Có thực là “triết hâm”?
Chủ nhật - 29/10/2017 04:18
4692
Triết học thường được xếp vào một trong các bộ môn khô khan nhất, khó hiểu, rắc rối và vô vị nhất trong các ngành khoa học. Những người dạy triết và học triết thường hay bị dán cho cái nhãn là “ triết hâm”. Tản mạn đôi điều xung quanh việc suy tư triết học, hy vọng sẽ giúp người đọc hiểu được phần nào bản chất của ngành khoa học này, để rồi đưa ra cho mình một thái độ cụ thể với triết học.
Nhiều người nghĩ rằng họ vẫn có thể sống yên ổn mà chẳng cần phải suy tư triết học. Thực tế cho thấy không thiếu những trường hợp cuộc sống con người chẳng những không tốt hơn mà còn trở nên phức tạp, phiền toái khởi đi từ những suy tư triết học. Đó đây vẫn có những người sống ung dung, tự tại mà họ chưa hề nghe biết thế nào là suy tư triết học. Hơn thế nữa, trong triết học, người ta phải thừa nhận có và có nhiều những sai lạc, những lẩm cẩm, mà hậu quả nó để lại còn tai hại và khủng khiếp hơn những lệch lạc trong các ngành khoa học khác. Bằng chứng cụ thể: nếu không có tư tưởng của các triết gia Đức, thì đã chẳng có phong trào Phát xít, chẳng có những cuộc chiến và chẳng có những con người vô tội phải chết oan…
Một câu hỏi đặt ra: Liệu con người có thực sự cần đến suy tư triết học không? hay triết học chỉ là thứ rác rưởi, là ung nhọt cần phải được cắt bỏ?
Ai trong chúng ta cũng phải công nhận bản chất con người không cho phép ta an nhiên sống như một con vật. Chính Pascal đã từng nói: “Con người là cây sậy biết suy tư”. Bởi lẽ, con người luôn chất chứa khát vọng tìm kiếm để đi đến cái tận căn của vạn sự trong vũ trụ và những gì hiện hữu xung quanh mình. Cái khát vọng ấy được gọi tên là “nhu cầu hiếu tri”, nghĩa là ý thích tìm hiểu để biết mọi sự, khởi đi từ khả năng phản tỉnh. Điều đó có nghĩa là tôi không chỉ sống, nhưng tôi còn phải biện minh được lý do sống của tôi.
Hơn nữa, cho dù triết học có nhiều bất toàn, cũng giống như sự hữu hạn trong thân phận con người, thì dường như con người vẫn không thể sống mà ngừng suy tư triết học. Bằng chứng là nơi nào có bước chân con người thì nơi đó cũng có dấu vết của suy tư. Trong tất cả các nền văn minh của nhân loại hay ở bất cứ nơi đâu, thực chất triết học vẫn có một chỗ đứng.
Như đã nói trên, người ta biện minh họ có thể sống mà không cần triết lý, thì thật ra cái kiểu nói “không cần triết lý”, như thế tự thân nó đã lại là một triết lý. Mỗi người trải qua dòng thời gian với những kinh nghiệm sống của riêng mình, đều hình thành nên triết lý rất riêng của mỗi người. Bất cứ ai dù là người thế nào cũng đều có triết lý sống của riêng mình, cho dù triết lý đó là “không cần triết lý gì cả”.
Nếu triết học hàm hồ, đó là vì nó gắn liền với chính sự hàm hồ và bất tất của thân phận con người; triết lý có lệch lạc, là vì chính thân phận con người luôn phải bước đi giữa ánh sáng và bóng tối; triết lý có vô nghĩa thì cũng là bởi con người đã chấp nhận cho mình một lời giải đáp quá dễ dãi rồi. Thành ra, không thể vì những hàm hồ, những lệch lạc, hay những điều vô nghĩa, mà ta lại nông nổi kết luận rằng triết lý là hâm, là vô bổ. Trái lại, ta phải nhận ra rằng, chính vì những điều đó mà cuộc sống của chúng ta cần đến triết lý và suy tư triết lý hơn bao giờ hết.
Bản thân triết học không hề có tội, mà tội là do quan niệm đổ thừa của con người khi suy tư về nó. Cũng thế, triết học không phải là “triết hâm” và những người yêu thích suy tư không phải là những người hàm hồ. Đã một lần sinh ra trong cuộc đời này, con người cần phải suy tư và đó cũng chính là câu trả lời cho tất cả mọi nghi ngờ.