Đối thoại để xây dựng cộng đoàn

Thứ sáu - 18/06/2021 05:13  1559
untitled 5“Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi, không phải ai xa lạ mà là người đang sống quanh tôi, thế giới này không ai là một hòn đảo…”. Lời bài hát “Không ai là một hòn đảo” này cho ta thấy bản tính của con người. Quả thực, tự bản tính con người là một bản thể có tính xã hội, con người được Thiên Chúa tạo dựng để sống cộng đoàn, sống tương giao, và không ai có thể tự mình hoàn tất những mục đích của Thiên Chúa.

Số 25 Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes của Công đồng Vaticano II viết: “Con người cần đời sống xã hội, nhờ sự trao đổi với người khác, nhờ sự phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, phát triển mọi tài năng của mình; như vậy họ đáp ứng ơn gọi của mình”. Nhờ đời sống cộng đoàn, con người làm phong phú căn tính của mình. Vì thế, mỗi người phải tận tâm với các cộng đoàn mà mình là thành viên. Thánh Kinh viết: Chúng ta được đặt chung với nhau, liên kết với nhau, cùng nhau xây dựng, là thành phần của nhau, cùng đồng thừa kế, ăn khớp với nhau, hỗ trợ nhau và cùng được cất lên Trời với nhau (Cr 12,12; Ep 2,21.22; 3,6; 4,6; 4,16; Cl 2,19; 1 Tx 4,17 )[1].

Tuy nhiên, đời sống cộng đoàn đòi thành viên phải có sự cam kết. Chúng ta phải đối diện với những chọn lựa không dễ dàng chút nào như Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến: “Một số người muốn trốn tránh thực tế, tị nạn trong thế giới nhỏ bé của họ; những người khác phản ứng lại thực tế bàng bạo lực hết sức tàn phá. Nhưng ngoài thái độ thờ ơ ích kỷ và thái dộ phản ứng đầy bạo lực, luôn luôn còn một khả năng chọn lựa khác: đó là đối thoại” (số 199). Đối thoại là một chuyển động hai chiều qua lại, do đó sự hỗ tương là bản chất của đối thoại. Cho và nhận. Đối thoại bao hàm cả sự tiếp nhận lẫn thông giao tích cực[2].

Để có được sự đối thoại thực sự, giúp chúng ta hiểu những người khác, làm phong phú hóa mỗi người và xây dựng cộng đoàn, chúng ta cần lưu ý:

Trước tiên, chúng ta phải đối thoại trong sự lắng nghe. Lắng nghe là một trong những hành vi đầu tiên của đối thoại. Cần phải nhấn mạnh điều này vì càng ngày người ta càng khó lắng nghe người khác. Sẵn sàng lắng nghe bao hàm thái độ tôn trọng những gì người khác tin tưởng. Người thích nói mà không sẵn sàng lắng nghe thì có lẽ không phải là người có thể đối thoại. Không có lắng nghe thì không thể có đối thoại.

Tiếp đến, chúng ta phải đối thoại trong sự chân thành. Thánh Phaolô tông đề nghị các tín hữu phải sống theo sự thật và bác ái: “Chúng ta phải sống theo sự thật và trong tình bác ái” (Ep 4,40), bởi lẽ không thể có một cộng đoàn phát triển nếu ở đó không có sự chân thành. Trong cuộc sống, chúng ta biết những gì cần nói với một ai đó, nhưng những nỗi lo ngại lại ngăn cản chúng ta mở lời. Nhiều mối tương quan đang bị mất đi cũng vì những ái ngại này: không ai can đảm nói ra. Sách Châm Ngôn viết: “Ai trả lời thẳng thắn mới là người bạn thật” (Cn 24,26). Tuy nhiên, chân thành không phải là giấy phép để nói bất cứ điều gì, bất cứ nơi đâu hay khi nào bạn muốn, nhưng phải nói đúng lúc, đúng cách (Cn 8,6). Vì thế, để xây dựng cộng đoàn, mỗi người luôn cần có sự chân thành.

Hơn nữa, muốn xây dựng cộng đoàn, mỗi người được đòi hỏi đối thoại trong khiêm tốn. Cho mình là quan trọng, tự mãn, kiêu ngạo và cố chấp sẽ phá vỡ sự hiệp thông cộng đoàn. Kiêu ngạo dựng lên những bức tường ngăn cách, còn khiêm tốn sẽ kiến tạo những chiếc cầu giữa người với người. Thánh Phêrô nói: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau” (1 Pr 5,5).

Ngoài ra, xây dựng cộng đoàn cũng cần sự đối thoại trong tế nhị. Tế nhị là trân trọng những khác biệt, những cảm xúc của người khác và kiên nhẫn với những ai làm chúng ta bực mình. Thánh Phaolô viết: “Mỗi người chúng ta phải chiều theo sở thích của kẻ khác vì lợi ích của họ và để xây dựng” (Rm 15,2); “Đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người” (Tt 3,2)[3].

Sau cùng, xây dựng cộng đoàn đòi hỏi phải đối thoại trong sự tôn trọng nhau. Mỗi chúng ta đều là một nhân vị riêng biệt. Mặc dù giữa chúng ta đều được Thiên Chúa tạo dựng, nhưng mỗi người đều mang những tính cách, tâm tư, kinh nghiệm khác nhau. Chúng ta cần học hỏi lẫn nhau không có nghĩa là chúng ta bắt người khác phải sống theo theo lối sống của ta, nghĩ theo suy nghĩ của ta và ngược lại. Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Đối thoại xã hội chân thực đòi hỏi khả năng tôn trọng quan điểm của người khác, chấp nhận rằng quan điểm ấy có thể bao gồm những xác tín và những quan tâm chính đáng” (số 203).

Như vậy, đời sống cộng đoàn đòi hỏi một sự cam kết với những cơ hội, nhưng những cơ hội ấy cũng chứa nhiều thử thách. Cộng đoàn chính là công trình của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta tích cực cộng tác vào công trình đó bằng việc chúng ta sống yêu thương, hiệp nhất, liên đới với mọi người. Ở bất cứ cộng đoàn nào, chúng ta cũng tuân thủ những nguyên tắc căn bản để xây dựng nên một công đoàn vững bền. Điều đó được cụ thể hoá qua việc gặp gỡ - đối thoại trong sự lắng nghe, tôn trọng, và chân thành.                                                                                             

[1] Fracis Arinze, Gặp giỡ người anh em vấn đề đối thoại liên tôn, Trung tâm học vấn Đa minh 2006, tr. 9.
[2] Rick Warren, Sống theo đúng mục đích, Nxb Tôn giáo, 2008, tr. 168.
[3] Ibidem, tr. 189-191.

Tác giả: Tâm Thành

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập233
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm194
  • Hôm nay21,596
  • Tháng hiện tại849,373
  • Tổng lượt truy cập69,909,247
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây