Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm 2024 lần thứ 110

Thứ sáu - 07/06/2024 00:23  657

 

b3fd0b46 5e4b 44d8 bb21 607f3b2b80a0


Trong buổi họp báo hôm mồng 03.06 tại Vatican, Đức Hồng y Michael Czerny, SJ, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã giới thiệu Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm 2024 với chủ đề: “Thiên Chúa đồng hành với dân Ngài”. Năm nay, ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 110 sẽ được cử hành vào Chúa nhật ngày 29.09.2024. Sau đây là toàn văn Việt ngữ Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
 

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỊ NẠN

LẦN THỨ 110, NĂM 2024
 

Thiên Chúa đồng hành với dân Ngài

Anh chị em thân mến!

Khoá đầu tiên Đại hội Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới đã kết thúc vào ngày 29.10.2023, điều này cho phép chúng ta đào sâu hơn về tính hiệp hành được hiểu như một ơn gọi cơ bản của Giáo hội. “Tính hiệp hành chủ yếu được trình bày như một cuộc hành trình chung của Dân Thiên Chúa, như một cuộc đối thoại hữu hiệu giữa các đặc sủng và mục vụ nhằm phục vụ sự xuất hiện của Vương quốc” (Báo cáo tổng hợp, Nhập đề).

Việc nhấn mạnh vào chiều kích hiệp hành cho phép Giáo hội tái khám phá bản chất lữ hành của mình, với tư cách là Dân Chúa trên hành trình xuyên suốt lịch sử, trong cuộc lữ hành, mà chúng ta có thể nói là “cuộc di cư”, tiến về Nước Trời (x. Hiến chế Lumen Gentium, 49). Trình thuật Kinh Thánh về Cuộc Xuất Hành, diễn tả cuộc hành trình của dân Israel tiến về miền đất hứa, hiện lên cách tự nhiên trong tâm trí chúng ta: đó là một cuộc hành trình dài từ nô lệ đến tự do, báo trước cuộc hành trình của Giáo Hội hướng tới cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa.

Tương tự như vậy, có thể thấy nơi những người di cư của thời đại chúng ta, cũng như của mọi thời đại, một hình ảnh sống động về Dân Chúa đang tiến về quê hương vĩnh cửu. Hành trình hy vọng của họ nhắc nhở chúng ta rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Ðức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20).

Hình ảnh cuộc xuất hành trong Kinh thánh và hình ảnh những người di cư có nhiều điểm tương đồng. Giống như dân Israel vào thời Môsê, những người di cư thường chạy trốn khỏi những tình trạng bị áp bức, ngược đãi, bất an, phân biệt đối xử, và thiếu cơ hội phát triển. Giống như dân Do Thái trong sa mạc, những người di cư cũng gặp phải nhiều trở ngại trên lộ trình: họ bị thử thách vì cái đói và cái khát; họ bị kiệt sức vì cực nhọc và bệnh tật; và họ bị cám dỗ vì tuyệt vọng.

Tuy nhiên, thực tại nền tảng của cuộc Xuất Hành, của mọi cuộc xuất hành, là Thiên Chúa đi trước và đồng hành với Dân Ngài cũng như với tất cả con cái Ngài ở mọi nơi và mọi thời. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa đoàn dân là điều chắc chắn của lịch sử cứu độ: “Chính Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi với anh em; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh em” (Đnl 31,6). Đối với những người rời khỏi Ai Cập, sự hiện diện này được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: cột mây và cột lửa dẫn đường và soi đường (x. Xh 13,21), Lều Hội ngộ vốn canh giữ Hòm Giao ước, làm cho sự gần gũi của Thiên Chúa trở nên hữu hình (x. Xh 33,7), cây gậy với con rắn đồng bảo đảm sự bảo vệ của Thiên Chúa (x. Ds 21,8-9), manna và nước (x. Xh 16-17) là quà tặng của Thiên Chúa dành cho những người đói khát. Lều là một hình thức hiện diện được Chúa đặc biệt yêu thích. Trong triều đại Đavít, Thiên Chúa đã chọn ở trong lều chứ không ngự trong đền thờ để có thể đồng hành với dân Ngài, “từ lều này sang lều khác, từ nhà này đến nhà khác” (1 Sb 17,5).

Nhiều người di cư cảm nghiệm Thiên Chúa như người bạn đồng hành, người hướng dẫn, và là chiếc neo cứu độ của mình. Họ phó thác bản thân mình cho Thiên Chúa trước khi lên đường và hướng về Ngài trong những lúc cần thiết. Nơi Thiên Chúa, họ tìm thấy niềm an ủi trong những lúc tuyệt vọng. Nhờ Ngài mà trên đường đi có những người Samaritanô tốt lành. Với Ngài, họ giãi bày niềm hy vọng của mình trong cầu nguyện. Biết bao cuốn Kinh Thánh, sách Phúc âm, sách cầu nguyện và tràng hạt mân côi đồng hành với những người di cư trên hành trình băng qua các sa mạc, sông ngòi, biển cả và biên giới của mọi châu lục!

Thiên Chúa không chỉ đồng hành với Dân Ngài, mà còn ở giữa họ, theo nghĩa là Ngài đồng hóa mình với những người nam nữ trong hành trình xuyên suốt lịch sử, - nhất là với những người rốt hết, với những người nghèo và với những người bị gạt ra bên lề xã hội -, như một sự kéo dài của mầu nhiệm Nhập Thể.

Đây là lý do tại sao cuộc gặp gỡ với người di cư, cũng như với bất kỳ anh chị em nào đang gặp khó khăn, “cũng là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Chính Ngài đã phán như vậy. Chính Ngài là người gõ cửa nhà chúng ta, là người đói, khát, là khách lạ, trần truồng, đau yếu, bị cầm tù, xin được tiếp nhận và giúp đỡ” (Bài giảng, Thánh lễ dành cho Tham dự viên Cuộc họp “Đừng sợ hãi”, Sacrofano, ngày 15.02.2019). Cuộc phán xét chung trong Tin Mừng Matthêu (Mt 25) không còn nghi ngờ gì nữa: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (c. 35); và một lần nữa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c. 40). Do đó, mỗi cuộc gặp gỡ trên đường là một cơ hội gặp gỡ Chúa; và là một cơ hội đầy ơn cứu độ, vì Chúa Giêsu hiện diện nơi anh chị em đang cần sự giúp đỡ của chúng ta. Theo nghĩa này, người nghèo cứu chúng ta, bởi vì họ giúp chúng ta gặp được dung nhan của Chúa (x. Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ III, ngày 17.11.2019).

Anh chị em thân mến, nhân ngày dành riêng cho những người di cư và tị nạn, chúng ta hãy hiệp nhất cầu nguyện cho tất cả những ai đã phải rời bỏ quê hương của mình để tìm kiếm những điều kiện sống xứng nhân phẩm. Chớ gì chúng ta biết cùng đồng hành với họ, cùng nhau thực hiện sự “hiệp hành” và chúng ta hãy phó thác họ, cũng như Khoá họp Thượng hội đồng sắp tới, “cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, dấu chỉ của niềm hy vọng và niềm an ủi chắc chắn cho Dân trung thành của Thiên Chúa khi họ tiếp tục cuộc hành trình của mình” (Báo cáo tổng hợp Đại hội thường lệ XVI: Tiếp tục hành trình).

 

LỜI CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng,
chúng con là Giáo hội lữ hành của Chúa
đang trên đường tiến về Nước Trời.
Mỗi chúng con sống trên quê hương của mình,
nhưng như thể chúng con là ngoại kiều.
Mỗi miền xa lạ đều là quê hương của chúng con,
Song mỗi miền quê cha đất tổ đều là một vùng đất xa lạ với chúng con.
Dù sống trên trần gian,
nhưng chúng con là công dân đích thực của quê trời.
Xin đừng để chúng con trở thành chủ sở hữu
phần đất mà Chúa đã trao cho chúng con như một ngôi nhà tạm thời.
Xin giúp chúng con tiếp tục bước đi,
cùng với anh chị em di dân
tiến về ngôi nhà vĩnh cửu mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng con.
Xin mở rộng đôi mắt và con tim của chúng con
để mỗi cuộc gặp gỡ với những ai cần giúp đỡ
trở thành một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Con Chúa và là Chúa chúng con.
Amen.

 

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Lateranô, ngày 24 tháng 05 năm 2024, Lễ nhớ Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu.

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (03. 06. 2024)

TIN BÀI KHÁC


***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm59
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay30,267
  • Tháng hiện tại491,314
  • Tổng lượt truy cập77,285,562
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây