Mùa chay - Mùa của gặp gỡ
Thứ tư - 19/03/2025 22:36
1071
Trong Năm Phụng vụ, Mùa Chay kéo dài 40 ngày nhằm chuẩn bị cử hành Lễ Vượt Qua. Phụng vụ Mùa Chay giúp các dự tòng và các tín hữu cử hành mầu nhiệm Vượt qua. Các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạng khác nhau của việc nhập đạo, còn các tín hữu thì qua việc tưởng niệm Bí tích Thánh Tẩy và việc sám hối. Như thế, với các Ki-tô hữu, Mùa Chay là mùa để mỗi người tín hữu nhớ lại Bí tích Rửa tội mà mình đã lãnh nhận, cũng như tỏ lòng sám hối và trở về với Chúa, đặc biệt qua Bí tích Giao hòa. Trong Mùa Chay, ba việc làm cụ thể, thiết yếu mà Giáo hội mời gọi mỗi tín hữu thực hiện đó là ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí. Đây là những hành vi thể hiện lòng sám hối, tình liên đới và sự trở về tận căn mà cứ Giáo hội tha thiết kêu mời con cái mình thực thi một cách có ý thức và hữu hiệu. Qua đó, mỗi người có cơ hội để nhìn lại chính mình, cũng như tương quan của mình với Chúa và tha nhân. Trong chiều hướng đó, mỗi khi ăn chay, cầu nguyện hay làm bác ái là mỗi lần chúng ta thực hiện những cuộc gặp gỡ sống động với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Để rồi, chính nhờ những cuộc gặp gỡ ấy mà chúng ta có cơ hội để làm mới lại mối tương quan với Chúa và với nhau, những mối tương quan nền tảng có thể đã hay đang rạn nứt, sứt mẻ vì yếu đuối, tội lỗi của kiếp nhân sinh. Nhờ đó, chúng ta được cải biến tâm hồn, để sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa, cũng như xứng đáng với ơn cứu độ Đức Giê-su Ki-tô mang lại qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.
Ăn chay – Gặp gỡ chính mình
Như chúng ta biết, ăn uống, nghỉ ngơi là nhu cầu căn bản của con người. Vì thế, khi ăn chay, con người phải hạn chế nhu cầu căn bản nhất, một điều chẳng dễ dàng, nhưng mang lại những giá trị tuyệt vời. Quả thế, ăn chay không phải là một hình thức đặc thù, và riêng của người Ki-tô hữu. Trái lại, hầu hết mọi tôn giáo đều ăn chay, thậm chí có những tôn giáo ăn chay rất nhiệm nhặt và khắt khe. Việc ăn chay nơi mỗi tôn giáo đều có ý nghĩ riêng, nhưng ăn chay theo cách hiểu thông thường là giảm bớt ăn uống, chi tiêu… để kỉ luật thân xác và để rèn luyện ý chí, tập làm chủ bản thân và những ham muốn... Cũng vậy, ăn chay, nhất là trong Mùa Chay của người Công giáo trước hết cũng mang những mục đích trên, nhưng vượt lên trên những ý nghĩa, mục đích bề ngoài, ăn chay trong Mùa Chay còn mang chiều kích thiêng liêng đặc biệt, nhất là hướng tới việc “ăn chay tâm hồn”. Qua việc ăn chay, người tín hữu giảm bớt ăn uống, nhờ đó chiến đấu và tập làm chủ những ham muốn xác thịt, kỉ luật bản thân, đồng thời đây cũng là cách để mỗi người giảm bớt những chi tiêu không cần thiết để có thể sẻ chia với người khác, những người nghèo khổ.
Cách đặc biệt, ăn chay giúp người tín hữu gặp gỡ chính mình. Bởi khi ăn chay theo tinh thần Ki-tô giáo, việc ăn chay bề ngoài giúp người tín hữu ăn chay lòng, nghĩa là giữ lòng được thanh tịnh và siêu thoát. Qua đó, chúng ta cùng vào sa mạc với Chúa Giê-su để chịu cám dỗ, để chiến đấu và chiến thắng nhờ Lời Chúa và Thánh thể, của nuôi đích thực cho tâm hồn người tín hữu. Nhờ vậy, mỗi người chúng ta thấy rõ tôi là ai, tâm hồn tôi ra sao và đang trong tình trạng nào? Nói cách khác, qua việc tiết chế những nhu cầu vật chất, chúng ta nhận ra sự đói khát thiêng liêng nơi sâu thẳm tâm hồn… Để rồi, chúng ta nhìn rõ hơn nơi mình những hạn chế, những ham muốn, những yếu đuối, tội lỗi, để qua đó, tập làm chủ những ham muốn và những nhu cầu không cần thiết, cũng như cầu xin ơn Chúa giúp chúng ta làm chủ bản năng, những khuynh hướng xấu trong bản tính hèn yếu.
Như thế, ăn chay là một cuộc gặp gỡ chính mình mà nơi đó, qua chính sự thiếu thốn vật chất bề ngoài, mỗi chúng ta nhìn ra những nhu cầu thực sự, những thiếu thốn tâm linh sâu thẳm nơi con người chúng ta. Khi chúng ta có sự siêu thoát về của ăn, thức uống, cách nào đó, chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn trong tư tưởng và tâm hồn, nhờ đó chúng ta hướng tới một thực tại cao hơn và sâu thẳm hơn là Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. Chính vì thế, khi ăn chay, chúng ta thấy sự thật về chính mình, để khiêm tốn nhìn nhận và đặt cuộc đời mình trước sự hiện diện của Chúa, vì tự sức chúng ta chẳng làm được gì. Cũng vậy, qua việc ăn chay, chúng ta gặp được chính mình một hữu thể còn nhiều giới hạn, yếu đuối và hèn hạ, một kẻ còn đầy những tham, sân, si và đầy dục vọng. Qua đó, chúng ta biết mình hơn, nhận ra những hố sâu và những lồi lõm trong tâm hồn mà quyết tâm, can đảmlên đường trở về với Chúa và anh chị em mình…
Cầu nguyện – Gặp gỡ Thiên Chúa
Cầu nguyện là hơi thở của người có lòng tin và là nhu cầu sống còn của con người. Nói tới bất cứ một tôn giáo, chúng ta đều phải nói tới cầu nguyện. Với Ki-tô giáo, cầu nguyện chính là một cuộc gặp gỡ thân tình giữa con người với Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ. Dù mỗi ngày, hay mọi giây phút trong đời sống đức tin, người Ki-tô hữu đều có thể và cần cầu nguyện, vì đó là hơi thở, là nguồn sống của người có lòng tin. Tuy nhiên, Mùa Chay luôn là thời gian, là dịp thuận tiện hơn hết mà Giáo hội mời gọi con cái mình cầu nguyện cách ý thức hơn, sốt sắng hơn, để có thể gặp gỡ Thiên Chúa một cách cá vị và sống động, hầu kín múc nguồn sức mạnh thần thiêng để chống trả và lướt thắng mọi cơn cám dỗ. Nói cách khác, Mùa Chay là mùa mà mỗi người tín hữu thực hiện cuộc hành trình trong sa mạc đức tin, để gặp gỡ thân tình và sống động với Thiên Chúa.
Noi gương Chúa Giê-su mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo, cách đặc biệt trong Mùa Chay thánh, chúng ta, như người con hoang đàng, thú nhận tội lỗi, trở về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ. Cũng vậy, trong cầu nguyện, trong cuộc gặp gỡ thân tình ấy, chúng ta dâng lên Ngài mọi ưu tư, lo lắng, mọi niềm vui nỗi buồn của kiếp nhân sinh… Để rồi, trong cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, chúng ta thấy rõ mình hơn, cũng như được kết hợp mật thiết với Chúa hơn, nhờ đó được đổi mới và sống bình an. Đồng thời, nhờ cầu nguyện, chúng ta đủ sức chống trả cám dỗ, hầu có thể can đảm và sẵn sàng bước đi cùng Đức Giê-su trên con đường Thập giá, cùng vác với Ngài, cùng chịu đóng đinh với Ngài, cùng chết với Ngài, chết đi cho những tội lỗi, để rồi nhờ giá máu cứu chuộc của Đức Ki-tô, chúng ta cũng được sống lại và hưởng vinh quang với Ngài…
Làm phúc bố thí – Gặp gỡ tha nhân
Đạo Công giáo luôn được biết đến là đạo của tình yêu, của bác ái và sẻ chia. Điều đó được thể hiện rất sống động trong dọc dài lịch sử của Giáo hội, noi gương Thầy Chí Thánh, luôn biết cho đi và sẻ chia với người khác, nhất là những nghèo khổ bất hạnh. Vì thế ơn gọi của mỗi người Ki-tô hữu cách nào đó cũng là chia sẻ, là cho đi, là trao hiến. Sự sẻ chia, lòng bác ái ấy có thể là của cải vật chất trong khả năng của mình, nhưng trên hết là chia sẻ tình yêu, niềm tin và hy vọng cho con người mà chúng ta gặp gỡ, để nhờ đó, nhiều người nhận ra sự hiện diện sống động của Thiên Chúa và trở về với Ngài. Trong chiều hướng đó, Mùa Chay luôn là thời gian đặc biệt mà Giáo hội tha thiết mời gọi mỗi người Ki-tô hữu chúng ta phản tỉnh về sự sẻ chia với tấm lòng cho đi vô vị lợi, cũng như sự quảng đại hiến trao vì Nước Trời.
Theo đó, hành vi bác ái sẻ chia với cả tấm lòng chính là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sống động, thiết thực nhất ý nghĩa của việc ăn chay, tâm tình sám hối và việc cầu nguyện của chúng ta trong Mùa Chay Thánh. Quả thế, mỗi khi chúng ta cho đi dù là của cải vật chất hay chỉ một chén nước lã, hoặc cho đi cách chân thành, giản dị một ánh mắt cảm thông, một nụ cười, hành động tha thứ, sự quan tâm, cộng tác, giúp đỡ… những thứ tưởng như nhỏ nhặt nhất mà chúng ta có và có thể cho đi, là mỗi lần chúng ta làm rạng tỏ hình ảnh Đức Ki-tô và hình ảnh Giáo hội cho con người, và chắc chắn như lời Chúa hứa, chúng ta không mất phần thưởng đâu... (x. Mc 9,41).
Cũng vậy, khi cho đi, khi sẻ chia là chúng ta gặp gỡ con người, những con người cụ thể và sống động đang cần lắm những ánh mắt, nụ cười, đôi bàn tay và trái tim biết yêu thương... Trong cuộc sống mà thế giới ảo đang chi phối, những cuộc gặp gỡ giữa người với người trong thực tại, những cuộc gặp gỡ đúng nghĩa, “mặt giáp mặt, tâm chạm tâm” dường như ngày càng trở thành một thứ xa xỉ, khiến con người ngày càng trở nên xa lạ với nhau. Chính vì thế, khi thực hiện cuộc gặp gỡ tha nhân, trong những hành động và việc làm bác ái cụ thể, nhất là nơi những người nghèo khổ, bất hạnh về phần xác cũng như phần hồn, chúng ta đang gặp gỡ chính Thiên Chúa, đấng hiện diện sống động nơi con người. Đồng thời, khi gặp gỡ để sẻ chia, chúng ta cũng lên đường để sẻ chia, trao hiến và yêu thương những con người đang cần sự hiện diện, tình yêu và sẻ chia, hơi ấm và sự quan tâm của chúng ta, những người mang trong mình hình ảnh của Đức Ki-tô. Nhờ đó, cuộc sống mỗi ngày trở nên ý vị hơn, ấm áp hơi thở của tình yêu Thiên Chúa giữa con người và thế giới mỗi ngày nên nhân bản và tốt đẹp hơn…
Tắt một lời, Mùa là mùa của gặp gỡ, bởi con người là một sinh vật tương quan. Con người chỉ có hòa bình và bình an đích thực khi luôn biết tái tạo, làm mới lại các tương quan, cách đặc biệt qua những cuộc gặp gỡ sống động, chân thành với chính mình, với Thiên Chúa và với mọi người. Đó cũng chính là tâm tình Mùa Chay mà Giáo hội kêu mời mỗi người chúng ta hãy đi và làm như vậy (x. Lc 10, 37). Nhờ đó, qua những cuộc gặp gỡ thân tình ấy, trái tim của chúng ta như mềm lại, có sức sống hơn và dám mở ra để trao ban không chỉ của cải vật chất, nhưng cả tấm lòng, tình yêu và cả cuộc sống của chính chúng ta, để rồi thế giới và nhân loại mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn, đẫm tình Chúa đượm tình người hơn…
Cf. Lịch Công giáo Giáo phận Bùi Chu
Cf. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2744