Thông điệp cho Ngày Thế giới người nghèo
Thứ sáu - 16/06/2017 19:27
7663
Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới Người Nghèo lần đầu tiên sẽ được cửa hành vào ngày 19/11/2017 – Chúa Nhật 33 Thường Niên
‘Chúng ta hãy yêu thương, không phải bằng lời nói nhưng bằng việc làm’ Photo Of Logo Of World Day Of The Poor Presented In Holy See Press Office - Photo By ZENIT (DCL)
1. “Hỡi các con, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và trong sự thật” (1 Ga 3,18). Những lời này thánh Gioan tông đồ diễn tả bằng một mệnh lệnh mà không một người ki-tô hữu nào có thể tránh né. Cách trân trọng mà người môn đệ được yêu thương” thông truyền cho đến ngày nay điều răn của đức Giê-su càng được nhấn mạnh hơn qua sự trái ngược giữa những lời trống rỗng thường qua môi miệng chúng ta và những hành động cụ thể mà chúng ta được kêu gọi kiểm điểm bản thân. Tình yêu không chấp nhận cớ thoái thác. Ai muốn yêu như Chúa Giê-su đã yêu thương thì phải noi gương Chúa nhất là khi ta được kêu gọi yêu thương những người nghèo. Vả lại, cách thức yêu thương của Con Thiên Chúa là điều ai cũng biết rõ và thánh Gio-an nhắc nhớ điều đó bằng những lời thật rõ rệt. Nó dựa trên hai cột trụ chính: Thiên chúa yêu thương trước (x. 1Ga 4,10.19) và Ngài đã cho đi hết mình kể cả mạng sống của Ngài (x. 1Ga 3,16).
Một tình yêu như thế không thể không được đáp trả tuy hiến thân một cách đơn phương không cần gì đổi lại, nhưng tình yêu ấy đốt cháy tâm hồn đến độ bất cứ ai cũng cảm thấy cần đáp trả mặc dù mình là người có những giới hạn tội lỗi và điều này có thể thực hiện được nếu ta đón nhận bao nhiêu có thể ơn thánh của Thiên Chúa, lòng bác ái thương xót của Ngài trong tâm hồn chúng ta đến độ đánh động ý chí và tình cảm của chúng ta để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Như thế, lòng Thương xót của Chúa có thể nói là trào ra từ trái tim của Chúa Ba Ngôi để chuyển động cuộc sống chúng ta và làm nảy sinh lòng cảm thương và những côn việc từ bi bác ái đối với anh chị em ở trong tình cảnh túng thiếu.
2. “Người nghèo kêu lên và Chúa lắng nghe họ” (Tv 34,6). Giáo Hội vẫn luôn hiểu tầm quan trọng của tiếng kêu ấy. Chúng ta có một chứng tá lớn ngay từ những trang đầu tiên của Sách Tông Đồ Công Vụ. Trong đó, Thánh Phê-rô yêu cầu chọn bảy người “đầy Thánh Thần và Khôn ngoan” (Cv 6,3) để họ đảm nhận việc phục vụ và giúp đỡ người nghèo. Chắc chắn đó là một trong những dấu hiệu qua đó cộng đoàn Ki-tô tự giới thiệu trên diễn trường thế giới, đó là phục vụ người nghèo nhất. Sở dĩ tất cả những điều ấy có thể diễn ra là vì cộng đoàn hiểu rằng cuộc sống của các môn đệ Chúa Giê-su phải được biểu lộ trong tình huynh đệ và liên đới như thế, tương ứng với giáo huấn chủ yếu của Thầy mình. Người đã tuyên bố Phúc cho những người nghèo vì họ được thừa hưởng Nước Trời (x. Mt 5,3).
“Họ bán tài sản và những gì họ có để chia sẻ với mọi người tùy theo nhu cầu của mỗi người” (Cv 2,45). Kiểu nói này chứng tỏ rõ ràng mối tương quan sinh động của các tín hữu Ki-tô. Thánh Sử Lu-ca, tác giả sách Thánh hơn bất kỳ ai khác đã dành chỗ cho lòng thương xót. Thánh nhân không dùng kiểu nói hùng biện nào khi mô tả thói quen chia sẻ của cộng đoàn tiên khởi. Trái lại khi kể như thế, Người muốn nói với các Ki-tô hữu thuộc mọi thế hệ và qua đó người cũng nói với cả chúng ta để nâng đỡ chúng ta trong công tác làm chứng tá và khích lệ chúng ta hoạt động giúp đỡ người túng thiếu hơn. Thánh Gia-cô-bê Tông đồng cũng trình bày cùng giáo huấn ấy với niềm xác tín. Trong thư, thánh nhân dùng kiểu nói mạnh mẽ và quyết liệt: “Anh em thân mến, xin hãy lắng nghe, phải chăng Thiên Chúa đã chọn những người nghèo dưới mắt thế giới thành những người giàu dưới con mắt đức tin, và là những người thừa kế Nước Trời được hứa cho những người yêu mến Ngài sao? Trái lại, anh em đã sỉ nhục người nghèo. Chẳng phải là những người giàu đã đàn áp và lôi anh em ra trước tòa án đấy sao? Hỡi anh em, nếu một người nói là mình có đức tin mà lại không có việc làm thì có ích gì. Đức tin ấy có thể cứu vớt được họ sao? Nếu một người anh em hay chị em không có y phục hay thiếu lương thực hằng ngày và một người trong anh em lại nói với họ “hãy ra đi bình an, hãy mặc ấm và ăn uống no đầy” nhưng lại không cho họ những gì cần thiết cho thân xác thì như vậy có ích gì? Đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm thì đó chỉ là đức tin chết” (Gc 2,5-6.14-17).
3. Tuy nhiên có những lúc, các Ki-tô hữu đã không nghe tiếng kêu gọi ấy cho đến cùng và để cho mình thấm nhiễm não trạng trần tục. Nhưng Chúa Thánh Thần không quên nhắc nhở họ hãy chú tâm đến điều thiết yếu. Thực vậy, Chúa làm nảy sinh những người nam nữ qua nhiều cách thức hiến mạng sống mình để phục vụ người nghèo. Bao nhiêu trang sử qua hai ngàn năm đã được các Ki-tô hữu ấy viết lên với tất cả sự đơn sơ và khiêm tốn với sáng kiến bác ái quảng đại, họ đã phục vụ những anh chị em nghèo nhất!
Trong tất cả các vị ấy, nổi bật là thánh Phanxico Assisi, người đã được nhiều vị thánh nam nữ khác noi theo qua dòng lịch sử. Thánh nhân không những hài lòng với việc ôm lấy và làm phúc cho những người phong cùi, nhưng còn chọn đến với Gubbio để ở với những người cùi ấy. Chính thánh nhân nhìn thấy trong cuộc gặp gỡ đó khúc quanh hoán cải của ngài: “khi tôi còn ở trong tội lỗi, tôi thấy dường như thật là cay đắng khi thấy những người cùi và chính Chúa đã dẫn tôi đến với họ và dủ lòng thương với họ. Và khi tôi rời xa họ, điều tôi thấy là cay đắng trước đây đã biến thành sự ngọt ngào trong tâm hồn và thân xác” (Text 1-3: FF110). Chứng từ này biểu lộ sức mạnh của lòng bác ái biến đổi và lối sống của các Ki-tô hữu.
Chúng ta đừng chỉ nghĩ đến những người nghèo như những người đón nhận một công việc thiện nguyện tốt cần phải làm mỗi tuần một lần, hoặc là đối tượng của những cử chỉ thiện chí nhất thời cần làm để lương tâm được thanh bình. Những kinh nghiệm ấy, tuy có giá trị và hữu ích để gây ý thức về những nhu cầu của bao nhiêu anh chị em và những bất công thường là nguyên nhân gây ra chúng, phải dẫn đến một cuộc gặp gỡ đích thực với người nghèo và đưa tới một sự chia sẻ trở thành lối sống. Thực vậy kinh nghiệm hành trình môn đệ và sự hoán cải được kiểm chứng xem có chân chính theo tinh thần Tin Mừng hay không qua việc thực thi đức bác ái chia sẻ. Từ cách thức sống như thế, nảy sinh niềm vui và sự thanh thản trong tâm hồn vì ta đụng chạm cụ thể đến thân mình Chúa Ki-tô. Nếu chúng ta muốn gặp gỡ thực sự Chúa Ki-tô, thì cần động chạm đến thân mình Ngài trong thân thể tàn tạ của những người nghèo đầy những vết thương như sự lãnh nhận mình Thánh Chúa trong bí tích Thánh Thể. Mình Chúa Ki-tô được bẻ ra trong thánh lễ ta tìm được trong đức bác ái chia sẻ nơi những khuôn mặt và nơi những anh chị em yếu thế nhất. Những lời của Thánh giám mục Gioan Kim Khẩu vẫn luôn vang dội thời sự: “Nếu anh chị em tôn kính mình Chúa Ki-tô thì đừng coi rẻ Ngài khi ngài trần trụi. Đừng tôn kính Chúa Ki-tô với phẩm phục bằng tơ lụa trong khi bên ngoài đền thờ anh chị em lơ là với Chúa Ki-tô khác đang chịu sầu khổ vì lạnh lẽo và trần trụi” (Hom. in Matthaeum, 50.3: PG 58).
Vì thế, chúng ta được kêu gọi giơ tay cho người nghèo, gặp gỡ họ, nhìn họ tận mắt, ôm lấy họ để làm cho họ cảm thấy hơi ấm của tình thương phá vỡ cái vòng cô đơn. Bàn tay họ giơ ra cho chúng ta cũng là một lời mời gọi ra khỏi tình trạng yên hàn thoải mái của chúng ta và nhìn nhận giá trị mà sự thanh bần tạo nên nơi chính mình.
4. Chúng ta đừng quên rằng, đối với các môn đệ của Đức Ki-tô, thanh bần trước tiên là một ơn gọi theo Đức Giê-su nghèo. Đó là việc bước theo ngài và cùng với ngài, một hành trình dẫn đến hạnh phúc Nước Trời (x. Mt 5,3; Lc 6,20). Thanh bần có nghĩa là một con tim khiêm tốn biết đón nhận thân phận thụ tạo, giới hạn và tội lỗi của mình, để vượt thắng cám dỗ, một thứ cám dỗ cho rằng mình toàn năng và bất tử. Thanh bần là thái độ của tâm hồn ngăn cản ta nghĩ đến tiền bạc, con đường công danh sự nghiệp sang trọng như mục đích cuộc sống và là điều kiện để đạt được hạnh phúc. Đúng hơn chính thanh bần tạo ra những điều kiện để tự do, lãnh nhận trách nhiệm bản thân và xã hội, mặc dù mình có những giới hạn, tín thác vào sự gần gũi của Thiên Chúa và được ơn thánh của Chúa nâng đỡ. Hiểu theo nghĩa đó, thanh bần là thước đo giúp đánh giá và sử dụng đúng đắn những của cải vật chất và sống các liên hệ và tình cảm mà không ích kỷ và chiếm hữu (x. GLCG, các số 25-45).
Vì thế, chúng ta hãy noi gương thánh Phanxico chứng nhân về sự thanh bần chân thực. Chính nhờ ngắm nhìn Đức Ki-tô, Thánh nhân biết nhận ra và phụng sự Chúa nơi người nghèo. Do đó, nếu chúng ta muốn đóng góp để thay đổi lịch sử, tạo nên sự phát triển đích thực thì cần phải lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và dấn thân nâng họ khỏi tình trạng bị gạt ra ngoài lề. Đồng thời tôi nhắc nhở những người nghèo đang sống trong các thành thị và cộng đoàn của chúng ta, đừng đánh mất ý nghĩa sự thanh bần theo tinh thần tin mừng, mà họ mang dấu tích trong cuộc đời họ.
5. Chúng ta biết khó khăn lớn nảy sinh trên thế giới ngày nay trong việc xác định rõ ràng sự thanh bần. Nhưng nó đang gọi hỏi chúng ta mỗi ngày với hàng ngàn khuôn mặt mang dấu vết đau khổ bị gạt ra ngoài lề, bị áp bức, bạo lực, tra tấn, tù đày, chiến tranh, thiếu tự do và phẩm giá, dốt nát và mù chữ, thiếu săn sóc y tế và công ăn việc làm, nạn buôn người va nô lệ, lưu vong và lầm than, bị cưỡng bách di cư. Nghèo đói có khuôn mặt của những người nam nữ và trẻ em bị bóc lột bởi những lợi lộc hèn hạ chạ đạp với những mưu đồ quyền lực và tiền bạc. Chúng ta phải thiết lập danh sách đau thương chẳng bao giờ đầy đủ ấy đứng trước nghèo đói là kết quả của bất công xã hội sự ham hố của một thiểu số và dửng dưng của đại đa số!
Đáng tiếc thời nay ngày càng xuất hiện thứ giàu sang trắng trợn tập trung trong tay một thiểu số người ưu tiên và thường có kèm theo tình trạng bất hợp pháp, sự bóc lột thẳng tay phẩm giá con người gây ra gương mù là sự nghèo đói lan rộng ra trong nhiều lãnh vực xã hội trên thế giới. Đứng trước cảnh tượng ấy, ta không thể giữ thái độ bất động cam chịu. Trước cảnh nghèo cản trở tinh thần sáng kiến của bao nhiêu người trẻ, cản ngăn họ trong việc tìm kiếm một công ăn việc làm. Cảnh nghèo làm tê liệt ý thức trách nhiệm khiến người ta thích ủy việc cho người khác và tìm kiếm những ân huệ. Cảnh nghèo làm ô nhiễm sự tham gia và thu hẹp không gian của sự chuyên nghiệp và hạ giá công trạng của người làm việc và sản xuất. Đứng trước tất cả những tình trạng đó cần có một quan niệm mới về cuộc sống và xã hội.
Chân Phước Phao-lô VI Giáo Hoàng thường nói: tất cả những người nghèo ấy thuộc về Giáo Hội do “quyền của Tin Mừng” (Address at the Opening of the Second Session of the Second Vatican Ecumenical Council, 29 September 1963), và đòi hỏi phải dành ưu tiên cho họ. Vì thế, phúc cho những bàn tay mở ra để đón nhận những người nghèo và cứu giúp họ: Đó là những bàn tay mang lại hy vọng. Phúc cho những bàn tay vượt lên trên mọi hàng rào văn hóa, tôn giáo, quốc tịch đổ dầu an ủi cho những vết thương của nhân loại. Phúc cho những bàn tay mở ra và không đòi được những điều gì bù lại, không đặt điều kiện và do dự (no “ifs” or “buts” or “maybes”): Đó là những bàn tay làm cho phúc lành của Thiên Chúa đổ trên anh chị em.
6. Vào cuối năm thánh lòng Thương Xót, tôi muốn cống hiến cho Giáo Hội Ngày Thế Giới Người Nghèo để trên toàn thế giới các cộng đoàn Ki-tô ngày càng trở nên dấu chỉ cụ thể và rõ ràng về tình yêu thương của Chúa Ki-tô đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất. Thêm vào những ngày Quốc Tế khác do các vị tiền nhiệm của tôi thiết định và nay đã trở thành truyền thống trong các cộng đoàn của chúng ta, tôi muốn lập ngày thế giới người nghèo này để cùng với các ngày thế giới khác mang lại một yếu tốt bổ túc với sắc thái tin mừng tuyệt hảo, đó là sự yêu thương ưu tiên của Đức Giê-su dành cho những người nghèo.
Vì thế, tôi mời gọi toàn thể giáo hội, những người nam nữ thiện chí trong ngày này hãy nhìn vào những người đang giơ tay kêu cứu và xin tình liên đới của chúng ta. Họ là những người anh chị em được Chúa Cha duy nhất trên trời tạo dựng và yêu thương. Ngày này trước tiên nhắm đến khích lệ các tín hữu để họ chống lại nền văn hóa gạt bỏ và phung phí, để đón nhận nền văn hóa gặp gỡ. Đồng thời, tôi mời gọi tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, hãy cởi mở chia sẻ với người nghèo trong mọi hình thức liên đới như dấu chỉ tình huynh đệ. Thiên Chúa đã tạo dựng trời và đất cho tất cả mọi người; nhưng đáng tiếc lại có những người đã dựng nên các biên giới, các tường thành và hào lũy, phản bội món quà nguyên thủy dành cho nhân loại không loại trừ ai.
7. Tôi cầu mong rằng trong tuần lễ trước ngày Thế Giới Người Nghèo, năm nay sẽ là ngày 19 tháng 11, Chúa Nhật 33 Thường Niên, các cộng đoàn Ki-tô dấn thân kiến tạo những cuộc gặp gỡ thân hữu liên đới trợ giúp cụ thể. Có thể mời những người nghèo và những người thiện nguyện cùng tham dự thánh lễ Chúa Nhật Ngày Thế Giới Người Nghèo năm nay là Chúa Nhật 33 Thường Niên, để việc cử hành Lễ Chúa Nhật sau đó, Lễ Chúa Ki-tô Vua càng có tính chất chân thực hơn. Thực vậy, Vương quyền của Chúa Ki-tô biểu lộ trọn ý nghĩa trên đồi Gôn-gô-tha, khi Đấng Vô Tội bị đóng đanh vào thập giá, trần trụi và thiếu thốn mọi sự, trở thành hiện thân và tỏ lộ tình yêu sung mãn của Thiên Chúa. Sự phó thác hoàn toàn của Đức Giê-su cho Chúa Cha trong khi biểu lộ sự nghèo khó hoàn toàn làm nổi bật quyền năng của Tình Yêu ấy làm cho người sống lại cho đời sống mới trong ngày Phục Sinh.
Trong Chúa Nhật này, nếu trong khu xóm chúng ta có những người nghèo tìm kiếm sự bảo vệ và trợ giúp, chúng ta hãy đến gần họ: Đó sẽ là lúc thích hợp để gặp gỡ Thiên Chúa mà chúng ta tìm kiếm. Theo giáo huấn của Kinh Thánh (x. St 18,3-5; Hr 13,2), chúng ta hãy đón nhận họ như những người khách ưu tiên tại bàn ăn của chúng ta; họ có thể là những thày dạy giúp chúng ta sống đức tin một cách phù hợp hơn. Với lòng tín thác và sẵn sàng chấp nhận trợ giúp, họ chứng tỏ cho chúng ta một cách đơn giản nhưng thật vui tươi rằng, sống giản dị và phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa là điều cốt yếu.
8. Nơi nền tảng của bao nhiêu sáng kiến cụ thể có thể thực hiện trong ngày này luôn luôn có việc cầu nguyện. Chúng ta đừng quên rằng Kinh Lạy Cha là kinh nguyện của người nghèo. Thực vậy lời cầu nguyện xin cơm bánh biểu lộ sự phó thác cho Thiên Chúa những nhu cầu sơ đẳng của đời sống chúng ta. Khi Đức Giê-su dạy chúng ta qua kinh nguyện này, biểu lộ và đón nhận tiếng kêu của người đau khổ vì cuộc sống bấp bênh và vì thiếu những điều cần thiết. Khi các môn đệ xin ngài dạy họ cầu nguyện, Đức Giê-su đã rtowr lời họ bằng những lời của người nghèo hướng về Chúa Cha duy nhất, trong đó tất cả đều nhận ra nhau là anh chị em. Kinh Lạy Cha là một kinh nguyện được diễn tả ở số nhiều: bánh chúng ta xin là “của chúng ta” và điều này bao hàm sự chia sẻ và tham gia vào trách nhiệm chung. Trong kinh nguyện này, tất cả chúng ta nhìn nhận nhu cầu phải vượt thắng sự ích kỷ để tiến đến niềm vui đón nhận nhau.
9. Tôi xin các anh em Giám Mục, linh mục và phó tế do ơn gọi, họ có ơn gọi nâng đỡ người nghèo, xin những người sống đời thánh hiến, các hội đoàn và các phong trào cũng như đông đảo những người thiện nguyện, hãy dấn thân để với Ngày Thế Giới Người Nghèo một truyền thống được thiết lập như một đóng góp cụ thể cho việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay.
Vì thế, ngày Quốc Tế mới này trở thành lời kêu gọi mạnh mẽ đối với lương tâm tín hữu chúng ta, để càng ngày chúng ta càng xác tín rằng, chia sẻ với người nghèo giúp chúng ta hiểu Tin Mừng trong chân lý sâu thẳm nhất. Người nghèo không phải là một vấn đề: họ là là một nguồn tài nguyên cần kín múc để đón nhận và sống sự thiết yếu của Tin Mừng.
Vatican ngày 13 tháng 06 năm 2017
Lễ Nhớ thánh An-tôn Pa-đô-va
Tiểu Bôi biên tập và chuyển ngữ
Nguồn tin: zenit.org; https