Thánh Giuse: Thinh lặng và trách nhiệm
Thứ năm - 20/03/2025 05:25
828
Trong Giáo hội, cách riêng tại Việt Nam, Thánh Cả Giuse có vị trí đặc biệt và là Quan Thầy Đệ Nhất của Giáo hội Việt Nam. Theo đó, rất nhiều nhà thờ giáo xứ, giáo họ, giáo khu, giáo giâu… nhận Thánh Cả Giuse làm Quan Thầy, cũng như rất nhiều người nam mang tên thánh Giuse và nhận Ngài làm bổn mạng. Cũng vậy, Giáo hội dành cả tháng Ba để con cái mình thể hiện lòng sùng kính đặc biệt đối với thánh Giuse, để suy niệm và chiêm ngắm, noi gương bắt chước các nhân đức của ngài, cũng như nguyện ngài bầu thay nguyện giúp cho thế giới, cho Giáo hội, cho gia đình và mỗi người trước tòa Chúa. Để rồi, cách thường xuyên, giữa bầu khí trầm lắng, thánh thiêng của Mùa Chay, không khí phụng vụ nên tươi sáng hơn khi cả Giáo hội mừng trọng thể lễ Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria vào ngày 19-03 hằng năm. Tuy nhiên, điều làm cho Thánh Cả Giuse trở nên vĩ đại và có chỗ đứng đặc biệt trong Giáo hội, thật lạ, không phải vì ngài để lại cho Giáo hội những pho sách khổng lồ, hay những tác phẩm vĩ đại, cũng chẳng phải bởi những công trình, những tư tưởng đáng nể như nhiều vị thánh hay bậc vĩ nhân thường để lại cho hậu thế. Trái lại, sự vĩ đại của Thánh Cả lại đến từ mẫu gương công chính, một đời sống đơn sơ, nơi Thánh Gia. Cách đặc biệt, nổi bật nơi Thánh Cả là mẫu gương về sự thinh lặng trong khiêm tốn, trong cầu nguyện, điều vốn làm nên “thương hiệu” của ngài, cũng như sự trung tín, tinh thần trách nhiệm của thánh Giuse trong việc lắng nghe và mau mắn, nhiệt tâm thực thi thánh ý Thiên Chúa, dù nhiều điều, nhiều lúc vượt quá khả năng hiểu biết của ngài.
Thật vậy, lật giở những trang Tin Mừng, chúng ta có lẽ không khỏi bất ngờ khi thấy hình ảnh Thánh Cả Giuse xem ra thật mờ nhạt, đơn điệu. Chiêm ngưỡng con người và cuộc đời Thánh Giuse, một bác thợ mộc quê mùa, chúng ta thấy nơi ngài dường chẳng có gì để chiêm ngưỡng. Ngài xuất hiện rất khiêm tốn, không màu mè, chẳng có chút gì nổi bật, dù thuộc dòng dõi vua Đa-vít (x. Lc 1,27) và cách ngài lùi vào trong hậu trường trong cuộc đời Đấng Cứu Thế, hay lịch sử cứu độ cũng thầm lặng như vậy. Quả thế, cái tên Giuse trong tư cách chồng Đức Maria và cha nuôi của Chúa Giê-su chỉ được nhắc tới 8 lần trong Tin Mừng Mátthêu (và thêm 1 lần với danh xưng bác thợ, x. Mt 13,55), 6 lần trong Luca và chỉ 2 lần trong Gioan, trong khi Mác-cô không một lần nhắc tới thánh Giuse, dù chỉ dưới danh xưng con bác thợ (x. Mt 13, 55. Mc 6, 3)… Và, dù được dành một vị trí đặc biệt hơn trong Mátthêu, khi thánh Mátthêu muốn nhấn mạnh vai trò của thánh Giuse trong mầu nhiệm Nhập Thể, hay hoàn toàn xóa mình trong Mác-cô, thì trong toàn bộ Kinh Thánh, thánh Cả Giuse vẫn hoàn toàn im lặng, không một lần lên tiếng. Thế nhưng, chính qua những nét chấm phá tưởng như sơ sài, nghèo nàn và hoàn toàn thinh lặng của thánh Giuse lại nổi bật một nhân cách lớn. Nơi đó, thánh Giuse nổi bật lên với những đức tính cao cả, mà con người mọi thời luôn phải noi gương bắt chước, nhất là trong thế giới hôm nay. Để rồi, qua một con người dường như chẳng có gì để nói tới, hay để ý đến, một người mà mỗi lần xuất hiện chỉ với hệ hình, mà không có hệ tiếng, thì chính sự thinh lặng thần thiêng, cuộc đời thánh Giuse, cách nào đó, như thể rực lên cách sống động lời của Vịnh Gia:“chẳng một lời một lẽ chẳng nghe thấy âm thanh mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển (x. Tv 19,4-5).
Quả thế, thánh Giuse có thể nói là một người đặc biệt trong Tin Mừng. Ngài không hề lên tiếng, cuộc đời của ngài nơi Tin Mừng chỉ là sự im lặng, một sự thinh lặng đến lạ lùng, đôi khi thật vô lý, đến khó hiểu. Thế nhưng, chính qua sự thinh lặng huyền nhiệm ấy, thánh cả Giuse đã sống trọn vẹn sự khiêm nhường, và nhất là hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong kế hoạch cứu độ của Thiên Cúa. Ngài chấp nhận xóa mình ra không, chấp nhận phải nhỏ đi, lu mờ đi như thánh Gioan Tẩy giả, để Ngôi Lời được lớn lên và tỏa sáng trong tâm hồn ngài và trong lòng nhân loại (x. Ga 3,30). Trong chiều hướng đó, sự kiện chúng ta không có bất cứ lời nói nào của ngài thật có ý nghĩa. Tin Mừng không bao giờ cho chúng ta thấy thánh Giuse mở miệng; và tất cả những gì Tin Mừng nói cho chúng ta biết đều có gắng khiến cho chúng ta nghĩ rằng một cách quen thuộc thánh Giuse tự xóa bỏ mình một cách im lặng. Ngài đã mang nỗi khổ trong im lặng khi nhận biết đứa con mà Đức Maria mong đợi. Trong sự bối rối khi đi đến quyết định, ngài chỉ tranh luận với chính bản thân mình. Ngài không muốn tiết lộ nguyên nhân của sự dày vò nội tâm; sự im lặng của ngài đã bảo vệ uy tín của Đức Maria. Bằng sự im lặng đầy niềm tin và khôn ngoan và sự ngoan ngoãn này, ngài đón nhận sự mạc khải việc thụ thai huyền nhiệm của Chúa Giê-su và lời mời gọi hành xử với tư cách là người cha của đứa trẻ.
Cũng vậy, qua việc Tin Mừng mạc khải cho chúng ta hình ảnh một Giuse hoàn toàn im lặng trong mọi biến cố, thì chỉ trong và qua sự thinh lặng ấy, chúng ta mới thấy thánh Giuse quả thực là một con người của cầu nguyện, của chiêm niệm thẳm sâu, vì chỉ trong thinh lặng và cầu nguyện, ngài mới có thể gặp gỡ, lắng nghe được tiếng Chúa. Để từ đó, thánh Giuse luôn mau mắn đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa trong sự ngoan ngùy và thực thi kế hoạch của Ngài một cách trung tín và quyết liệt. Những hành động mau mắn “như lời Sứ thần” (x. Mt 1,24; 2, 14.19) của Thánh Cả không hề mang tính thụ động, cũng không kèm theo một sự bực dọc, khó chịu hay một thái độ nào của sự cưỡng bức, nhưng hoàn toàn tự do trong sự tỉnh thức và chủ động hoàn toàn, để rồi kế hoạch của Thiên Chúa được thành toàn cách viên mãn nhất. Nhờ sự thinh lặng tuyệt vời, cùng với những hành động dứt khoát, chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện cách trọn vẹn nơi Đấng Cứu Thế, qua sự cộng tác tuyệt vời của Đức Maria và Thánh Cả Giuse. Nhờ đó, Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (x. Lc 2, 40.52) để hoàn tất chương trình cứu độ của mình. Đó chính là lý do mà Kinh Thánh đã gọi thánh Cả Giuse là người công chính (x. Mt 1,19).
Là mẫu gương tuyệt hảo của thinh lặng, thánh Giuse vẫn là một giáo huấn sống đối với thời đại và thế giới của chúng ta. Chắc chắn sự im lặng là một giá trị đối với bất cứ thời đại nào. Nhưng thời đại của chúng ta nổi bật với vô số tiếng ồn ào và lời nói, do sự phát triển của kĩ thuật truyền thông… Do đó, nhiều người ngày nay sợ hãi sự thinh lặng, chạy trốn sự thinh lặng, để rồi đôi khi hay nhiều lúc đánh mất chính mình và ý nghĩa cuộc sống trong sự ồn ào, trong sự xáo trộn và hỗn độn của nhịp sống quay cuồng nơi những thú vui và sự hưởng thụ… Tuy nhiên, chính sự ồn ào và không có cho mình một khoảng lặng ấy lại khiến con người ngày càng rời xa Thiên Chúa, không thể nhận ra hay gặp gỡ Ngài, và không ít người đã bị hủy hoại hoặc tự hủy hoại mình trong cơn sóng thần của sự dữ, vốn len lỏi và ẩn mình trong sự náo động, xô bồ… Chính vì thế, thánh Giuse nhắc nhớ rằng người ta chỉ có thể đón nhận Chúa Ki-tô và mầu nhiệm của Người bằng sự thinh lặng… Cũng thế, trong xã hội ngày nay, có những người lo sợ sự im lặng bởi vì họ sợ đứng đối diện với chính họ. Thánh Giuse yêu mến sự thinh lặng bởi vì ngài muốn thấy mình đối diện với Thiên Chúa… Và chỉ khi đối diện với Thiên Chúa, con người mới có thể gặp gỡ chính mình, nhận ra con người của mình cũng như kế hoạch, tình yêu và ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, để rồi khi nhận ra kế hoạch ấy, chúng ta mới có thể xả thân thi hành thánh ý Thiên Chúa hầu mưu cầu hạnh phúc và sự sống muôn đời.
Không những thế, cũng qua những dòng Kinh Thánh đơn sơ về cuộc đời và con người của Thánh Cả Giuse, nếu nhìn theo nhãn giới của con người ngày nay, thời mà nhiều người dung túng và cổ võ cho tự do cực đoan và hưởng thụ, đề cao cái tôi cá nhân, thì thánh Giuse chỉ là một “chàng ngốc chính hiệu”, một kẻ bị cắm sừng và một người đổ vỏ. Quả vậy, trước “cái thai vô chủ” của người Đức Maria, người đã thề ước nên một với mình, ắt hẳn thánh Giuse không khỏi sốc và có lẽ ngài cũng phải trải qua những giây phút kinh hoàng. Cũng vậy, dù có thể Đức Maria đã giải thích về cái thai, nhưng trước một chuyện hoang đường, vượt tầm lý trí, lại là một nam nhi, một con người, có lẽ nơi thánh Giuse cũng có một thoáng sốc kèm tức giận, cùng thắc mắc, dằn vặt, thậm chí một sự bùng nổ có thể nhen nhúm trong tâm trí của ngài. Chúng ta có thể tưởng tượng và thử đặt vị trí của mình vào ngài, khi vị hôn thê của mình “ngoại tình” và có thai với người khác ngay trước khi về chung sống. Điều đó thật sự khó chấp nhận và không thể tha thứ… Thậm chí, một cơn tanh bành, một sự trừng phạt, những lời nguyền rủa và tệ hơn là sự tố cáo, kết án hoàn toàn có thể xảy đến và cũng là điều dễ thông cảm với bất cứ một người đàn ông nào.
Cũng trong chiều hướng đó, Thánh Giuse chắc chắn cũng đã phải trải qua đêm tối kinh hoàng, với sự đắn đo tố cáo hay bỏ đi kín đáo để giữ thanh danh của Đức Maria? Một thế tiến thoái lưỡng nan mà chỉ một con người công chính và chìm đắm trong cầu nguyện như thánh Cả Giuse mới có thể quyết định một cách khôn ngoan nhất. Và Tin Mừng cho chúng ta thấy, bằng lí trí, sự tự do, nhất là sự công chính được xây dựng bởi lòng tin qua sự thinh lặng kết hợp mật thiết với Chúa, thánh Giuse đã nén nỗi đau, toan tính “định tâm bỏ bà cách kín đáo” (x. Mt 1, 19) để giữ thanh danh, giữ mạng sống cho Đức Maria. Ngài chấp nhận nhận mang vào mình những sự nghi ngờ, dèm pha của người đời cùng sự tủi nhục của sự phản bội mà không ai thông tỏ, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Để rồi, khi Thiên Chúa thấy rõ sự trung tín, sự công chính của người mà mình đã chọn, trong giấc mộng (x. Mt 1,20), Ngài đã mạc khải cho thánh Giuse kế hoạch và chương trình nhiệm lạ của Ngài, cũng như để minh oan cho Đức Maria. Đồng thời, Thiên Chúa trấn an và mời gọi thánh Giuse “đừng ngại” (x. Mt 1,20) cộng tác vào chương trình nhiệm lạ của Ngài. Thế rồi, khi đã nhận được thần khải trong cầu nguyện, trong thinh lặng, mà nơi đó hẳn nhiên có cả sự dằn vặt và đau khổ của người bị phản bội, khi đã hiểu hết mọi chuyện và những kế hoạch. Thánh Cả Giuse không chút hồ nghi, không phản kháng, cũng chẳng còn gì để thắc mắc hay chất vấn Đức Maria. Trái lại, khi những con người của Thiên Chúa đã hiểu nhau và đã hiểu vai trò của mình trong chương trình của Thiên Chúa để cứu độ con người, thánh Giuse làm như lời Chúa dạy và “đón vợ về nhà” (x. Mt 1,24). Như thế, nếu Đức Maria can đảm, liều lĩnh thưa “xin vâng” để chấp nhận nghịch lý “không chồng mà chửa” và trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế, thì thánh Cả Giuse cũng đã minh chứng sự công chính của mình khi ngoan ngùy, trung tín thi hành sứ mạng làm cha nuôi của Con Thiên Chúa, một vinh dự lớn lao, nhưng có lẽ cũng là điều chẳng dễ chấp nhận xét theo lý trí tự nhiên. Suốt cuộc đời, thánh Giuse đã chăm lo cho Đức Maria, lo toan cho việc sinh hạ và dưỡng nuôi Đấng Cứu thế dưới mái nhà Thánh Gia, dù bao gian khổ, hiểm nguy, để nhờ nền tảng gia đình mà Đấng Cứu Thế được thụ hưởng, lớn lên trong ơn nghĩa và có thể hoàn tất sứ mạng cứu độ con người khỏi tội lỗi, mang ơn cứu độ và sự sống cho nhân loại…
Như thế, chỉ qua những dòng thật đơn sơ về thánh Giuse nơi các Tin Mừng, chúng ta nhận thấy cùng với sự thinh lặng, nơi thánh Giuse một con người của trách nhiệm và trung tín tuyệt vời. Khi đã hiểu và thông tỏ kế hoạch nhiệm lạ của Thiên Chúa, Ngài đón nhận, vui vẻ thi hành và làm tất cả với tinh thần trách nhiệm, hầu mong kế hoạch của Thiên Chúa được thành toàn. Gương thánh Cả cũng là bài học cho con người trong thế giới hôm nay, bởi bao người, không thiếu người trẻ thay vì cộng tác trong kế hoạch của Thiên Chúa, lại phủi tay, chạy trốn trách nhiệm, nhất là trong vấn đề hôn nhân, gia đình, hay nhiều vấn đề xã hội khác. Quả vậy, nhiều người ngày nay sợ trách nhiệm và chạy trốn trách nhiệm, muốn hưởng thụ nhưng lại không dám chịu trách nhiệm. Để rồi sự buông thả, não trạng tự do quá chớn, kéo theo những trào lưu như sống thử, không cần hôn nhân, rồi sự đổ vỡ gia đình dẫn đến vấn nạn phá thai đang hoành hành, nhan nhản khắp nơi, cùng với bao cảnh huống gia đình đáng báo động mà nguyên nhân đến từ sự thiếu trách nhiệm của những người nam người nữ. Chính vì thế, noi gương Thánh Giuse, chúng ta, những người Ki-tô hữu, cách riêng các bạn trẻ đang trên đường xây dựng tương lai, cũng biết học nơi ngài tinh thần trách nhiệm, cùng sự thinh lặng trong tinh thần khiêm tốn và cầu nguyện, để rồi có thể nhận ra thánh ý Thiên Chúa, biết tôn trọng phẩm giá cũng như giá trị cao quý của hôn nhân gia đính, nhất là sự sống. Nhờ đó, mỗi người luôn biết cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta, nhất là trong Bí tích Hôn nhân và đời sống gia đình, cùng nhau cộng tác trong việc bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển sự sống, món quà cao cả mà Thiên Chúa ban tặng theo tinh thần nhân bản Ki-tô giáo…
Cf. Jean Galot, SJ, Thần học thánh Giuse, Thiên Hựu và Kim Ngân chuyển ngữ, Nxb. Phương Đông, tr. 127-128