ĐTC: Sứ điệp ngày thế giới truyền thông lần 51
Thứ tư - 07/06/2017 11:18
1767
“Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi” (Is 43,5). Truyền thông niềm hy vọng và sự tin tưởng trong thời đại chúng ta
MAY 29, 2017ZENIT STAFFFRANCIS Pope With Greg Burke On Papal Flight
Dưới đây là toàn văn thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho ngày Thế Giới truyền Thông xã hội lần thứ 51 ngày 28-05-2017, được cung cấp bởi Tòa Thánh. Văn bản đã được phát hành ngày 24-01-2017, nhân lễ Thánh Phanxico de Sales, bổn mạng của các nhà báo, với tựa đề: “Đừng Sợ, vì ta ở với ngươi: truyền thông niềm hy vọng và lòng tín thác trong thời đại chúng ta”. Ngày thế giới truyền thông được cử hành ở hầu hết các nước vào ngày Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống.
***
“Đừng sợ, có Ta ở với ngươi” (Is 43,5)
Truyền thông niềm hy vọng và niềm tin cậy trong thời đại của chúng ta
Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng – cám ơn những tiến bộ kỹ thuật – làm cho biết bao người có thể chia sẻ những tin tức ngay tức khắc và phổ biến một cách rộng rãi. Những bản tin đó có thể là tốt hoặc xấu, đúng hoặc sai. Các Ki-tô hữu thời trước đã so sánh tâm trí con người với một cối xay quay đều; nó hướng đến chủ cối xay xác định những gì sẽ xay: Lúa tốt hay cỏ dại vô ích. Tâm trí của chúng ta luôn luôn “xay nghiền”, nhưng quan trọng chúng ta chọn những gì cho vào cối (x. Thánh Gioan Cassian, Thư gửi Leontius).
Tôi muốn dùng thông điệp này hướng tới tất cả những ai dù trong công tác chuyên môn hay những tương giao cá nhân của họ giống như cái cối xay đó, “xay ra” hằng ngày những thông tin với mục đích cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng cho những người họ muốn truyền thông. Tôi mong muốn khuyến khích mọi người cam kết trong những cách thức truyền thông xây dựng, ở đó loại trừ sự thành kiến hướng tới người khác và cổ vũ một nền văn hóa gặp gỡ, giúp tất cả chúng ta nhìn thế giới xung quanh mình với chủ nghĩa hiện thực và tin cậy.
Tôi xác tín rằng chúng ta phải phá bỏ vòng tròn luẩn quẩn của sự lo âu và nảy sinh vòng xoắn của sự sợ hãi kết quả từ việc chú chết vào “những tin xấu” (chiến tranh, khủng bố, xì căng đan và tất cả những dạng không có khả năng của con người). Chẳng làm gì được với việc loan tràn những thông tin sai lạc để ỉm đi thảm kịch đau khổ của con người, hay cũng chẳng thể làm gì được khi một sự lạc quan ngây ngô làm đui mù đi sự bê bối của sự dữ. Đúng hơn, tôi đề nghị rằng tất cả chúng ta làm việc để chiến thắng cảm giác của việc tăng dần sự bất mãn và bỏ cuộc điều mà đôi khi có thể sinh ra sự vô cảm, sợ hãi hoặc ý nghĩ rằng sự dữ không có giới hạn (toàn xấu xa). Hơn nữa, trong một nền công nghiệp truyền thông nghĩ rằng tin tốt không bán, và ở đâu thảm kịch đau khổ của con người và mầu nhiệm sự dữ trở nên dễ dàng trong lĩnh vực giải trí, thì nơi đó luôn luôn có cám dỗ để lương tâm của chúng ta có thể bị đần độn hoặc rơi vào chủ nghĩa bi quan.
Vậy thì tôi muốn góp phần để tìm kiếm một loại truyền thông cởi mở và sáng tạo mà không bao giờ tìm cách thu hút điều xấu, sự dữ nhưng thay vào đó là tập trung vào những giải pháp và gợi hứng một lối tiếp cận tích cực và có trách nhiệm đối với những người tiếp nhận. Tôi mong mọi người cung cấp cho người dân của thời đại chúng ta những áng văn là tâm điểm của “Tin mừng”.
Tin Mừng
Cuộc sống không đơn giản là một chuỗi sự kiện đơn độc, nhưng là một lịch sử, một lịch sử đang chờ để được kể qua sự chọn lựa của một đường truyền diễn tả mà có thể chọn lọc và tập hợp các dữ liệu thích đáng nhất. Trong và nơi chính nó, thực tại không có một ý nghĩa rõ ràng. Mọi sự phụ thuộc vào cách mà chúng ta nhìn sự việc, trên những nhãn quan chúng ta thường xem chúng. Nếu chúng ta thay cách nhìn đó, thực tại tự nó xuất hiện khác biệt ngay. Vậy chúng ta có thể bắt đầu “đọc” thực tại qua thấu kính chuẩn như thế nào?
Đối với chúng ta là những Ki-tô hữu, Nhãn quan đó chỉ có thể là tin mừng, khởi đầu với Đoạn Tin Mừng tuyệt vời: “Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Với những từ này, Thánh Mác-cô mở Tin Mừng của ngài không phải bởi liên quan tới “tin mừng” về Đức Giê-su, nhưng đúng hơn tin mừng là chính Đức Giê-su. Thực sự, việc đọc các trang Phúc Âm của ngài, chúng ta học được rằng tựa đề của nó cũng chính là nội dung và trên hết tất cả những thứ khác, nội dung này chính là con người của Đức Giê-su.
Tin Mừng này – Chính là Đức Giê-su – không chỉ tốt lành vì nó không làm gì gây ra đau khổ, nhưng đúng hơn bởi vì chính đau khổ trở thành một phần của bức họa lớn hơn. Nó được xem như một phần trọn vẹn của tình yêu Đức Giê-su dành cho Chúa Cha và cho toàn thể nhân loại. Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thấy sự liên đới của Người với mọi hoàn cảnh sống của con người. Người đã bảo chúng ta rằng chúng ta không cô đơn, vì chúng ta có một Người Cha luôn nhớ đến những đứa con của mình. “Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi” (Is 43,5): Đây là những lời an ủi của một Thiên Chúa đã dìm mình trong lịch sử dân Người. Trong Con yêu dấu của Người, lời hứa thánh thiêng này – “Thầy ở với anh em” – ôm ấp tất cả sự yếu đuối của chúng ta, ngay cả việc chết cái chết của chúng ta. Trong Đức Ki-tô, cả bóng tối và sự chết trở thành một điểm gặp gỡ với Ánh Sáng và Sự Sống. Niềm hy vọng nảy sinh, một niềm hy vọng có thể đến được với mọi người, ở chính bước ngoặt nơi cuộc sống gặp phải sự cay đắng của thất bại. Niềm hy vọng đó không làm thất vọng bởi vì tình yêu của Thiên Chúa đã đổ vào trong trái tim chúng ta (x. Rm 5,5) và làm cuộc sống mới trổ hoa, giống như một chồi non mọc lên từ hạt giống đã được gieo xuống. Nhìn trong ánh sáng này, mọi thảm họa mới xảy ra trong lịch sử thế giới cũng có thể trở thành sự sắp đặt cho tin mừng, vì tình yêu có thể tìm thấy con đường tới gần và làm trỗi dậy những trái tim cảm thông, những khuôn mặt và cánh tay sẵn sàng kiên quyết để xây dựng lại.
Sự tin tưởng vào hạt giống của Nước Thiên Chúa
Đức Giê-su dùng các dụ ngôn để giới thiệu cho các môn đệ của mình và đám đông tới sự lôi cuốn của Phúc Âm này và cho họ một “nhãn quan” đúng đắn cần thiết để nhìn thấy và ôm ấp tình yêu chết đi và sống lại. Người thường xuyên so sánh Nước Thiên Chúa với hạt giống phóng thích tiềm năng của nó cho sự sống đúng đắn khi nó rơi vào lòng đất và chết đi (x. Mc 4,1-34). Dụ ngôn này dùng những hình ảnh và phép ẩn dụ để chuyển tải sức mạnh thầm kín của Nước Thiên Chúa mà không làm mất đi tầm quan trọng và gấp rút của nó; hơn nữa, nó là một con đường nhân từ tạo ra khoảng không gian cho người nghe tự do đón nhận và chiếm được năng lực đó. Nó cũng là một cách hiệu quả nhất để diễn tả sự tôn quý lớn lao của mầu nhiệm Thương Khó, để lại những hình ảnh hơn là những khái niệm để truyền đạt vẻ đẹp ngược đời của cuộc sống mới trong Đức Ki-tô. Trong cuộc sống đó, sự gian khổ và thập giá không làm bế tắc, nhưng mang lại ơn cứu độ của Thiên Chúa; sự yếu đuối minh chứng mạnh mẽ hơn mọi quyền lực của loài người; và thất bại có thể là sự mở đầu cho sự kiện toàn của tất cả mọi việc trong tình yêu. Đây là cách thức niềm hy vọng nơi Nước Thiên Chúa sung mãn và sâu sắc hơn: Nước Thiên Chúa “như một người vãi hạt giống trên đất, dù đêm hay ngày, người ấy có thức hay ngủ, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên” (Mc 4,26-27).
Nước Thiên Chúa thực sự đã hiện diện ở giữa chúng ta, như một hạt giống khó thấy, nhưng bén rễ cách âm thầm. Những ai Thánh Thần ban cho tầm nhìn sâu sắc có thể thấy hạt giống trổ hoa. Họ không để bản thân mình bị cướp lấy niềm vui của Nước Thiên Chúa bởi cỏ lùng xuất hiện thế nào đi nữa.
Những biên cương của Chúa Thánh Thần
Niềm hy vọng của chúng ta đặt nền tảng trên tin mừng là chính Đức Giê-su, tin mừng đó làm chúng ta hướng con mắt của mình chiêm ngắm Chúa trong cử hành phụng vụ lễ Chúa Thăng Thiên. Mặc dù Chúa bây giờ có thể xuất hiện xa hơn, ranh giới của niềm hy vọng mở rộng nhiều hơn. Trong Đức Ki-tô, Đấng mang bản tính nhân loại của chúng ta về trời, mọi người bây giờ có thể tự do “vào cung thánh bởi máu của Đức Giê-su, bằng con đường mới mẻ và sống động Người đã mở cho chúng ta qua bức màn, đó là qua thân xác của người” (Hr 10,19-20). Bằng “sức mạnh của Chúa Thánh Thần”, chúng ta có thể là những chứng nhân và “những nhà truyền thông” của một đoàn dân mới đã được cứu độ “đến tận cùng trái đất” (Cv 1,7-8).
Sự tin tưởng vào hạt giống Nước Thiên Chúa và nơi mầu nhiệm Phục sinh cũng hình thành cách thức mà chúng ta truyền thông. Niềm tin này có thể làm chúng ta thực hiện công việc của chúng ta – bằng tất cả các con đường khác nhau mà truyền thông có thể có ngày nay – với niềm xác tín rằng việc truyền thông có thể nhận ra và làm nổi bật tin mừng hiện diện trong mọi câu chuyện và trong khuôn mặt của từng người.
Trong niềm tin, những ai tín thác bản thân cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần sẽ nhận ra cách Thiên Chúa hiện hiện và hoạt động trong mọi thời khắc của cuộc sống và lịch sử của chúng ta, bền chí mang qua một lịch sử cứu độ. Niềm hy vọng là sợi chỉ với lịch sử thánh này được thêu dệt, và người thợ may không phải ai khác hơn là chính Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi. Niềm hy vọng là nhân đức khiêm nhường nhất, vì nó giữ sự kín đáo niềm hy vọng của cuộc sống; nó giống như nắm men làm dậy men cả đấu bột. Chúng ta nuôi dưỡng nó bằng việc đọc lại Phúc Âm, “được tái bản” trong rất nhiều bản dịch nơi cuộc sống của các thánh, những người trở thành những hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới này. Ngày nay, Thánh Thần vẫn tiếp tục gieo trong chúng ta sự khao khát Nước Thiên Chúa, xin cám ơn tất cả những người đang rút ra cảm hứng từ Tin Mừng trong những biến cố gây ấn tượng của thời đại chúng ta, chiếu sáng như những đèn hiệu trong bóng tối của thế giới này, đổ ánh sáng dọc theo con đường và mở ra những con đường mới của sự tin tưởng và hy vọng.
Từ Vatican, ngày 24-01-2017
FRANCISCUS
Tác giả: Tiểu Bôi chuyển ngữ
Nguồn tin: zenit.org