Nạn an tử hay kết liễu mạng sống người già, người bệnh theo lời yêu cầu của đương sự ngày càng lan rộng, 20 năm sau khi luật này được ban hành tại Hòa Lan.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho báo Công giáo “Tương Lai” (Avvenire) ở Ý, Đức cha Johannes Hendricks, Giám mục Giáo phận Amsterdam, thủ đô Hòa Lan, cho biết ngày nay tại nước này, hầu như mỗi người dân đều có một thân nhân hoặc bạn hữu kết thúc cuộc sống của mình theo thể thức “an tử”, Euthanasia.
Đức cha Hendricks nói: An tử, xét về một vài khía cạnh, cũng giống như phá thai, nó tạo nên cùng những thay đổi sâu xa trong não trạng con người: nó tạo cho bạn cảm tưởng bạn có thể có mọi sự bạn muốn, khi nào bạn muốn, kể cả cái chết. Trong khi vấn đề đích thực đằng sau an tử là sự cô đơn. Nó tước bỏ ý nghĩa sự sống, và khi bệnh tật xuất hiện, một người không muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Đó cũng là lý do tại sao người ta thường cảm thấy thoải mái hơn, khi được chuyển tới nhà dưỡng lão hoặc trung tâm săn sóc người già, vì họ không cô đơn và xảy ra là trong những tình cảnh đó, họ có thể hy vọng người thân sẽ viếng thăm thường xuyên hơn.
Đức Giám mục giáo phận Amsterdam cũng nhìn nhận rằng não trạng an tử ngày càng lan rộng. Hai dự luật đã được đệ trình quốc hội để nới rộng việc áp dụng an tử cho các trẻ em, từ 13 tuổi, hoặc người già trên 75 tuổi, mặc dù họ không mắc bệnh nan y hoặc không ở giai đoạn cuối đời, nhưng chỉ vì họ thấy mệt mỏi chán nản, không muốn sống nữa. Đức cha nói: “Có thể là hai dự luật trên đây sẽ được thông qua. Tôi biết đó là điều đáng buồn, nhưng thực tế là như vậy. Chủ nghĩa cá nhân trong xã hội Hòa Lan quá mạnh và vì trên bình diện chính trị, không có sự chống đối mạnh đối với các dự luật này”.
Đức cha cho biết Giáo hội Hòa Lan cố gắng chống lại việc cho an tử như thế. Đức Hồng y Giáo chủ Willem Eijk, Tổng giám mục Utrecht, vốn là một bác sĩ y khoa và chuyên gia đạo đức sinh học, đã đóng góp nhiều trong lãnh vực này, nhưng Công giáo tại Hòa Lan đã mất vị thế quan trọng. Từ 45 năm nay không còn một Giáo hội sinh động tại đây nữa. Chỉ có 45% dân Hòa Lan coi mình là tín hữu và chỉ có 2% người Công giáo đi nhà thờ. Tình trạng tinh thần của quốc gia này người ta cũng thấy rõ qua tỷ lệ cao số người tự tử. Thống kê cho thấy mỗi ngày có năm người Hòa Lan tự tử. Thêm vào đó là 189 vụ trợ tử. Hòa Lan đang cần một sự hồi sinh về tôn giáo.
(Ekai 28-2-2023)