Hội Bắc nhạc mừng sinh nhật 100 tuổi
Chủ nhật - 23/08/2020 21:06
1637
Hồ-xang-xé-xự ngân nga
Tiếng hồ tiếng nhị hợp hòa tiếng tam
Song loan, sáo trúc nhịp nhàng
Tỏa lan đến tận ngai vàng thánh nhan.
Hội Bắc nhạc Đền thánh Thức Hóa tổ chức thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa, mừng kính thánh Augustinô quan thầy và long trọng kỷ niệm 100 năm thành lập hội lúc 17g30 thứ Bảy, 22/8/2020. Cha xứ Đaminh Lê Đức Hòa chủ tế, thày Phó tế Phê-rô Vũ Tuyến giúp bàn thờ và công bố Tin Mừng, rất đông giáo dân sốt sắng tham dự thánh lễ để tạ ơn Chúa và cầu nguyện đặc biệt cho Hội nhân kỷ niệm 100 năm thành lập.
Dẫn nhập chia sẻ Tin Mừng CN XXI TNA (Mt 16,13-20), cha xứ đã phân tích đặc tính các âm thanh trong bộ “Bát âm”: 1/ Mộc (các nhạc cụ bằng gỗ như mõ, song loan, trắc); 2/ Bào = Bầu (đàn bầu); 3/ Ti = tơ (các nhạc cụ kéo, gảy bằng dây tơ như hồ, nhị, tam, tứ, nguyệt, tranh…); 4/ Trúc (các nhạc cụ bằng tre như sáo, tiêu, quyển); 5/ Kim (các nhạc cụ bằng kim loại như tiểu kỉnh, thanh la, não bạt, mèn, cồng, chiêng…); 6/ Bì (các nhạc cụ bằng da như trống); 7/ Thổ (các nhạc cụ bằng đất nung như đàn bát, đàn đĩa); 8/ Thạch (các nhạc cụ bằng đá như đàn đá)… Các loại vật liệu này nói tới trong Kinh thánh và ngay trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa phán cùng Phê-rô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô nghĩa là Tảng Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Như vậy, ngoài đặc tính vững chắc, đá còn có thể phát ra âm thanh vang vọng đến nhân gian để ca ngợi Thiên Chúa, cuốn hút con người đến với Ngài. So sánh danh mục trong “bát âm”, Thức Hóa còn thiếu 2 loại nhạc cụ là “thổ” và “thạch” vì 2 loại nhạc cụ này quá nặng và cồng kềnh, khó có thể đưa đi phục vụ các cuộc rước. Do đó, tiền nhân đã gọi là hội “Bắc nhạc”, nghĩa là các loại nhạc cụ du nhập đến từ phương Bắc, cũng có thể hiểu là sự kết nối như: bắc cầu, bắc thang, bắc nhịp…
Sau Thánh lễ, tiệc mừng lễ được tổ chức tại gia đình ông bà Vinc. Đinh Hồng Ân, trưởng hội đương nhiệm. Vì lý do sức khỏe, cha xứ Thức Hóa không đến dự. Bù lại, được cha Antôn Đinh Mạnh Hùng chánh xứ Xuân Dục, nguyên chánh xứ Thức Hóa là đại ân nhân của hội đến dự để cổ vũ cho hội. Xin được nói thêm: Từ bài giảng của cha xứ, liên hệ với lịch sử Làng Thức Hóa, ta thấy: Bộ môn bát âm (bắc nhạc) chính là cây cầu nối cho cụ đồ Quý, (gốc Phú Nhai) người rất sành chơi các loại nhạc cụ cổ truyền, được làm quen, rồi trở nên thân tình với quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, một người rất am hiểu và hâm mộ “món ăn tinh thần” này. Từ tình cảm quen thân ấy, khi cho đắp đê khoanh vùng khai hoang bãi sú vẹt phía tả ngạn ven cửa sông Sò (1827), quan Dinh điền đã gợi ý cho cụ Đồ Quý đại diện cho 31 suất đinh đệ đơn xin lập ấp và ưu tiên cho cụ được chọn khoảng đất “ngon” nhất để lập ấp. Khi giáo họ Thức Hóa được thành lập (1845), cụ Đồ Quý vẫn tiếp tục tập luyện cho các con cháu và những người hâm mộ để đưa vào phục vụ giáo họ. Năm 1917, Thức Hóa được Bề trên địa phận phong lên hàng giáo xứ, ban nhạc cổ truyền này vẫn được hân hạnh phục vụ trong các cuộc rước và lễ lớn. Năm 1920, cha xứ Đaminh Cảnh đã cho phép chính thức thành lập hội Bắc nhạc Thức Hóa gồm 20 hội viên do ông Đaminh Đinh Viết Vạn, cháu nội cụ đồ Quý làm trưởng hội. Từ đó hội đã vượt qua bao thăng trầm để duy trì và phát triển. Cho đến nay, hội vẫn duy trì được các bài nhạc cô truyền như: Lưu thủy, Điểm tinh, Lâm khốc theo phong cách nhạc ngũ cung: hồ-xang-xe-liu-công, nhạc cụ cũng không pha trộn “nửa tây nửa tàu”.
Được sự hướng dẫn của cha xứ Antôn Đinh Mạnh Hùng, hội đã tôn nhận thánh Augustinô làm quan thầy và tổ chức mừng lễ Quan thầy lần thứ nhất ngày 28/8/2015. Từ ngày có thánh Quan thầy nâng đỡ, hội càng phát triển mạnh, đã kết nạp được gần 20 hội viên nữ; sắm được kiệu, tòa và tượng quan thầy. Đặc biệt hội đã sắm thêm 02 cây đàn hồ vào loại khủng, có đường kính bầu 50cm, rọc cần cao 1,80m. Mỗi dịp mừng lễ kính quan thầy, hội tự phục vụ thánh lễ cả nhạc, cả hát từ A đến Z một cách sốt sắng. Trước giờ rước và thánh lễ khai mạc tuần chầu Thức Hóa (14/8/2020), được gặp gỡ và nói về việc hội Bắc nhạc Thức Hoá sắp tổ chức kỷ niềm 100 năm thành lập, cha Tổng đại diện Giuse Nguyễn Đức Giang, cha xứ Thức Hóa và cha xứ An Đạo đã đánh giá: “Giáo phận Bùi Chu chưa có hội đoàn nghệ thuật nào (kèn, trống, trắc, bát âm…) có tuổi “thọ” 100. Nếu đúng là như thế thì hội Bắc nhạc Thức Hóa là hội đầu tiên có được vinh dự này.
Xin hợp cùng hội tạ ơn Chúa, Đức Mẹ và Thánh quan thầy.
Tác giả: Đaminh Đinh Năng