Văn hoá gặp gỡ và đối thoại
Thứ hai - 10/05/2021 10:34
1995
MỘT THOÁNG SUY TƯ DƯỚI GÓC NHÌN TRUYỀN GIÁONếu hiểu cách đơn giản văn hóa như là nếp nghĩ và lối sống, thì văn hóa gặp gỡ và đối thoại chính là cung cách sống cởi mở và vị tha, bao dung và hiếu hòa. Đây là tư tưởng mà Đức Thánh Cha Phanxicô rất nhấn mạnh để thúc đẩy Giáo hội “đi ra” loan báo Tin Mừng:
“Môn đệ của Chúa Giêsu là người luôn cố gắng đi gặp gỡ tha nhân, trao tặng sự đón tiếp, đối thoại với bất kỳ ai, làm chứng về kinh nghiệm sống của mình được thay đổi nhờ gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng là lòng Thương Xót, vì một cuộc sống được biến đổi, chắc chắn sẽ lan tỏa sang người khác”.[1]
Ở đây, chúng ta chỉ suy nghĩ về văn hóa gặp gỡ và đối thoại dưới góc nhìn truyền giáo qua ba điểm: nhận thức tầm quan trọng, phát triển và vài gợi ý áp dụng trong truyền giáo.
1. Nhận thức tầm quan trọng
Gặp gỡ, đối thoại, vốn đã là một nẻo đường quan trọng của công cuộc truyền giáo, nay lại càng quan trọng hơn trước bối cảnh hiện tại. Con người ngày nay vô cảm đến tàn nhẫn, trói mình trong những tương quan ảo, rất cần đến các tương quan thật, tương quan sâu sắc, tương quan thấu hiểu của những cuộc gặp gỡ và đối thoại.
Sự kết nối qua phương tiện truyền thông hiện đại rõ ràng tạo ra một lối sống ảo với những tương quan hời hợt, thoáng qua và nhạt nhòa. Người ta có thể có hàng trăm, hàng ngàn người kết bạn (friends), hàng vạn người thích (like), hàng triệu người xem (view)… nhưng lại chẳng có ai là thân thiết bên cạnh để sẻ chia tình yêu, niềm vui, nỗi khổ bằng hành động cả!
Lối sống này có thể dẫn đến một kiểu loan báo Tin Mừng ảo của các “thừa sai bàn phím”, hài lòng với lượng “view” và “like” trên các bài viết hoặc bài nói trên mạng. Chúng ta không phủ nhận giá trị của truyền thông kỹ thuật số, nhưng cũng thật nguy hiểm nếu việc truyền giáo bị giản lược vào phương tiện kỹ thuật số. Điều này đã được Đức Thánh Cha lưu ý trong Sứ điệp của Ngày truyền thông thế giới lần thứ 53: “Chính Giáo hội là một mạng lưới được đan dệt bằng sự hiệp thông Thánh Thể, trong đó sự hiệp nhất không được đặt trên những nút ‘like’ (thích), nhưng trên sự thật, trên lời ‘Amen’, qua đó mỗi người đều bám víu vào Thân thể của Đức Kitô, và chào đón người khác”.
Truyền giáo không phải là tuyên truyền một ý thức hệ hay “chiêu dụ” người ta theo Đạo. Truyền giáo là truyền thông tình yêu và sức sống của Chúa, chính điều đó mới hấp dẫn họ theo Đạo. Điều này dĩ nhiên không thể thực hiện qua mạng được mà cần được thực hành trong cuộc sống qua những cuộc gặp gỡ và đối thoại.
2. Phát triển văn hóa gặp gỡ và đối thoại
Đối thoại là một thực tại quan trọng được Giáo hội khuyến khích cách đặc biệt, nhất là từ Công Đồng Vatican II. Đối thoại thường được hiểu theo ba cách:
- Truyền thông hỗ tương để dẫn đến một mục tiêu chung mà đỉnh cao là sự hiệp thông liên vị;
- Thái độ tôn trọng và tình bạn thấm nhập vào cung cách sống và hoạt động của nhà truyền giáo;
- Mối liên hệ tích cực và xây dựng giữa các cá nhân và cộng đồng tôn giáo để hiểu biết và phong phú lẫn nhau (x. DP 9).
Phương pháp đối thoại trong thần học và truyền giáo được khai triển rõ ràng với thông điệp Ecclesiam Suam[2] của Đức Phaolô VI, được phê chuẩn nơi Hiến chế Gaudium et Spes và Lumen Gentium, nhất là Tuyên ngôn Nostra Aetate. Điều đáng lưu ý là mục tiêu của đối thoại không chỉ dừng lại ở việc thiết lập mối tương quan tốt đẹp giữa con người với nhau mà là hướng tới mục tiêu cao cả: sự hiệp nhất nhân loại trong Chúa Kitô, bởi vì Giáo hội là “bí tích cứu độ phổ quát”[3].
Tuy vậy, “đối thoại” không phải là tất cả việc truyền giáo, nên không đồng hóa hay thay thế việc truyền giáo, mà chỉ là một phương pháp và phương tiện để thi hành hoặc hỗ trợ việc thi hành sứ mạng (x. RMi 30,55; DP 77-78). Văn kiện Đối thoại và Rao giảng[4]4 đã bàn sâu rộng hơn về chủ đề này khi chỉ dẫn hàng loạt các hình thức đối thoại: đối thoại đời sống, đối thoại hành động, trao đổi thần học, trao đổi kinh nghiệm tôn giáo, đối thoại văn hóa…[5]
Khi nhấn mạnh đến “văn hóa gặp gỡ và đối thoại”, Đức Thánh Cha chỉ muốn nhấn mạnh tới đường hướng mục vụ truyền giáo “đi ra”, tức là một cung cách cởi mở, thân thiện, niềm nở để sẻ chia niềm vui và vẻ đẹp Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người đang ở vùng “ngoại vi” mà chúng ta thường ít chạm tới. Như vậy, điều quan trọng ở đây là thay đổi não trạng “quy ngã” thành nếp nghĩ “hướng tha”, cung cách khép kín, trịch thượng, xa cách, thành lối sống cởi mở, thân thiện, hiếu khách…
3. “Văn hóa gặp gỡ đối thoại” trong truyền giáo
Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy nhiều khi những cách tiếp cận “bình dân” có khi lại rất hiệu quả trong việc loan báo Tin Mừng. Xét trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể thấy sự gần gũi của gặp gỡ và đối thoại thường mang lại hiệu quả rất đáng khích lệ trong việc loan báo Tin Mừng.
Trước hết là sự gặp gỡ và đối thoại trong Phụng vụ. Giờ cử hành Thánh lễ và các Bí tích trở thành giờ của gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau trong Chúa. Phụng vụ sinh động thể hiện qua sự đối thoại: lắng nghe và đáp lời, đón nhận và trao ban… Thực tế thường cho thấy, những Thánh lễ được cử hành sốt sắng, đúng giờ, phục vụ chu đáo, bầu khí thánh thiêng và thân thiện… thường thu hút đông người tham dự hơn.
Kế đến là sự gặp gỡ và đối thoại trong Rao giảng. Các bài giảng, các giờ giáo lý, các bài huấn từ, huấn đức… trở thành sự gặp gỡ và trao đổi giữa Lời Chúa và cuộc sống, giữa Đức Tin và văn hóa, giữa chân lý và đời thường… Trong thực tế, những bài giảng được chuẩn bị kỹ qua cầu nguyện, học hỏi và suy tư thì thường giúp người nghe đón nhận tốt hơn; các bài giáo lý được trình bày cách gần gũi và đối đáp thì hấp dấn hơn.
Sau cùng là sự gặp gỡ và đối thoại trong Bác ái và Truyền giáo. Sự gần gũi, sẻ chia, tiếp xúc, thăm viếng, hỏi han, lắng nghe… sẽ giúp Giáo hội gần gũi và thân thiện hơn với con người, xã hội và thế giới. Thực tế chứng minh rằng ở đâu càng đẩy mạnh bác ái và truyền giáo thì ở đó đời sống đạo càng sầm uất, sinh động và thăng tiến, vì người ta không chỉ nghe về Chúa mà còn được “xem” và “chạm” tới Ngài.
***
Như vậy, văn hóa gặp gỡ và đối thoại không là cái gì trừu tượng xa vời, nhưng là một cung cách sống gần gũi và thân thiện, cởi mở và đón tiếp, hiếu khách và quảng đại. Xét cho cùng, đó là nền văn hóa yêu thương sự sống hơn sự vật, trân quý con người hơn công việc… Đó là hoa trái của một tình yêu hành động, một tình yêu “đi ra” khỏi pháo đài cá nhân để sống cùng và sống với tha nhân. Đó phải chăng cũng là đường hướng mục vụ truyền giáo cho Giáo hội, một Giáo hội không ngừng “đi ra” khỏi mình, gặp gỡ và đối thoại với con người và thế giới, để mang Tin Mừng của Chúa đến tận chân trời góc bể xa xôi nhất? Đây lại là một thực tại liên quan đến rất nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống Giáo hội: kiến trúc nhà thờ, nhà xứ; cung cách chăm sóc mục vụ, điều hành giáo xứ; cách tiếp cận của các tín hữu với anh em ngoài Công giáo…
Các chữ viết tắt:
- DP= Dialogue and Proclamation, Văn kiện "Đối thoại và Rao giảng" của Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân Tộc (19/5/1991).
- RMi= Redemptoris Missio, Thông điệp "Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc" của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (07/12/1990).
[2] Ban hành ngày 06/8/1964. Sau nhập đề (số 1-18), văn kiện được chia thành ba chủ đề: Ý thức (La coscienza: số 19-42) – Canh tân (Il rinnovamento: số 43-59) – Đối thoại (Il dialogo: số 60-123) . [3] Sebastian K. (ed), Bước theo Đức Kitô trên đường sứ mệnh, Bản dịch của LM. D. Ngô Quang Tuyên, Tủ sách Ra Khơi, Bùi Chu, 2017, tr. 125-126. [4] Pontifical Council For Inter-Religious Dialogue, Dialogue and Proclamtion, 19/5/1991. [5] Sebastian K, Idem, tr. 127-128.
Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng