Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi

Thứ năm - 06/03/2025 20:15  820
be4ec6fd5a1d4e3f7aeb5c8201d99c5eMùa Chay bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro, khởi đầu mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng[1]. Trong đó, xức tro luôn là một nghi thức ắp đầy ý nghĩa về kiếp nhân sinh, mà qua đó Giáo hội muốn nhắn gửi mỗi người chúng ta thêm một lần ý thức hơn về phận người mong manh và phải chết. Quả thế, con người là tro bụi và một ngày, tất cả chúng ta đều sẽ trở về với bụi tro, đúng như lời bài hát “hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro”[2]. Cái chết là định mệnh tất yếu của mọi sinh vật. Đó là là khởi đầu cho quá trình trở về bụi tro mà bất cứ ai, dù giàu sang, khốn khổ, tất cả đều phải đi qua. Chính vì thế, mỗi khi xức tro trên đầu, Phụng vụ giúp chúng ta một lần thức tỉnh, nhắc nhớ về kiếp người, rằng dưới ánh mặt trời, trên cõi dương gian: "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (x. Gv1,2). Để rồi, nhờ sự ý thức mình là bụi tro, là tạo vật yếu đuối thấp hèn và phải chết, cũng như chấp nhận thực tại chóng qua “phù vân” của kiếp nhân sinh, chúng ta không chỉ dừng lại ở kiếp tro bụi mà thất vọng, buông xuôi, nhưng biết ăn năn trở về với Chúa, sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, hầu mong khi kết thúc cuộc sống nơi dương gian, chúng ta được Thiên Chúa ân thưởng sự sống và hạnh phúc muôn đời…

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có cái nhìn khá sâu sắc về kiếp nhân sinh qua những bài hát như Cát bụi hay một cõi đi về... Lời bài hát “Cát Bụi”, theo cố nhạc sĩ chia sẻ thì dựa trên tư tưởng của Phật giáo[3], nhưng chúng ta cũng thấy phảng phất đâu đó âm hưởng và mang nhãn quan Ki-tô giáo về con người và kiếp nhân sinh: “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi...” Qua đó, chúng ta thấy rằng con người với bề ngoài tưởng như thật mạnh mẽ và kiên cường, bất bại, nhưng lại chỉ là một khối mỏng manh, dễ vỡ như “bình sành” đầy bất toàn. Nhưng thật lạ, nơi bình sành mỏng manh, bất toàn ấy lại chất chứa bao huyền nhiệm(x. 2Cr 4,7), bao kì công mà con người dù cố gắng cũng không thể khám phá và giải đáp hết huyền nhiệm này, bởi huyền nhiệm mang tên con người này được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Vô Cùng và Yêu Thương (x. St 1, 27). Không những thế, khoa học, có thể nói còn cho chúng ta một cái nhìn khá “thê thảm” về con người. Bạn có biết, cơ thể chúng ta dù là một than thể phì nhiêu trăm kí hay chỉ là một kẻ suy dinh dưỡng da bọc xuong thì cũng chỉ nặng chưa đầy 1gam nếu được cô đọng lại. Như thế, con người là một hữu thể sống nhưng cũng là một hữu thể phải chết. Con người chỉ là một hạt bụi giữa vũ trụ bao la này. Tuy nhiên, dù thế nào, dù nhỏ bé, thậm chí hèn hạn đến đáng thương, con người vẫn luôn là một huyền nhiệm, một kì công của Thiên Chúa mà nơi thẳm sâu huyền nhiệm ấy là khao khát cháy bỏng hướng về cội nguồn là Thiên Chúa và sự sống muôn đời.

Con người là cát bụi và một ngày sẽ trở về với bụi cát. Tuy nhiên trong một xã hội, một thế giới mà con người đang quay cuồng với vòng xoáy của quyền-danh-lợi, cũng như bị thu hút, hấp dẫn bởi trào lưu tục hóa, muốn biến con người thành cái máy hưởng thụ quên thực tại, quên chính mình, thì không ít người đánh mất ý thức về sự hiện hữu của mình, quên đi mọi thực tại, cũng như không còn ý thức thân phận phận bụi tro của mình. Tuy nhiên, khi mọi thứ không thể thỏa mãn được mọi dục vọng của mình, khi sức cùng lực kiệt, thì con người thức tỉnh, giật mình nhận ra mình chỉ là cát bụi và sẽ trở về với bụi tro, nơi ba tấc đất mới thật là nhà (x. Tv 49,2).

Thế thì hiện hữu của con người còn ý nghĩa gì, mọi cố gắng, nỗ lực, kì công của con người có giá trị gì nếu con người chỉ đơn thuần là một hữu thể vật chất, vô hồn, sinh ra rồi trở về với hư vô mà sau đó chỉ là lãng quên và hưu vô. Sự bối rối trước huyền nhiệm về con người và trước những câu hỏi khôn cùng khiên nhiều người có thái độ bi quan, coi cuộc sống, coi sự hiện hữu của mình là vô nghĩa, là vô vọng, kéo theo một cuộc đời vô định, mất định hướng và tuyệt vọng, buông xuôi. Trái lại, với nhiều tôn giáo, đặc biệt trong nhãn quan Ki-tô giáo, đức tin không phủ nhận con người là một hữu thể được dựng nên từ bụi đất và một ngày kia sẽ trở về với cát bụi: “Ngài đã tạo ra con bằng đất sét, rồi lại đưa con trở về cát bụi” (x. G 10, 9); và chính Kinh Thánh đã mạc khải con người được Thiên Chúa nặn ra từ bùn đất (x St 2,7). Tuy nhiên, con người không chỉ là một cái xác, một nắm bụi tro thuần túy vô hồn, nhưng chính Thiên Chúa đã ban sinh khí (x. St 2, 7) để con người trở nên một sinh vật, một hữu thể có hồn và xác, một hữu thể được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và luôn hướng về Thiên Chúa (x. St 1, 26-27). Chính vì thế, dù do tội lỗi, con người phải chết và thân xác sẽ trở về với cát bụi, nhưng niềm tin giúp chúng ta xác tín chắc chắn rằng một ngày kia, thân xác phải chết ấy sẽ được được phục sinh và kết hợp với linh hồn bất tử, mặc lấy sự bất tử, bất diệt (x. 1Cr 15, 35-37) và hưởng sự sống hạnh phúc muôn đời.[4]  

Trong chiều hướng đó, việc khởi đầu Mùa Chay với nghi thức xức tro không bao giờ là một nghi thức vô nghĩa, lặp đi lặp lại, nhưng đây là một hành vi Phụng vụ nhắc nhớ chúng ta về thân phận yếu đuối bất toàn của mình, mỏng manh, phải chết và trở về với bụi cát của thân xác phải hư nát. Nhưng không dừng lại ở đó, đức tin cho chúng ta thấy vì được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được phú bẩm sự sống bất diệt trong linh hồn, nên thân xác phải hư nát ấy, một ngày kia sẽ được phục sinh và hưởng hạnh phúc muôn đời, nhờ công nghiệp ơn cứu chuộc của Đức Giê-su Ki-tô. Chính vì thế, khi cử hành Lễ Tro cũng là một lần nhắc nhớ và thức tỉnh chúng ta về thân phận của mình. Đồng thời cũng là lúc để chúng ta hướng lên một thực tại sâu hơn, cao hơn chỉ có nơi Thiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống và khát khao thông ban sự sống ấy cho con người.

Chính vì thế, Mùa Chay là mùa của sám hối, mùa của trở về, trở về với Chúa, với anh em và với chính mình. Để rồi, chúng ta biết mình dù chỉ là thân cát bụi, nhưng với linh hồn thiêng liêng, chúng ta xác tín rằng cuộc sống này chỉ là bước đệm giúp chúng ta đi vào cuộc sống đời sau, cuộc sống đích thực. Qua đó, chúng ta luôn biết quý trọng thân xác và bảo vệ thân xác này. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta hướng tới một tương lai vĩnh cửu, nơi chúng ta được gặp gỡ, được kết hợp với Đấng Phục sinh, Đấng đã đánh bại sự chết và tội lỗi, mang lại cho chúng ta sự sống viên mãn và đích thực. Qua đó, chúng ta sống một đời sống mới, sống trọn vẹn hơn, tròn đầy hơn hiện hữu của mình ở trần gian này…

Ước chi, Mùa Chay trở thành cơ hội thuận tiện giúp những người Ki-tô hữu sống trọn vẹn hơn mầu nhiệm con người, mầu nhiệm cuộc đời của mỗi chúng ta. Để rồi, biết cho đi khi còn có thể cho đi, biết thứ tha khi có thể tha thứ, biết yêu khi còn có thể yêu thương… và biết trở về, đứng dậy để bước tiếp hành trình đức tin, một hành trình đi về với Thiên Chúa, một hành trình đi qua cái chết để đi đến sự sống hạnh phúc viên mãn đích thực và vĩnh cửu mà Chúa đã hứa ban và đang chờ đợi mỗi người chúng ta…

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập170
  • Máy chủ tìm kiếm96
  • Khách viếng thăm74
  • Hôm nay61,072
  • Tháng hiện tại1,313,494
  • Tổng lượt truy cập84,667,505
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây