Mùa Chay: Mùa canh tân

Thứ bảy - 14/03/2020 04:01  1383
Mùa Chay: Mùa canh tân
 
“Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới
sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng...” (Ed 36,26)

Ngay từ ngày đầu Mùa Chay, chúng ta đã được nghe lời mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Đúng, mùa Chay là mùa sám hối canh tân: ăn năn đền tội, ăn chay hãm mình, ăn ngay ở lành, để canh tân đời sống qua việc làm mới lại mối tương quan với Chúa, với anh em và với chính mình.

Gia tăng cầu nguyện để làm mới mối tương quan với Chúa

Mùa Chay trước hết là mùa cầu nguyện. Cầu nguyện là đi vào cõi thinh lặng của sa mạc tâm hồn để chuyện trò thân mật với Chúa. Việc cầu nguyện như thế rất quan trọng vì giúp ta gắn bó với Chúa và sống đức tin cách sâu xa và triển nở.
Chúa Giêsu luôn có mối tương quan khắng khít với Cha: “Tôi và Cha tôi là một” (Ga 10,30), “Lương thực của Tôi là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Tôi” (Ga 4,34), “Cha ở trong Tôi và Tôi ở trong Cha” (Ga 10,38)… Mối tương quan ấy luôn tròn đầy là nhờ cầu nguyện. Ngài thường cầu nguyện vào sáng sớm, hoặc ban đêm, có khi thâu đêm, cao điểm là bốn mươi đêm ngày trong sa mạc. Đó là giờ Ngài lắng nghe, thấu hiểu và quy phục ý Cha. Đó là giờ để Ngài giãi bày, van nài và kín múc sức mạnh từ Cha. Đó là giờ Ngài để cho Thần Khí của Cha nhào nắn, truyền cảm hứng và năng lượng thiêng liêng.

Trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi gia tăng cầu nguyện. Hãy “vào phòng đóng kín và thưa chuyện với Cha là Đấng ngự nơi kín ẩn” (x. Mt 6,6), hãy để Thần Khí dẫn vào hoang địa để được nhào nắn, để lắng lòng nghe Chúa dạy bảo, sửa dạy và dẫn dắt. Ngoài việc tham dự các buổi tĩnh tâm cầu nguyện chung, sẽ rất hữu ích cho chúng ta khi dành thêm những khoảng lặng bên Chúa, đi vào căn phòng nội tâm, gặp gỡ Chúa trong thinh lặng. Chẳng hạn, chúng ta dành mỗi ngày năm mười phút viếng Thánh Thể, dành vài phút buổi tối hay sáng sớm nhâm nhi một vài câu Lời Chúa hoặc đơn giản là bàn hỏi hoặc thân thưa với Chúa về cuộc sống, ngồi lặng yên dưới ánh nhìn của Chúa… Những thực hành đơn sơ ấy giúp hâm nóng tình thân giữa chúng ta với Chúa, đón nhận ánh sáng và kín múc sức mạnh từ Ngài.

Gia tăng việc bác ái để làm mới tương quan với tha nhân

Mùa Chay cũng là mùa bác ái. Giảm bớt những chi tiêu không cần thiết để giúp đỡ người nghèo khó là một thực hành được nhấn mạnh trong Mùa Chay. Truyền thống quyên tiền bác ái vào thứ Sáu tuần thánh là để đóng góp vào công việc bác ái của Giáo hội. Càng thực thi bác ái, chúng ta càng bớt kiêu căng, ích kỉ và tham lam, để biết quan tâm, yêu thương và chia sẻ với người khác nhiều hơn.

Tuy nhiên, việc bác ái không chỉ dừng lại ở chia sẻ vật chất mà còn cả tinh thần nữa, cũng không chỉ chú trọng đến việc lớn lao mà còn cả nơi những cử chỉ nhỏ bé thường ngày. Kinh “Thương người có 14 mối” giúp chúng ta cụ thể hóa những hành động bác ái: lấy lời lành khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết, viếng kẻ liệt…

Dành ra ít phút để thăm hỏi, chia sẻ, quan tâm tới người khác; gần gũi giúp đỡ một ai đó đang cần một bàn tay; hoặc đơn giản chỉ là hiện diện trong một biến cố vui buồn cũng có thể là những cách để giúp chúng ta “xuất cung” để “xuất hành” đến với tha nhân. Sự thấu cảm và ấm áp luôn đến từ việc gặp gỡ những con người “bằng xương bằng thịt”. Phải chăng đây là lí do Đức Thánh Cha Phanxicô đang cỗ võ nền “văn hóa gặp gỡ” và lưu ý chúng ta đừng vì dịch Covid 19 mà quên chăm sóc người nghèo?

Gia tăng chay tịnh để làm mới mối tương quan với chính mình và vạn vật

Mùa chay cũng là mùa ăn chay hãm mình để thanh luyện tâm hồn. Các việc hi sinh hãm mình, khổ chế , tiết chế là để chúng ta làm chủ bản thân, sống tiết độ, giải thoát mình khỏi tính quy ngã, ích kỉ, để biết quy hướng về Chúa, quan tâm tới tha nhân và quý trọng vạn vật hơn. Sự khai thác và hưởng thụ vô độ của con người do lòng tham lam và ích kỉ đang huy hoại ngôi nhà chung của thế giới. Chay tịnh là một cách thức để giúp con người sống đúng phẩm giá và tư cách của mình, như là hình ảnh của Thiên Chúa và cộng tác viên của Ngài trong việc chăm sóc vũ trụ tạo thành.

Năm 2015, ĐTC Phanxicô đã ra thông điệp Laudato si'cảnh báo rằng chủ nghĩa tiêu thụ và việc phát triển vô trách nhiệm đang hủy hoại ngôi nhà chung. Ngài kêu gọi “toàn cầu hành động nhanh chóng và thống nhất” để chống suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trong chương VI, Ngài đã đưa ra “linh đạo môi sinh”, kêu gọi sự “hoán cải mang tính sinh thái” ở cấp độ cá nhân và tập thể, để sống như những “công dân sinh thái”. Đó là một linh đạo “đề nghị một cách hiểu khác về phẩm chất cuộc sống và động viên một cách sống mang tính ngôn sứ và chiêm niệm, có khả năng vui mừng cách sâu xa mà không bị đè nén bởi tiêu thụ” (số 222). Sự điều độ nếu được sống cách ý thức và tự do sẽ mang đến giải thoát (số 223), sự thăng bằng (số 224) và bình an nội tâm (số 225).

Như vậy, Mùa Chay là mùa sám hối canh tân, để chúng ta tổng duyệt lại các mối tương quan trong đời sống, ngõ hầu củng cố và canh tân các mối tương quan ấy, nhờ các thực hành quen thuộc của Mùa Đại Phúc. Xin Chúa ban cho chúng ta “một quả tim mới và một Thần Khí mới” để chúng ta được canh tân trong Mùa Chay thánh này.

 
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập246
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm190
  • Hôm nay14,393
  • Tháng hiện tại842,170
  • Tổng lượt truy cập69,902,044
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây