Đại dịch covid 19, những con số đáng chú ý
Thứ bảy - 11/04/2020 07:11
2211
Bùi Chu, 11/04/2020 (gpbuichu.org) – Chưa bao giờ toàn thế giới lại không thể cử hành Tam Nhật Thánh vốn là đỉnh điểm của năm phụng vụ và đời sống đức tin như những gì đang diễn ra trước đại dịch cúm Vũ Hán. Đây là một thiệt thòi lớn đối với các kitô hữu. Tuy nhiên, những thiệt hại về nhân mạng còn là tổn thất không thể nào phục hồi. Tính đến hôm nay, thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 11/04/2020, con số ca bị nhiễm đã vượt quá 1,5 triệu và số người bị tử vong đã vượt qua mốc 100 ngàn (cụ thể là 1.659.651 người bị nhiễm và 102.534 người thiệt mạng, chiếm 6,1%).
Như vậy tỷ lệ tử vong chung của toàn thế giới được tính trong vòng 5 ngày qua đã tăng từ 5,4% vào hôm 06/04/2020 lên đến 6,1% vào hôm nay.
Đáng chú ý nhất là Hoa Kỳ, với 500.644 trường hợp bị nhiễm và 18.731 người bị chết với tỷ lệ 3,7% đang là nước có nhiều người nhiễm và nhiều người chết nhất so với các nước khác trên thế giới. Riêng con số người bị nhiễm thì nước này đã chiếm đến 1/5 trong tổng số của toàn thế giới. Tỷ lệ chết trong 5 ngày vừa qua cũng từ 2,8% tăng lên 3,7% vào hôm nay.
Ngoài ra, cường quốc số 1 thế giới này còn có một ngày đại tang tóc hôm nay với hơn 2.000 người bị thiệt mạng.
Nước bị tổn thất về nhân mạng nhất châu Âu vẫn là Italia với 147.577 người bị nhiễm và 18.849 người thiệt mạng (vẫn duy trì ở mức 12,7%). Như vậy, con số tử vong ở quốc gia này đang chạm dần đến cột mốc là 2 vạn người.
Trong khi đó, Pháp đã nổi lên tại châu lục này như là nước thứ ba có số người tử vong cao nhất (90.676 ca bị nhiễm và 13.197 người thiệt mạng, chiếm tỷ lệ 14,5%). Như vậy quốc gia này được biết đến với thủ đô Ba Lê tráng lệ đã chiếm ngôi đầu bảng về tỷ lệ tử vong từ nước láng giềng là Italia đã lập từ 5 ngày trước với tỷ lệ 12,3%.
Cũng một quốc gia có vị thế khác ở phương Tây là Anh Quốc mà tại đây kể cả các thành viên của hoàng gia như thái tử Charles, bộ trưởng Y tế và cả thủ tướng đều bị nhiễm dịch cúm, thậm chí người đứng đầu nội các đã phải cấp cứu, với 70.272 trường hợp bị nhiễm và 8.958 người bị tử vong, đang tăng nhẹ từ 10,3% lên 10,9%.
Điều đáng nói là quốc gia này hầu như chạm tới một nửa tổng số người tử vong mà nhà chức trách dự kiến cho tới khi đại dịch kết thúc là khoảng 2 vạn người.
Dù là con số bị nhiễm mới tại các quốc gia có chững lại, nhưng vì con số cũ được tính là hàng vạn nên tỷ lệ tử vong vẫn đáng kể mà như thống kê trong bài viết này cho thấy.
Nguyên tắc bất di bất dịch của sự lây nhiễm được tính bằng cấp số nhân, chứ không phải là cấp số cộng. Do đó, chỉ với một bệnh nhân số zêrô ban đầu lây chỉ lây nhiễm cho hai hoặc ba người rồi những bệnh nhân này lại truyền nhiễm cho hai hoặc ba người khác nữa thì sau hai tháng sẽ tăng lên con số khủng khiếp là gần 60.000 trường hợp.
Đấy là chưa kể những trường hợp bệnh nhân có mối giao thiệp rộng với rất nhiều người từ 90 người hoặc trên 100 người cộng với sự di chuyển trên địa bàn rộng mà một vài ngày sau đó mới được phát hiện thì cứ với số những người tiếp xúc lớn như vậy và thực hiện phép tính theo cấp số nhân rồi cộng lại sau một thời gian khoảng hai tuần hoặc ba tuần thì con số bị lây nhiễm sẽ thật là khủng khiếp.
Ngoài ra còn phải kể đến những trường hợp ủ bệnh mà không có biểu hiện ra bên ngoài cũng là tác nhân đẩy cao tốc độ lây nhiễm ra cho cộng đồng xã hội.
Vì thế, người của tổ chức Y tế thế giới hôm nay đã cảnh báo rằng nạn dịch sẽ bùng phát trở lại khi mà một số nước nới lỏng lệnh giới nghiêm hay cho phép một số các hãng xưởng và một số công việc được sinh hoạt trở lại.
Trong khi chưa có vác xin để phòng ngừa và chưa có phương phương thuốc chữa trị, nhất là chưa biết khi nào mới kết thúc thì sự cẩn trọng của mỗi người, mỗi gia đình và từng khu vực dân cư vẫn là điều cần thiết để dập dịch và tránh bị lây nhiễm và truyền nhiễm.
Ngoài ra cũng cần phải đặt vào tình trạng xấu nhất để phòng ngừa chứ không được chủ quan mà xem thường tính mạng của mình và người khác.
Tăng Kỳ Mục