Đại dịch Covid 19, thiếu vắng thánh lễ cộng đoàn
Thứ tư - 01/04/2020 06:17
2963
Bùi Chu, 01/04/2020 (gpbuichu.org) – Đại dịch cúm Vũ Hán đã tính đến đầu giờ chiều nay, thứ Tư, ngày 01/04/2020, đã làm 860.954 người bị nhiễm bệnh và 42.368 người bị tử vong trên toàn thế giới, trong đó tại Hoa Kỳ với 189.284 người bị nhiễm và 4.070 người chết; Italia với 105.792 người bị nhiễm và 12.428 người thiệt mạng; Tây Ban Nha với 95.923 người bị nhiễm bệnh và 8.464 người chết, Trung Quốc 82.631 người bị nhiễm và 3.321 người chết; Pháp 52.128 người bị nhiễm và 3.532 người chết; Anh quốc với 25.150 người bị nhiễm và 1789 người bị chết… Con số cứ tang vùn vụt đến nỗi vào thời điểm Anh quốc có trên dưới 1.000 người bị thiệt mạng thì một vị chức trách trong bộ Y Tế của nước này cho rằng nếu cầm cự được ở mức 20.000 người tử vong cho đến khi kết thúc đại dịch thì đã là may mắn lắm rồi.
Đại dịch hoành hành trên diện rộng toàn thế giới chứ không có vùng cấm và làm đảo lộn tất cả các nếp sinh hoạt hàng ngày. Tất cả các nguyên thủ, các nhà khoa học, các bác sĩ cũng như các giới chủ hãng xưởng sản xuất đều phải bận tâm. Riêng về kinh tế, chắc chắn các nước trên toàn thế giới đều bị ảnh hưởng trầm trọng.
Một con vi khuẩn không thể nhìn bằng mắt thường lại có thể tàn phá và gây tổn thất nặng nề cho nhân loại như vậy. Sự phát minh của khoa học trong lãnh vực giao thông như tàu siêu tốc là tinh hoa của nhân loại mà vẫn còn kém xa ở tốc độ siêu lây nhiễm trên toàn thế giới của con vi khuẩn covid 19 vốn không tay chân mà di chuyển thần tốc như vậy.
Không phải trong thời chiến tranh và loạn lạc nhưng các cộng đoàn kitô hữu đang phải sống chẳng khác gì trong thời đó. Không phải trong thời cấm cách bắt bớ đạo, mà các tín hữu đang phải sống y hệt như vậy. Ngay giữa thời bình và trong một thế giới văn minh cùng với các tiến bộ xã hội, thế mà nhiều cộng đoàn tín hữu đã không thể tiếp tục duy trì các buổi cầu nguyện, sinh hoạt và tham dự thánh lễ được nữa. Phần đa các giáo phận trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã phải ngưng tất cả các buổi cử hành thánh lễ cho giáo dân cũng như các sinh hoạt của đoàn hội. Tính đến mức độ trầm trọng của đại dịch, các đấng bản quyền giáo phận từ thành phố đến thôn quê, từ miền xuôi lẫn miền ngược đã lần lượt kể từ sau Lễ Truyền Tin vào ngày 25/03 cho đến trước Chúa Nhật V Mùa Chay, tức ngày 29/03, ra thông cáo để hướng dẫn các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu trong hoàn cảnh đặc biệt này, trong đó ứng dụng thời kỹ thuật số cho việc tham dự thánh lễ trực tuyến.
Diễn biến đại dịch chưa có điểm dừng. Không ai đoán chắc con số thiệt mạng sẽ lên đến bao nhiêu với tốc độ leo thang chóng mặt như thế giới đang chứng kiến. Trong khi trông chờ các nhà khoa học sớm tìm ra vác xin phòng đại dịch và phương thuốc để chữa trị, thì mỗi người, mỗi gia đình và mỗi cộng đoàn giáo xứ và dòng tu cần phải trang bị cho mình những kiến thức cụ thể để phòng ngừa đại dịch và cần tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn của giới y tế, trong đó cần tránh hạn chế di chuyển, tụ họp hoặc tiếp xúc, và cần thực hiện các công việc vệ sinh, rửa tay và đeo khẩu trang cần được mọi người tuân thủ.
Vì sinh mạng của mình và của cộng đồng, việc cách ly của mỗi người, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng dân cư trong thời gian ấn định cần phải được thực hiện một cách ý thức. Riêng mỗi tín hữu cần tiếp tục cầu nguyện, chay tịnh cũng như các việc làm hữu ích trong Mùa Chay thánh này và nhất là cần tín thác vào lòng thương xót của Chúa để Ngài thương nhân loại mà làm cho cơn đại dịch cúm này sớm chấm dứt. Nhờ vậy, cuộc sống sinh hoạt thường ngày và các công việc lao động sản xuất và học hành sớm được trở lại bình thường.
Tăng Kỳ Mục