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”(x.Mt 18,3 ); “Hãy ngồi chỗ rốt hết trong đám tiệc”...
Chúa Giê-su từng bị những người không cùng quan điểm chống đối. Tuy vậy, Người vẫn yêu thương bất chấp họ cư xử với mình thế nào. Chúa hạ mình để đến với những người tội lỗi để thông cảm và cứu chữa họ. Chúa hạ mình để đón nhận và thông cảm với sự yếu kém hèn tin của các tông đồ và kiên trì chờ đợi họ thay đổi - Chúa đã dạy ta khiêm nhường để kiên trì chịu đựng những bất toàn của người khác.
5. Trong cuộc khổ nạn
Chúa Giê-su hoàn toàn từ bỏ mình vâng phục thánh ý Chúa Cha, đón nhận sự phản bội của con người. Nơi thập giá, Chúa hoàn toàn trút bỏ mọi vinh quang để trọn vẹn tín thác nơi Chúa Cha. Cuối cùng thân xác Người được mai táng trong ngôi mộ của người khác - Chúa đã dạy ta khiêm nhường để cậy trông tín thác.
Như vậy cả cuộc đời Chúa Giê-su là bài học dạy chúng ta sự khiêm nhường mà Người mời gọi chúng ta hãy học với Người.
II. Học khiêm nhường với Mẹ Maria
Giáo lý của Hội Thánh khi nói về việc tôn kính Đức trinh nữ Maria có lưu tâm chúng ta bắt chước các nhân đức của Mẹ. Một trong những nhân đức nổi bật nơi Đức Mẹ là đức khiêm nhường. Mẹ khiêm nhường để hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời mình. Mầu Nhiệm Mân côi thứ nhất Mùa Vui: Khi chiêm ngắm biến cố Truyền Tin, chúng ta xin cho được ở khiêm nhường, tức là học với Đức Mẹ và Chúa Giê-su sự khiêm nhường. 1. Đức Mẹ khiêm nhường trong đời sống bình dị
Mẹ không tiểu thư đài các, nhưng sống trong một gia đình rất bình thường. Với lòng đơn sơ tín thác, Mẹ đã tự nguyện dâng mình cho Chúa khi còn ấu thơ. Điều này được phụng vụ Hội Thánh kính nhớ trong Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào đền thờ.
2. Đức Mẹ khiêm nhường trong cách ứng xử
Trước thiên sứ Gabriel, Đức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Sau đó, Đức Mẹ đến thăm bà chị họ Elisabét. Vừa nghe Đức Mẹ chào, bà Elisabét đã ngợi khen Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đáp lại, Đức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì là do Thiên Chúa thương ban.
3. Đức Mẹ khiêm nhường trong sự vâng phục thánh Ý Chúa
Mẹ khiêm nhường để đón nhận thánh ý Chúa trong sự tín thác, bỏ ra ngoài chương trình riêng của mình. Trước biến cố truyền tin, Mẹ khiêm cung cúi đầu đón nhận lời truyền tin của sứ thần Gabriel mà không biết sự việc sẽ xảy ra thế nào: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời ngài truyền”(x.Lc1,38).
Mẹ vâng phục để gắn kết đời mình với Đấng Cứu Thế, nhất là đón nhận cái chết tất tưởi của Người Con Yêu Dấu.
4. Đức Mẹ khiêm nhường trong việc phụng sự Thiên Chúa
Mẹ Maria biết nguồn gốc của sự cao trọng của Mẹ ở nơi Thiên Chúa, Mẹ chỉ là nữ tỳ hèn hạ của Ngài. Vì thế, Mẹ Maria đáp lại lời khen ngợi của chị họ Elisabét bằng lời ngợi khen cảm tạ: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn". (Lc 1,46-49). Bài kinh Magnificat là một bản trường ca về đức khiêm nhường của Mẹ Maria.
Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công đồng Vatian II, số 61 có viết: “Đức Maria là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm tốn của Chúa, đã cưu mang sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Ki-tô, đã dâng Chúa Ki-tô lên Chúa Cha trong Đền Thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá. Đức Maria đã cộng tác đặc biêt vào công trình của Đấng cứu thế nờ lòng vâng phục, nhờ đức tin đức cậy và đức mến nồng nhiệt”.
5. Mẹ khiêm nhường phục vụ tha nhân
Khi biết bà Elisabet đang mang thai trong lúc tuổi già, Mẹ đã vội vã đi thăm viếng và ở lại phục vụ người chị họ ba tháng. Mẹ đã cảm thông với đôi tân hôn trong ngày cưới tại Cana, khi tiệc cưới hết rượu. Mẹ yêu thương đón nhận Tông đồ Gioan về nhà mình để chăm sóc, nâng đỡ, như chính con của mình...
Như vậy, chúng ta có thể học với Đức Maria về sự khiêm nhường trong đời sống đơn sơ tín thác vâng phục thánh ý và phụng sự Chúa; yêu mến, cảm thông và phục vụ tha nhân. Một trong những bí quyêt sống của mẹ Têrêsa Calcutta là sống như khiêm nhường như Mẹ Maria, ngài nói:
“Mẹ Maria có thể dạy chúng ta sống thinh lặng: Mẹ dạy chúng ta biết làm sao để ghi giữ tất cả mọi sự trong tâm hồn, như Mẹ đã làm ngày xưa, và xin Mẹ dạy chúng ta biết cầu nguyện trong thinh lặng của con tim".
Mẹ Maria có thể dạy chúng ta sống tế nhị: Mẹ đã vội vàng ra đi để phụ giúp cho Bà Elisabeth. Tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã nói cho Chúa Giêsu biết là họ đã hết rượu rồi. Như Mẹ Maria, chúng ta hãy ý thức về những nhu cầu của nguời nghèo, nghèo thiêng liêng hay nghèo vật chất, và chúng ta hãy quảng đại trao ban, như Mẹ đã làm gương, trao ban tình thương và ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trước.
Mẹ Maria dạy chúng ta sống khiêm tốn: đầy ơn phước, nhưng như là người tôi tớ của Thiên Chúa, Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá Chúa, như một người trong chúng ta, một kẻ tội lỗi cần đến ơn cứu chuộc. Như Mẹ Maria, chúng ta chạm đến người sắp chết, người nghèo, người bị bỏ rôi, người bị chối từ, tùy theo ân sũng mà chúng ta đã lãnh nhận, và chúng ta đừng xấu hổ và cũng đừng do dự làm những công việc khiêm tốn thấp hèn”.
Vì sự kiêu ngạo mà tổ tông loài người đã sa ngã trước cám dỗ của ma quỷ. Hậu quả là sự kiêu ngạo thống trị lòng người. Kiêu ngạo sinh ra đủ thứ tội lỗi gây xáo trộn cho cuộc sống con người. Chúa Giê-su đã chiến thắng ma quỷ nhờ sống khiêm nhường vâng phục. Lập lại trật cho cuộc sống con người chúng ta. Người mời gọi chúng ta hãy học với Người sự khiêm nhường.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho các mục tử của Chúa được nên giống Chúa và Mẹ Maria trong sự khiêm nhường và hiền lành. Xin Đức Mẹ chuyển cầu và che chở các mục tử của Chúa Giê-su con Mẹ.Amen.