Có một tình yêu mang tên là xa cách

Thứ sáu - 24/05/2019 08:43  2694

DÁHẳn người ta sẽ coi nhẹ chuyện tiền nong khi không phải lo lắng miếng ăn từng bữa, khi không phải buồn phiền đến mất ngủ vì chuyện cưới hỏi, ma chay, khi không phải chạy đôn chạy đáo để vay tiền thuốc men chữa bệnh, khi không phải gạt đi những niềm vui nho nhỏ của con cái… muôn vàn phiền toái mà lý do chỉ có một… thiếu tiền. Với một người vợ phải dằn lòng để chồng đi lao động nước ngoài, em thấu hiểu hơn ai hết rằng tiền không tầm thường như nhiều người vẫn chủ trương. Nó đâu phải là tờ giấy câm lặng không mang nổi một thông điệp nhỏ. Ai dám bảo trong đó không phảng phất mùi vị đắng cay của những giọt mồ hôi nước mắt, của những ngày tháng ngậm ngùi tha hương, của trái tim đang khao khát lửa yêu đương mà phải chia ly, xa cách! Điều làm cho tiền trở nên đáng quý không hẳn là bởi nó có thể mua được rất nhiều thứ, mà vì nó có thể trở thành con thuyền chuyên chở những quan tâm, yêu thương, mong muốn những người mình yêu hạnh phúc.

Tình yêu trong giai đoạn “chinh phục” được chắp cánh bởi những lời hứa hẹn mộng mơ, nhưng khi đã về chung sống dưới cùng một mái nhà, người ta đâu thể cứ thế đưa nhau lửng lơ, bay bổng mãi trong cõi mơ “cưỡi mây đạp gió”? Cuộc sống thực tế nhiều lúc chân thực đến mức phũ phàng, khiến cho bất cứ mộng ảo hão huyền nào cũng không tránh khỏi sự trả giá, ít là cảm giác vỡ mộng, hụt hẫng khi sự thật được phơi bày. Một thế giới khác xa với những gì được vẽ ra trong tưởng tượng, nghịch lý thay, mới chính là cuộc đời thực mà trong đó người ta phải sống, phải đương đầu. “Một túp lều tranh, hai trái tim vàng” hẳn cũng chỉ là cơn cao hứng nhất thời của đôi tâm hồn đang say đắm yêu đương nên lãng quên thực tại. Con người đâu chỉ có mỗi tinh thần, đâu chỉ cần yêu, chỉ cần nhìn nhau mà sống như mấy anh thi sĩ lãng tử vẫn nghêu ngao? Còn biết bao nhu cầu vật chất như chuyện cơm áo, đình đám, thuốc men, sắm sửa, học phí cho con, rồi thì những hóa đơn thanh toán dồn về hàng tháng… toàn những thứ cần đến tiền lên tiếng nếu không muốn cuộc sống rối tung. Tình yêu phải lãng mạn, điều này chẳng ai phủ nhận, nhưng như thế không có nghĩa là đóng sập cánh cửa cấm thực tế chen vào! Có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống thực tuy sẽ bớt thi vị hơn thật, nhưng thà kém vui một chút mà có thể cùng nhau đi trọn cuộc đời, chẳng phải vẫn hơn là ru ngủ nhau trong mộng tưởng, để rồi nhanh chóng thất vọng, giữa đường đứt gánh sao? Những chuyện tiền nong xét ra thì cũng tỏn mỏn, vụn vặt thật đấy, nhưng đâu thiếu những trường hợp khi không thể giải quyết vấn đề này cho ổn thỏa, để chúng tích tụ theo năm tháng, rồi đến một lúc nào đó, chúng thừa sức làm rạn nứt, thậm chí làm sụp đổ cả những mối tình mà người ta ngỡ như không gì có thể làm cho nó lung lay.

Yêu nhau đâu phải chỉ là rót vào tai nhau những lời mật ngọt, cùng nhau nếm trải cảnh hạnh phúc chốn bồng lai? Chẳng phải yêu cũng còn là đón nhận cuộc đời và số phận của nhau như cuộc đời và số phận của chính mình, kề vai sát cánh chia sẻ cả những nặng gánh cuộc đời, cùng nhau khóc cười đi trọn kiếp nhân sinh đó sao? Cuộc sống mỗi người không ít thì nhiều cũng đều có những mối sầu riêng tư, đều phải gồng gánh những trách nhiệm nặng nề, ai cũng phải cố để giữ cho mình thăng bằng giữa biển đời chòng chành nghiêng ngả. Tình yêu chắc chắn sẽ chẳng toàn năng đến mức có thể làm những điều trái ý đó biến mất, nhưng nó thừa sức tạo cho ai sở hữu nó một tâm thế nhẹ nhàng, bình thản, đủ động lực cần thiết để băng mình qua sóng gió gian nan.

Em đủ thực tế để không buồn phiền, thất vọng khi tình yêu chúng ta phải đương đầu với chuyện mưu sinh cơm áo gạo tiền. Cuộc sống gia đình mình, tuy có thiếu thốn nhiều mặt, nhưng thật sự, em chưa từng có ý định khuyên anh đi làm việc nơi xa. Em vẫn cho rằng chỉ cần vợ chồng mình bên nhau, cùng cố gắng, qua cơn bĩ cực ắt sẽ đến ngày thái lai, cuộc đời đâu thể gập ghềnh mãi. Nhưng là người trụ cột, gánh trên vai trách nhiệm gia đình, hình như từ lâu anh đã ấp ủ một dự tính lớn lao hơn: anh muốn một cuộc sống tốt hơn những gì hiện tại. Ánh mắt anh nhìn em khi nói anh sẽ đi lao động nước ngoài, có lẽ mãi về sau em vẫn sẽ không thể nào quên được. Trong đó phảng phất nỗi băn khoăn, lo lắng về một cuộc sống hoàn toàn xa lạ nơi đất khách quê người, đượm buồn khi nghĩ đến những đêm ngày mòn mỏi trong nỗi nhớ vợ thương con; nhưng trên hết, em đọc thấy cả một bầu trời hy vọng: sự hy sinh vất vả của anh chắc rồi sẽ mở ra cho mẹ con em một tương lai sung túc, đủ đầy. Anh bịn rịn với gia đình thế nào, mẹ con em cũng muốn níu chân anh ở nhà như vậy. Nhưng em hiểu anh quá rõ để ngăn những lời “bàn lùi” khỏi bật ra thành tiếng. Giả như em có giữ được anh bên mình, thì với hoàn cảnh kinh tế hiện tại của gia đình, anh cũng khó có thể thấy cuộc sống gia đình nhẹ nhàng, vui vẻ. Nhiều khi thấy anh lén trút những tiếng thở dài, em biết anh vẫn luôn canh cánh trong lòng mặc cảm có lỗi, rằng anh chưa làm tròn vai trò người cột trụ cột trong gia đình khi chưa thể lo cho mẹ con em một cuộc sống khấm khá như anh vẫn hằng mong. Càng hiểu anh, em càng thương và trân trọng những tình cảm, ưu tư sâu đậm của anh với gia đình. Nỗi lòng riêng, em chôn giấu thật kỹ trong lòng, để anh yên tâm đến một nơi xa làm việc.

Mỗi lần gọi về anh hay đùa: ở nước ngoài, tiền họ nhiều chẳng khác lá trên cây, công việc ở đó vừa nhàn nhã mà lương cao khỏi nói. Anh còn bảo nước họ hoa lệ, chắc chắn sẽ làm một người chỉ quanh quẩn trong làng như em phải choáng ngợp đến bần thần. Nhưng hoa lệ anh nói phải chăng là hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo đúng không anh? Chẳng phải càng những nơi lung linh, lấp lánh, người ta càng dễ nhận ra những góc khuất u tối của những con người cố gống mình để chạy theo, cố để không trở thành kẻ lạc lõng, nhưng vẫn bị bỏ tít lại phía sau đó sao? Em cũng đâu còn là cô bé ngây thơ, ngơ ngác trước cuộc đời phức tạp. Càng lớn người ta càng phải hiểu chuyện đời anh nhỉ! Em đủ va vấp để hiểu thói thường rằng miếng bánh ngon trước nhất phải dành cho con cái trong nhà, dễ gì họ có lòng tốt dâng đến miệng người dưng. Nước họ cũng đâu thiếu người không thể tìm được cho mình một công việc, nên việc làm dành cho những lao động nước ngoài hẳn chẳng dễ dàng như anh vẫn nói với em. Nghe anh say sưa kể về cuộc sống tốt đẹp nơi xa, nhưng nhìn vào đôi mắt trũng sâu vì mệt mỏi, em biết anh chỉ nói thế cốt để em yên tâm, khỏi lo lắng cho anh. Nói chuyện với anh, em cố mãi cũng chỉ nặn ra được một nụ cười gượng gạo, em thương anh, sợ kìm lòng không đặng, để nước mắt trào ra, lo cho em, anh lại thêm một nặng gánh trong lòng.

Mỗi lần anh gửi tiền về, hàng xóm cứ xuýt xoa vợ chồng mình số sướng. Nhưng họ đâu thấy những nỗi nhọc nhằn anh phải chịu nơi xa. Nghĩ đến cảnh anh nhai vội vã, trệu trạo suất cơm hộp cho xong bữa để kịp ca làm; cảnh anh liều mình với những hiểm nguy công việc mà bỏ bê cả việc nghỉ ngơi; cảnh sau một ngày làm việc mệt nhọc, anh trở về với căn phòng trọ chật chội, thiếu thốn tiện nghi, để chập chờn với những giấc ngủ trong khi lòng vẫn khắc khoải hướng về quê nhà với vợ với con; những đồng tiền trong tay em trở nên nặng trĩu. Chẳng phải vì thích hưởng thụ giàu sang mà em nâng niu, trân trọng chúng, nhưng bởi đó là biết bao công sức nặng nhọc của anh, thành quả sau bao nhiêu tháng ngày cơ cực, là niềm hy vọng chung của đôi ta về một tương lai mong con cái đủ đầy.

Ngồi bần thần nhớ anh, khi bên hàng xóm vọng lại giai điệu bài hát Đi thật xa để trở về nước mắt em lăn dài trên má:

Từng chặng đường dài mà ta qua 

Đều để lại kỉ niệm quý giá 

Để lại một điều rằng càng đi xa 

Ta càng thêm nhớ nhà... 

Đi thật xa để trở về 

Đi thật xa để trở về 

Có một nơi để trở về đi đi để trở về... 

Cuộc đời thật đẹp khi được đi muôn nơi xa xôi rộng lớn 

Nhưng ta vẫn có nơi để trở về sau mỗi chuyến đi 

Điều kì diệu là con người ta đi xa hơn để trưởng thành hơn 

Không quên mang theo bên cạnh hành trang nỗi nhớ gia đình.

Em sẽ mạnh mẽ và quán xuyến chuyện nhà thật tốt đợi anh về! Mẹ con em nhớ và thương anh!

Tác giả: Văn Hoạt, trích Ra Khơi số 20

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập244
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm222
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại916,272
  • Tổng lượt truy cập78,919,723
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây