Tiếng nói cuối cùng
Thứ tư - 01/04/2020 09:08
1716
Gần đây ngay cạnh nhà tôi có một xưởng gỗ bị cháy, trong khi bất lực nhìn ngọn lửa cháy bùng có rất nhiều ý kiến bình luận khác nhau: “ Sao ông chủ tiệm gỗ lại bất cẩn thế? Sao xe cứu hỏa mãi không tới? Tại sao không dập ngọn lửa hướng này mà lại dập ở hướng kia?...” Và còn rất nhiều những lời bình luận khác nữa.
Bạn thân mến! Khi xảy ra một chuyện gì, chúng ta cũng thường mắc phải tật rất xấu đó là “Xét đoán”. Chúa đã nói: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Mt 7,1). Xét đoán ở đây có nghĩa là đánh giá một cách đầy ác ý, bới lông tìm vết. Xét đoán thường có 2 loại: Xét đoán tốt và xét đoán xấu. Xét đoán tốt: Dùng những gì nhìn thấy, hoặc dựa trên kinh nghiệm của mình để rồi đưa ra một kết luận.
Xét đoán xấu: Dùng những gì mình biết, mình nhìn thấy nhưng đưa ra một lời kết án và lời kết án được đưa ra như là một quan tòa. Thử xét lại xem khi gặp một vấn đề nào đó, chúng ta thường xét đoán theo chiều nào?
Tôi thường đặt câu hỏi khi xem các bộ phim của nước Anh, vì sao các Thẩm Phán lại đội tóc giả khi ngồi tòa? Câu trả lời đó là: Họ mang tóc giả để cho thấy họ không dùng ý riêng của mình để phán xử. Điều này nói lên sự thật là con người ai cũng nghi ngờ hết. Họ cho rằng ngay cả các vị thông thái khôn ngoan nhất cũng không đáng được tin tưởng để phán định ai vô tội, ai có tội. Chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ tâm hồn con người, còn người đời chỉ thấy những hành vi bên ngoài.
Thật vậy, con người thường dễ bị nghiêng chiều về những xét đoán xấu, chúng ta không tiếc lời khi xét đoán một ai đó chúng ta không ưa, chúng ta sẵn sàng đưa ra thật nhiều ví dụ để chứng minh lập trường của mình đúng, và chúng ta sẽ dùng nhiều cách để biện minh như: “Tôi không có ý phê bình ai cả, nhưng…” hay “Dĩ nhiên tôi không có ý phê phán, nhưng…”
Các cộng đoàn tu trì đôi khi cũng thế. Những người không hợp nhau thường để ý tới tất cả các hành động của nhau. Đôi khi người này người kia ganh tị chỉ vì mình không bằng chị em nên tìm cách kéo người ấy xuống ngang hàng với mình. Làm như thế là chúng ta đang xét đoán chính bản thân và kết án lỗi lầm của chính mình. Chúa Giêsu nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt mình lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”,trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”(Mt 7,3-5).
Như vậy, khi lên án người khác là chúng ta chứng tỏ chúng ta đã kiêu ngạo. Chúng ta thường không bằng lòng về những gì người khác làm, thường chê bai, tỏ ra khó chịu khi họ làm việc gì đó. Chúng ta cũng thường có thành kiến và nghĩ rằng họ không thể làm được việc gì, chúng ta không yên tâm giao trách nhiệm cho họ… Nghĩ như thế có phải chúng ta đang bị cái xà che mắt? Ai yêu mến anh em mình thì người ấy ở trong ánh sáng, còn ai ghét anh em mình thì người ấy ở trong bóng tối. Chúng ta muốn ở trong ánh sáng hay trong bóng tối? Điều đó còn tùy thuộc vào chính chúng ta.
Bạn ạ! Chúng ta cố gắng không lên án người khác vì nếu chúng ta xét đoán người khác thì chính chúng ta cũng bị Thiên Chúa xét đoán. Vậy nên bạn cùng tôi hãy noi gương Đức Giêsu lên án người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Ngài cúi xuống viết gì trên đất, và vì người ta hỏi Người nên Người trả lời: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy ném đá người này trước đi”(Ga 8,7). Thiên Chúa là thẩm phán nhưng Người lại không lên án tội nhân trong khi chúng ta là tội nhân lại hay lên án anh chị em của mình. Chỉ có một Đấng ra lề luật và xét xử, còn bạn là ai mà dám xét đoán tha nhân? Vậy nên khi đứng trước một chuyện, chúng ta nên nhìn nhận, cảm thông và đọc ra thông điệp Chúa muốn gửi đến, còn việc xét xử thì ta hãy “để Thiên Chúa phán xét”.