Nguyên nhân của sự giảm sút ơn gọi
Thứ năm - 23/04/2020 04:37
5417
Ơn gọi linh mục, tu sĩ là một hồng ân, một quà tặng Thiên Chúa ban cho Giáo Hội. Với sự tác động của Chúa Thánh Thần, rất nhiều người nam và nữ đã quảng đại dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trong ơn gọi thánh hiến. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, con số những người gia nhập chủng viện, dòng tu giảm đáng kể, trong khi số người xuất tu lại gia tăng. Theo số liệu thống kê của Giáo Hội Công giáo năm 2019, tính đến ngày 31/12/2017, số linh mục hoàn cầu bao gồm linh mục triều và linh mục dòng là 414.582, giảm 387 so với năm 2016; số nam tu sĩ là 51.535 giảm 1.090; nữ tu sĩ 648.910 giảm 10.535, nam tu sĩ tu hội đời 585 giảm 33, nữ tu sĩ tu hội đời 22.057 giảm 343. Đây là những con số cần được quan tâm bởi nó cho thấy tình hình giảm sút nghiêm trọng về số lượng trong ơn gọi linh mục, tu sĩ của Giáo hội. Trong cuộc gặp gỡ với Bộ Tu Sĩ tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã đưa ra ba lý do để giải thích cho tình trạng này.
Thứ nhất, bối cảnh xã hội văn hóa hiện nay đề cao nền văn hóa từng mảnh, văn hóa tạm thời văn hóa tiêu thụ và chủ nghĩa tương đối đã khiến cho nhiều người không còn nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống giản dị và khổ hạnh. Đồng thời, những văn hóa này đã xóa bỏ hoặc coi thường các giá trị Tin mừng, đời sống luân lý, thay vào đó là chủ nghĩa thế tục, sức mạnh đồng tiền và cuộc sống hưởng thụ.
Thứ hai, bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay tác động đến thế người trẻ. Người trẻ đang sống trong thế giới có nhiều cơ hội và thách thức. Có những người trẻ rất quảng đại, hiệp nhất, tận tâm phục vụ trong cộng đoàn tu trì và ngoài xã hội. Họ đói khát những gì khác biệt với những điều thế giới trao cho họ. Họ ước ao một đời sống thiêng liêng và dâng hiến đời mình trong ơn gọi thánh hiến. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người trẻ là nạn nhân của chủ nghĩa thế tục và vật chất, họ tìm kiếm thành công bằng bất cứ cách nào, thích cách sống dễ kiếm tiền và dễ hưởng thụ. Tính cách hợp lý của trào lưu xã hội là những cám dỗ tinh vi đối với họ.
Thứ ba, những vấn đề đến từ chính cộng đoàn thánh hiến. Bên cạnh vẻ đẹp của sự thánh thiện của đời sống thánh hiến, những hoàn cảnh tiêu cực làm cho người thánh hiến cảm thấy khó khăn trong việc trung thành với ơn gọi của mình. Những hoàn cảnh này bao gồm sự nhàm chán của việc lặp đi lặp lại các công việc thường ngày, gánh nặng của cơ chế quản lý, sự chia rẽ nội bộ, tìm kiếm quyền bính. Những yếu đuối này của đời sống thánh hiến là những cản trở cho những người mới vào và những người muốn gia nhập. Họ không còn nhìn thấy sự hấp dẫn của ơn gọi khi phải chứng kiến những cảnh tượng trên.
Đứng trước những khó khăn và thử thách của đời sống trong bối cảnh hiện nay, Đức Thánh Cha mời gọi canh tân đời sống tu trì qua việc nuôi dưỡng đời sống huynh đệ trong cộng đoàn bằng cầu nguyện trong cộng đoàn, đọc, suy niệm lời Chúa và tham dự cách tích cực các Bí tích Thánh Thể và Hòa Giải, đối thoại huynh đệ, chân thành gặp gỡ, sửa bảo huynh đệ, có lòng thương xót với những anh chị em yếu đuối, và chia sẻ trách nhiệm. Việc canh tân đời sống huynh đệ là yếu tố căn bản cho kết quả của việc chăm sóc mục vụ ơn gọi, nơi mà ta có thể nói, “Hãy đến và xem” (cf. Jn 1:39), và giúp cho việc trung thành trong ơn gọi của các nam nữ tu sĩ. Bởi vì một nam tu, hay nữ tu không tìm thấy sự nuôi dưỡng ơn gọi của mình trong cộng đoàn, họ sẽ đi tìm điều đó ở một chỗ khác để lấp đầy khoảng trống.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng ơn gọi cũng như đức tin là một kho báu đựng trong bình sành dễ vỡ (cf. Cor.4:7) cần được bảo vệ và chăm sóc. Việc chăm sóc ơn gọi là bổn phận của những người đã tình nguyện bước theo sát Chúa Giêsu trong ơn gọi thánh hiến. Họ cần bồi dưỡng ơn gọi qua việc cầu nguyện hằng ngày, trau dồi kiến thức thần học, tâm linh để chống lại những kiểu cách và văn hóa thế tục đang cản trở con đường trung thành với đức tin và ơn gọi của mình. Bên cạnh đó việc đồng hành trong ơn gọi cũng là điều cần thiết liên quan đến vấn đề trung thành hay từ bỏ ơn gọi của người tu sĩ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng thật khó để người tu sĩ trung thành với ơn gọi nếu họ bước đi một mình hoặc bước đi với sự chỉ dẫn của những người không có khả năng lắng nghe cách cẩn trọng và kiên trì, hoặc những người không có đủ kinh nghiệm về đời sống thánh hiến. Vì thế, trong hội dòng cần có những người có khả năng làm công việc mà Chúa Giêsu đã làm là đồng hành với hai môn đệ trên đường Emaus: đồng hành với họ trong hành trình của cuộc sống, trong những giây phút vô định, mất phương hướng, khêu lên đức tin và niềm hy vọng trong họ nhờ Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể (cf. Lk 24:13-35). Có rất nhiều ơn gọi đã bị mất bởi vì thiếu sự hướng dẫn đúng đắn.
Mặc dù có những khó khăn và thách đố của đời sống thánh hiến, Giáo Hội vẫn luôn có cái nhìn tích cực cũng như tìm ra những phương thế tốt nhất để nuôi dưỡng và cỗ võ ơn gọi thánh hiến nhằm thích nghi với những hoàn cảnh hiện nay. Việc chăm sóc mục vụ ơn gọi, hay cổ võ ơn gọi không phải bằng những biển quảng cáo, hay những chương trình hấp dẫn, mà bằng “sức thu hút” của những chứng nhân niềm vui và hy vọng của những người sống đời thánh hiến: “Đời sống Thánh hiến không lớn lên nếu chúng ta tổ chức những chiến dịch chiêu mộ ơn gọi thật đẹp, nhưng nếu các người trẻ nữ và các bạn nam gặp chúng ta, họ cảm thấy bị lôi cuốn bởi chúng ta, nếu họ nhìn nơi chúng ta là những người nam và người nữ thật hạnh phúc!” Đức Giáo Hoàng Phanxico quả quyết, ơn gọi không phải là chiêu dụ mà chính sự lớn lên của Giáo Hội sẽ thu hút người trẻ, đồng thời giúp họ đối thoại với Chúa, và đồng hành với họ. Mục vụ của “sự lây lan”, của “hãy đến và xem” thực sự là cách tốt nhất cho sứ vụ ơn gọi Phúc âm hóa. Vì thế mỗi người nam nữ tu sĩ được mời gọi trở nên chứng nhân của niềm vui ơn gọi Thánh Hiến để “thu hút” người trẻ quảng đại đáp lại lời gọi của Chúa trong ơn gọi tu trì.
Tác giả: Sr. Mary Bernadette